Đề 1. Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông

Dàn bài gợi ý

Mở bài:

– Đặt vấn đề: trong nhiều năm trở lại đây, vấn đề tai nạn giao thông đang là điểm nóng thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận bởi mức độ thiệt hại mà vấn đề này gây ra.

– Nhận thức: tuổi trẻ học đường – những công dân tương lai của đất nước – cũng phải có những suy nghĩ và hành động để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Thân bài:

– Thực trạng tai nạn giao thông ở Việt Nam hiện nay:

+ Đang diễn ra hằng ngày hàng giờ trên cả nước, 33 – 34 người chết và bị thương ngày

+ Trong số đó, có không ít các bạn học sinh, sinh viên là nạn nhân hoặc là thủ phạm gây ra các vụ tai nạn giao thông.

– Hậu quả của vấn đề:

+ Thiệt hại lớn về người và của, để lại những thương tật vĩnh viễn cho các cá nhân và hậu quả nặng nề cho cả cộng đồng.

+ Gây đau đớn, mất mát, thương tâm cho người thân, xã hội.

– Nguyên nhân của vấn đề:

+Ý thức tham gia giao thông của người dân còn hạn chế, thiếu hiểu biết và không chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông (lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, coi thường việc đội mũ bảo hiểm…) 

+ Thiếu hiểu biết về các quy định an toàn giao thông (lấy trộm ốc vít đường ray, chiếm dụng đường…)

+ Sự hạn chế về cơ sở vật chất chất lượng đường thấp, xe cộ không đảm bảo an toàn…)

+ Đáng tiếc rằng, góp phần gây ra nhiều tai nạn giao thông, còn có những bạn học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.

– Hành động của tuổi trẻ học đường góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông:

+ Tham gia học tập Luật Giao thông đường bộ ở trường lớp. Ngoài ra, bản thân mỗi người phải tìm hiểu, nắm vững thêm các luật lệ và quy định đảm bảo an toàn giao thông.

+ Chấp hành nghiêm chỉnh quy định về an toàn giao thông: không lạng lách, đánh võng trên đường đi, không đi xe máy khi chưa có bằng lái, không vượt đèn đỏ, đi đúng phần đường, dừng đỗ đúng quy định, khi rẽ ngang hoặc dùng phải quan sát cẩn thận và có tín hiệu báo hiệu cho người sau biết, đi chậm và quan sát cẩn thận khi qua ngã tư…

+ Đi bộ sang đường đúng quy định, tham gia giúp đỡ người già yếu, người tàn tật và trẻ em qua đường.

+ Tuyên truyền luật giao thông: trao đổi với người thân trong gia đình, tham gia các hoạt động tuyên truyền xung kích về an toàn giao thông để góp phần phổ biến Luật Giao thông đến tất cả mọi người, tham gia các đội thanh niên tình nguyện đảm bảo an toàn giao thông…

Kết bài:

– An toàn giao thông là hạnh phúc của mỗi người mỗi gia đình và toàn xã hội.

– Tuổi trẻ học đường với tư cách là chủ nhân tương lai của đất nước, là thế hệ tiên phong trong nhiều lĩnh vực, có sức khoẻ, có tri thức… cần có những suy nghĩ đúng đắn và gương mẫu thực hiện những giải pháp thiết thực để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông…

Một vài số liệu thực tế:

   Trong vòng 10 năm qua, số vụ tai nạn giao thông đã tăng gấp bốn lần. Theo điều tra chấn thương liên trường (VMIS), trong năm 2001 có 4100 trẻ chết do tai nạn giao thông, tương đương với 11 trẻ chết 1 ngày. Tỉ lệ tử vong ở trẻ em trai gấp hai lần tỉ lệ này ở trẻ em gái. Trong khi đó có 290000 trẻ bị thương do tai nạn giao thông cũng trong 2001, tương đương với 794 trẻ/ ngày. Tai nạn giao thông là nguyên nhân tử vong hàng đầu của trẻ em từ 15 tuổi trở lên. Phần lớn trẻ 0 – 9 tuổi chết là người đi bộ. Đa số trẻ 10 – 14 tuổi chết khi đi xe đạp trong khi tất cả các ca tử vong ở đối tượng 15 – 19 tuổi là người đi xe máy. 

Bài viết tham khảo

   Hằng năm, tai nạn giao thông đã cướp đi hàng ngàn sinh mạng của con người. Tại nạn giao thông đã trở thành một vấn nạn đáng báo động đối với toàn thế giới nói chung và của nước ta nói riêng. Một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông chính là sự hạn chế về hiểu biết và ý thức của người dân, trong đó thanh thiếu niên là đối tượng tham gia giao thông đông nhất hiện nay. Nhưng đa số họ đều chưa được qua trường lớp đào tạo, huấn luyện về kiến thức khi tham gia giao thông. Chúng ta cần phải có biện pháp như thế nào để ngăn chặn và giảm thiểu số lượng tai nạn giao thông đang ngày một tăng cao như hiện nay?

   Tai nạn giao thông là sự va chạm mạnh giữa những phương tiện tham gia giao thông với nhau, gây thiệt hại nghiêm trọng về con người và vật chất. Tai nạn giao thông có thể gây thiệt mạng, tàn tật cho con người dẫn đến mất sức lao động cho xã hội và mất mát về mặt tình cảm cho gia đình. Ngoài ra, tai nạn giao thông còn gây thiệt hại của cải cá nhân và công cộng. Vậy nên, hằng năm nhà nước ta đã chi ra một khoản tiền không nhỏ để cải thiện tình hình, nâng cao cơ sở vật chất hay đưa ra luật nhằm hạn chế tai nạn giao thông. Nhưng liệu đó là một cách làm hiệu quả? Thật ra, nguyên nhân sâu xa của tai nạn giao thông chính là sự thiếu ý thức và thiếu hiểu biết của người tham gia giao thông. Những người này hoặc chưa có đủ kiến thức về an toàn giao thông hoặc chưa hoàn toàn ý thức chấp hành luật. Có những người biết rất rõ luật nhưng vẫn cố tình vi phạm. Mặc dù, họ biết phải dừng xe khi đèn đỏ nhưng thay vì làm như thế, họ lại cố phóng nhanh để vượt đèn đỏ. Họ không biết rằng chỉ để tiết kiệm vài giây mà họ có thể phải đánh đổi bằng mạng sống của chính mình. Hay có những người lớn để cho con em mình tham gia giao thông bằng xe phân khối lớn dù chưa đủ tuổi và hay phóng nhanh, vượt ẩu. Lại có trường hợp không tôn trọng những người cùng tham gia với mình, họ khạc nhổ bừa bãi trên đường phố làm những người đi sau không thể xử lý tình huống kịp thời, dẫn đến những tai nạn đáng tiếc. Nhưng đó chỉ là sự chủ quan của người tham gia giao thông vì tai nạn giao thông còn do nguyên nhân khách quan của việc quản lí vĩ mô của nhà nước.

   Như chúng ta đã biết, ngày nay, dân số nước ta ngày càng tăng cao, nhiều người dân đổ dồn về các thành phố lớn làm dân số tăng vọt, thế nhưng đất không rộng ra, đường sá vẫn như cũ dẫn đến tình trạng “đất chật người đông”, dễ gây nạn kẹt xe và va quệt giữa những người tham gia giao thông với nhau. Hay là do những phương tiện giao thông quá cũ hay nhiều người thường “cải tiến” phương tiện giao thông của mình. Họ không hề biết rằng chính hành động đó của họ đã vô tình gây cản trở giao thông, dễ dẫn tới tai nạn không đáng có. Và một nguyên nhân khá quan trọng cần phải nói tới chính là chất lượng đường sá hiện : nay của nước ta. Như ở thành phố Hồ Chí Minh, rất nhiều tuyến đường bị thu hẹp vì những công trình đang thi công, gây ùn tắc giao thông. Vậy nên để giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông, theo tôi cần phải giáo dục ý thức người dân từ trong ghế nhà trường và càng sớm càng tốt, và đối tượng chính là thanh niên, học sinh. Nhà trường nên tổ chức các buổi tuyên truyền về Luật Giao thông và có những biện pháp để hạn chế số lượng học sinh vi phạm Luật Giao thông như cấm học sinh đến trường bằng xe phân khối lớn, hay xem ý thức chấp hành Luật Giao thông của học sinh là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá đạo đức,… Đồng thời nhà nước cũng nên tuyên truyền và giáo dục người dân chấp hành luật khi tham gia giao thông, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như: báo đài, tờ rơi, áp phích,… Điều quan trọng nữa theo tôi, để các bạn học sinh không vi phạm giao thông, trước tiên là cần sự hiểu biết và giáo dục từ phía gia đình của các bạn. Phụ huynh không nên cho phép con em mình tự ý tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi và chính bản thân họ cũng nên chấp hành tốt Luật Giao thông nhằm làm gương cho con em mình noi theo.

   Tháng tư năm 2007, một thành viên của WHO đã phát biểu rằng “tai nạn giao thông Việt Nam đã trở thành đại dịch” và cũng theo thống kê 20% tổng số vụ tai nạn giao thông là do giới học sinh, sinh viên gây ra. Vậy nên để đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác, học sinh chúng ta nên nghiêm chỉnh, tự giác chấp hành Luật An toàn Giao thông cũng như để tránh gây thiệt hại về tài sản, tinh thần và mất mát về mặt tình cảm cho gia đình.

                                                                           (Sưu tầm)

   Đề 2. Hiện nay, ở nước ta có nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp. Anh (chị) hãy bày tỏ suy nghĩ về hiện tượng đó.

Dàn bài gợi ý

– Thông tin về thực trạng trẻ em lang thang, cơ nhỡ.

– Nguyên nhân của tình trạng này.

– Thông tin về các tổ chức xã hội, cá nhân giúp đỡ trẻ em lang thang, cơ nhỡ.

+ Chọn nêu vài tổ chức tiêu biểu.

+ Nêu vắn tắt kết quả hoạt động trên.

– Suy nghĩ của bản thân về hiện tượng này (yêu cầu chân thực, thể hiện sự quan tâm, đồng cảm).

Bài viết tham khảo

   Trong xã hội hiện nay ở nước ta, tình trạng trẻ em lang thang ngày càng tăng và là một vấn nạn cần được giải quyết nhanh chóng. Tuy nhà nước ta đã rất cố gắng, nhưng không dễ gì có thể xóa đi vấn nạn này một cách nhanh chóng được do nhà nước ta không có đủ điều kiện. Vì thế trong xã hội đã xuất hiện nhiều cá nhân, gia đình và tổ chức có lòng hảo tâm đã thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang, kiếm sống trong thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện, vườn lên sống lành mạnh, tốt đẹp.

   Trong tình hình chung của đất nước đang trên đà phát triển, ngoài những mặt tích cực như đời sống xã hội của người dân đang ngày được nâng cao, kinh tế thị trường phát triển vượt bậc, thì bên cạnh đó cũng kéo theo những tiêu cực, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. Trong khi đó, mức sống của xã hội đã thay đổi, dẫn đến hệ thống ý thức và trách nhiệm của người dân cũng dần biến đổi theo, cùng với sự giao thoa văn hóa giữa phương Đông và phương Tây, lối “sống thử” đã du nhập vào Việt Nam, đó cũng chính là một trong những nguyên nhân căn bản làm gia tăng số lượng trẻ em bị bỏ rơi chỉ do những sự cố ngoài ý muốn. Bên cạnh đó, cũng còn nhiều lý do khác, như gia đình các em khó khăn, vì hoàn cảnh, các em phải bươn chải, lao vào công cuộc mưu sinh ở cái tuổi mà lẽ ra các em phải nhận được sự chăm sóc từ phía gia đình, được đến trường và hưởng một tuổi thơ tốt đẹp. Theo thống kê của tổ chức UNICEF về thực trạng trẻ em hiện nay thì việc trẻ em dưới năm tuổi tử vong đang ở mức báo động, cũng như số lượng trẻ em lang thang cơ nhỡ không ngừng gia tăng. Vì vậy, có thể nói, đây là một vấn đề cấp bách và mối quan tâm hàng đầu được đặt ra cho sự phát triển của đất nước và tương lai của xã hội. 

   Đứng trước vấn đề đó, nước ta hiện nay cũng đã có chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xã hội, từ thiện, tích cực hơn trong việc chăm lo đời sống của các trẻ em nghèo. Đã có rất nhiều tổ chức được hình thành nhằm vào mục đích này, từ các tổ chức phi chính phủ cho đến các tổ chức tự phát ở từng cơ quan, đoàn thể và các tổ chức do một số các nhân thành lập đã và đang hoạt động rất hiệu quả. Hiện trạng và các số liệu cũng đang dần được cải thiện. Tiêu biểu là tổ chức “Hang ước mơ xanh” do các anh chị sinh viên từ các trường cao đẳng, đại học trong thành phố thành lập với phương châm “Tình nguyện vì cuộc sống tốt đẹp hơn” đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ các bạn trẻ, cũng như các Mạnh Thường Quân, các anh chị đã thực hiện ước mơ được đi học, được yêu thương, chăm sóc của hàng trăm trẻ em nghèo, lang thang, cơ nhỡ và cả các em ở vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn thường nhận thấy sự xuất hiện của các khu “nhà mở”, các mái ấm tình thường. Tuy với quy mô nhỏ, xuất phát từ cá nhân, nhưng nơi đây chất chứa đầy tình thương và lòng tương thân tương ái. Ngoài ra còn có các tổ chức lớn khác, một số là các tổ chức nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, chúng ta không thể không kể đến Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, gọi tắt là UNICEF; và không ai trong chúng ta không biết đến làng trẻ em SOS, là cái nôi nuôi dưỡng bao ước mơ và cũng là mái nhà chung của không biết bao nhiêu trẻ em không gia đình, thiếu tình thương và sự chăm sóc.

   Và như các bạn đã biết, UNICEF cũng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo chúng ta về thực trạng đời sống của trẻ em. Thật đáng lo ngại bởi các tổ chức từ thiện mang tầm vóc và cách thức hoạt động quốc tế của chúng ta còn quá ít, do vậy việc hỗ trợ cũng như ứng dụng các phương thức hoạt động của UNICEF là vô cùng cần thiết. Nhưng chúng ta cũng không thể hoàn toàn phủ nhận cố gắng không ngừng trong việc phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta và bước đầu đã đạt được những thành quả đáng khích lệ. Nhân dịp Tết Trung thu vừa qua, thành phố đã tổ chức khá nhiều hoạt động vui trung thu cho trẻ em nghèo ở các mái ấm tình thương, cũng như phối hợp với các bệnh viện để khám chữa bệnh cho các trẻ em khuyết tật, không gia đình.

   Đối mặt với những vấn đề tưởng chừng như nan giải trong xã hội hiện nay, chúng ta hãy cùng nhau tìm ra giải pháp tốt nhất, cùng chung tay vì xã hội mới tốt đẹp hơn. Ngay từ bây giờ, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là học tập, nhưng bên cạnh đó, chúng ta hãy giành chút ít thời gian quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống chung quanh mình. Ít nhất, các bạn cũng hãy làm một việc gì đó, như một tác nhân gián tiếp, cộng tác với các tổ chức từ thiện hay một số cá nhân nào đó và các bạn hãy chứng tỏ rằng, thế hệ trẻ chúng ta không thờ ơ trước những mảnh đời bất hạnh, cần sự quan tâm của xã hội và của chính chúng ta.

   Kết thúc vấn đề trên, chúng ta càng phải nhận thấy mình thật hạnh phúc và may mắn khi được yêu thương và luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình và thầy cô. Chính vì vậy, chúng ta càng phải nhận thức rõ hơn và cố gắng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của bản thân ở gia đình và nhà trường, hoàn thành tốt nghĩa vụ học tập, nói không với tiêu cực xã hội và cùng nhau cố gắng xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn.

                                                                             (Sưu tầm)

   Đề 3. Hãy trình bày quan điểm của mình trước cuộc vận động “nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.

Dàn bài gợi ý

– Giải thích: thế nào là “tiêu cực trong thi cử”, “bệnh thành tích trong giáo dục” nêu biểu hiện cụ thể.

– Tại sao cần “nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục nhà trường”.

+ Để đảm bảo công bằng xã hội.

+ Để chất lượng giáo dục đào tạo được tốt hơn.

+Để không lãng phí thời gian, tiền của của xã hội.

+ Để thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Do đó cần hành động ngay.

– Làm sao để phong trào “nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong nhà trường đạt kết quả tốt?

+ Cần quán triệt vấn đề chặt chẽ từ trên xuống dưới, cán bộ lãnh đạo cần là người tiên phong và kiên quyết thực hiện.

+Tuyên truyền sâu rộng cho phong trào.

+ Lên án mạnh mẽ các biểu hiện của những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong nhà trường.

+ Mỗi giáo viên, học sinh cần thấy được tính cấp thiết của vấn đề và thực hiện nghiêm túc.

– Rút ra bài học cho bản thân.

Bài viết tham khảo

   Học sinh, sinh viên là tương lai của đất nước. Vì vậy, giáo dục luôn là vấn đề quan trọng được mọi người trong xã hội quan tâm, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, hiện nay đang xuất hiện nhiều tiêu cực gây nhiều ảnh hưởng xấu cho nền giáo dục nước ta. Thực hiện tốt cuộc vận động “Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” góp phần lập lại trật tự kỉ cương trong dạy và học, khuyến khích mạnh mẽ tính sáng tạo của các thầy, cô giáo là tiền đề quan trọng để triển khai các giải pháp khắc phục yếu kém trong giảng dạy và học tập.

   Hiện tượng tiêu cực thi cử” và “bệnh thành tích trong giáo dục” trong nhà trường hiện nay là một hiện tượng xấu cần xoá bỏ, nó làm cho học sinh ỷ lại, không tự phát huy năng lực học tập của mình, làm cho giáo viên mất đi lương tâm nghề nghiệp, làm mất | lòng tin về năng lực cá nhân của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp trong xã hội.

   Để loại bỏ “tiêu cực trong thi cử” và “bệnh thành tích trong giáo dục” thì Bộ Giáo dục, nhà trường, và cả các bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức, tác phong đạo đức cho bản thân và con em của mình trong việc học và dạy, phát hiện kịp thời các trường hợp học, thi hộ để xử lí. Tuyệt đối không sử dụng tài liệu hoặc thiết bị không được cho phép, không trao đổi dưới mọi hình thức gian lận trong các giờ kiểm tra và thi, không xin điểm, chạy điểm và có hành động tiêu cực khác trong học tập và rèn luyện, ban giám thị khi coi thi không được cố tình lờ đi cho thí sinh sử dụng tài liệu hay trao đổi với nhau,… Đó là hành động vi phạm có ý thức. Vậy ý nghĩa của cuộc vận động này là phòng chống và ngăn chặn các hành vi gian lận, bao che trong dạy, học và thi cử. Vấn đề đã và đang trở nên rất cấp thiết. Đây không còn chỉ là cuộc vận động của bộ, ngành mà là của toàn ngành giáo dục. Tiêu cực và bệnh thành tích đã có từ lâu. Nếu để tiêu cực tiếp tục kéo dài, học sinh không có động lực để học, không tiếp thu được kiến thức, sẽ không có tương lai. Các thầy cô cũng không có động lực để dạy, không có sáng kiến đổi mới phương pháp dạy học, nền giáo dục khi ấy sẽ ngày càng trì trệ.

   Hiện nay, cái mà học sinh cần khi tốt nghiệp phổ thông không phải là tấm bằng thuần tuý mà là năng lực để học nghề, hay học lên đại học, gây dựng một tương lai cho bản thân. Vì vậy, cuộc vận động này chính là lợi ích của học sinh. Nếu loại bỏ được căn bệnh “chạy theo thành tích” như hiện nay thì sẽ không còn tình trạng học sinh, sinh viên phải “chọi nhau” ở các kì thi. Cuộc vận động này góp phần tích cực xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, nhà trường an ninh trật tự an toàn không có tệ nạn xã hội và tiêu cực, học sinh, sinh viên được đào tạo đúng với trình độ năng lực cá nhân của mình tạo sự công bằng và tăng niềm tin cho toàn xã hội.

   Bản thân tôi là học sinh, tôi rất ủng hộ cuộc vận động chống tiêu cực và bệnh thành, tích trong thi cử, tích cực tham gia các phong trào do nhà trường và đoàn thể phát động. Mỗi người góp một phần nhỏ trong việc chống lại tiêu cực và bệnh thành tích thì xã hội sẽ lành mạnh và đi vào trật tự kỉ cương.

                                                                            (Sưu tầm)

Tuần 5: Viết bài làm văn số 2: Nghị luận xã hội (bài làm ở nhà)
Đánh giá bài viết