I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Như ta đã thấy, GDP không phản ánh được đầy đủ chất lượng cuộc sống, hay “mức độ phát triển”. Những vấn đề như bất bình đẳng, ô nhiễm môi trường, bạo lực xã hội, bất công… không xuất hiện trong đó. Người ta tính: rằng, nếu tính đến những hủy hoại môi trường ở Trung Quốc thì hằng năm phải đánh tụt GDP của nước này tới 3%. Luật pháp Brunei, nước giàu thứ năm trên thế giới theo thu nhập bình quân, cho phép ném đá tới chết những người đồng tính và những người ngoại tình. Ở Saudi Arabia, một quốc gia giàu có tương đương với Ý và New Zealand, phụ nữ không được phép lái ô tô, không được xuất cảnh mà không có nam giới đi kèm, và chỉ được bầu cử lần đầu vào năm 2015. Bạn có muốn sống ở những quốc gia “thịnh vượng” đó không?

Càng ngày càng có nhiều tiếng nói cho rằng việc quá bị ám ảnh bởi GDP dẫn chúng ta tới một bế tắc trong triết lí phát triển. Cuộc chạy đua về GDP là cuộc chạy đua lạc lối. Thượng nghị sĩ Robert Kennedy của Mĩ có lần phát biểu: “GDP không bao gồm vẻ đẹp của thơ ca, sự bền vững của hôn nhân, mức sắc sảo của các cuộc tranh biện, mức liêm chính của viên chức. Nó không đo được lòng dũng cảm, trí tuệ hay cam kết của chúng ta với đất nước. Nó đo mọi thứ, trừ những gì làm cho cuộc sống này đáng sống”. Gần đây nhất, năm 2009, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel nổi tiếng Joseph Stiglitz yêu cầu chấm dứt “chủ nghĩa tôn thờ” GDP.

(Đặng Hoàng Giang, Bức xúc không làm ta vô can, Sđd, tr. 113 – 114) 

Câu 1 Nêu quan điểm của tác giả về GDP. 

Câu 2 Những ví dụ về Trung Quốc, Brunei và Saudi Arabia giúp anh/ chị hiểu như thế nào về mối quan hệ giữa GDP và “chất lượng cuộc sống”? 

Câu 3 Anh/ Chị hiểu như thế nào về “chủ nghĩa tôn thờ” GDP và ý kiến: “Cuộc chạy đua về GDP là cuộc chạy đua lạc lối”? 

Câu 4 Từ đoạn trích trên, anh/ chị quan niệm thế nào là “cuộc sống đáng sống”?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm) 

Câu 1 (2,0 điểm)

Viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) bình luận hiện tượng: “Ơ Saudi Arabia, một quốc gia giàu có tương đương với Ý và New Zealand, phụ nữ không được phép lái ô tô, không được xuất cảnh mà không có nam giới đi kèm, và chỉ được bầu cử lần đầu vào năm 2015.”.

 Câu 2 (5,0 điểm)

Về thể tùy bút, SGK Ngữ văn 12 Nâng cao, tập một, Sđd, tr. 159 cho rằng đâylà thể loại có “tính chủ quan, chất trữ tình rất đậm, nhân vật chính là cái tôi của nhà văn. Cho nên sự hấp dẫn của tùy bút chủ yếu là sự hấp dẫn của cái tôi ấy”.  

Hãy làm sáng tỏ ý kiến trên bằng việc phân tích “cái tôi” của Nguyễn Tuân thể hiện qua đoạn trích tác phẩm Người lái đò Sông Đà.

GỢI Ý VÀ HƯỚNG DẪN

I. ĐỌC HIỂU 

Câu 1 HS nêu được quan điểm của tác giả đoạn trích về GDP như sau:

– GDP không phản ánh được đầy đủ chất lượng cuộc sống hay “mức độ phát triển”.

– Việc quá bị ám ảnh bởi GDP dẫn chúng ta tới sự bế tắc trong triết lí phát triển.

– Cuộc chạy đua về GDP là cuộc chạy đua lạc lối.

Câu 2 Những ví dụ về Trung Quốc, Brunei và Saudi Arabia chứng tỏ: GDP cao hay thấp chưa nói lên “chất lượng cuộc sống”; GDP không tỉ lệ thuận với “chất lượng cuộc sống”.

Câu 3 HS tham khảo cách trả lời sau:

– “Chủ nghĩa tôn thờ GDP”: coi GDP là thước đo cao nhất mức độ phát triển của một xã hội, một quốc gia trên mọi bình diện và nâng chỉ số GDP thành “nhân vật ngôi sao” trên các diễn đàn kinh tế, xã hội. Đây là xu hướng của nhiều nước trên thế giới.

– “Cuộc chạy đua về GDP là cuộc chạy đua lạc lối”: chạy đua về thu nhập bình quân tính theo đầu người mà quên rằng mục đích cuối cùng của mọi sự tăng trưởng kinh tế chính là tạo ra một cuộc sống chất lượng.

Câu 4 HS nêu quan niệm riêng của mình một cách thuyết phục trên cơ sở đọc hiểu đoạn trích. Có thể tham khảo một số gợi ý sau:

– Cuộc sống đáng sống là cuộc sống trong đó con người được hưởng tự do, dân chủ, ấm no, hạnh phúc.

– Cuộc sống đáng sống là cuộc sống cân bằng về vật chất và tinh thần; môi trường sống an toàn khiến con người có thể tận hưởng những gì tạo hoá ban cho họ.

– Cuộc sống đáng sống là cuộc sống trong đó mỗi cá nhân được tạo điều kiện phát triển tối đa năng lực, sở trường của mình và được thụ hưởng thành quả lao động một cách công bằng.

II. LÀM VĂN 

Câu 1 HS có quan điểm rõ ràng trước hiện tượng mà đề bài đề cập tới; lập luận thuyết phục, có lí lẽ và dẫn chứng cụ thể, đoạn văn đảm bảo dung lượng (khoảng 200 chữ), có thể trình bày theo một trong các cách diễn dịch, quy nạp, song hành hoặc tổng – phân – hợp…, đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Sau đây là một số gợi ý:

– Nêu hiện tượng: phụ nữ ở Saudi Arabia không có quyền lái ô tô, không được xuất cảnh mà không có nam giới đi cùng, không có quyền bầu cử (trước năm 2015). Đây là sự bất bình đẳng trong đối xử với phụ nữ tại một đất nước giàu có ngang với các quốc gia Tây Âu – một hiện tượng khiến người ta sửng sốt, ngạc nhiên vì nó đang tồn tại ở thế kỉ XXI, tại một quốc gia thịnh vượng.

– Bàn luận:

+ Sự bất bình đẳng, sự coi thường người phụ nữ ở Saudi Arabia là dấu hiệu cho thấy một xã hội lạc hậu, thiếu nhân quyền, dân chủ.

+ Sự thịnh vượng và giàu có không đảm bảo rằng người dân có thể được hạnh phúc, được tự do và được tôn trọng.

+ GDP cao chưa phải là điều kiện cần và đủ để xây dựng một quốc gia văn minh, hạnh phúc. Cuộc chạy đua về GDP cần được chấm dứt.

+ So sánh với một số quốc gia khác trên thế giới để thấy rõ một đất nước có GDP cao chưa hẳn là một đất nước đáng sống.

Câu 2 Đề bài yêu cầu HS nghị luận về một ý kiến bàn về văn học, HS cần viết 01 bài văn có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài; xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp lí lẽ và dẫn chứng, đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Tham khảo gợi ý sau:

– Là nhà văn có phong cách nghệ thuật đặc sắc, văn chương Nguyễn Tuân hấp dẫn người đọc bởi “cái tôi” độc đáo, thể hiện ở sự tài hoa, uyên bác, sự sắc nhọn và tinh tế của các giác quan, ngôn từ điêu luyện, giàu hình ảnh, cảm xúc…

– Phân tích “cái tôi” Nguyễn Tuân trong đoạn trích Người lái đò Sông Đà:

+ “Cái tôi” tài hoa, tinh tế thể hiện ở sự rung động, niềm say mê của nhà văn trước vẻ đẹp hùng vĩ và mì lệ của thiên nhiên đất nước; ở sự phát hiện và ngợi ca phẩm chất tài hoa, nghệ sĩ của những con người lao động; ở những trang văn đẹp như thơ, như nhạc, như hoạ. Nhà văn đã thể hiện sông Đà như một sinh thể sống với hai nét “tính cách” tưởng như đối lập (“hung bạo” và “trữ tình”), để từ đó tấu lên một khúc tráng ca về con sông dũng mãnh ở thượng nguồn, đồng thời ngân nga những thanh âm dịu dàng, trong trẻo, êm ái chốn hạ lưu. Từ đó, nhà văn đã tạo dựng hình ảnh người lái đò sông Đà trong cuộc vượt thác đầy kịch tính và cũng thật ngoạn mục. Nguyễn Tuân tỏ ra hứng thú đặc biệt trong việc khám phá, thể hiện “chất vàng mười” trong tâm hồn con người Tây Bắc.

+ “Cái tôi” uyên bác thể hiện ở cách nhìn và sự khám phá hiện thực có chiều sâu; sự huy động và sử dụng kiến thức của các ngành quân sự, điện ảnh, thể thao… và các tri thức đời sống một cách linh hoạt, có hiệu quả nhằm thể hiện hình ảnh con sông Đà và người lái đò một cách chính xác và ấn tượng. Nhà văn đã lựa chọn những chi tiết thật tiêu biểu, điển hình, miêu tả và soi chiếu chứng từ nhiều góc độ, kết hợp với những liên tưởng, so sánh bất ngờ và thú vị. Có thể nói, hình ảnh sông Đà và người lái đò thể hiện công phu quan sát, miêu tả; khả năng huy động và sử dụng ngôn ngữ hết sức điêu luyện của nhà văn.

– “Cái tôi” tài hoa, uyên bác thể hiện tình yêu quê hương đất nước, tình yêu cái đẹp của người nghệ sĩ chân chính đồng thời bộc lộ quan niệm của Nguyễn Tuân: viết văn là để khẳng định sự độc đáo của người cầm bút. Thể tuỳ bút, một lối văn “độc tấu”, đã phát huy hiệu quả của nó trong việc bộc lộ “cái tôi” độc đáo của nhà văn.

Nguồn website giaibai5s.com

Đề thực hành luyện tập thi THPT quốc gia môn Ngữ văn – Đề 25
3 (60%) 1 vote