HƯỚNG DẪN

a) Liên là nhân vật ấn tượng nhất của truyện Hai đứa trẻ.

– Liên là một cô gái mới lớn đảm đang: ngày ngày bán hàng, cần mẫn trông coi gian hàng tạp hoá giúp mẹ; đêm đêm cố thức đợi chuyến tàu đêm để đợi khách mua hàng dù khách mỗi ngày mỗi hiếm. Liên thay mẹ chăm sóc em (trong cảnh đợi tàu: Liên dịu dàng quạt cho em, vuốt tóc em…).

– Liên là một cô gái mới lớn nhạy cảm, có lòng trắc ẩn: Liên nhận ra sự nên thơ, lặng lẽ, man mác buồn của cảnh chiều xuống và đêm về trên phố huyện nghèo; biết thương những đứa trẻ nghèo, ái ngại với những cảnh đời nghèo khổ quanh mình.

– Liên là một cô gái mới lớn có sự âm thầm khao khát một cuộc sống tươi sáng. cho ngày mai: Liên gửi ước mơ của mình vào bầu trời (chiều và đêm), gửi niềm mong mỏi của mình vào chuyến tàu đêm đêm như chở một thế giới khác đi qua. 

* Lưu ý : Học sinh cũng có thể chọn phát biểu về một nhân vật khác, miễn sao phân tích thuyết phục. Ví như bà cụ Thi nửa điên nửa tỉnh. Đây là một nhân vật phụ, chỉ xuất hiện thoáng qua trong đoạn văn chỉ 11 dòng, gần như không kịp để lại một diện mạo, một tính cách nhưng vẫn được người đọc truyện kịp nhớ với tiếng cười khanh khách, cách ứng xử có nét thân thiện khi hỏi chào Liên, khen Liên: trả tiền tận tay Liên, xoa đầu Liên khi về. Đây là một cảnh đời gợi lên niềm thương cảm. 

b) Có nhiều chi tiết để chọn lựa trong truyện ngắn này: cảnh tàu đến, cảnh bầu trời chiều và đêm, tả ánh sáng và bóng tối v.v… (Khi phân tích phải chỉ ra sự độc đáo trong cách xây dựng chi tiết của tác giả và cho thấy chi tiết ấy phục vụ đắc lực cho tư tưởng chủ đề tác phẩm như thế nào).

Ví dụ, chi tiết miêu tả ánh sáng các ngọn đèn nơi phố huyện cũng là một dụng ý nghệ thuật của Thạch Lam. Khi trời vừa tối, “các nhà đã lên đèn cả rồi, đèn treo trong nhà bác phở Mỹ, đèn hoa kì leo lét trong nhà ông Cửu và đèn dây sáng xanh trong hiệu khách…”, chị Tí dọn hàng rồi “dịch ngọn đèn hoa kì lại ngồi têm trầu”, “Liên vội vàng vào thắp đèn”, “một vài cửa hàng còn thức, nhưng cửa chỉ để hé ra một khe ánh sáng”, “quầng sáng thân mật chung quanh ngọn đèn lay động trên chống hàng của chị Tí”, “một chấm lửa nhỏ khác và vàng lơ lửng đi trong đêm tối, mất đi rồi lại hiện ra” của hàng phở bác Siêu vừa dọn ra, cả ngọn đèn trong hồi nhớ của Liên “Hà Nội nhiều đèn quá…. Rồi khi đêm đen bao phủ, “chỉ còn ngọn đèn con của chị Tí”, trong cửa hàng của Liên, “ngọn đèn vặn nhỏ: thưa thớt từng hột sáng lọt qua phên nứa”. Đêm càng khuya khoắt, “hai ba người cầm đèn lồng lung lay các bóng dài”. Đoàn tàu xa rồi, “Từ phía ga, bóng đèn lồng với bóng người đi về”, Liên cũng “gài cẩn thận và vặn nhỏ ngọn đèn đặt trên cái quả thuốc sơn đen”, Liên thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết như chiếc đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng “một vùng đất nhỏ”…

Hơn mười lần tác giả tả ánh sáng ngọn đèn đỏ le lói, tỏ mờ nơi phố huyện. Đó là những chi tiết không chỉ là tả thực mà còn mang ý nghĩa ẩn dụ – biểu tượng. Ánh đèn làm hiện ra một đời sống quẩn quanh của kiếp người phố huyện. Chúng gợi lên trong lòng người đọc một nỗi ám ảnh không dứt về niềm cảm thương và ái ngại cho những thân phận mòn mỏi, chìm khuất giữa tối tăm ngay bên cạnh một cuộc sống đầy ánh sáng.

ĐỀ 157: Anh (chị) có ấn tượng sâu sắc nhất với nhân vật nào, với chi tiết nghệ thuật nào trong truyện Hai đứa trẻ? Vì sao?
Đánh giá bài viết