DÀN Ý

1. Đặt vấn đề:

– Tục ngữ được coi là “túi khôn” của nhân loại, là kho kinh nghiệm về thiên nhiên, lao động sản xuất, về con người và xã hội của nhân dân lao động qua các thế hệ.

– Giới thiệu câu tục ngữ: “người ta là hoa đất”. Câu tục ngữ ngắn gọn, súc tích mà lại hàm chứa quan niệm sâu sắc và nhân bản của nhân dân lao động về vai trò, vẻ đẹp, sức mạnh của con người.

2. Giải quyết vấn đề:

– Giải thích và rút ra ý nghĩa khái quát của câu tục ngữ: bằng cách nói so sánh đầy hình ảnh (so sánh con người với “hoa đất”), câu tục ngữ muốn khẳng định: con người là vẻ đẹp của mọi vẻ đẹp trong cuộc sống, là sự kết tinh những giá trị tinh túy nhất.

– Khẳng định và lý giải tính đúng đắn của câu tục ngữ:

Có thể phân biệt con người với những loài vật khác ở những khả nắng kì diệu, độc đáo, chỉ con người mới có được.

+ Con người là lực lượng sáng tạo nên sự sống, cải tạo tự nhiên, xây dựng xã hội cộng đồng.

+ Con người là lực lượng sáng tạo nên những giá trị tinh thần cao quý, tạo ra những ngành nghệ thuật đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ của con người nghệ thuật văn chương, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc…). Khả năng của con người là kì diệu và vô hạn.

– Bài học rút ra từ câu tục ngữ: cần biết yêu thương, trân trọng con người, đặc biệt phải biết nâng niu, quý trọng bản thân mình; cố gắng rèn luyện về năng lực và tâm hồn để xứng đáng với hai tiếng Con Người thiêng liêng.

3. Kết thúc vấn đề:

– Có thể kể thêm một số câu tục ngữ khác có cùng ý nghĩa như: “Một mặt người bằng mười mặt của”, “Người sống, đống vàng”… .

– Câu tục ngữ thể hiện cái nhìn vừa thực tế, vừa nhận bản của ông cha ta và có giá trị giáo dục sâu sắc.

BÀI LÀM

Tôi vẫn còn nhớ cảm giác rung động mãnh liệt và xúc động sâu xa khi đọc truyện ngắn Một con người ra đời của nhà văn vĩ đại người Nga Mác-xim Goóc-ki. Đặc biệt là tiếng reo lên ngân nga như chuông thánh: “Con Người- hai tiếng ấy vang lên kì diệu và hùng tráng biết bao!”…

Ta cũng có thể bắt gặp âm hưởng ngợi ca Con Người ấy qua khá nhiều tác phẩm văn chương nghệ thuật khác, từ một bức tượng, một họa phẩm hay một nhạc phẩm…

Trong kho tàng tục ngữ về con người và xã hội Việt Nam, tôi đặc biệt chú ý đến câu tục ngữ “Người ta là hoa đất”. Câu tục ngữ ngắn gọn, súc tích mà lại hàm chứa quan niệm sâu sắc và nhân bản của nhân dân lao động về vai trò, vẻ đẹp và sức mạnh của con người.

Bằng cách nói so sánh đầy hình ảnh (so sánh con người với “hoa đất”), câu tục ngữ muốn khẳng định: con người chính là vẻ đẹp của mọi vẻ đẹp trong cuộc sống, là sự kết tinh những giá trị tinh túy nhất trên cuộc đời này.

Câu tục ngữ nêu lên một chân lý hiển nhiên vì đã được thực tế chứng minh. .

Có thể phân biệt được con người với những loài vật khác ở những khả năng kì diệu, độc đáo, chỉ con người mới có được.

Từ thời nguyên thủy, khi thế giới còn mang tính chất hoang sơ thì loài vượn xuất hiện. Đó chính là tiền thân của loài người chúng ta ngày nay. Trải qua bao năm tháng, từ loài vượnh người đó đã tiến hóa thành con người, mỗi ngày càng hoàn thiện hơn, tách rời khỏi tự nhiên, giảm bớt phần Con mà phát triển phần Người và trở thành một thực thể xã hội hoàn chỉnh. Từ hái lượm, con người chuyển sang săn bắn và gieo trồng. Từ “ăn lông ở lỗ”, con người biết đào hang để ngủ và đặc biệt phát hiện ra lửa, biết chuyển từ ăn sống sang ăn chín. Có thể nói, đó là những bước tiến vĩ đại trên hành trình đến xã hội văn minh, hiện đại ngày nay.

Không thể phủ nhận rằng con người chính là lực lượng sáng tạo nên sự sống. Con người không chỉ có khả năng cải tạo tự nhiên, bắt tự nhiên phục vụ cho nhu cầu của con người (ví như “bắt” dòng nước chảy xiết hung dữ kia thành nguồn thủy điện, biến nguồn năng lượng Mặt trời và sức Gió vô hạn thành nguồn nhiệt năng hoặc công năng, sáng tạo nên những phương tiện vĩ đại đưa con người vào không trung khám phá vũ trụ bao la…). Con người còn có thể xây dựng nên xã hội có tính cố kết cộng đồng cao, có trật tự và luật pháp… .

Cùng với những sáng tạo về vật chất là những sáng tạo về tinh thần. Con người cũng được coi là lực lượng sáng tạo nên những giá trị tinh thần cao quý, là chủ thể tạo ra những ngành nghệ thuật đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ của con người như nghệ thuật văn chương, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc, điện ảnh…. Bằng khả năng kì diệu của mình, con người biết biến những chất liệu phi vật thể như ngôn từ, âm thanh, ánh sáng… trở thành những phương tiện nói lên tiếng nói của tâm hồn, tinh thần, mơ ước sâu xa của con người qua bao thế hệ, ở mỗi dân tộc. Có thể nói, khả năng của con người là kì diệu và vô hạn.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, chúng ta thấy con người đã sáng tạo ra rất nhiều máy móc tinh vi hay những rô-bốt có khả năng hành động như con người, thay thế người làm một số công việc hàng ngày. Thế nhưng đó vẫn chỉ là những sản phẩm do con người sáng tạo ra để phục vụ cho cuộc sống của họ. Hơn nữa, chúng không có khả năng tưởng tượng và sáng tạo, không có nhu cầu và năng lực thể hiện tình cảm, thái độ, cảm xúc như con người. Do đó, mỗi chúng ta cần biết yêu thương, trân trọng con người, đặc biệt là phải biết nâng niu, quý trọng bản thân mình; cố gắng rèn luyện về năng lực và tâm hồn để xứng đáng với hai tiếng Con Người thiêng liêng. Bởi nếu không biết nâng niu, quý trọng bản thân mình thì cũng sẽ không thể thông hiểu và yêu thương những người khác.

Cùng ý nghĩa như câu tục ngữ “Người ta là hoa đất” là một số câu tục ngữ khác như “Một mặt người bằng mười mặt của”, “Người sống, đống vàng”…

Tóm lại, câu tục ngữ trên thể hiện cái nhìn vừa thực tế, vừa nhân bản của ông cha ta và có giá trị giáo dục sâu sắc. Đó là thông điệp đáng quý mà ông cha ta muốn gửi gắm cho đời sau về thái độ yêu thương, trân trọng bản thân mình cũng như Con Người nói chung trong cuộc đời này.

Giaibai5s.com

Đề số 10: Giải thích câu tục ngữ: “Người ta là hoa đất”.
4.1 (81.46%) 137 votes