I. Kiến thức cơ bản: Nghĩa tình thái là một lĩnh vực phức tạp, gồm nhiều khía cạnh khác nhau, trong bài học này tập trung vào hai trường hợp:

1. Sự nhìn nhận, đánh giá và thái độ của người nói đối với sự việc được đề cập đến trong câu: Khi đề cập đến sự việc nào đó, người nói không thể không bộc lộ thái độ, sự nhìn nhận, đánh giá của mình đối với sự việc đó. Đó chính là điều kiện làm nên nghĩa tình thái. Nghĩa tình thái được thể hiện ở các dạng chủ yếu dưới đây:

– Nghĩa tình thái khẳng định tính chân thực của sự việc:

Ví dụ: Sự thật là hắn đã đem tiền bạc nướng hết vào các sòng bạc.

– Nghĩa tình thái phỏng đoán sự việc với mức độ tin cậy cao hoặc với mức độ tin cậy thấp:

Ví dụ: Khi Chí Phèo mở mắt thì trời đã sáng từ lâu. Mặt trời chắc đã cao, và nắng bên ngoài chắc là rực rỡ.

– Nghĩa tình thái đánh giá về mức độ hay số lượng đối với một phương diện nào đó của sự việc:

Ví dụ: Tôi xin thề với ông rằng, tuy chính phủ có cho tôi hai trăm mẫu đồn điền thật, nhưng tôi mất theo vào cái ấy có đến sáu bạn bạc, mà vẫn chưa thu về một xu nào cả!

– Nghĩa tình thái đánh giá sự việc có thực hay không có thực, đã xảy ra hay chưa xảy ra:

Ví dụ: Hắn nhặt một hòn gạch vỡ, toan đập vỡ đầu.

– Nghĩa tình thái khẳng định tất yếu, sự cần thiết hay khả năng của sự việc:

Ví dụ: Học hành bê tha, lười nhác như thế thì làm sao mà đỗ được cơ chứ! 

2. Tình cảm, thái độ của người nói đối với người nghe..

   Thông thường người nói thể hiện rõ thái độ, tình cảm đối với người nghe thông qua các từ ngữ xưng hô, từ ngữ cảm thán, từ tình thái ở cuối câu…; thường thể hiện những vấn đề sau:

– Thể hiện tình cảm thân mật, gần gũi:

Ví dụ: Cha về với con cha nhé?

– Thể hiện thái độ bực tức, hách dịch:

Ví dụ: Ông lí cau mặt, lắc đầu, giơ roi song to bằng ngón chân cái lên trời, dậm dọa:

• Kệ mày, theo lệnh quan, tao chiếu sổ đinh, thì lần này đến lượt mày rồi.

– Thể hiện thái độ kính cẩn:

Ví dụ: Bẩm thầy, tên ấy là chủ xướng. Xin thầy để tâm cho. Hắn ngạo ngược và nguy hiểm nhất trong bọn.

Dạ bẩm, thế y văn võ đều có tài cả. Chà chà!

II. Luyện tập. Muốn thực hiện các bài tập này, học sinh cần ghi nhớ và vận dụng đúng những kiến thức cơ bản đã học.

Bài tập 1. Học sinh chú ý nghĩa sự việc là nghĩa tương ứng với các sự việc được đề cập trong câu; còn nghĩa tình thái là nghĩa thể hiện thái độ, sự đánh giá của người nói đối với sự việc hoặc đối với người nghe.

   Căn cứ vào hai định nghĩa, học sinh áp dụng vào từng câu đã cho để xác định nghĩa sự việc và nghĩa tình thái.

Câu a:

– Nghĩa sự việc:

                     Ngoài này nắng đỏ cành cam

                     Trong ấy nắng xanh lam ngọn dừa.

– Nghĩa tình thái: được thể hiện ở từ chắc nhằm phỏng đoán sự việc xảy ra với độ tin cậy cao.

Câu b:

– Nghĩa sự việc:

Tấm ảnh chụp hai mẹ con kia là mợ Du là thằng Dũng.

– Nghĩa tình thái: được thể hiện ở từ rõ ràng, khẳng định tính chính xác, chân thực của sự việc được đề cập trong câu.

Câu c:

– Nghĩa sự việc: Một cái gông xứng đáng với tội án sáu người tử tù. .

– Nghĩa tình thái: thể hiện ở từ thật là, khẳng định mức độ nặng nề của cái gông tương xứng với tội trạng của họ. .

Câu d: Học sinh căn cứ vào sự phân tích trên đây để làm. 

Bài tập 2. Xác định những từ ngữ thể hiện tình thái trong các câu đã cho bên dưới.

    Muốn làm được bài tập này, học sinh cần đọc lại lí thuyết, xác định các từ ngữ chỉ nghĩa tình thái.

Câu a: Nói của đáng tội, thằng bé hay ăn chóng lớn lắm. .

Câu b: Cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù có thể còn gay go, quyết liệt hơn nữa.

Câu c: Nó mua chiếc áo này những hai trăm ngàn đấy.

Câu d: Anh đã hẹn đến dự sinh nhật kia mà!

Bài tập 3. Học sinh chọn những từ ngữ tình thái thích hợp đã cho để điền vào các câu a, b, c trong bảng và dùng kết quả đó đối chiếu với các văn | bản đã học.

Câu a: điền từ hình như.

Câu b: điền từ dễ.

Câu c: điền từ tận.

Bài tập 4. Học sinh tự đặt câu với những từ ngữ tình thái đã cho sau đây: chưa biết chừng, là cùng, ít ra, nghe nói, chả lẽ, hóa ra, sự thật là, cơ mà, đặc biệt là, đấy mà.

Nguồn website giaibai5s.com

Học tốt Ngữ Văn 11-Bài 20. Nghĩa của câu (tiếp theo)
Đánh giá bài viết