Câu 1. Dựa vào lời kể của cô giáo (thầy giáo) và tranh minh hoạ, kể lại từng đoạn câu chuyện.

– Tranh 1: Giô-dép bị chó dại cắn. Nhìn vẻ đau đớn của em bé và đôi mắt đỏ hoe của người mẹ, Pa-xtơ đau đớn vô cùng.

– Tranh 2: Đêm đã khuya, Pa-xtơ suy nghĩ tìm cách cứu em bé. Chỉ có cách tiêm vắc-xin ngừa dại mới cứu được nhưng ông vẫn đắn đo vì chưa lần nào thử nghiệm trên người.

– Tranh 3: Ngày hôm sau, trao đổi với các cộng sự, ông quyết định tiêm vắc-xin cho cậu bé, mỗi lần tiêm, độc tính tăng dần.

– Tranh 4: Pa-xtơ chăm sóc Giô-dép rất tận tình. Nhiều đêm, mặc dù chân trái lại bị liệt, ông vẫn chống gậy xuống cầu thang thăm cậu bé.

– Tranh 5: Sau bảy ngày điều trị, cậu bé đã khoẻ, Đêm thứ tám, Pa-xtơ đã ngủ một giấc ngon lành.

– Tranh 6: Sau thành công ấy, rất nhiều bệnh nhân nhờ ông cứu chữa. Phòng thí nghiệm của ông trở thành Viện Pa-xtơ – Viện chống bệnh dại đầu tiên trên thế giới.

* Tóm tắt truyện:

Để cứu em bé bị chó dại cắn, Pa-xtơ đã đi đến một quyết định táo bạo: Dùng thuốc chống bệnh dại mới thí nghiệm ở động vật để tiêm cho em bé. Ông đã thực hiện việc này một cách thận trọng, tỉnh táo, có tính toán, cân nhắc. Ông đã dồn tất cả tâm trí và sức lực để theo dõi sự tiến triển của quá trình điều trị. Cuối cùng, Pa-xtơ đã chiến thắng, khoa học đã chiến thắng. Loài người có thêm một thứ thuốc chữa bệnh mới. Một căn bệnh nguy hiểm bị đẩy lùi. Nhiều người mắc bệnh đã được cứu sống.

Câu 2. Kể lại toàn bộ câu chuyện.

• Tham khảo cách kể dưới đây:

PA-XTƠ VÀ EM BÉ

Ngày 6 tháng 7 năm 1885, chú bé Giô-dép chín tuổi bị chó cắn trước đó hai ngày đã được mẹ đưa từ miền quê xa xôi đến thủ đô Pa-ri, nhờ bác sĩ Lu-i Pa-xtơ cứu chữa.

Cậu bé bị tới mười bốn vết cắn ở tay vì đã lấy tay che mặt. Cuộc sống của em chỉ tính từng ngày. Nếu không cứu chữa kịp thời, cậu bé sẽ bị chết như những người bị chó dại cắn từ trước tới nay.

Nhìn vẻ đau đớn của cậu bé và đôi mắt đỏ hoe của người mẹ, Pa-xtơ xúc động nghĩ đến lúc cậu bé lên cơn điên dại và nghẹt thở vì một cơn giật dữ dội, rồi chết! Ông tự nhủ phải cứu bằng được cậu bé đáng thương. 

Đêm đã khuya, Pa-xtơ vẫn ngồi trước bàn làm việc, những vết nhăn hằn sâu trên vầng trán ưu tư. Câu hỏi: “Ta có thể làm gì cho cậu bé?!” cứ trăn trở hoài trong óc ông. Vắc-xin chữa bệnh dại ông đã thí nghiệm có kết quả trên loài vật, nhưng chưa lần nào thử nghiệm trên người. Dù rất muốn chữa cho cậu bé khỏi bệnh nhưng ông vẫn ngại ngần, không dám lấy Giô-dép ra làm thí nghiệm vì sợ tai biến. Nghĩ đi nghĩ lại, ông thấy không còn cách nào khác. Bệnh dại đang đe doạ cướp đi tính mạng của cậu bé.

Ngày hôm sau, trao đổi với các cộng sự, Pa-xtơ quyết định phải tiêm vắc-xin mới có hi vọng cứu Giô-dép. Đến chiều, mấy giọt vắc-xin phòng dại đã được tiêm vào dưới da bụng cậu bé. Loại vắc-xin này không độc vì đã để trong không khí khô 14 ngày.

Các lần tiêm sau, độc tính trong vắc-xin dần dần tăng lên. Chín ngày trôi qua, Pa-xtơ có cảm giác như chín tháng trời đằng đẵng. Mũi tiêm thứ mười mới là mũi quyết định nhất nhưng vì nó có độc tính rất cao nên có thể gây ra những cơn có giật nguy hiểm. Có bắt buộc phải tiêm cho cậu bé mũi thứ mười không ? Pa-xtơ bóp trán, đi đi lại lại trong phòng làm việc. Cuối cùng ông quyết định phải tiêm. Ông chăm chú nhìn người ta tiêm cho Giô-dép và an ủi cậu, dắt tay cậu lên giường.

Bảy ngày chờ đợi và lo lắng, Pa-xtơ không chợp mắt. Mặc dù bị liệt chân trái nhưng đêm nào ông cũng chống gậy, lần xuống cầu thang để thăm cậu bé. Ông chỉ sợ cậu lên cơn dại ghê gớm bất thường. Nhưng tai hoạ đã qua, cậu bé vẫn bình yên, khoẻ mạnh. Quả sung sướng, đêm ấy Pa-xtơ ngủ một giấc ngon lành. 

Tiếng lành đồn xa, từ đó về sau, người ta đã liên tiếp gửi đến phòng thí nghiệm của ông những bệnh nhân bị chó dại cắn, nhờ ông cứu chữa. Phòng thí nghiệm của ông trở thành Viện Pa-xtơ – Viện chống bệnh dại đầu tiên trên thế giới. Câu 3. Trao đổi với các bạn về ý nghĩa của câu chuyện.

+ Vì sao Pa-xtơ phải suy nghĩ, day dứt rất nhiều trước khi tiêm vắc-xin cho Giô-dép ?

(Vì vắc-xin chữa bệnh dại đã thí nghiệm có kết quả trên loài vật, nhưng chưa có lần nào được thí nghiệm trên cơ thể con người. Pa-xtơ muốn em bé khỏi nhưng không dám lấy em làm vật thí nghiệm. Ông sợ xảy ra tai biến.)

+ Câu chuyện muốn nói điều gì?

(Ca ngợi tài năng và tấm lòng nhân hậu, rất mực yêu thương con người của bác sĩ Pa-xtơ. Ông đã cống hiến cho loài người một phát minh khoa học mang lại lợi ích lớn lao.)

Nguồn website giaibai5s.com

Những bài làm văn mẫu lớp 5 tập 1 – Tuần 14: Kể chuyện: Pa-xtơ và em bé
Đánh giá bài viết