I. Mục đích – yêu cầu của thao tác lập luận bác bỏ

Bác bỏ là tìm cách đưa ra những lí lẽ để chứng minh một sự việc, một ý kiến nào đó là sai trái, không đúng sự thật.

– Trong thực tế cuộc sống hàng ngày, chúng ta bắt gặp nhiều ý kiến sai trái, nhiều nhận định thiếu khoa học, không chính xác… đứng trước những tình huống như vậy, chúng ta thường dùng những lí lẽ khoa học để tranh luận, trao đổi vạch ra sự sai lầm trong các nhận định ấy và đồng thời đưa ra những kết luận khoa học, chính xác hơn.

– Khi tiến hành thao tác lập luận bác bỏ cần chú ý những vấn đề sau:

• Nắm chắc những sai lầm của ý kiến, quan điểm mà mình cần bác bỏ.

Đưa ra các lí lẽ, bằng chứng thuyết phục với thái độ thẳng thắn nhưng cẩn trọng, hòa nhã, phù hợp với hoàn cảnh và đối tượng tranh luận.

Tùy theo tính chất đúng, sai của các ý kiến mà vận dụng thao tác lập luận bác bỏ cho phù hợp.

II. Cách thức sử dụng thao tác lập luận bác bỏ

1. Bác bỏ luận điểm

   Luận điểm là những ý chính trong lập luận của đối phương về một vấn đề nào đó. Nếu lập luận của đối phương sai thì cũng có nghĩa sẽ có ít nhất một điểm bị sai, chúng ta cần phát hiện và đưa ra những lí lẽ khoa học để bác bỏ luận điểm sai đó.

2. Bác bỏ luận cứ

   Có nhiều trường hợp, chúng ta chưa thể khẳng định tính chất đúng sai của luận điểm mà đối phương đưa ra hoặc cảm thấy luận điểm của đối phương không có tính thuyết phục cao thì chúng ta tiến hành xem xét các luận cứ.

   Luận cứ tức là những căn cứ, những lí lẽ làm nên luận điểm, chứng minh cho luận điểm; nếu như những luận cứ này sai lầm thì tất yếu dẫn đến luận điểm cũng sẽ không chính xác.

   Bác bỏ luận cứ tức là chỉ ra những tính chất sai lầm, thiếu sót, chưa toàn vẹn của luận cứ đó. ..

3. Bác bỏ lập luận

   Lập luận là cách trình bày vấn đề theo lôgíc và phù hợp với hiện thực khách quan khiến người nghe, người đọc dễ dàng chấp nhận vì tính hợp lí, hợp tình và tính cụ thể, chính xác của nó.

   Thông thường những lập luận sai là những lập luận thiếu lôgíc, không phù hợp với thực tế chân lí, hoặc không có cách nào kiểm chứng được khiến người nghe cảm thấy không thỏa mãn.

   Bác bỏ lập luận tức là vạch ra sự mâu thuẫn, thiếu nhất quán, thiếu khách quan, không có tính khả thi trong lập luận của đối phương về một vấn đề nào đó.

   Khi bác bỏ, chúng ta cần diễn đạt rành mạch, văn phong sáng sủa, uyển chuyển để người có quan điểm, ý kiến sai lệch cùng những người nghe dễ chấp nhận, tin theo.

III.Luyện tập

Bài tập 1

– Tác giả Nguyễn Dữ bác bỏ quan điểm kiêng sợ sự cứng cỏi của kẻ sĩ mà chịu đổi cứng ra mềm. Ông đưa ra luận cứ chứng minh bằng ví dụ về chàng trai Ngô Tử Văn và kết luận kẻ sĩ không nên kiêng sợ sự cứng cỏi.

– Tác giả Nguyễn Đình Thi bác bỏ các quan điểm, các ý kiến nhận định không chính xác về thơ, bằng cách đưa ra nhiều luận cứ khác nhau để cuối cùng đi đến một kết luận đúng đắn về bản chất của thơ.

Bài tập 2. Học sinh tự đưa ra những lí lẽ để phản bác lại ý kiến “không nên kết bạn với những người học yếu”.

– Kết bạn với những người học yếu cũng có những tác dụng nhất định bởi con người không ai là có hiểu biết hoàn chỉnh, đôi khi chúng ta lại tìm thấy những kiến thức mà mình chưa biết ở chính những con người đó.

– Giúp những bạn học yếu nâng cao kiến thức cũng là gián tiếp ôn, kiểm tra lại kiến thức của chính mình, giúp bản thân nhớ bài lâu hơn, sâu sắc hơn.

– Đưa ra kết luận: ý kiến trên là sai trái, không khoa học, cần phải bác bỏ.

Nguồn website giaibai5s.com

Học tốt Ngữ Văn 11-Bài 21. Thao tác lập luận bác bỏ
Đánh giá bài viết