Nhà thơ Tế Hanh viết bài Quê hương khi ông mới 18 tuổi, cái tuổi đang độ hoa niên. Lúc này Tế Hanh đang theo học ở Huế. Lòng trai 18 tuổi xa nhà, nhớ nhà, nhớ quê, nhớ cái làng chài ven biển nơi chôn rau cắt rốn của mình, thế là các câu thơ tưởng nhớ được viết ra một cách tự nhiên, dung dị, không cần phải có một cố gắng nào.

Câu thơ đầu tiên như là lời tự xưng danh, tự thuật rất đỗi tự nhiên mộc mạc.

Làng tôi vốn làm nghề chài lưới

Một buổi sáng đi biển của người dân chài “trời trong gió nhẹ, sớm mai hồng” phải nói là một buổi sáng đẹp trời lí tưởng, một vẻ đẹp tinh khôi mát mẻ, dễ chịu thoáng đãng bao la sắc hồng của bình minh. Chỉ những người làm nghề chài lưới mới thấy hết được tầm quan trọng của những buổi sáng đẹp trời, không chỉ báo hiệu một chuyến ra khơi yên lành, mà còn hứa hẹn những mẻ lưới bội thu. Làm nghề đánh cá nặng nhọc này phải là những người khỏe mạnh vạm vỡ “ăn sóng nói gió” mới có thể đảm đương nổi, chỉ có những trai tráng mới có thể điều khiển nổi chiếc thuyền “nhẹ hăng như con tuấn mã” mới “phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang được”. Có thể nói đây là một chuyến ra khơi khí thế hào hùng, mang vẻ đẹp thật bất ngờ.

Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió.

Cánh buồm, một vật cụ thể hữu hình, được ví với mảnh hồn làng là cái trừu tượng vô hình. Một cách ví von nhờ sự liên tưởng khá xa và độc đáo của tác giả. Hình ảnh cánh buồm “rướn thân trắng bao la thâu góp gió” thật đẹp trong dáng vẻ và sức vóc cường tráng, một hình ảnh giàu ý nghĩa được đưa lên thành biểu tượng của tâm hồn.

Thời điểm đoàn thuyền đánh cá trở về, một khung cảnh thật náo nức thanh bình, mang dáng vẻ ấm no xuất hiện: “ồn ào”, “tấp nập” đón ghe về. Câu thơ “Nhờ ơn trời biển lặng cá đây ghe” tựa như một lời cảm tạ trời đất đã che chở và hào phóng đối với chuyến ra khơi vừa rồi; câu thơ rất thực nhưng mang trong lòng nó ý nghĩa thiêng liêng. Mỗi lần đi biển là mỗi lần giáp mặt với thủy thần, với tử thần, có nghĩa là sự sống thật mong manh. Khi đó ở trên bờ, những người mẹ, người vợ của đoàn trai tráng kia ngày đêm lo lắng, âm thầm khấn nguyện cho chồng con họ được an toàn trở về và đánh bắt được nhiều cá. Có hiểu như thế mới thấy được niềm vui sướng của những người từ biển trở về và của những người ra đón họ.

Trong khung cảnh đoàn thuyền trở về hình ảnh những trai tráng sức vóc dày dặn gió, có “làn da ngăm trắng kia” được thể hiện qua những câu thơ thật đẹp. “Cả thân hình nồng thở vị xa xăm” đó là những tinh thể được tách ra từ biển, mang vị mặn mòi của biển, mang theo cả hương vị của biển xa. Họ là những đứa con của biển khơi, câu thơ thật lãng mạn, chân dung của những người dân chài hiện lên thật tầm vóc, có hình khối mà lại rất đặc trưng chỉ người dân biển mới có được. Cụm từ “im bến mỏi” thật cô đúc, vừa nói lên được sự nghỉ ngơi thư giãn của con thuyền sau chuyến đi vất vả trở về, vừa nói lên được vẻ yên lặng nơi bến đỗ. Một sự yên lặng thích thú sau một ngày náo động.

Bốn câu thơ cuối nhà thơ trực tiếp bộc lộ nỗi nhớ về hình ảnh làng chài theo lối ấn tượng chung nhất “màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm Uốt”, “con thuyền rẽ sóng” và đặc biệt “cái mùi nồng mặn quá”. Nhớ đến cái mặt riêng biệt của biển khơi, tức là nỗi nhớ thật da diết sâu lắng, đó là mùi của biển cả, của sóng, của gió, của rong, của rêu, của cá, của cả cái vị mồ hôi trên lưng áo của người đi biển.

Bài thơ trong trẻo từ đầu đến cuối. Đó là tấm lòng yêu nhớ quê hương của một lòng trai thuần hậu gắn bó với cuộc đời. Trong đời mỗi người đều có một quê hương để nhớ. Với Tế Hanh, cái làng chài lưới này đã trở thành nguồn thi cảm không vơi cạn.

Giaibai5s.com

Đề 53: Hiểu và nghĩ về bài thơ “Quê hương”.
Đánh giá bài viết