BÀI LÀM 

Nếu xác định Từ ấy là một bước ngoặt về văn chương thì phải hiểu cái mốc ấy trên hai cấp độ. Trên cấp độ là nền văn chương lúc ấy thì bài thơ giống như một chuyển hướng đề tài và cảm hứng. Từ ấy mang đến một cách nhìn khác, những rung động khác chưa có trong văn học lúc này. Còn ở cấp độ hẹp, đối với riêng tác giả của bài thơ, đó thật sự là một sự kiện. Sự kiện ấy lớn lao đến mức không gì có thể so sánh. Nó được đánh dấu bằng những cứ liệu tâm hồn. Hai chữ “Từ ấy” như một thứ bản lề khép mở. Khi cái cũ đã khép lại thì cái mới sẽ mở ra. Nhưng phải day dứt băn khoăn đến mức nào, trăn trở đến mức nào, người ta mới hân hoan đón chào cái mới. Phải có những ngày như nhà thơ nhớ lại:

Đâu những ngày xưa, tôi nhớ tôi   
Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời          
Vẩn cơ theo mãi vòng quanh quẩn   
Muốn thoát, than ôi, bước chẳng rời.
                                                    (Nhớ đồng) 

Trong cái cũ ấy đã có.mầm mống của sự hồi sinh. Nhưng khi điều kì diệu là cái mới sinh ra, nó không khỏi làm nhà thơ choáng ngợp, bàng hoàng. Một cái gì khác hẳn, khác từ bầu trời, mặt đất, khác từ hoa nở, chim ca. Cái “vườn hoa lá” kia vốn là một hiện tượng thiên nhiên muôn thuở, nó có tính chất khách quan hướng ngoại. Chỉ cần thay đổi cách nhìn, chỉ cần khẽ “xoay chiều ngọn bấc” như cách nói của Chế Lan Viên là lập tức nó trở nên hướng nội, nó thuộc về chủ đề trữ tình. Đó là một cách nói mới mẻ, táo bạo và hay. Đó là hương sắc của một tâm hồn bừng thức. Giây phút ấy là một khoảnh khắc cuộc đời không dễ có “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy – Ngàn năm chưa dễ đã ai quên”. Sắc nắng trong thơ được gọi là “nắng hạ”, một sắc nắng của tư tưởng, tâm hồn. Nó là biểu tượng diệu kì của cuộc sống sinh sôi. Chẳng thế mà đúng một năm sau (tháng 7 – 1939), khi bị xiềng xích trong tù, để diễn tả trạng thái khao khát tự do, thi sĩ đã nhớ về mảnh vườn và sắc nắng năm nào:

Khi con tu hú gọi bầy       
Lúa chiêm đương chín, trái cây ngọt dần 
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào…
                                             (Khi con tu hú)

 Ở bài thơ Từ ấy, ánh nắng toả ra từ “Mặt trời chân lí” là một thứ ánh sáng đặc trưng. Không chỉ ấm mà còn sáng. “Chói trong tim” không phải là cảm nhận thị giác. Nó choáng ngợp cả tâm hồn. “Thấy anh như thấy mặt trời. Chói chang khó ngó trao lời khó trao”. Câu ca dao miền Trung mà Xuân Diệu sưu tầm được cũng có lẽ nói về thứ ánh sáng khác thường này. Nhưng cũng như thơ Tố Hữu, cả hai nói về một thứ tình yêu. Chỉ có khác, ở thơ Tố Hữu, không phải là một thứ tình cảm thông thường. Nó là tình yêu một lí tưởng. Lí tưởng cách mạng mà có gì giống với một tình yêu thì đó chính là ý nghĩa nhân văn của một lẽ sống. Lẽ sống ấy không còn là khái niệm, không còn là một tư tưởng. Nó đã trở nên một niềm vui lớn một hạnh phúc không gì so sánh được của con người. Cùng thời với Tố Hữu, nhiều người đi theo cách mạng, nhưng mỗi người có thể giác ngộ theo một cách riêng. Nhưng giác ngộ chính trị mà chuyển hoá được vào đời sống tâm hồn để thành nhạc, thành thơ thì đó là công đầu của Tố Hữu. 

Lí tưởng cách mạng đã đưa nhà thơ đến với những con người đau khổ. Nhưng ở bài thơ Từ ấy điều đó mới chỉ có tính chất mở đường. Để rồi chẳng bao lâu sau đó, những người được gọi là “bao hồn khổ” đã khăng khít, thiết tha nhất là sâu nặng. Khi bị bắt vào tù, nhà thơ nhớ đến họ cũng bồn chồn như nhớ những người thân:

Đâu dáng hình quen đâu cũ rồi          
Sao mà cách biệt quá xa xôi                 
Chao ôi thương nhớ, chao thương nhớ
Ôi mẹ già xa đơn chiếc ơi!                     
                                                       (Nhớ đồng) 

Chỉ một điều đó không thôi đủ thấy người chiến sĩ Tố Hữu trưởng thành mau chóng đến dường nào. Và hơn nữa: lí tưởng cách mạng có một sức sống bền chắc và kì diệu biết bao!

1. Từ ấy (1937 – 1946), tập thơ đầu tay của Tố Hữu đã thể hiện niềm say mê lí tưởng và niềm khát khao được chiến đấu, hi sinh cho cách mạng của người thanh niên cộng sản. Từ ấy là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của tập thơ này. Ngay từ đầu bài thơ đã vang lên tiếng reo ca hân hoan, nồng nhiệt của một tâm hồn trẻ khao khát lẽ sống bắt gặp ánh sáng lí tưởng cộng sản:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim.

Nhà thơ diễn tả giây phút gặp gỡ lí tưởng cộng sản bằng những hình ảnh, từ ngữ và giọng điệu cao đẹp, trong sáng, reo vang. Lí tưởng cộng sản được Tố Hữu ví như nắng hạ, mặt trời xua tan những u ám, buồn đau đè nặng trong lòng người thanh niên đang “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời”, làm bừng sáng tâm hồn của một người dân đang chìm đắm trong cảnh đời nô lệ. Lí tưởng cộng sản là “Mặt trời chân lí” không những làm bừng sáng trí tuệ, tinh thần mà còn tác động tới trái tim, tình cảm của nhân vật trữ tình, ánh sáng của lí tưởng cộng sản làm sống động, làm tươi lại một tâm hồn vốn giàu ước mơ, khao khát lí tưởng:

Hồn tôi là một vườn hoa lá            
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…

Mối duyên đầu của người thanh niên đối với cách mạng được thể hiện bằng hình ảnh thật trẻ trung, tươi non và tinh khôi: một vườn xuân đầy hương sắc và rộn ràng tiếng chim ca. Bút pháp trữ tình lãng mạn cùng với hình ảnh so sánh đã diễn tả cụ thể niềm vui sướng, say mê của nhà thơ trong giây phút bắt gặp lí tưởng cộng sản. Ánh sáng của lí tưởng làm cho tâm hồn con người tràn đầy sức sống, niềm vui và hoàn toàn đổi mới.

Tâm trạng của Tố Hữu khi bắt gặp lí tưởng cộng sản còn được diễn tả bằng các từ ngữ đầy sức biểu cảm. Đó là những từ tô đậm, nhấn mạnh tình cảm, cảm xúc của nhà thơ. Các động từ bừng, chói nhằm nhấn mạnh lí tương cộng sản là nguồn sáng vĩ đại đã hoàn toàn xua tan bóng đêm của ý thức hệ tiểu tư sản và mở ra một chân trời mới của nhận thức, tư tưởng, tình cảm trong tâm hồn của nhà thơ. Để khắc sâu niềm vui sướng, say mê tràn đầy hạnh phúc của nhân vật trữ tình khi được lí tưởng làm bừng sáng trí tuệ và trái tim, Tố Hữu đã sử dụng các từ ngữ đầy ấn tượng và hợp lí: rất đậm (hương), rộn (tiếng chim).

2. Khi được giác ngộ lí tưởng cộng sản, Tố Hữu thay đổi hoàn toàn từ lí trí, tinh thần, quan niệm cho đến tình cảm, ý thức về trách nhiệm, đạo lí. Nhà thơ khẳng định quan niệm về lẽ sống mới là sự gắn bó hài hoà giữa cái tôi cá nhân và cái ta chung của mọi người. Chân lí của chủ nghĩa cộng sản đã cho nhân vật trữ tình thấy được ý nghĩa của một cuộc đời biết gắn bó với mọi người, nhất là những người nghèo khổ. Dưới chế độ thuộc địa nửa phong kiến chỉ có những người cùng chung cảnh ngộ, đoàn kết chặt chẽ với nhau mới có thể đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do và hạnh phúc được. Đó chính là khối đời mà nhà thơ tự nguyện gắn bó, hoà nhập suốt đời. Vốn là nhà thơ của những người nghèo khổ, Tố Hữu mở rộng sự giao cảm, giao hoà với mọi người, sống hoà đồng gần gũi với “bao hồn khổ” và như được tiếp thêm sức mạnh để lao vào cuộc đấu tranh cách mạng với tất cả tâm hồn và bầu nhiệt huyết của mình. Người thanh niên được lí tưởng rọi sáng đã tìm thấy niềm vui và sức mạnh mới không chỉ bằng nhận thức mà còn bằng tình yêu mến, bằng sự đồng điệu với những con người thân thiết như ruột thịt trong đại gia đình nhân loại mới. Lí tưởng cộng sản đưa đến cho nhà thơ một lẽ sống mới và một tình hữu ái giai cấp với quần chúng lao khổ. Tố Hữu hoà mình vào dòng đời của những kiếp sống mòn mỏi, đáng thương nghèo khổ và hân hoan, vui sướng khi được làm con, em, anh của họ – vạn nhà, vạn kiếp, vạn đầu em nhỏ. Dùng hàng loạt số từ (trăm, vạn) là để nói rất nhiều, là tất cả mọi người, là cả nhân loại cần lao, là giai cấp vô sản toàn thế giới…

3. Bài thơ Từ ấy diễn tả niềm vui sướng, say mê khi giác ngộ lí tưởng cộng sản, khẳng định lẽ sống mới và thể hiện sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của người thanh niên trẻ tuổi đang khao khát kiếm tìm chân lí. Từ cảm hứng, giọng điệu đến các hình ảnh, vốn từ ngữ, cách xưng hô…. cho thấy niềm vui lớn của nhà thơ khi bắt gặp lí tưởng cộng sản. Chất men say lí tưởng khiến cho bài thơ có giọng điệu say sưa, náo nức, đầy sảng khoái. Những từ lặp ở đầu câu (để là) thể hiện nhịp thơ dồn dập, thôi thúc, hăm hở. Tất cả sắc thái nghệ thuật (hình ảnh tươi sáng, giọng thơ sảng khoái, nhịp thơ dồn dập) đều bộc lộ tâm trạng vui sướng, tin tưởng, say mê và một khao khát hành động, dâng hiến đến quên mình của nhân vật trữ tình. Bài thơ Từ ấy là sự biểu hiện một cách chân thật cái tôi hết sức trong sáng, hồn nhiên của người thanh niên khát khao lí tưởng, tự ca hát niềm vui lớn của mình khi bắt gặp lí tưởng cộng sản, là tuyên ngôn của người tự nguyện đứng vào hàng ngũ những người cách mạng và sẵn sàng chiến đấu, hi sinh cho lí tưởng cao đẹp. Nhưng trên hết, bài thơ là tiếng nói đông đảo của thanh niên Việt Nam, những con người đang ấp ủ biết bao hoài bão lớn, đang tìm đường đi trong kiếp sống nô lệ vào những năm đầu thế kỉ XX. Cũng như nhân vật “tôi”, khi gặp lí tưởng cách mạng, họ sẽ gắn bó với nhân dân lao khổ, tạo cho mình sức mạnh tinh thần to lớn để góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

ĐỀ 219: Cảm nhận về bài thơ Từ ấy của nhà thơ Tố Hữu.
Đánh giá bài viết