I. KIẾN THỨC CẦN NHỚ

1. Tính chuẩn xác trong văn bản thuyết minh

(1) Tính chuẩn xác và một số biện pháp đảm bảo tính chuẩn xác của văn bản thuyết minh

Chuẩn xác là yêu cầu đầu tiên và cũng là yêu cầu quan trọng nhất của mọi văn bản thuyết minh. Để đạt được sự chuẩn xác của văn bản thuyết minh, cần chú ý đến một số điểm sau đây :

– Tìm hiểu thấu đáo trước khi viết. Ví dụ : để thuyết minh một thắng cảnh, cần đến tận nơi quan sát, ghi nhận; để thuyết minh một cuốn sách, phải đọc đi đọc lại nhiều lần để nắm vững cuốn sách đó.

– Thu thập đầy đủ tài liệu tham khảo về đối tượng cần thuyết minh – đặc biệt những tài liệu có giá trị của các chuyên gia, các nhà khoa học có tên tuổi, các cơ quan có thẩm quyền về vấn đề cần thuyết minh.

– Chú ý đến thời điểm xuất bản của các tài liệu để có thể cập nhật thêm những tài liệu, con số,… mới nhất (ví dụ : về số dân, sản lượng hàng năm,…).

– Nếu có điểm nào còn nghi ngờ, chưa rõ cần hỏi thêm những người có kinh nghiệm hoặc trao đổi thêm với bạn bè để hiểu đúng vấn đề cần thuyết minh.

Để đảm bảo tính chuẩn xác, những tri thức trong văn bản thuyết minh phải có tính khách quan, khoa học, đáng tin cậy – mới thực sự có ích cho người đọc, người nghe.

(2) Luyện tập

Gợi ý trả lời các bài tập :

a) Câu viết trong bài thuyết minh về chương trình học ở lớp 10 không chuẩn xác, vì ngoài văn học dân gian, học sinh còn được học văn học viết thời trung đại và văn học nước ngoài. Viết “văn học dân gian (ca dao, tục ngữ, câu đố)” cũng không chuẩn xác, vì ở lớp 10, phần văn học dân gian học sinh không học tục ngữ, câu đố mà học sử thi, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, ca dao và truyện thơ. Cách diễn đạt ý trong câu viết cũng chưa chuẩn xác mà phải viết như sau : “Ở lớp 10 trung học phổ thông, trong phần Văn của chương trình Ngữ văn, học sinh chỉ được học…”.

b) Những điểm chưa chuẩn xác :

– Câu 1:……. của một nhà nho chưa rõ tên họ, ra đời vào thế kỉ XII. Chữa lại : của một nhà nho là Hoàng Đức Lương, ra đời vào thế kỉ XV..

– Câu 2 :…….. vì đó là bài văn hùng tráng đã được viết ra từ nghìn năm trước.

   Chữa lại: vì đó là một áng “hùng văn muôn thuở” cho mọi thời đại, mang ý nghĩa bất tử. (“Thiên cổ” ở đây có nghĩa là “muôn thuở”)

– Câu 3: Văn bản dẫn trong bài tập này không thể dùng để thuyết minh về nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, vì nội dung của nó không nói đến Nguyễn Bỉnh Khiêm trong tư cách một nhà thơ mà chỉ nói đến tiểu sử và cuộc đời của ông trạng nổi tiếng Nguyễn Bỉnh Khiêm.

2. Tính hấp dẫn của văn bản thuyết minh

(1) Tính hấp dẫn và một số biện pháp tạo tính hấp dẫn của văn bản thuyết minh

Cùng với tính chuẩn xác, văn bản thuyết minh lại phải có tính hấp dẫn thì mới có sức lôi cuốn, thu hút sự chú ý đối với người đọc, người nghe. Và như vậy thì tác dụng của nó mới lớn. Tính hấp dẫn cũng quan trọng đối với văn bản thuyết minh.

Một số biện pháp sau đây sẽ góp phần tạo nên tính hấp dẫn của văn bản thuyết minh :

– Đưa ra những chi tiết cụ thể, sinh động, những con số chính xác để bài thuyết minh không trừu tượng, mơ hồ.

– So sánh để làm nổi bật sự khác biệt, khắc sâu vào trí nhớ người đọc, người nghe.

– Làm cho câu văn thuyết minh biến hóa linh hoạt, tránh đơn điệu.

– Khi cần, nên phối hợp nhiều loại kiến thức để đối tượng cần thuyết minh (một thắng cảnh, một di tích, một sự vật,…. ) được soi rọi từ nhiều mặt.

– Sử dụng những sự tích, truyền thuyết thích hợp để bài thuyết minh hấp dẫn và sâu sắc hơn.

(2) Luyện tập

Bài tập (1)

   Gợi ý : Biện pháp làm cho luận điểm thuyết minh trở nên cụ thể, dễ hiểu, hấp dẫn là đưa ra những chi tiết cụ thể, sinh động, những con số chính xác kết hợp với so sánh để làm nổi bật sự khác biệt, khắc sâu vào trí nhớ người đọc, người nghe.

Bài tập (2)

   Gợi ý : sử dụng truyền thuyết về hòn đảo An Mạ để thuyết minh cho Hồ Ba Bể khiến cho bài thuyết minh thêm sinh động, kỳ thú, có ý nghĩa và tạo được hứng thú cho người đọc, người nghe.

II. LUYỆN TẬP

   Phân tích tính hấp dẫn của đoạn trích trong SGK của nhà văn Vũ Bằng.

   Gợi ý: Có thể xem đây là một đoạn văn thuyết minh về Phở Hà Nội trong Miếng ngon Hà Nội của Vũ Bằng. Đoạn văn được viết thật tài hoa, tinh tế và hấp dẫn. Anh (chị) có thể dựa vào 4 điểm gợi ý trong SGK để phân tích tính hấp dẫn của đoạn văn :

– Sự linh hoạt trong việc sử dụng các kiểu câu.

– Việc dùng từ ngữ giàu tính hình tượng.

– Sự kết hợp nhiều giác quan và liên tưởng khi quan sát.

– Cách bộc lộ trực tiếp cảm xúc khi nói về đối tượng.

   Ngoài 4 gợi ý trên, nếu anh (chị) thấy còn có điểm nào làm nên tính hấp dẫn của đoạn văn, thì nêu thêm để trao đổi cùng bạn bè về điều mình đã khám phá và phát hiện trong bài văn của Vũ Bằng.

• Bài tập bổ sung

a) Tìm đoạn văn nói về Phở của Nguyễn Tuân và so sánh tính hấp dẫn của đoạn văn này với đoạn văn của Vũ Bằng (trong SGK).

b) Tìm một bài văn thuyết minh có sử dụng sự tích, truyền thuyết thích hợp để thuyết minh cho một danh lam thắng cảnh của đất nước.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 20: Tính chuẩn xác, hấp dẫn của văn bản thuyết minh
Đánh giá bài viết