HƯỚNG DẪN

 – Những hiểu biết về tác giả và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm (ngữ cảnh) là một trong những căn cứ để giải mã tác phẩm. Đương nhiên văn bản truyện với thế giới hình tượng của tác phẩm là căn cứ quan trọng nhất. Ở đây, cần lưu ý một số điểm có liên quan để tiếp cận sâu hơn tác phẩm:

– Tác giả: Thạch Lam vốn là con người đôn hậu và tinh tế. Ông có quan niệm văn chương lành mạnh, tiến bộ và có biệt tài về truyện ngắn. Thạch Lam có quan niệm dứt khoát về thiên chức của văn chương: “Đối với tôi, văn chương không phải một, cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên, trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn”. Ông thường viết và thành công nhất về những truyện không có chuyện, chủ yếu khai thác thế giới nội tâm nhân vật với những cảm xúc mong manh, mơ hồ trong cuộc sống thường ngày. Mỗi truyện tựa hồ một bài thơ trữ tình, giọng điệu điềm đạm nhưng chứa bao tình cảm mến yêu chân thành và sự nhạy cảm của tác giả trước những biến đổi của cảnh vật và lòng người. Văn ông trong sáng, giản dị mà thâm trầm, sâu sắc. Hai đứa trẻ phản ánh đầy đủ và tiêu biểu con người và phong cách Thạch Lam.

– Về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm (ngữ cảnh): Tuổi thơ của Thạch Lam từng có những năm tháng sống ở quê ngoại Cẩm Giang (thuộc Bắc Ninh hiện nay). Những kí ức về làng quê, phố huyện, ga tàu, những cảnh đời hiu hắt của phố huyện những năm 30 thế kỉ trước đeo bám trong tâm tưởng nhà văn. Hai đứa trẻ phảng phất bóng dáng của cuộc sống mà tác giả từng trải nghiệm, nó là chất liệu ban đầu để nhà văn hình thành thế giới nghệ thuật cho chị em Liên. Ngữ cảnh đó giúp ta hiểu sâu hơn những thông điệp tác giả gửi vào hai đứa trẻ.

ĐỀ 155: Những hiểu biết cần thiết nào về tác giả và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm (ngữ cảnh) để làm căn cứ giải mã tác phẩm Hai đứa trẻ?
Đánh giá bài viết