Tế Hanh thuộc lớp nhà thơ cuối cùng của phong trào Thơ mới. Thi đề quen thuộc của ông trước Cách mạng là tình yêu và cảnh sắc làng quê. Tình yêu được thần thánh hóa và không thoát ra khỏi nẻo đường nhỏ hẹp chán nản. Nhưng phần sâu đậm trong thơ ông lại dành cho quê hương đất nước.

Người đọc biết Tế Hanh từ bài Quê hương (1939). Bài thơ nằm trong tập thơ Nghẹn ngào (sau bổ sung thêm và đổi tên là Hoa niên được giải thưởng của Tự lực văn đoàn). Bằng tấm lòng yêu cuộc sống thiên nhiên và những kỉ niệm nồng nàn nhất của mình, tác giả đã thành công khi nói về quê nhà, một làng chài lưới. Tuổi nhỏ của nhà thơ chắc chắn trải qua cái mùi nồng mặn của những mẻ cá và trong tiếng ru vừa bát ngát vừa êm đềm của bốn bề sóng vỗ. Đứng ở làng quay mặt về phương nào cũng thấy những tấm lưới, những mái chèo và nhất là những cánh buồm no gió.

Nhà thơ tự giới thiệu:

Làng tôi ở bốn làm nghề chài lưới

Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông

Chính cái thiên nhiên này đã đem lại cho Tế Hanh những câu thơ đầy sức lực:

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang

Cánh buồm giường to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió.

Đó là khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng. Một làng chài nghèo nằm ở một bến sông xa biển, họ lập nghiệp mưu sinh ở một cù lao trên sông Trà Bồng không đủ nuôi sống, họ phải trông cậy vào biển cả, vào từng cơn gió nhẹ, vào những buổi trời trong. Họ sống lệ thuộc vào thiên nhiên. Cứ mỗi bình minh ửng hồng ở phương Đông, báo hiệu buổi trời yên biển lặng là họ lại hối hả rong buồm ra khơi.

Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng đã làm tăng thêm sinh khí của họ. Đó là một câu thơ, một hình ảnh sống động mà lại có sức tưởng tượng, khái quát cho khả năng nhìn thấy hồn sự vật, nó như một hiệu lệnh, như một báo hiệu cho nguồn sống từ biển cả, như một niềm tin để họ “vượt trường giang”.

Cuộc lao động vật lộn mưu sinh ấy vất vả qua đêm cho đến ngày hôm sau. Và kết quả có được là còn “nhờ ơn trời”: 

“Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe

Những con cá tươi ngon thân bạc trắng

Dân chài lưới làn da ngâm rám nắng

Cả thân hình nông thở vị xa xăm”

Những câu thơ như những hơi thở nhẹ, khoan khoái trút được gánh nặng sau khi hoàn tất công việc trong niềm vui sướng của người thân và dân làng:

Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ

Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.

Và trong cái không khí ồn ào, tấp nập kia, nhà thơ cảm nhận được cái gian lao, mệt mỏi của cuộc đời và tinh tế lắng nghe được chất muối mặn đang ngấm dần vào lớp gỗ thuyền:

Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm

Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.

Một làng quê, một vạn chài mộc mạc mà sao gợi được nỗi niềm bâng khuâng đến thế? Và làng quê ấy như một ma lực, có sức lực, sức hút kì diệu, dù thời gian xa cách, dù không gian mênh mông không định ở một nơi nào, hễ bắt gặp một cánh buồm trên màu nước xanh, là thức dậy ở nhà thơ lòng tưởng nhớ chốn quê hương nước mặn:

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ

Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,

Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,

Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!

Thể thơ 8 chữ đến với Tế Hanh đã khá ổn định. Cách bắt nhịp biến hóa, buông bắt nhịp nhàng, âm thanh giàu sắc độ. Bài thơ là một bức tranh đường nét tươi màu, có cảnh, có người, có niềm vui lao động. Điều đó chứng tỏ tình cảm đẹp và trong sáng của tác giả là dành cho quê hương,

nhất là quê hương hiện lên trong kỉ niệm, trong xa cách, trong tưởng nhớ. Và nhờ vậy mà gương mặt quê hương thường xao động lung linh.

Tế Hanh đã miêu tả quê hương theo trí nhớ của trái tim. Sau này đi với cách mạng, với kháng chiến, xa nhà, Nhớ con sông quê hương (1956) nhà thơ nhớ từng bờ tre, mặt nước, nhớ bà con mưa nắng ngoài đồng, chài lưới bên sông nhớ cả những người không quen biết. Hình ảnh quê hương hòa với kỉ niệm tuổi thơ, bạn bè như bầy chim bơi lội trên sông và thiên nhiên tươi đẹp:

Tôi nhớ không nguôi ánh sáng màu vàng

Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc

Tôi nhớ cả những người không quen biết.

Tất nhiên cảnh sắc làng quê được miêu tả, được khám phá thêm những điều mới mẻ. Từ những rung động đầu tiên trong sáng gắn bó với một làng quê nghèo chài lưới, Tế Hanh đã vươn tới nhiều miền quê và được nhân lên với lòng yêu quê hương đất nước.

Giaibai5s.com

Đề 54: Phân tích bài thơ Quê hương của Tế Hanh.
Đánh giá bài viết