1- Kể tóm tắt truyện

Câu chuyện kể về hai anh em Kiều Phương. Anh trai bực vì em gái hay nghịch bẩn, bừa bãi. Phát hiện ra người em ham học vẽ, người anh bí mật theo dõi và sau những thành công của em gái, cả nhà mừng vui, nhưng người anh lại mặc cảm, không vui. Trước mọi biểu hiện thường ngày của em, người anh cảm thấy như bị chọc tức, thậm chí tỏ ra xét nét với em. Trong một lần gượng đi xem triển lãm tranh của người em, người anh nhận ra “tâm hồn và lòng nhân hậu” của em gái mình thể hiện qua bức vẽ thì vô cùng hối hận.

2. a) Trong số các nhân vật (Kiều Phương, người anh) thì nhân vật người anh là nhân vật chính.

Bởi lẽ, tác giả tập trung thể hiện chủ đề sự ăn năn, hối hận để khắc phục tính ghen ghét trong tình anh em là chủ yếu chứ không phải là chủ đề ca ngợi tài năng và tâm hồn của người em gái.

b) Truyện được kể theo lời của nhân vật người anh

Việc chọn người anh làm người kể chuyện ngôi thứ nhất là rất thích hợp với chủ đề, đồng thời thực chất của truyện ngắn là diễn biến tâm trạng của nhân vật người anh. Mặt khác, việc chọn ngôi kể như vậy để cho sự hối lỗi của người anh được tự bày tỏ một cách chân thành, do đó có giá trị thuyết phục hơn.

3. Về tâm trạng của người anh (nhân vật kể chuyện)

a) Diễn biến tâm trạng của nhân vật người anh:

– Từ trước cho đến lúc thấy em gái tự chế màu vẽ: coi thường, bực bội, gọi em gái Kiều Phương là Mèo, bí mật theo dõi các việc làm của em.

– Khi tài năng hội họa ở em gái được phát hiện: mọi người xúc động, mừng rỡ, ngạc nhiên. Riêng với người anh, có tâm trạng không vui, vì: cảm thấy mình thua kém em xa, thấy mọi người chỉ chú ý đến em mà bỏ quên mình

– Khi lén xem những bức tranh em gái đã vẽ: thầm cảm phục.

– Khi đứng trước bức tranh được giải nhất của em gái trong phòng trưng bày: ngỡ ngàng, hãnh diện, xấu hổ.

b) Sau khi tài năng hội họa của em gái mình được phát hiện, người anh lại có tâm trạng không thể thân với em gái được nữa bởi vì:

– Vốn quen coi thường em bẩn, nghịch, lại tự cho mình là anh nên phải là người hơn hẳn em về mọi mặt. Vì vậy khi tài năng của em được phát hiện và trở thành trung tâm của sự chú ý trong gia đình thì sự mặc cảm, tự ái trong người anh diễn ra là rất tự nhiên, rất phù hợp với tâm lí lứa tuổi của những cậu bé vừa đang ở tuổi rất trẻ con lại vừa đang rất có ý thức tự khẳng định mình.

c) Tâm trạng của người anh khi đứng trước bức tranh “Anh trai tôi” của em gái: Thoạt tiên là sự ngỡ ngàng, rồi đến hãnh diện, sau đó là xấu hổ.

– Ngỡ ngàng: đứng trước bức tranh có tên “Anh trai tôi” do em gái vẽ, người anh hết sức ngỡ ngàng vì không nghĩ trong con mắt của em gái, hình ảnh của mình lại hoàn hảo như thế, khác hẳn với những gì mình đã đối xử với em, nghĩ về em và về chính mình trước đó. Bởi vậy, người anh đã “nhìn như thôi miên vào dòng chữ đề trên bức tranh”…

– Từ sự ngỡ ngàng đó, tâm trạng người anh chuyển sang hãnh diện không chỉ vì tài năng của em, mà còn vì vẻ đẹp tâm hồn cao thượng, vị tha của em gái. Cùng với dòng chữ đề “Anh trai tôi” là hình ảnh “một chú bé đang ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi bầu trời trong xanh. Mặt chú bé như tỏa ra một thứ ánh sáng rất lạ. Toát lên từ cặp mắt, tư thế ngồi của chú không chỉ sự suy tư mà còn rất mơ mộng nữa”. Đó là một người anh của sự mong ước, được vẽ bằng tình yêu, lòng bao dung, tin tưởng của người em. Chính vì thế, sau “sự ngỡ ngàng, rồi đến hãnh diện”, người anh cảm thấy xấu hổ vì dưới ánh mắt của em gái, người anh thật “hoàn hảo”; vậy mà người anh lại coi em gái chỉ là “Mèo con”, hay nghịch bẩn, gây khó chịu. Người anh day dứt vì đã ích kỉ, hèn kém, nhỏ nhen – thật “không phải” với em gái.

4. Đoạn kết của truyện, tác giả viết: “Tôi không trả lời mẹ vì tôi muốn khóc quá. Bởi vì nếu nói được với me, tôi sẽ nói rằng: Không phải con đâu. Đây là tâm hồn và lòng nhân hậu của em con đấy”.

Đây là một kết thúc khá bất ngờ, có hệ quả từ câu hỏi của mẹ: “Con đã nhận ra con chưa” trước đó vốn bao hàm nhiều nghĩa (cũng có thể người mẹ hỏi về người anh được tái hiện trong niềm mong ước của em gái; người anh trong con mắt ngây thơ của một tài năng chớm nở; hoặc người anh ở ngoài đời so với sự hoàn hảo của tác phẩm nghệ thuật). Hiểu như vậy sẽ cắt nghĩa được các chặng phát triển của trạng thái tâm lí nhân vật, từ “giật sững người chuyển sang “bám chặt lấy tay mẹ”, rồi ngỡ ngàng – hãnh diện – xấu hổ, và cao trào là không trả lời mẹ – muốn khóc, chuyển hóa thành kết quả tự nhận thức trong tâm tưởng: “Đây là tâm hồn và lòng nhân hậu của em con đấy”.

Sự phát hiện tinh tế, cũng là thành công nghệ thuật của tác giả thể hiện trong đoạn kết này là để cho tình tiết của câu chuyện phát triển một cách tự nhiên nhằm bộc lộ quan niệm rõ ràng về cái đúng, cái sai trong cuộc sống một cách khách quan. Câu nói thầm trong tâm trí của người anh thể hiện sự hối hận chân thành, có tính tất yếu và thuyết phục người đọc.

5. Cảm nhận về nhân vật cô em gái trong truyện

– Cô em gái trong truyện được miêu tả khá ngộ nghĩnh (nghịch, hay bôi bẩn lên mặt, hay lục lọi các đồ vật), thích tự chế màu và ham mê vẽ tranh.

– Kiều Phương là một bé gái hồn nhiên, hiếu động, tài vẽ tranh sớm được khẳng định nhưng không vì thế mà tự cao tự đại. Em có một tình cảm vô cùng trong sáng, cao đẹp – tình cảm đó biểu hiện nổi bật trong bức tranh “Anh trai tôi” tham gia trại thi vẽ quốc tế và được giải nhất. Những biểu hiện tình cảm trong cuộc sống hằng ngày và thành công nghệ thuật của Kiều Phương đã giúp cho người anh nhận ra những hạn chế của bản thân. Mặc dù bị anh đối xử nghiêm khắc, nhưng Kiều Phương hiểu tính anh, vẫn rất thương yêu anh. Bức tranh “Anh trai tôi” do đó không chỉ thể hiện tài năng nghệ thuật đặc biệt của cô bé mà còn thể hiện vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách của Kiều Phương.

Đề 29: Cảm nhận văn bản Bức tranh của em gái tôi (Tạ Duy Anh)
4.8 (96.1%) 41 votes