I. Tác giả và tác phẩm

1. Tác giả

   Xuân Diệu (1916 – 1985) tên thật là Ngô Xuân Diệu, quê ở làng Trảo Nha, nay là xã Đại Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Trong sáng tác, Xuân Diệu sử dụng bút danh Trảo Nha. Do quê mẹ của Xuân Diệu ở Bình Định nên ông lớn lên ở Quy Nhơn. Sau khi tốt nghiệp tú tài, Xuân Diệu có một thời gian dạy học và làm viên chức ở Tiền Giang trước khi ra Hà Nội sống bằng nghề viết văn và trở thành thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn. Xuân Diệu tham gia hoạt động cách mạng trong Mặt trận Việt Minh trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Xuân Diệu là nhà thơ gắn liền với nền văn học dân tộc suốt từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến sau ngày đất nước thống nhất. Năm 1983, ông vinh dự được bầu là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật Cộng hòa dân chủ Đức.

   Xuân Diệu là nhà thơ có sức sáng tạo mãnh liệt và bền bỉ, có đóng góp to lớn đối với nền văn học Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Nổi bật nhất trong các sáng tác của Xuân Diệu là thơ. Hoài Thanh nhận xét Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới. Ông đem đến cho thơ ca đương thời một sức sống mới, một nguồn cảm xúc mới, thể hiện một quan niệm sống mới mẻ cùng với những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo. Ông là nhà thơ của tình yêu, của mùa xuân và tuổi trẻ với một giọng thơ sôi nổi, đắm say, yêu đời thắm thiết. Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thơ Xuân Diệu đi sâu vào thực tế đời sống và rất giàu tính thời sự, thơ ông gắn liền với cuộc sống cách mạng của nhân dân như lời ông nói:

                      Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi

                      Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu

                                                               (Những đêm hành quân)

Xuân Diệu để lại nhiều tác phẩm có giá trị trên nhiều lĩnh vực:

– Các tập thơ: Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945), Riêng chung (1960), Mũi Cà Mau – Cầm tay (1962), Hai đợt sóng (1967), Tôi giàu đôi mắt (1970), Thanh ca (1982).

– Các tập văn xuôi: Phấn thông vàng (1939), Trường ca (1945).

– Các tập tiểu luận phê bình, nghiên cứu văn học: Những bước đường tư tưởng của tôi (1958), Các nhà thơ cổ điển Việt Nam (tập I và II, 1981 – 1982), Công việc làm thơ (1984).

– Ngoài ra, Xuân Diệu còn có một số tập thơ dịch từ thơ nước ngoài.

2. Tác phẩm

   Bài thơ Vội vàng được in trong tập Thơ thơ (1938), là một trong những tập thơ tiêu biểu nhất của Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám.

II. Tìm hiểu tác phẩm

1. Bố cục của bài thơ. Bài thơ có thể chia làm ba đoạn:

– Đoạn 1 (13 câu đầu): Tình yêu cuộc sống thiết tha và say đắm của tác giả.

– Đoạn 2 (câu 14 đến câu 30): Tâm trạng băn khoăn của tác giả về tuổi trẻ của đời người trước sự qua đi nhanh chóng của thời gian.

– Đoạn 3 (9 câu cuối): Tâm trạng vội vàng, thái độ sống gấp gáp của tác giả, đồng thời là tuyên ngôn về lẽ sống của Xuân Diệu.

   Bố cục của bài thơ khá rõ ràng, thể hiện mạch lí luận sâu sắc và chặt chẽ. Đó là mạch cảm xúc hối hả, vội vàng trước sự qua đi nhanh chóng của thời gian. 

2. Cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu trong bài thơ

   Cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu gắn liền với mùa xuân của thiên nhiên và tuổi trẻ của con người. Đó là cảm nhận của một con người yêu cuộc sống say đắm, thiết tha đến mức phải vội vàng.

   Thời gian và mùa xuân:

   Cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu hết sức tinh tế và đầy triết lí nhân sinh. Xuân Diệu viết bài thơ này khi còn rất trẻ, đó là cái tuổi của sự sống mơn mởn, của sự hưởng thụ cuộc sống, ít ai có thể nghĩ đến một triết lí sâu xa như Xuân Diệu. Đối với Xuân Diệu, mỗi khắc thời gian trôi qua chính là nỗi sợ hãi, lo canh cánh trong lòng. Tác giả sử dụng cú pháp đối lập để diễn tả sự trôi đi của thời gian và tuổi trẻ: đương tới 7 đương qua; còn non / sẽ già. Sự cảm nhận về thời gian đó đã giúp tác giả rút ra kết luận về sự đồng nhất giữa mùa xuân và tuổi trẻ của tác giả cũng như của tất cả mọi người:

Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.

   Mùa xuân trôi đi thì tuổi trẻ cũng phai tàn, và khi xuân không còn thì. đời người cũng hết. Cảm nhận về sự tàn phá của thời gian đã được Xuân Diệu khái quát thành một triết lí nhân sinh. Chắc hẳn phải là người có ham muốn sống tột bậc mới có thể cảm nhận về thời gian một cách cao sâu như vậy. Hẳn là trong Xuân Diệu đã chứa chất bi kịch của nhà thơ lãng mạn trong thân phận một thi nhân mất nước lúc bấy giờ; cũng có thể Xuân Diệu quá yêu cuộc sống nồng nhiệt đến mức sợ thời gian cướp mất tuổi xuân của mình. Có thể giải thích bằng nhiều cách khác nhau, tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu bắt nguồn từ chính lòng yêu đời, yêu cuộc sống của ông.

   Thời gian và tuổi trẻ: 

   Mùa xuân chính là tuổi trẻ của đời người, của tác giả. Thời gian làm mùa xuân trôi qua cũng chính là cướp đi tuổi trẻ của tác giả. Đó chính là sự lo lắng và xót xa của con người vốn rất yêu cuộc sống, yêu cái tuổi trẻ đầy sức sống của mình. Tâm trạng lo lắng đó đã được tác giả bộc bạch trong những câu thơ đầy triết lí:

                   Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,

                   Không cho dài thời trẻ của nhân gian,

                   Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,

                   Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!

   Câu thơ tưởng chừng như là lời than vãn nhưng hiện lên trong đó là một quan niệm sâu sắc: cuộc đời làm sao có hai lần tuổi trẻ, và khi thời gian trôi qua thì tuổi trẻ có còn? Một sự so sánh không hề khập khiễng để thấy rằng cuộc đời con người luôn có giới hạn và nhất là cái tuổi trẻ thật hẹp nếu so với mùa xuân của trời đất. Với Xuân Diệu, tuổi trẻ là cái quý nhất của cuộc đời con người, đó là khoảng thời gian đẹp nhất và hạnh phúc nhất. Chính vì vậy tuổi trẻ trôi qua là điều nhà thơ lo lắng nhất và tiếc nuối nhất: Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời.

   Cảm nhận về thời gian của tác giả làm hiện lên niềm khát sống, khát khao hạnh phúc của một con người vốn có nhiều khát khao. Niềm khát khao ấy thể hiện qua ước muốn níu kéo thời gian để giữ mãi tuổi thanh xuân, giữ mãi mùa xuân của đời người, để con người mãi sống trong tuổi trẻ, trong mùa xuân của cuộc đời.

3. Cảm nhận của tác giả về thiên nhiên và sự sống

   Nhà thơ giãi bày cho cái ước muốn tưởng như ngông cuồng của mình bằng một bức tranh tràn đầy sức sống, ngồn ngộn sắc xuân, hương xuân và tình xuân.

   Bức tranh thiên nhiên có đủ ong, bướm, hoa lá, yến anh và cả ánh bình minh rực rỡ. Tất cả đang ở thời kì sung mãn nhất, sức sống cũng đầy nhất: tuần tháng mật của ong bướm; hoa của đồng nội xanh rì; lá của cành tơ phơ phất; khúc tình si của yến anh; hàng mi chớp ánh bình minh của mặt trời... Tất cả hiện hữu có đôi, có lứa, có tình như mời, như gọi, như xoắn xuýt.

   Thi sĩ lãng mạn đã đón chào và chiêm ngưỡng cuộc sống, thiên nhiên bằng cặp mắt xanh non của tuổi trẻ. Cái nhìn vừa ngỡ ngàng, vừa đắm say ngây ngất. Điệp khúc này đây cùng với các liệt kê theo chiều tăng tiến, cách dùng từ láy, từ ghép và những cụm từ tuần tháng mật, khúc tình si hòa vào nhịp thơ gấp gáp, khẩn trương, vừa diễn tả cảm giác sung sướng, ngây ngất, vừa có gì như là sự hối thúc, giục giã, khiến cho ai đó dù vô tình cũng không thể làm ngơ, không thể quay lưng. Cuộc sống là thiên đường trên mặt đất, hãy tận hưởng và tận hưởng. Đó là lời tác giả muốn nhấn mạnh khi khắc họa bức tranh thiên nhiên trong bài thơ. 

– Nhà thơ như say khi thốt lên:

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.

   Câu thơ có ý nghĩa bao quát cả đoạn và có lối diễn đạt độc đáo, mới lạ. Với Xuân Diệu, cuộc đời đẹp nhất là tuổi trẻ, cũng như một năm đẹp nhất là mùa xuân và mùa xuân đẹp nhất là tháng giêng. Cái đẹp nằm ở sự bắt đầu, tinh khôi, mới mẻ, hồng hào, mơn mởn… Xuân Diệu đã vật chất hóa một khái niệm thời gian bằng cặp môi gần. Xuân Diệu còn truyền cảm giác cho người đọc bằng các từ ngon, gần. Câu thơ của Xuân Diệu không chỉ gợi hình thể mà còn gợi cả hương thơm và vị ngọt khiến người ta đắm say, ngây ngất.

4. Hình ảnh, ngôn từ, nhịp điệu trong đoạn cuối bài thơ

   Đoạn cuối trong bài thơ gồm có 9 câu đã diễn tả được khát vọng sống, khát vọng yêu cuồng nhiệt, hối hả của Xuân Diệu. Khát vọng ấy được thể hiện qua những hình ảnh, ngôn từ và nhịp điệu hết sức vội vàng, gấp gáp.

– Hình ảnh tươi mới, đầy sức sống như sự sống mơn mởn; mây đưa và gió lượn; cánh bướm với tình yêu, cái hôn nhiều; non, nước, cỏ cây; mùi thơm, ánh sáng, hương sắc; xuân nồng.

– Ngôn từ với những động từ mạnh và tăng tiến như ôm, riết, say, thâu, chếch choáng, đã đây, no nê, cắn.

– Nhịp điệu dồn dập, hối hả, sôi nổi và cuồng nhiệt được tạo nên bởi những câu thơ dài ngắn xen kẽ.

5. Giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ

   Giá trị nội dung: Quan niệm sống mới mẻ của tác giả là yêu cuộc sống trần thế xung quanh và tìm thấy trong cuộc sống đó biết bao điều hấp dẫn, đáng sống, biết tận hưởng những gì mà cuộc sống ban tặng. Từ đó, càng thêm yêu mùa xuân và tuổi trẻ, những gì đẹp nhất của cuộc sống con người. Đó là quan niệm sống rất người, mang ý nghĩa tích cực và có giá trị nhân văn sâu sắc.

   Giá trị nghệ thuật: Những cách tân của thơ mới được thể hiện một cách sáng tạo và táo bạo qua ngòi bút của Xuân Diệu: từ cảm hứng, ý tưởng thơ cho đến hình ảnh, nhịp điệu, ngôn từ… Tất cả đều in dấu ấn phong cách Xuân Diệu.

Bài tham khảo

PHÂN TÍCH BÀI THƠ VỘI VÀNG CỦA XUÂN DIỆU

   Vội vàng được trích trong tập Thơ thơ viết năm 1938. Xuân Diệu là nhà thơ khao khát giao cảm với đời đến cuống quýt, cuồng nhiệt. Bài thơ Vội oàng tập trung cao nhất cái khát vọng mãnh liệt ấy. Xuân Diệu đặt khát vọng giao cảm giữa tuổi trẻ và xuân tình, qua đó bộc lộ một xúc cảm triết học, một quan niệm nhân sinh mới mẻ, hiện đại.

   Thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám dù nhiều khi mang cảm xúc mãnh liệt đến cường tráng vẫn gây cảm giác chênh vênh, hụt hẫng. Bởi tình yêu luôn gắn với nỗi đau, niềm vui song song với nỗi buồn. Bằng cái nhìn mổ xẻ, ta cũng thấy lòng khát sống, ham đời trong vội vàng bị chẻ đôi thành hai tầng bậc: một cách cảm thụ thế giới mang tính bi kịch và một cách ứng xử trước thế giới mang tính tích cực.

   Một bi kịch sự sống trong sự cảm thụ thế giới của Xuân Diệu, cuộc sống, được phát hiện ở tính bi kịch. Bi kịch nay là sự giằng xé giữa tình yêu và nỗi đau, giữa cảm xúc và nhận thức.

   Trước hết là một tình yêu cuộc sống đến kì lạ. Tình yêu này tràn ngập trong vội vàng. Có một câu hỏi lớn từng thôi thúc loài người tìm lời giải đáp: Vẻ đẹp cuộc sống ở đâu? Đạo Thiên Chúa tìm vẻ đẹp ở thiên đường cao cả. Đạo Phật tìm vẻ đẹp ở cõi Niết bàn bình an. Còn Xuân Diệu, thiên đường nằm ngay trên mặt đất:

                  Của ong bướm này đây tuần tháng mật;

                  Này đây hoa của đồng nội xanh rì;

                  Này đây là của cành tơ phơ phất;

                  Của yến anh này đây khúc tình si

                  Và này đây ánh sáng chớp hàng mi

                  Mỗi sáng sớm, thần Vui hằng gõ cửa;

                  Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.

   Trong cảm thụ độc đáo của Xuân Diệu, cuộc sống giống như thần Vui đến gõ cửa mỗi ngày. Thế thì hãy reo lên mà đón nó. Điệp ngữ này đây lặp lại bốn lần là tiếng reo vui đầy kinh ngạc của tác giả vì liên tiếp phát hiện ra những vẻ đẹp kì lạ của cuộc sống. Sau mỗi tiếng reo vui, cuộc sống hiện ra, giản dị mà đắm say: cái đắm say tình tứ của ong bướm, yến anh; cái đắm say bát ngát sắc xanh của đồng nội; cái đắm say non tơ của cành lá… Từ những hình ảnh cụ thể, tiếng reo vọt trào lên một cảm xúc tổng hợp và lạ lùng trước thiên nhiên.

                  Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.

   Câu thơ đặc sắc lấp lánh ba vẻ đẹp độc đáo. Tháng giêng là khởi đầu của một năm, khởi đầu của mùa xuân – mùa xuân tươi non mơn mởn là biểu tượng vẻ đẹp cuộc sống. Hình ảnh cặp môi gần gợi làn môi tươi hồng của thiếu nữ đang hé mở đợi chờ. Phép so sánh đã hội tụ mùa xuân với tuổi trẻ thành vẻ đẹp tổng hợp của cuộc sống. Quan niệm thẩm mĩ mới mẻ của Xuân Diệu đã đưa cặp môi thiếu nữ vào trung tâm vũ trụ, con người thành chuẩn mực vẻ đẹp của thiên nhiên. Một Xuân Diệu táo bạo, mới lạ nữa xuất hiện trong từ ngon đầy cảm giác nhục thể, tình yêu cuộc sống được huy động cả linh hồn lẫn thể xác. Vẻ đẹp của khổ thơ thật trẻ, thật nồng.

   Thơ Xuân Diệu không bao giờ bình yên vì tình yêu luôn vấp phải nỗi đau. Mạch thơ vui đang dào dạt chảy bỗng vấp phải một dấu chấm cắt giữa câu thơ:

                  Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa.

   Bi kịch cuộc sống dồn tụ trong câu thơ. Bi kịch xuất phát từ một phát hiện triết học về thời gian:

                  Xuân đương tới, nghĩa là cuân đương qua

                  Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già

                  Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.

   Đây là quan niệm chưa từng có trong cái nhìn truyền thống. Thời gian trung đại vốn được quan niệm là thời gian tuần hoàn, thời gian lặp lại tuần tự. Nhịp thời gian muôn đời không đổi, tạo nên thế quân bình nội tâm khiến con người ung dung, bình tĩnh đến chậm chạp. Thời gian hiện đại khác hẳn, thời gian tuyến tính một đi không trở lại, nên thời gian tự hủy diệt trong lẽ tồn vong ngắn ngủi, gấp gáp. Nhận thức ấy được Xuân Diệu thể hiện bằng những cặp từ: tới – qua, non – già… Cuộc sống vận động và phát triển trong quá trình vừa khẳng định vừa phủ định, cái phủ định nằm ngay trong cái khẳng định. Đây là những nghiền ngẫm triết học tinh tế và có chiều sâu, thỏa mãn phần nào nhu cầu trí tuệ của người đọc. Chỗ bất cập của Xuân Diệu là quá nghiêng về cái qua, già nên quan niệm sống có phần thiếu bình tĩnh, ổn định mà hơi nghiêng ngả về phía vội vàng đến hốt hoảng, cuống quýt, tạo nên hơi thở gấp gáp rất riêng trong thơ Xuân Diệu.

Vì vậy, bi kịch trong nhận thức tràn vào tâm hồn, Xuân Diệu nhìn đâu cũng thấy mất mát, cũng thấy chia li:

                  Mùi tháng năm đều rớm bị chia phôi,

                  Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt…

   Nỗi đau thấm vào cơn gió, tiếng chim, nhưng đau nhất là tuổi trẻ nhạy cảm đang khát sống.

                  Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,

                  Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!

                  Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi.

   Nhìn tổng thể, nỗi đau vừa tương phản với tình yêu để tạo thành bị kịch, vừa là kết quả của tình yêu. Bởi vì, nếu không biết yêu cuộc sống thiết tha, sâu sắc đến thế thì làm sao biết xót đau khi hiểu rằng thời gian luôn chảy trôi, không có gì bền vững, nhất là sự hữu hạn của mùa xuân, tuổi trẻ, kiếp người. Cho nên, vội vàng là nỗi đau lớn của một tình yêu lớn.

   Một thái độ tích cực trước cuộc sống: trước sự phát hiện tính bi kịch của thời gian, cuộc sống, Xuân Diệu tìm ra hai cách giải quyết riêng.

   Bốn câu thơ ở khổ 1 là một khát vọng chống lại quy luật tự nhiên:

                  Tôi muốn tắt nắng đi

                  Cho màu đừng nhạt mất

                  Tôi muốn buộc gió lại

                  Cho hương đừng bay đi.

   Đây là khổ thơ duy nhất Xuân Diệu dùng thể ngũ ngôn để tạo một giọng điệu gọn, chắc, thể hiện ý chí mạnh mẽ  muốn chăn đứng bước chân thời gian. Nhưng ý chí chủ quan làm sao thắng được quy luật khách quan. Vì thế, hơi thở mạnh mà bên trong vẫn hụt hẫng, bất lực.

   Nhưng Xuân Diệu vẫn không chịu đầu hàng. Phải tìm một cách khác đó là tận hưởng cuộc sống. Nội dung chủ yếu của đoạn kết:

                 Ta muốn ôm Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;

                 Ta muốn tiết mây đưa và gió lượn,

                 Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

                 Ta muốn thau trong một cái hôn nhiều,

                 Và non nước, và cây, và cỏ rạng,

                 Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,

                 Chon no nê thanh sắc của thời tươi;

                 – Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

   Hệ thống từ: ôm, riết, say, thâu, cắn là một trường cảm xúc ngày một dâng trào, bộc lộ một khát vọng sống mãnh liệt và cường tráng. Trái tim yêu của Xuân Diệu như muốn căng ra chứa hết vũ trụ. Câu kết bài thơ đẹp rực rỡ. Cuộc sống mơn mởn căng tròn đầy hấp dẫn như cái xuân hồng. Thi sĩ ước vọng được cắn vào quả đời ấy để tận hưởng một cách nhục cảm, hết mình mọi hương vị cuộc sống. Chỉ có Xuân Diệu mới tạo ra kiểu cảm xúc táo bạo, mới lạ mà tinh khiết như thế…

   Sau cái tựa đề Vội vàng kia, ta gặp hai Xuân Diệu, một Xuân Diệu – tình nhân cuồng nhiệt và cường tráng của cuộc sống trần gian với một quan niệm nhân sinh mới mẻ; một Xuân Diệu thi nhân với trí tưởng tượng táo bạo, rạo rực như cặp môi thiếu nữ, mơn mởn tròn căng như cái xuân hồng, mang một quan niệm mĩ học thật hiện đại.

(Theo Sách Giáo viên Ngữ văn 11)

Nguồn website giaibai5s.com

Học tốt Ngữ Văn 11-Bài 21. Vội vàng
Đánh giá bài viết