I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Tác giả

– Cô-phi An-nan sinh ngày 8 – 4 – 1938 tại Ga-na (một nước Cộng hoà thuộc châu Phi).

– Quá trình hoạt động:

+ Năm 1962: Bắt đầu làm việc ở tổ chức Liên hợp quốc.

+ Năm 1966: Giữ chức Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách gìn giữ hoà bình.

+ Từ 1 – 1 – 1997: Giữ chức Tổng thư ký Liên hợp quốc. Ông đảm nhiệm chức vụ này hai nhiệm kì liền cho tới tháng 01 – 2007 (10 năm).

2. Văn bản

a) Hoàn cảnh và mục đích sáng tác: Cô-phi An-nan viết văn bản này gửi nhân dân toàn thế giới nhân ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS 1 – 12 – 2003. 

– Mục đích: Kêu gọi cá nhân và mọi người chung tay góp sức ngăn chặn hiếm hoạ, nhận thấy sự nguy hiểm của đại dịch này.

b) Thể loại – Văn bản nhật dụng.

– Thông điệp: Là những lời thông cáo mang ý nghĩa quan trọng đối với nhiều người, nhiều quốc gia, dân tộc.

c) Bố cục: Bài văn chia làm ba đoạn.

– Phần 1 (từ đầu… dịch bệnh này): Điểm lại tình hình thực hiện và nêu nhiệm vụ mới cho toàn cầu.

– Phần 2 (tiếp theo… với cái chết): Thế giới đã cam kết phòng chống và đánh bại căn bệnh HIV/AIDS

– Phần 3 (còn lại): Lời kêu gọi khẩn thiết.

d) Chủ đề: Thông điệp nêu rõ hiểm hoạ của toàn nhân loại kêu gọi các quốc gia và mọi người coi đó là nhiệm vụ của chính mình, không nên im lặng, kì thị, phân biệt đối với những người bị HIV/AIDS.

II. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Bản thông điệp nêu lên vấn đề tầm quan trọng và ý nghĩa cấp bách của việc phòng chống hiểm họa HIV/AIDS: Chống lại HIV/AIDS là trách nhiệm lớn của mỗi nhà nước và mỗi người.

– Bản thông điệp khẳng định vấn đề phòng chống AIDS là vấn đề phải đặt lên “ vị trí hàng đầu” trong “chương trình nghị sự về chính trị và hành động thực tế” của mỗi quốc gia và cá nhân vì:

+ HIV/AIDS là vấn đề nóng bỏng, cấp thiết của toàn nhân loại, đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống con người.

+ HIV/AIDS đang hoành hành, gây tỉ lệ tử vong cao, có rất ít dấu hiệu suy giảm.

+ Mỗi phút có khoảng 10 người bị nhiễm HIV.

+ HIV/AIDS làm giảm sút tuổi thọ nghiêm trọng.

+ Lây lan với tốc độ báo động ở phụ nữ.

+ Hành động của chúng ta vẫn quá ít so với nhu cầu của thực tế.

+ Những thách thức cạnh tranh không quan trọng bằng HIV/AIDS.

   Tất cả những điều đó cho thấy tầm hiểu biết sâu rộng, tầm nhìn, tâm huyết, trăn trở, trách nhiệm của Cô-phi An-nan.

2. Cách tác giả điểm lại tình hình (Nghệ thuật lập luận).

– Văn bản nhật dụng kiểu bài nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống nên lập luận theo kết cấu 3 phần: Nêu vấn đề – Giải quyết vấn đề – Kết thúc vấn đề bàn bạc về thực trạng, nguyên nhân, hậu quả và giải pháp cho việc phòng chống HIV/AIDS bằng các đoạn văn nghị luận tương ứng với từng luận điểm. 

– Nhắc lại “Tuyên bố về Cam kết phòng chống HIV/AIDS” của các quốc gia nhằm nhắc nhở trách nhiệm của mọi người. 

– Nêu thực trạng các mặt đã làm được trong việc phòng chống HIV/AIDS ở các khu vực khác nhau trên thế giới, các quốc gia, các tổ chức cộng đồng nhằm động viên, khích lệ, cổ vũ tiếp tục phòng chống HIV/AIDS.

+ Ngân sách phòng chống HIV tăng đáng kể.

+ Quỹ toàn cầu về phòng chống AIDS được thành lập.

+ Các nước đã xây dựng chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS,… 

– Trình bày hậu quả và thực trạng tình hình HIV/AIDS bằng cách nêu Số liệu cụ thể, chọn lọc để khẳng định đại dịch đang lan nhanh với cách nói gây ấn tượng:

+ “Trong năm qua, mỗi phút đồng hồ của một ngày trôi đi, có khoảng 10 người bị nhiễm HIV”.

+ “HIV/AIDS đang lây lan với tốc độ báo động ở phụ nữ,….

– Khẳng định:

+ Chúng ta sẽ không đạt được bất cứ mục tiêu nào vào năm 2005 → Dự báo tình hình.

+ “Phải đưa vấn đề AIDS lên vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự về chính trị và hành động thực tế của mình”.

– Giải pháp:

+ Nỗ lực nhiều hơn để thực hiện cam kết.

+ Công khai lên tiếng về AIDS.

+ Không kì thị phân biệt đối xử với người nhiễm bệnh.

+ Tha thiết kêu gọi mọi người chung tay chống HIV/AIDS.

“Lẽ ra…” lối diễn đạt mở, cách lập luận ngắn gọn, bảo đảm yêu cầu toàn diện và bao quát, cách tổng kết tình hình có trọng tâm và điểm nhấn, nghệ thuật lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục. 

3. Trong lời kêu gọi mọi người phải nỗ lực phòng chống HIV/AIDS nhiều hơn nữa, tác giả đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc kì thị và phân biệt đối xử với những người mắc bệnh. Ông cho rằng sự dè dặt, từ chối đối mặt với sự thật không mấy dễ chịu, hoặc vội vàng phán xét đồng loại của mình, sẽ khiến chúng ta không đạt được tiến độ hoàn thành các mục tiêu, thậm chí còn bị chậm hơn nữa, nếu sự kì thị và phân biệt đối xử vẫn tiếp tục diễn ra đối với những người mắc bệnh AIDS..

   Bản thông điệp có giá trị hết sức to lớn đối với cuộc chiến chống đại dịch HIV/AIDS. Nó đã chỉ ra thực trạng, nguyên nhân của đại dịch và đề ra giải pháp, kêu gọi mạnh mẽ mọi người hành động. Bản thông điệp cũng thể hiện tầm nhìn, bản lĩnh và tâm huyết của người đứng đầu tổ chức Liên hợp quốc. Đó là tầm nhìn sâu rộng, một bản lĩnh mạnh mẽ, vững vàng và một tâm huyết thiết tha với sự sống của con người, của cộng đồng. Cũng chính điều đó tạo nên sức thuyết phục cho bản thông điệp.

4. Trong bản thông điệp này phần có giá trị hơn cả là phần cuối văn bản. Ở phần này, tác giả sử dụng những câu văn ngắn gọn với một cảm xúc kim nén, không lớn tiếng khoa trương mà có một vẻ đẹp cô đúc, sâu sắc.

   Theo hướng lời ít ý nhiều đó, có câu văn như một qui luật gọn ghẽ mà độc đáo bất ngờ: “Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết.” Cũng có câu cô đọng mà tạo hình ảnh gợi cảm xúc: “Hãy cùng tôi đánh đổ các thành lũy của sự im lặng,… này”. Lại có câu vừa gọn ghẽ độc đáo vừa dễ hình dung và gợi cảm: “Hãy đừng để một ai… và họ.” Trong thế giới AIDS khác biệt này không có khái niệm “chúng ta” và “họ”.

   Những câu văn ấy, học sinh có thể học tập và vận dụng trong việc làm văn ở nhà trường cũng như trong các hoạt động nghị luận mà các em đang tham gia hiện tại và mai sau.

III. LUYỆN TẬP

   Viết bản báo cáo về tình hình phòng chống HIV/AIDS ở địa phương anh (chị).

   Để làm được yêu cầu của đề bài học sinh nên đến các cơ quan ban ngành có liên quan của địa phương (xã, phường, quận, huyện) để xin các tài liệu tham khảo và dựa vào thực tế các hoạt động, phong trào mang tính tuyên truyền của địa phương.

Nội dung cần đạt:

– Khái quát về thực trạng tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm) và các trường hợp mắc HIV/AIDS ở địa phương. Những tệ nạn trên có phổ biến không? Số lượng người có mắc HIV/AIDS;… Từ đó, nhận định về nguy cơ tràn lan các tệ nạn xã hội và HIV/AIDS.

– Những hoạt động phòng chống HIV/AIDS: kể tên các hoạt động, phong trào tuyên truyền về phòng chống tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm), HIV/AIDS; các hoạt động của công an địa phương truy quét các tụ điểm tệ nạn xã hội,… .

– Hiệu quả của các hoạt động phòng chống HIV/AIDS ở địa phương: tệ nạn xã hội, ma túy mại dâm giảm đi hay tăng lên như thế nào? Tỉ lệ người mắc HIV/AIDS tăng hay giảm?,…

   Đánh giá chung về tình hình phòng chống HIV/AIDS ở địa phương hiệu quả hay không hiệu quả)

– Đưa ra biện pháp mang tính khả thi hạn chế các tệ nạn trên.

Nguồn website giaibai5s.com

Tuần 6: Thông điệp nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS, 1 – 12 – 2003 – Cô-phi An-nan
Đánh giá bài viết