HƯỚNG DẪN 

Thạch Lam đã có chủ ý nghệ thuật khi sắp xếp sự tương ứng giữa ngoại cảnh (phố huyện ngày tàn, đêm xuống) với thế giới nội tâm nhân vật (tâm trạng của Liên), giữa từng thời khắc với những sắc thái tâm hồn khác nhau.

 – Khi chiều vừa buông thì người man mác buồn; lúc đêm phủ xuống thì nhân vật trở nên khắc khoải: đến cảnh khuya về với chuyến tàu vụt đi qua thì người tiếc nuối, mơ tưởng, khát khao. Có một điều cần hết sức lưu ý về dụng ý nghệ thuật miêu tả của nhà văn Thạch Lam có vẻ “không nhất quán” về lô-gích nhưng thật ra, ông rất tài tình trong việc thấu đạt tâm lí con người trước những biến động của ngoại cảnh (Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ... là thủ pháp của văn chương trung đại, có vẻ không còn đúng nữa với văn học hiện đại?). Ông pha trộn buồn vui, tả cái rất khó tả về nhiều sắc thái tương phản từ ngoại cảnh đến nội tâm. Ánh sáng hoà nhập khó phân biệt với bóng tối; sự huyên náo, ồn ào phút chốc bỗng dưng im lặng mênh mang; đang buồn nao nao chợt len lỏi một chút vui cuộc sống, đang kể chuyện trước mắt thì xa xôi hồi nhớ chen ngang; những nghèo nàn lầm lụi bỗng dưng thấy êm đêm thi vị. Điều ấy chứng tỏ sự trải nghiệm, điệu tâm hồn và tài năng miêu tả bậc thầy của nhà văn. Người đọc tưởng như tác giả hoá thân vào tâm trạng, cảnh ngộ của nhân vật, truyện mà cứ như là “nhật kí” của chị em Liên.

– Bức tranh phố huyện được gợi lên từ những âm thanh, hình ảnh và gắn liền với trạng thái tâm hồn của nhân vật Liên. Bức tranh phố huyện lúc chiều muộn thật êm ả nhưng thấm đượm một nỗi buồn như chính tâm hồn cô bé Liên. “Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị; Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”. “Liên không hiểu sao” nhưng người đọc vẫn hiểu “cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn” của nhân vật này. Cái đẹp thấm đẫm vào câu chữ ở đây. Trong bức tranh chiều muộn nơi phố huyện đã có sự pha trộn khó phân biệt giữa chút êm đềm thi vị và nỗi nghèo khổ lầm than. Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nha; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều tạo nên nét thơ mộng, còn “tiếng ếch nhái kêu ran”, “tiếng muỗi vo ve” thì hình như đã gợi cái lam lũ, lầm lũi của kiếp người phố huyện. “Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru…”, rồi mùi quen thuộc của đất đai dậy lên nồng nàn khiến ta cảm nhận dư vị quê hương, nhưng mặt trời tàn, cái chõng nát, phiên chợ vãn, những đứa trẻ nhà nghèo lom khom nhặt nhanh các thứ của những người bán hàng để lại trên bãi chợ… khiến ta xót xa “thấm thía vào tâm hồn”. Cái đẹp, cái nên thơ, niềm khắc khoải hoà phối nhịp nhàng, len lén nhuốm sang nhau trong tâm hồn nhân vật và tỏa sáng người đọc. 

– Giữa bức tranh phố huyện lúc đêm về, tác giả lại miêu tả đầy dụng ý: Ánh sáng lẫn vào bóng tối và ngược lại. Không gian phố huyện có nhiều quầng sáng nhưng cũng nhiều khoảng tối, đến những hòn đá trên đường vào làng cũng mấp mô thêm bởi “một bên sáng, một bên tối”… Nhưng ánh sáng thì le lói với những “khe sáng”, “chấm sáng”, “hột sáng”, “vùng sáng nhỏ xanh nhấp nháy”,… còn bóng đêm thì đặc “tối hết cả, con đường ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng càng sẫm đen hơn nữa”, tối đến mức tiếng trống cầm canh “không vang động ra xa, rồi chìm ngay vào bóng tối”. Bóng tối như một biểu tượng gợi một nỗi cảm thương những phận đời chìm khuất, bé nhỏ, le lói, bị bỏ quên nơi ga xép buồn thiu.

– Bức tranh phố huyện khi chuyến tàu qua có một sự tương phản nổi bật giữa hình ảnh đoàn tàu và hình ảnh của sự trở lại trạng thái lặng lẽ, tối tăm, không thay đổi. Đoàn tàu như một chút thế giới khác đi qua” trong chốc lát rồi lại mang đi tất cả những gì nó chưa kịp đem đến trong chốc lát. Chuyến tàu đi qua mang chút “Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo” rồi “mất dần trong bóng tối, lắng tai cũng không nghe thấy nữa”, trả phố huyện về với “tịch mịch và đầy bóng tối”. Anh sáng đoàn tàu hoá ra làm cho nỗi buồn càng thấm thía hơn. 

 – Bằng sự quan sát, miêu tả tinh tế về sự biến đổi phong phú của ngoại cảnh và tâm trạng, Thạch Lam đã làm nổi bật cái đẹp trong bức tranh đời sống phố huyện nghèo và niềm khao khát một cuộc sống tươi sáng của “hai đứa trẻ”, của những kiếp người nhỏ bé.

ĐỀ 156: Nhận xét về nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật của Thạch Lam trong truyện ngắn này. (Chú ý mối quan hệ giữa ngoại cảnh – phố huyện lúc chiều tối, và nội tâm nhân vật – cảm xúc tâm trạng của chị em Liên).
1.5 (30%) 12 votes