I. Tác giả và tác phẩm

1. Tác giả

   Tản Đà (1889 – 1939) tên khai sinh là Nguyễn Khắc Hiếu, quê ở làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây cũ). Quê hương ông nằm bên bờ sông Đà, gần chân núi Tản Viên. Địa danh Tản Đà chính là nguồn gốc bút danh Tản Đà của nhà thơ. Tản Đà sinh ra , và lớn lên trong buổi giao thời khi Hán học suy tàn nhưng chưa mất hẳn, “Tây học hình thành nhưng chưa chiếm ưu thế, nên Tản Đà trong tất cả các lĩnh vực đều chịu chi phối của yếu tố giao thời. Chính vì thế, tác giả Hoài Thanh đã rất đúng khi đánh giá ông là người của hai thế kỉ. Tản Đà theo học chữ Hán từ nhỏ, nhưng sau hai lần thi Hương không đạt, ông chuyển sang sáng tác văn chương bằng chữ quốc ngữ.

   Các sáng tác của Tản Đà đều mang dấu ấn của cái tôi cá nhân. Đó là điệu tâm hồn mới mẻ, cái tôi lãng mạn bay bổng, vừa phóng khoáng, ngông nghênh, vừa cảm thương, ưu ái. Giữa lúc thơ phú nhà nho tàn cuộc, Tản Đà đã nhanh chóng tìm cho mình một lối đi riêng, vừa tìm về với ngọn nguồn thơ ca dân gian và dân tộc, vừa có những sáng tác độc đáo, tài hoa. Thơ văn Tản Đà có thể xem là gạch nối giữa hai thời đại văn học của dân tộc: trung đại và hiện đại.

   Các tác phẩm chính của Tản Đà: Khối tình con I, II (thơ – 1916, 1918), Giấc mộng con I, II (truyện phiêu lưu viễn tưởng – 1916, 1932), Khối tình bản chí, Khối tình bản phụ (luận thuyết – 1918), Còn chơi (thơ và văn xuôi – 1921), Thơ Tản Đà (1925), Giấc mộng lớn (tự truyện – 1928).

2. Tác phẩm

   Bài thơ Hầu trời tiêu biểu cho cảm hứng lãng mạn, bay bổng của cái tôi ngông nghênh, phóng túng, in đậm cá tính của Tản Đà. Bài thơ được in trong tập Còn chơi, xuất bản lần đầu năm 1921.

   Bài thơ gồm có 114 câu. Trong văn bản có 74 câu in chữ to, đó là nội dung chính để chúng ta tìm hiểu, những câu còn lại được in chữ nhỏ để chúng ta nắm bắt toàn mạch bài thơ.

II. Tìm hiểu tác phẩm

   Nghệ thuật kể chuyến hầu trời của tác giả Bài thơ kể về chuyến hầu trời của tác giả, bên cạnh đó có nhiều chi tiết khá đặc biệt như cuộc đọc thơ đầy đắc ý của ông cho Trời và các chư tiên nghe với nội dung trần tình về cảnh khốn khó của kẻ theo đuổi nghề văn và thực hành thiên lương ở hạ giới.

   Câu thơ mở đầu gợi cho người đọc sự tò mò. Câu chuyện tác giả nêu ra có vẻ như mộng mơ, bịa đặt nhưng dường như lại là thật. Cái thật được tạo ra bởi ba câu thơ ngay sau đó:

                     Chẳng phải hoảng hốt, không mơ màng.

                     Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể!

                     Thật được lên tiên – sướng lạ lùng.

   Cảm giác tạo ra cho người đọc trong những câu thơ đầu làm cho câu chuyện mà tác giả sắp kể trở nên có sức hấp dẫn đặc biệt, và không ai có thể bỏ qua trước một tình huống li kì đó. Cách vào chuyện của tác giả thật độc đáo và có duyên, như Xuân Diệu nhận xét: “Vào đột ngột câu đầu, cũng ra vẻ đặt vấn đề cho nó khách quan, nghi ngờ theo khoa học, để ba câu sau toàn là khẳng định, ăn hiếp người ta”.

   Phần chính của bài thơ kể lại chuyện tác giả đọc thơ cho Trời và chưa tiên nghe. Thái độ của người đọc có vẻ tự đắc, cái tự đắc của một người cao hứng: đương cơn đắc ý, ran cung mây; đôi lúc tự khen mình: văn đã giàu thay lại lắm lối.

   Trong bài thơ có nhiều chi tiết cho thấy Trời đánh giá cao tài đọc thơ của người hạ giới. Điều này thể hiện qua những lời tán dương:

              Văn thật tuyệt,

              Văn trần được thế chắc có ít!

              Nhời văn chuốt đẹp như sao băng!

              Khí căn hùng mạnh như mây chuyển!

              Êm như gió thoảng, tinh như sương!

              Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết!

  Thái độ của các chư tiên cũng được tác giả chú ý miêu tả để làm nổi bật cuộc đọc thơ có một không hai này.

   Tính chất hiện thực của bài thơ được thể hiện trong lời khai của tác giả đối với Ngọc Hoàng. Trong lời khai của mình, tác giả đã kể một cách chi tiết với giọng điệu chua chát về thân phận tủi hổ, cơ cực của người nghệ sĩ tài hoa trong xã hội thực dân nửa phong kiến.

2. Tâm hồn thi sĩ của Tản Đà thể hiện qua bài thơ

   Tản Đà là một nhà thơ rất có ý thức về tài năng của mình và cũng là người táo bạo, dám bộc lộ cái tôi cá nhân một cách mãnh liệt. Bộc lộ cái tôi cá nhân của Tản Đà là một nét mới của thời đại bởi trước đó chưa nhà thơ bộc lộ cái tôi cá nhân của mình. Trước một khung cảnh hoàn toàn khác lạ là thiên đình, nhà thơ vẫn bộc lộ cái tôi của mình, đồng thời tự khẳng định tài năng của mình.

   Tài năng và tâm hồn của nhà thơ không có đất để được thể hiện nơi hạ giới, chính vì thế ông phải tìm đến một nơi hoàn toàn khác lạ, ở đó ông có thể tự do thể hiện cái tôi cá nhân và tâm hồn thi sĩ của mình. Đó chính là niềm khát khao của tâm hồn thi sĩ. Sự khác biệt ở hai chốn trần gian và | thiên đình được tác giả khắc họa rất chi tiết, qua những chi tiết đó chúng ta thấy được tại sao tác giả lại chọn khung cảnh đọc thơ là một nơi khác trần gian. Chốn hạ giới văn chương rẻ như bèo, thân phận nhà văn bị rẻ rúng, khinh bỉ, đến mức Đem tên đánh đi với đời – Đầu đường cuối phố kẻ cười người bông. Ở hạ giới, tác giả không tìm được tri âm, tri kỉ, không tìm được đối tượng thưởng thức cái hay, cái đẹp của thơ văn nên phải lên tận cõi tiên để bày tỏ cái tôi và tài năng nghệ thuật của chính mình.

3. Cảm hứng hiện thực trong bài thơ

   Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là cảm hứng lãng mạn, nhưng trong bài thơ có một đoạn rất hiện thực. Những chi tiết hiện thực được thể hiện trong đoạn tác giả kể cho Trời nghe về cảnh sống nghèo khó, vất vả, truân chuyên của kiếp nhà văn ở hạ giới:

              Bẩm Trời, cảnh con thực nghèo khó

              Trần gian thước đất cũng không có

             

              Văn chương hạ giới rẻ như bèo

              Kiếm được đông lãi thực rất khó.

   Đoạn thơ có những chi tiết rất hiện thực về cuộc đời tác giả, đó cũng chính là cuộc đời của nhiều người theo con đường nghệ thuật trong xã hội lúc bấy giờ. Những chi tiết này xuất hiện liền sau cảnh đọc thơ rất đắc ý của tác giả càng khiến người đọc ngậm ngùi trước thân phận của một lớp người tài năng nhưng bị hoàn cảnh vùi dập. Cuộc đời của tác giả đã được khắc họa một cách rất chân thực trong đoạn thơ này.

4. Đặc sắc nghệ thuật của bài thơ

   Nghệ thuật hư cấu ngộ nghĩnh mà tự nhiên, không hoang đường, gần với thực tế cuộc sống.

   Thể thơ trường thiện khá tự do giúp tác giả bộc bạch tâm trạng một cách thoải mái, không bị trói buộc bởi một khuôn mẫu nào trong thơ ca trung đại.

   Ngôn ngữ thơ mang tính ước lệ, ít tính cách điệu, gần gũi với cuộc sống thường ngày.

   Giọng thơ tự sự hóm hỉnh, có sức lôi cuốn mạnh mẽ.

   Cảm xúc của tác giả được biểu hiện một cách tự do, phóng túng, không gò ép. Tác giả xuất hiện trong bài thơ với tư cách là người kể chuyện, nhưng đồng thời cũng là nhân vật chính.

Bài tham khảo

VỀ TẢN ĐÀ VÀ THƠ CỦA ÔNG

   Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939) – người làng Khê Thượng, xã Sơn Đà (Ba Vì, Hà Tây) – được coi là nhà thơ, nhà văn, nhà báo tiêu biểu trên văn đàn Việt Nam đầu thế kỉ XX. Với những bài thơ có tư tưởng cách . tân, vượt ra ngoài lối thơ niêm luật gò bó, Tản Đà là người mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại. Ông có thơ ngông, thơ buồn, thơ say, thơ lãng mạn… nhưng tất thảy đều thể hiện tấm lòng yêu nước thương nòi. Tản Đà cũng là người đóng vai trò khai sáng và tiên phong trong văn xuôi nghệ thuật.

   Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, quê ở làng Khê Thượng, nay thuộc xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (cũ). Ông sinh năm 1889, mất năm 1939.

   Cha ông là Nguyễn Danh Kế, đậu cử nhân thời Tự Đức, được bố trí huyện, tri phủ, rồi án sát, nên ông được “tập ấm”, thường gọi là Âm Hiếu. Mẹ ông là một đào nương nổi tiếng tài sắc ở phố Hàng Thao, Nam Thành, lấy lẽ thứ ba ông Nguyễn Danh Kế và Âm Hiếu là con thứ tư, mà cũng là con út của bà.

   Năm Ấy Hiếu lên ba tuổi thì bố mất, sau đó mẹ ông lại trở về nghề cũ. Từ bấy giờ, ông được người anh cùng cha khác mẹ là Giáo thụ Nguyễn Tài Tích nuôi dưỡng.

   Theo tác phẩm Giấc mộng lớn, một cuốn tự truyện của Tản Đà, đồng thời là cuốn tự truyện đầu tiên của văn học Việt Nam, thì ông đã thi hỏng luôn hai khóa ở trường Nam (trường thi Nam Định). Sau lần hỏng thi khoa Nhâm Tí (1912), ông mới thôi nghề khoa cử. Lúc này, ông có dịp được đọc các tân thư Trung Quốc dịch của người Thái Tây và rất ham đọc báo chí Trung Quốc. Sự nghiệp làm báo của Tản Đà bắt đầu được khơi gợi từ đây. Chính trong giấc mộng lớn, ông đã viết: “Ngoài sự làm văn thơ, chỉ mê thiết xem các thứ nhất trình Tàu. Cảnh ngộ vô tình mà cái cơ duyên báo chí sau này cũng phát đoan từ đấy”. Trong thời kì này, Tản Đà còn được người anh rể Nguyễn Thiện Kế dìu dắt vào con đường văn chương. Nguyễn Thiện Kế từng làm tri huyện Tùng Thiện và Phúc Thọ của xứ Đoài, vốn là một nhà thơ trào phúng nổi tiếng đương thời, lại là người chịu ảnh hưởng sâu sắc của phong trào yêu nước và cách mạng đầu thế kỉ XX, thường làm thơ đả kích táo bạo bọn quan lại cao cấp, tay sai của thực dân Pháp. Trong Giấc mộng lớn, Tản Đà tỏ ra hết sức kính phục tài văn chương của quan huyện Nguyễn Thiện Kế, gọi ông là đại thi hào, đồng thời cũng ghi nhận ảnh hưởng của nhà thơ này đối với mình: “Cái sinh nhai quốc văn của mình có hay hơn mười năm nay, thực từ trong lúc thanh niên, có quan huyện – Nguyễn Thiện Kế, phát đoan, dẫn đạo”.

   Tác phẩm đầu tiên của Tản Đà được công bố trước công chúng là những bài tản văn đăng ở “Đông Dương tạp chí”, năm 1915. Văn của Tản Đà ngay từ khi ra mắt bạn đọc đã nổi tiếng, đến mức “Đông Dương tạp chí” phải mở riêng một mục là Tản Đà văn tập chuyên đăng tải văn của ông, và Tòa soạn đã ghi nhận xét rằng: “Bản quán duyệt qua tập ăn ấy, thì thấy ông Nguyễn Khắc Hiếu cũng là một văn sĩ có biệt tài, có lí tưởng riêng, ngắm cảnh vật một cách kì khôi, lạ thay cho một bậc thiếu niên!”.

   Và suốt từ đó cho đến năm 1939 là năm Tản Đà mất, ông đã sáng tác liên tục không mệt mỏi một khối lượng đồ sộ gồm đủ loại thơ, văn, truyện, ca kịch, các làn điệu dân ca, từ khúc, diễn ca, dịch văn học cổ điển Trung Quốc như thơ Đường và Kinh Thi, chú giải Truyện Kiều… Hiện nay, giới khoa học đã sưu tập được khoảng trên 30 tác phẩm gồm các văn tập, thi tập của ông như: Khối tình con, Giấc mộng con, Giấc mộng lớn, Còn chơi; Thơ trên các báo và An Nam tạp chí, Thần tiền, Lên sáu, Lên tám, Tản Đà tản văn, Tản Đà tùng văn, Truyện thế gian, Nhàn tưởng, Thơ Tản Đà...

   Điều lạ kì là Tản Đà là người học chữ Hán, theo lối học cử nghiệp, vốn quen thuộc với văn sách, với phú, với lối văn tứ lục, với thơ luật Đường… thế mà ông viết văn xuôi lại rất hay, rất sắc sảo, rất nhuần nhuyễn, thuần thục. Năm 1916, khi tác phẩm Giấc mộng con I ra đời, Dương Bá Trạc đề tựa cho Tản Đà đã phải khen: “Mới mươi mười lăm năm nay, sĩ phu trong nước mới có cái khuynh hướng về văn quốc âm, giọng Hàn Thuyên, hồn Đại Việt đã lập lòe một tia lửa sáng xuất hiện trong văn giới hoàn cầu. Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Sơn Tây, chính là một tay hiện tướng trên trường hàn mặc ấy!”. Giấc mộng con I cũng như giấc mộng con II là hai tập du kí tưởng tượng, có thể coi đây là tiểu thuyết viễn tưởng của Tản Đà. Ở Giấc mộng con I, Tản Đà chỉ lấy tư liệu trên báo chí mà tả lại những nơi danh thắng trên thế g như thác nước Niagara ở Canada, đền Taj-Mahal ở Ấn Độ, Kim Tự Tháp ở Ai Cập…, thế mà ông miêu tả sống động, hứng thú y như là chính mình đã tới chơi những nơi đó thật. Ở giấc mộng con II, ông kể chuyện cuộc chơi lên thiên đình, gặp các danh nhân lịch sử thế giới và Việt Nam, như Lư Thoa (J.J.Ru-xô), Đông Phương Sóc, Khổng Tử, Hàn Thuyên, Nguyễn Trãi, Chiêu Quân, Dương Quý Phi… Qua hai cuộc viễn du tưởng tượng, tác giả muốn đưa mọi người đến những thế giới lí tưởng, diệu kì, đến với những cảnh sắc tươi đẹp, gặp gỡ những nhân vật tài hoa. Ở đó chỉ có cái đẹp, cái cao thượng, tình yêu thương và lòng tôn trọng lẫn nhau, khác hẳn cái xã hội xấu xa nơi trần giới. Tác phẩm vừa có giá trị hiện thực phê phán lại vừa có ý nghĩa lãng mạn, thể hiện những ước vọng nhân văn của tác giả.

   Tản Đà là người thích mở rộng, và có một trí tưởng tượng rất phong phú, song nhiều khi mơ mộng, tưởng tượng chỉ là những yếu tố thi pháp trong cá tính sáng tạo của ống, và điều đó không hề làm giảm giá trị phản ánh hiện thực xã hội và ý nghĩa phê phán của tác phẩm. Trường hợp tiểu thuyết Thần tiền là như vậy. Ở đấy, với giọng văn châm biếm hài hước, tác giả đã . mượn lời hai chị em đồng tiền nói với nhau để tố cáo thói ăn tiền bẩn thỉu. của bạn quan lại: “Khi đã vào trong cửa quan, trên thời quan nha, dưới thời lính tráng, dân sự, mà các ông ấy để mình nằm trần truồng ra trước công đường. Lúc ấy thẹn phải chết… Ngồi đấy, rồi thấy quan cũng thét mắng, luôn, nhưng về các dân sự chứ không phải là quát mắng mình, mà mình thỉnh thoảng thấy quan nhìn mình thời nó như có ý thương yêu lắm!”. Cách kể chuyện như vậy thật là hóm hỉnh và hấp dẫn.

   Tuy nhiên, trong nhiều bài văn ngắn, tùy bút, bút kí, nghị luận, ngòi bút Tản Đà có khi chẳng cần bóng gió mà đả kích trực diện vào bọn quan lại bất lương, vào tầng lớp trên vô liêm sỉ, đồng thời tỏ ý bênh vực những người nghèo khổ, lương thiện, ca ngợi lòng yêu nước, thương nòi. Chẳng hạn trong tạp văn “Thế nào là hạng người hạ lưu trong xã hội”, đăng ở Đông Pháp thời báo năm 1927, Tản Đà viết: “Nay nghĩ như những người quan cao chức lớn, cửa rộng nhà to, mũ áo đai cân, mề đay kim khánh mà gian tham, xiêm nịnh, bất nghĩa vô lương, hút máu mủ của dân thứ để nuôi béo vợ con, hiến vợ con cho người ta để giữ bền phú quý, như thế có phải là hạng người hạ lưu hay không?“. Hoặc một đoạn khác ông viết: “Nếu trong hạ đẳng xã hội mà  ta mà có những ai biết thờ cha kính mẹ, yêu nước thương nòi, thời tức là người thượng lưu vậy”. Tác giả lấy đạo đức con người mà không lấy sự giàu nghèo làm tiêu chuẩn để phân biệt thượng lưu, hạ lưu. Trong xã hội phong kiến thực dân, đạo đức suy đồi, luân thường đảo ngược, cái ác đang ngự trị, cái lợi cái danh đang chi phối cuộc sống mà Tản Đà lại công nhiên viết trên báo như vậy, há chẳng phải là một nhà văn, nhà báo đầy khí phách, đầy dũng khí?

   Văn xuôi Tản Đà còn có những thiên tùy bút, bút kí, tiểu phẩm chan chứa tình cảm nhân đạo chủ nghĩa, thể hiện sự thông cảm sâu sắc với những nỗi khổ nhục của đồng bào trong kiếp sống nô lệ, lầm than. Đó chính là loại văn mà Tản Đà gọi là văn vị đời. Các bài “Cảnh nhà nghèo lấy vợ”, “Cảnh túng đi vay tiền”… là những tác phẩm như vậy.

   Nhìn chung, văn xuôi Tản Đà đã đề cập đến nhiều vấn đề của xã hội đương thời bằng một lối văn giàu tính nghệ thuật, hấp dẫn, sáng tạo, mới mẻ, có bản lĩnh, bản sắc riêng.

  Nếu thấy rằng đó là thời điểm quốc văn mới phôi thai, mới bắt đầu, mà lại là văn xuôi nghệ thuật, thì mới thấy hết vai trò khai sáng và tiên phong của Tản Đà.

   Trong lĩnh vực thi ca cũng vậy, thơ Tản Đà là thứ thơ có bản lĩnh, bản sắc riêng, không lẫn vào đâu được. Song giá trị lớn lao và đặc sắc hơn cả cũng vẫn là ở vị trí dẫn đạo của ông trên thi đàn đầu thế kỉ. Mở đầu cuốn Thi nhân Việt Nam (1941), Hoài Thanh và Hoài Chân trong bài Cung chiêu anh hồn Tản Đà đã viết những lời trân trọng: “... Đôi bài thơ của tiên sinh ra đời từ hơn 20 năm trước đã có một giọng phóng túng riêng. Tiên sinh đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kì đang sắp sửa“. Trước đó, trong tuần báo Ngày nay (số ra ngày 17-6-1939), Xuân Diệu, một người say mê thơ Tản Đà từ nhỏ, cũng đã viết: “Tản Đà là người thi sĩ đầu tiên mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại” 

   Đương nhiên, Tản Đà chưa phải là một nhà thơ mới như các nhà thơ mới lớp sau ông. Nhưng rõ ràng, ông là nhà thơ đã có tư tưởng cách tân, có nhiều tìm tòi, sáng tạo và mạnh dạn vượt ra ngoài khuôn sáo cũ.

   Chính cái sự mạnh dạn vượt ra ngoài khuôn sáo cũ ấy đã tạo nên “một giọng phóng túng riêng” trong phong cách thơ Tản Đà:

                     Trời sinh ra bác Tản Đà,

                     Quê hương thời có của nhà thì không

                     Nửa đời nam, bắc, tây, đông

                     Bạn bè sum họp vợ chồng biệt ly

                     Túi thơ đeo khắp ba bì, 

                     Lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng…

                                                                (Thú ăn chơi)

   Loại thơ phóng túng của Tản Đà còn nhiều, đọc những bài như thế có thể liên tưởng đến giọng thơ Nguyễn Công Trứ, Tú Xương… Song cũng đúng như các tác giả Thi nhân Việt Nam đã nhận xét: “Cái dáng điệu ngang tàng chúng tôi thường thấy ở các nhà thơ xưa, ở tiên sinh không bao giờ có vẻ vay mượn”.

   Đi liền với cái ngông là cái say, nhưng đó không phải là cái say ẩm thực tầm thường, mà là cái say của tao nhân mặc khách, cái say vì nhân thế, vì cảnh đời.

   Nhưng bao trùm và sâu lắng trong hồn thơ Tản Đà vẫn là cái điệu buồn vẩn vơ, cái nỗi sầu man mác và cái tình bâng khuâng, những yếu tố muôn đời của chủ nghĩa lãng mạn, nhưng lại chỉ riêng có ở Tản Đà, và đó là chủ nghĩa lãng mạn Tản Đà, nếu có thể gọi được như thế!

   Mùa thu là mùa gợi buồn cho thi tứ và cũng là mùa muôn thuở của thi ca lãng mạn. Nhưng thơ thu của Tản Đà không phải chỉ có buồn mà còn có nhớ, một nỗi buồn nhớ vợ vân, bâng khuâng:

                     Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi,

                     Trần thế em nay chán nửa rồi

                     Cung quế đã ai ngồi đó chưa?

                     Cành da xin chị nhắc lên chơi.

                                         (Muốn làm thằng Cuội)

   Tản Đà ngông, Tản Đà say, Tản Đà buồn, Tản Đà mơ mộng, có lẽ cũng chỉ là một phần cảm của ông trước buổi giao thời “gió Á mưa Âu”.

   Còn trong thực tế, Tản Đà không phải là con người thoát ly, nhắm mắt trước thời cuộc. Thơ ông cũng không hiếm những bài hướng vào hiện thực xã hội, bộc lộ những tình cảm yêu nước, thương nòi..

   Tản Đà rất ghét bọn ăn hối lộ, ông được biết chuyện Tuần phủ Vĩnh Yên là Đào Trọng Vận nhân một vụ kiện tranh chấp gia tài đã ăn của đút gần ba nghìn đồng, ông đã gợi ý cho Ngô Tiếp viết truyện Tờ di chúc để tố . giác vụ này, rồi ông lại viết bài thơ Cảm để cho tiểu thuyết này với một giọng châm biếm khá sâu cay, chua chát.

   Là một người dân mất nước, lo cho vận mệnh của Tổ quốc, lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của những phong trào yêu nước những năm đầu thế kỉ, Tản Đà có những vần thơ cảm khái, nói đến các anh hùng dân tộc, nói đến dân | vong quốc, nói đến nòi giống Tiên Rồng… thể hiện tư tưởng yêu nước một cách kín đáo. Tiêu biểu cho dòng thơ này của Tản Đà là bài Thề non nước, một bài thơ đã đi sâu vào lòng người và được lưu truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân.

   Tản Đà là nhà thơ thân thương của xứ Đoài như ông đã tự khẳng định: “Tôi là người gì? Ở phía Nam Đông Á, ở phía bắc Việt Nam, ở phía tây Bắc Ki, một người làm văn ở tỉnh Sơn Tây vậy!” (Giấc mộng lớn). Nhưng vượt khỏi “Đà Giang, Tản Lĩnh nước non quê”, Tản Đà còn là nhà thơ, nhà văn, nhà báo tiêu biểu, như ngôi sao khuê rực sáng của văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX, đúng như Nguyễn Tuân đã nhận xét: “Trong chốn Tao Đàn, Tản Đà xứng đáng ngôi chủ súy; trong Hội tài tình, Tản Đà xứng đáng ngôi Hội chủ; mà làng bản làng báo xứ này ai dám ngồi chung một chiếu với Tản Đà?”. Và Tản Đà cũng hoàn toàn xứng đáng như đánh giá của nhà thơ Xuân Diệu trên Tuần báo Ngày nay (17-6-1939) ngay sau khi Tản Đà qua đời: “Tản Đà là người thi sĩ đầu tiên mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại”.

(Theo Hồ Thị Diệm)

Nguồn website giaibai5s.com

Học tốt Ngữ Văn 11-Bài 20. Hầu trời 
Đánh giá bài viết