I. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

   Trích diễm thi tập (Tuyển tập những bài thơ hay) do Hoàng Đức Lương biên soạn : Ông quê ở Văn Giang, Hưng Yên, đỗ tiến sĩ năm 1478. Không rõ ông soạn Trích diễm thi tập từ khi nào, chỉ thấy lời tựa cho tập thơ được ông viết năm 1497, Tuyển tập bao gồm thơ của các nhà thơ từ đời Trần đến thế kỉ XV đời Lê (cuối tập là thơ của Hoàng Đức Lương). Việc biên soạn Trích diễm thi tập nằm trong trào lưu chung của thời đại phục hưng dân tộc thế kỉ XV.

   Để có thể trả lời các câu hỏi trong phần Hướng dẫn học bài, các em cần đọc kĩ văn bản và các chú thích, suy nghĩ xem tác giả đã nêu lên những vấn đề gì trong bài tựa này. Dưới đây là những gợi ý về hướng trả lời các câu hỏi đó.

1. Theo Hoàng Đức Lương, có những nguyên nhân nào khiến sáng tác thơ văn của người xưa không được lưu truyền đầy đủ cho đời sau ?

Có bốn nguyên nhân : 

– Thơ văn vốn là những sáng tạo nghệ thuật đẹp, “là sắc đẹp ngoài cả sắc đẹp, vị ngon ngoài cả vị ngon”, “chỉ thi nhân là có thể xem mà biết được sắc đẹp, ăn mà biết được vị ngon ấy thôi”. Số người biết được cái đẹp của thơ văn là rất ít, cho nên thơ văn cũng khó có điều kiện để lưu truyền đầy đủ cho đời sau. 

– Nước ta là nước văn hiến, thi nhân, tài tử không phải là không có, nhưng người biên soạn và lưu giữ lại thơ văn của họ là quá hiếm. “Những bậc danh nho làm quan to ở trong quán, các, hoặc vì bận việc không rỗi thì giờ để biên tập, còn viên quan nhàn tản chức thấp cùng những người phải lận đận về khoa trường, thì đều không để ý đến”.

– “… Cũng có người thích thơ văn, nhưng lại ngại vì công việc nặng nề, tài lực kém cỏi, nên đều làm được nửa chừng rồi lại bỏ dở.”

– “… thơ văn, nếu chưa được lệnh vua, không dám khắc ván lưu hành.” .. (Điều này khác với nhà chùa : nhà chùa không ngăn cấm, sách được khắc vào ván để truyền mãi lại đời sau).

   Bốn nguyên nhân trên đã được tác giả phân tích rõ, cụ thể, giúp ta hiểu được vì sao thơ văn của người xưa đã bị thất truyền không ít và thấy được việc sưu tầm, biên soạn lại thơ văn của họ là quan trọng và cần thiết như thế nào để gìn giữ và bảo tồn một trong những giá trị đẹp của nền văn hiến nước ta.

2. Hoàng Đức Lương đã làm gì để sưu tầm thơ văn của tiền nhân ?

   Cách sưu tầm thơ văn của tiền nhân mà Hoàng Đức Lương đã làm bao gồm hai công đoạn : một là, thu lượm thơ; hai là, tuyển chọn và sắp xếp lại theo từng loại. Về thu lượm thơ, ông “tìm quanh hỏi khắp nhưng số thơ thu lượm được cũng chỉ là một hai phần trong số muôn nghìn bài”. Ngoài ra, ông còn thu lượm thêm thơ của các vị hiện đang làm quan trong triều. Như vậy,có thể nói tác giả đã sưu tầm ở khắp mọi nơi trên đất nước, nơi nào có thơ là ông tìm đến (như các quan trong triều). Sau đó, ông “chọn lấy bài hay, chia xếp theo từng loại, được 6 quyển, đặt tên sách là Trích diễm.” Bản thân Hoàng Đức Lương cũng có làm thơ, nên ông đã phụ thêm những bài thơ của mình vào cuối các quyển ấy với một ước nguyện khiêm nhường “cốt để làm sách dạy trong gia đình”.

3. Điều gì thôi thúc Hoàng Đức Lương vượt khó khăn để biên soạn tuyển tập thơ này ? Em có cảm nghĩ gì về công việc sưu tầm, biên soạn thơ văn do ông tiến hành ?

   Điều thôi thúc Hoàng Đức Lương vượt khó khăn để biên soạn tuyển tập thơ chính là nỗi đau xót khi nước ta vốn là một nước có nền văn hiến lâu đời mà “không có quyển sách nào có thể làm căn bản, mà phải tìm xa xôi để học thơ văn đời nhà Đường.” Chính tác giả đã nói rõ: “Đức Lương này học làm thơ, chỉ trông vào thơ bách gia đời nhà Đường, còn như thơ văn thời Lí – Trần, thì không khảo cứu vào đâu được”. Đây là nỗi đau của một con người có ý thức dân tộc sâu sắc, không muốn dân tộc mình thua kém các dân tộc khác, phải lệ thuộc vào một dân tộc khác, nhất là về mặt văn hóa, văn học, mà ở đây chính là lĩnh vực sáng tác thơ. Nỗi đau này đã thôi thúc Hoàng Đức Lương vượt khó khăn để biên soạn tuyển tập thơ của nước nhà thành quyển sách có thể làm căn bản cho quốc gia, dân tộc, không phải mượn đến sách của nước ngoài (sách nước ngoài chỉ để tham khảo chứ không thể thay thế cho sách của Việt Nam). Chính vì vậy, Trích diễm thi tập thể hiện niềm tự hào, sự trân trọng và ý thức bảo tồn di sản văn học dân tộc của nhà nho yêu nước Hoàng Đức Lương.

4. Một ý kiến xuất hiện trước Trích diễm thi tập nói về văn hiến dân tộc .

   Đó là ý kiến của Nguyễn Trãi trong phần mở đầu Đại cáo bình Ngô :

                          Như nước Đại Việt ta từ trước

                          Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

                          Núi sông bờ cõi đã chia

                          Phong tục Bắc Nam cũng khác.

   Trong các yếu tố tạo thành quốc gia dân tộc, yếu tố văn hiến được Nguyễn Trãi nêu lên đầu tiên và nhấn mạnh “Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Trong bài tựa của mình, hai lần Hoàng Đức Lương nhắc đến điều đó cũng nhấn mạnh một cách tự hào: “Nước ta từ nhà Lí, nhà Trần dựng nước đến nay, vẫn có tiếng là nước văn hiến”; và chính vì thế mới là nỗi đau của tác giả : “Than ôi ! Một nước văn hiến, xây dựng đã mấy trăm năm, chẳng lẽ… Như thế chả đáng thương xót lắm sao !”

II. LUYỆN TẬP

   Tìm các dẫn chứng chứng tỏ các nhà văn, nhà thơ thời xưa rất tự hào về nền văn hiến dân tộc.

   Gợi ý: Các nhà văn, nhà thơ thời xưa (tức các nhà thơ văn trung đại) nói về nền văn hiến dân tộc, cần tìm ở các sách viết trong thời kì này (thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX).

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 21: Tựa ” Trích diễm thi tập”
Đánh giá bài viết