BÀI LÀM

Người ta thường ví tâm tính con người như những viên ngọc, ban đầu trong suốt về sau được nhuộm màu. Quả vậy, đạo Khổng từ xưa đã dạy rằng: Con người sinh ra bản tính vốn là lương thiện. Trải qua những thăng trầm của cuộc sống, có người giữ nguyên được bản tính hiền lành ấy, tâm hồn của họ vẫn là thứ ngọc sáng trong tinh khiết; lại có người trở nên xảo trá mưu toan, tự biến lòng mình thành loại ngọc tối đen xám xịt. Làm sao để viên ngọc tâm hồn của mỗi chúng ta mãi mãi tươi sáng, hãy bắt đầu từ những việc tốt nhỏ nhất. Vì vậy, ông bà ta đã dạy rằng: “đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm, đừng thấy việc ác nhỏ mà làm”.

Lời dạy của ông bà ta như một lời khuyên chân thành góp phần giúp rèn luyện những phẩm chất tốt đẹp cho con cháu đời sau. Diễn giải ra, lời khuyên ấy cũng thật dễ hiểu. Vì thứ ngọc ngà của tâm hồn không phải như những viên ngọc thường, có thể sơn màu sáng ngay hay nhuộm màu tối ngay. Ngược lại, tràn viên ngọc tâm hồn quý giá của chúng ta, có hàng trăm hàng nghìn lần mà mỗi chúng ta phải tự quyết định cần phết lên đó một nét màu gì. Tâm tính của con người cũng vậy, không có một con người thiện ngay hay một con người ác ngay trong một sớm một chiều. Tất cả được tạo thành dần dần từ một chuỗi những thái độ và hành động của ta trong cuộc sống. Khi nhiều hành động lương thiện lấn át những điều sai trái, con người ta trở nên hướng thiện; nếu để cái xấu xa vượt lên những tốt đẹp, bản thân ta hoá thành kẻ gian trá, độc ác tự lúc nào không hay.

Vì thế, hãy làm những việc thiện nhỏ nhất, vì những việc tưởng chừng đơn giản và bé nhỏ lại làm tâm hồn ta dần sáng lên từng ngày. Nhiều việc tốt làm cho trái tim của con người biết yêu thương, biết rung động. Coi thường những việc nhỏ nhoi, không làm những hành động nhỏ bé nhất, lòng ta sẽ đến thờ ơ, lạnh lùng và cái bản tính thiện của con người cũng mất đi từ đó. Ngược lại, cần tránh xa những việc ác nhỏ nhất, vì có thể ban đầu nó chỉ là một đốm tàn, nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần nó trở thành những mồi lửa, những luồng khói đen cay độc. Chính những đám lửa lớn được tạo ra từ muôn vàn ngọn lửa nhỏ, tự lúc nào đã thiêu rụi cái thiện tính lương thiện của chúng ta, cũng như những làn khói đen mờ mịt sẽ nhuộm xám viên ngọc tâm hồn mỗi con người.

Lời dạy của ông bà ta mang đậm những triết lí của nhà Phật. Và vì thế, ta cũng xin dẫn ra vài ví dụ trong tích xưa, để thấy rằng những việc thiện nhỏ làm nên những con người lương thiện như thế nào. Trong kinh phật có lời dạy chúng sinh rằng muôn loài đều mang trong mình một sinh linh, và dù sinh linh ấy bé bỏng đến dường nào, cũng đừng nên huỷ hoại mầm sống của nó. Bao nhiêu người đã nghe lời dạy trên, nhưng thấm thía được nó thì chỉ có một số ít. Nhà Phật thật có lí, vì nếu ta không giết hại những mầm sống nhỏ bé như một con kiến, một con ong, một con chim lạc bầy, thì lòng độ lượng và hướng thiện của ta bỗng trở nên mở rộng biết bao nhiêu. Không tàn nhẫn với thú vật, làm sao ta có thể nhẫn tâm với con người. Thế ra, Phật căn dặn người đời làm những việc thiện nhỏ như việc cứu lấy mầm sống cho những loài vật nhỏ nhoi, chính là hướng con người đến một cái thiện lớn hơn: nhân từ với khắp mọi người, khắp thế gian. 

Xin chỉ thêm nhiều dẫn chứng khác của xã hội ngày nay. Có những người mỗi ngày chỉ kiếm được một số tiền đủ sống, nhưng mỗi khi có dịp là lại âm thầm đóng góp những đồng tiền dành dụm của mình cho việc nhân đạo. Đến một ngày kia, có gia đình nọ tìm đến nhà anh để rối rít cảm ơn, hỏi ra mới hay rằng số tiền lâu dài mà anh đóng góp đã cứu sống cháu bé của gia đình trong cơn hiểm nghèo. Thế là một cái ơn lớn đã được tạo ra từ những việc thiện nhỏ. Hoặc nói về một người bác sĩ tận tâm, ngày qua ngày lặng lẽ chọn lọc những loại thuốc tốt nhất cho nhiều căn bệnh đơn giản hay bắt đầu điều chế những loại thuốc ứng với những triệu chứng mới. Bất ngờ khi dịch bệnh nổ ra, bác sĩ đã không nao núng cứu sống thành công nhiều bệnh nhân trong cơn nguy kịch. Thật khó tin là căn bệnh hiểm nghèo lại được chữa trị thấu đáo như thế, nếu không nhờ lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc đã không quản khó nhọc, ngày qua ngày vì bệnh nhân mà nghiên cứu cách giải quyết từ những triệu chứng bệnh đơn giản nhất. Vậy là, con người được xã hội đề cao bởi phẩm tình lương thiện của họ, thường bắt đầu từ những việc tốt nhỏ nhất, thể hiện đúng tấm lòng của mình đối với những người xung quanh trong xã hội. | Những điều nhỏ nhặt nếu mang những khía cạnh xấu xa, dễ khiến con người dân dần đi vào ngõ cụt của sự xảo trá, gian dối, độc ác. Chẳng hạn, một người có thói ăn cắp vặt, lúc lấy một quả trứng, lúc lại lấy con gà; ai chắc chắn trong tương lai người ta không cắp vặt những thứ to tác hơn? Một giám đốc công trình thường có thói quen giảm bớt số lượng nguyên vật liệu khi xây dựng, lúc đầu chỉ là vài thanh thép nhỏ, dần dần là nhiều bao xi măng,… Ta tự dưng bỗng thấy nghi ngờ rằng, tương lai vị giám đốc này còn sẽ rút ruột bao nhiêu công trình nữa, và sẽ ra sao nếu là một công trình đồ sộ của một thành phố, thậm chí của một quốc gia? Thật khó tưởng tượng con người ta sẽ biến chất đến bao nhiêu nếu cứ ngày qua ngày làm những việc xấu tưởng như là vặt vãnh ấy.

Vậy là đã rõ ràng những con người lương thiện trong thiên hạ đều bắt đầu từ những việc tốt dù đó chỉ như một ngọn gió mát ven đường, thổi lên cho người khác một niềm hi vọng, một sự giúp đỡ trong phút giây nào đó mà thôi. Chính bản thân ta sau đó sẽ quên đi vì những hành động đó quá đỗi đơn giản và hầu như ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên không vì vậy mà bỏ mặc không làm. “Đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm”, xin nhớ ghi lấy lời dạy của nhân dân ta từ xưa. Những việc nhỏ ấy là gì? Đó là những điều đơn giản nhưng ý nghĩa thì cao đẹp và trong sáng: Đi trên đường, bạn gặp một lũ trẻ đang vây quanh trêu chọc bà cụ già mù loà; không thể chấp nhận được, bạn tiến đến và mắng lũ trẻ một câu, chúng sợ hãi bỏ đi và bà cụ già được giải thoát khỏi đám đông hỗn loạn. Bà cụ nhẹ nhàng cảm ơn bạn, hành động vì người của bạn đã được đền đáp bởi sự biết ơn chân thành của người được giúp đỡ. Hoặc bạn nghe nói dạo này giá sách ngày càng cao, biết các em nhỏ nhà nghèo ở vùng rừng núi xa xôi liệu có mua được bộ sách cho năm học mới chăng? Nghĩ vậy, bạn lặng lẽ mang bộ sách cũ còn gọn gàng sạch sẽ của mình và lấy tờ giấy viết lên đó dòng chữ thật đẹp: “Nguyễn A, thân tặng các bạn nhỏ Tây Nguyên năm học mới.” Chừng hai tuần lễ sau, bạn sung sướng biết chừng nào khi nhận được lá thư cảm ơn của bạn nhỏ Tây Nguyên người đã nhận được món quà nhỏ nhoi nhưng quý giá ấy.

Đừng xem xét những hành động mà vừa dẫn ra trên đây như những việc nhỏ tầm thường ai cũng làm được, vì xét về mặt ý nghĩa, dường như ta đã làm được nhiều hơn là ta tưởng tượng đấy. Bạn đã không chỉ “giải vây” cho một cụ già, mà bạn đã củng cố cho cụ niềm tin vào phẩm chất của con người, làm cho cụ nghĩ rằng dù mình có tàn tật hay mù loà, thì còn biết bao nhiêu người trong xã hội quan tâm đến mình. Việc tặng sách của bạn cũng không đơn thuần là một sự giúp đỡ về vật chất mà nó còn thắp thêm ước mơ và niềm tin của những bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, phấn đấu ra sức học tập để thành người… Vậy ta còn chờ gì nữa mà không thực hiện những hành động tốt đẹp vì mọi người.

Điều quan trọng nhất khi làm một việc tốt, một việc thiện hình như không phải là hành động đã được làm như thế nào, mà là trái tim bạn mách bảo điều gì khi làm việc ấy. Những điều tốt đẹp tình cờ không xây dựng từ một trái tim lương thiện thì cũng chỉ là hành động vô tình mà thôi. Thời nay, nhiều đại gia đua nhau làm từ thiện, nhưng trong số đó có không ít trường hợp mục đích của họ hình như không phải là muốn cho bao nhiêu người bất hạnh có thể vững chãi sống tiếp nhờ sự giúp dỡ quan tâm của bản thân mình hay doanh nghiệp mình. Ngược lại họ quan tâm rằng tên tuổi của họ, danh tiếng của họ sau khi “đóng góp cho xã hội” như vậy sẽ như thế nào trong dư luận xã hội. Họ muốn báo chí ca ngợi và cấp trên tuyên dương hơn là muốn nhận một sự biết ơn chân thành từ phía những người nhận được số tiền to lớn kia. Việc dùng tiền mua danh như thế còn gì là việc thiện. Xét ra trong xã hội, còn lắm kẻ như thế. Một gã thanh niên và giúp một em bé trên đường để tạo hình ảnh đẹp của mình trong mắt bạn gái, nếu không có bạn gái hắn sẵn sàng làm ngơ trước lời nhờ cậy của em nhỏ lạc đường. Vài vị quan chức ân cần, trách nhiệm khi tiếp đãi những người có thân cận với cấp trên, nhưng lại hách dịch với những người khác. Thế là thỉnh thoảng người ta cũng chủ động làm được những “việc tốt”, nhưng rất tiếc nó không phải là việc thiện, vì còn thiếu đi sự xuất phát chân thành từ một trái tim nhân đạo.

Vậy là ta đã học cách làm việc thiện. Còn việc ác thì sao, phải học cách mà tránh. Phải tránh ngay từ những hành động gian dối từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường vì muốn có một kết quả học tập tốt mà không tốn phí sức lực của mình; đến tránh những việc dễ gây cho ta sự tham lam như lấy cắp một đồng hào, một thứ đồ dùng thú vị của bạn thân. Trên đường phố, xin chở gây gổ làm mất trật tự, đừng đánh nhau chỉ vì người ta vô ý xúc phạm mình. Xin đừng bỏ mặc khi thấy con mèo nhà hàng xóm bỗng dưng uể oải nằm trên lề đường, hãy gọi chủ nhân để cùng xem con mèo ấy đang ra sao… Khi hai người bạn thân của mình có xích mích, đừng đổ thêm dầu vào lửa, hãy tìm mọi cách để hai bạn có thể giảng hoà. Việc xấu nhỏ phải tránh, mới đoạn tuyệt được với những cái ác lớn hơn về sau. Tất cả những gì bạn thấy trên đây: sự gian dối, tính tham lam, chuyện gây gổ, sự xích mích của nhiều người, nếu không được chữa trị bây giờ, ai biết về sau sẽ gây ra những tai hoạ gì cho xã hội, khi gian dối trở thành gian ác, tham lam trở thành tham nhũng, gây gổ trở thành bạo lực, xích mích trở thành mâu thuẫn với người xung quanh. Thật khó đoán về sau con người sẽ thế nào nếu không tránh xa mà cứ tiến lại gần những điều sai lầm ấy…

Vì thế xin nhắc lại, hãy làm những việc tốt nhỏ nhất và tránh xa những việc xấu bé nhất. Hãy tạo mọi điều kiện cho viên ngọc tâm hồn của bạn được tô màu sắc sáng trong và đừng để cơ hội cho bất cứ một vệt đen nhỏ nào xuất hiện trên viên ngọc, đó là cách duy nhất để làm cho viên ngọc mãi mãi tinh khiết.

Trên đây, dường như ta mới thấy việc người ban đầu có phẩm chất tốt đẹp phải làm gì để giữ nguyên tâm hồn đẹp đẽ của mình. Nhưng ngược lại, nếu những con người đã làm đường lạc lối, một lần sai lầm, có thể làm lại cuộc đời và tô lại màu sáng cho tâm hồn không? Ngày xưa ta từng chứng kiến bi kịch của bao người nông dân trong xã hội cũ mà Chí Phèo là một ví dụ điển hình. Khi họ đã là người sa vào những vòng xoáy tội lỗi thì xã hội ấy không cho họ đến một con đường trở về với thiện lương. Thời đại này khác rồi, đâu còn những Bá Kiến đầy quyền thế như ngày xưa. Nên chúng ta cũng có quyền tin tưởng và khẳng định: con người trong thời đại mới nếu từng vấp phải những sai lầm, nếu có thể sửa chữa được, thì xã hội luôn tạo mọi điều kiện để cho họ quay về với ánh sáng của sự lương thiện. Quan trọng hơn cả là họ có nhận thức được sai lầm hay không, và có muốn xây dựng lại một tâm hồn trong sáng cho mình hay không mà thôi.

Nếu bạn quen biết hoặc thân với những con người như thế, mong rằng bạn và mọi người hãy đừng xa rời họ. Các bạn cần tạo cho họ cái cảm giác rằng: còn có nhiều người quan tâm đến mình như thế này, thì ta đâu có cô độc giữa nhân gian. Quan trọng hơn, bạn hãy tìm cách thể hiện với họ niềm vui sướng mênh mông khi làm được một việc tốt dù rất nhỏ. Bạn có thể kể về đợt quyên góp tiền của trường bạn, có thể nói về lời cảm ơn của ai đó trên đường khi họ được bạn giúp đỡ. Hãy cho họ thấy rằng, làm việc thiện giúp người ta sống có ý nghĩa hơn và thắt chặt hơn với mọi người mối quan hệ gắn bó thân thiết. Dẫu biết viên ngọc màu đen sẽ khó trắng sáng lại như xưa, nhưng ta sẽ mài giũa lại và dần dần thay đổi, không việc gì là không làm được cả.

Xã hội gồm biết bao nhiêu con người, bạn không thể làm một mình, hãy cùng mọi người chung tay cho một xã hội đầy những tâm hồn lương thiện và tốt đẹp.

Thật đáng vui nếu bạn có một tâm hồn trong sáng, nhưng cũng đáng buồn nếu đã vài lần tấm lòng của bạn bị nhuộm màu tối đi vì những việc xấu dù nhỏ của mình. Nhưng điều quan trọng nhất là, hãy xuất phát từ trái tim nhân ái để làm thêm bao việc thiện cho đời, cùng mọi người thực hiện thêm bao điều tốt đẹp. Hi vọng rằng một ngày kia sẽ không còn những trái tim màu xám, chỉ còn những tâm hồn lấp lánh kết thành một tấm gương soi sáng khắp thế gian bao la.

ĐỀ 56: Suy nghĩ của anh / chị về câu ngạn ngữ: “Đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm, đừng thấy việc ác nhỏ mà làm”.
3.3 (66.67%) 3 votes