I. YÊU CẦU CẦN ĐẠT ĐỐI VỚI TRẺ

1.Về kĩ năng nghe

– Biết tập trung, chăm chú nghe bố mẹ kể.

– Biết nhận xét, đánh giá, kế tiếp lời kể của bố mẹ.

2. Về kĩ năng nói

– Yêu cầu con nhớ được nội dung, tình tiết câu chuyện.

– Dựa vào nội dung tóm tắt, kể lại được từng đoạn và toàn bộ câu chuyện.

– Biết cách kể chuyện, giọng kể tự nhiên, biểu cảm, biết phối hợp lời kể với nét mặt, điệu bộ, cử chỉ.

II. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ

1. Dựa vào nội dung tóm tắt trong SGK trang 134, kể lại từng đoạn câu chuyện Người làm đồ chơi.

M:

a. Đoạn 1: Cuộc sống vui vẻ của bác Nhân. 

   Bác Nhân hàng xóm của tôi là một người chuyên nặn đồ chơi bằng bột màu. Bác rất khéo tay, từ những cục bột nhiều màu sắc, dưới bàn tay tài hoa của bác, những ông Bụt, Thạch Sanh, Tôn Ngộ Không, con vịt, con gà… lần lượt hiện ra. Thế nên ở ngoài phố, cứ cái sáo nứa cắm đồ chơi của bác dụng chỗ nào là trẻ con xúm xít lại chỗ ấy. Bạn nào cũng tò mò, thích thú ngắm bàn tay thoăn thoắt của bác. Những lúc ấy, bác Nhân rất vui.

   Chiều nào, khi đi bán hàng về, bác cũng say sưa kể cho tôi nghe trẻ nhỏ thích đồ chơi của bác như thế nào.

b. Đoạn 2: Bác Nhân định chuyển nghề.

Nhưng gần đây, đồ chơi bằng nhựa bỗng xuất hiện, đám trẻ nhỏ không còn hứng thú với đồ chơi của bác nữa.

Bác Nhân buồn lắm. Một hôm, bác bảo tôi: bác sắp về quê làm ruộng, không nặn đồ chơi nữa.

Tôi suýt khóc, nhưng cố tỏ ra bình tĩnh:

– Bác đừng về, bác ở đây làm đồ chơi bán cho chúng cháu.

– Nhưng độ này bọn trẻ thích đồ chơi nhựa hơn, chẳng mấy ai mua đồ chơi của bác nữa.

– Cháu sẽ mua và rủ các bạn cùng mua.

Bác cảm động ôm lấy tôi.

c. Đoạn 3: Buổi bán hàng cuối cùng của bác Nhân.

   Hôm sau, bác Nhân đi bán hàng buổi cuối cùng. Tôi rất mong bác được vui, nên đập con lợn đất, đếm được hơn mười nghìn đồng. Tôi chia nhỏ món tiền ấy, đưa cho các bạn cùng lớp, nhờ bạn đến mua giúp đồ chơi của bác.

   Chiều hôm ấy, khi bác về, tôi thấy bác rất vui. Bác tặng tôi hai con giống, rồi vui vẻ kể: “Hôm nay, bác bán hết nhẵn hàng. Thì ra, vẫn còn nhiều trẻ nhỏ thích đồ chơi của bác”.

   Sau đó, bác còn bảo:

– Về quê, bác cũng sẽ nặn đồ chơi để bán. Nghe nói trẻ ở nông thôn thích thứ này hơn trẻ thành phố.

2. Kể lại toàn bộ câu chuyện Người làm đồ chơi. Yêu cầu kể tự nhiên, sáng tạo, thể hiện được diễn biến tình cảm của nhân vật, đặc biệt nhân vật bác Nhân: lúc vui tươi, say sưa kể về sự hứng thú của trẻ con với đồ chơi của bác; lúc buồn bã khi dự định đổi nghề; lúc cảm động khi nghe cậu hàng xóm ủng hộ đồ chơi mình làm…

Nguồn website giaibai5s.com

Phần II: Mẹ dạy con học Tiếng Việt ở nhà-Chủ điểm nhân dân-Tuần 34. Kể chuyện: Người làm đồ chơi
Đánh giá bài viết