Sự đố kị ở con người thường dẫn đến những hậu quả khôn lường và vô cùng tai hại. Nó làm vẩn đục những quan hệ vốn đẹp đẽ, vô tư, dẫn đến việc đối xử thiếu công bằng (với kẻ hơn mình) và chính nó cũng làm cho con người (bản thân mình) bé lại. Xét cho cùng, cái nhìn đen tối ấy chẳng có lợi cho bất kì ai. Bức tranh của em gái tôi viết về câu chuyện dường như có thật của nhân vật “tôi”. Điều đó dẫn đến hai định hướng: Thứ nhất, nhân vật chính của truyện là nhân vật người anh (người anh tự kể chuyện mình), và thứ hai, sự hấp dẫn nghệ thuật không được tạo ra bởi các chi tiết hư cấu, tưởng tượng, li kì mà từ cuộc sống hằng ngày có thật. Nhưng nhờ vào tính cụ thể của nghệ thuật mà sức khái quát của truyện khá cao. Nó cảnh báo những nguy cơ ở tất cả mọi người, mọi nơi, mọi lúc.

Là một truyện ngắn, tác phẩm được viết theo thi pháp truyện ngắn nghĩa là có tình huống, cao trào và kết thúc. Sợi dây liên kết tạo ra mạch truyện ở đây có khả năng cuốn hút người nghe.

1- Lúc đầu, tài năng hội họa của bé Kiều Phương chưa được phát lộ. Nó chỉ mới hiện ra dưới dạng hành vi. Bởi thế, với người anh điều này còn là vô hại. Nhân vật “tôi” nhìn nó còn rất vô tư. Việc đặt biệt danh cho Kiều Phương là Mèo cũng phản ánh thái độ vô tư đó. Dù có một cái gì gia trưởng (lấy quyền làm anh mà tùy tiện coi thường đứa em gái của mình), nhưng chưa có thể gọi là ác ý. Nếu người anh có bực bội với Kiều Phương cũng chỉ vì cái thói nghịch ngợm một cách trẻ con như bất cứ đứa nào ở lứa tuổi của nó mà thôi. Quả thật, khi đặt cái tên thứ hai cho em, thấy Kiều Phương “vui vẻ chấp nhận”, người anh cũng rất hài lòng. Ngay cả khi cái tính “rất hay lục lọi các đồ vật” trở thành có mục đích (“Trời ạ, thì ra nó chế thuốc vẽ”), nhân vật “tôi” có một thoáng ngạc nhiên nhưng cũng chẳng mấy để tâm. Cùng lắm nó chỉ kích thích trí tò mò ở người anh và “tôi” cũng tỏ ra thích thú về sự tò mò ấy: “Tôi quyết định bí mật theo dõi em gái tôi. Sau khi có vẻ đã hài lòng, nó lôi trong túi ra bốn lọ nhỏ, cái màu đỏ, cái màu vàng, cái màu xanh lục,… đều do nó tự chế. Nó đưa mắt canh chừng rồi lại nhét tất cả vào túi sau khi cho màu đen nhọ nồi vào một cái lọ còn bỏ không”. Dưới con mắt hồn nhiên của người anh trai, hình ảnh Kiều Phương được thu vào cận cảnh đến từng chi tiết (cả hành động và tâm lí) mà nó đâu hay biết. Nhưng dù bắt được quả tang, nhân vật người anh không thể kết tội em về bất cứ điều gì, vì Kiều Phương có làm gì mờ ám, hơn nữa vì tấm lòng người anh chưa có “con rắn ghen tị luồng vào” (Ét-môn-đô A-mi-xi).

2- Nhưng thái độ của người anh bắt đầu thay đổi khi chú Tiến Lê phát hiện ra tài năng hội họa của Kiều Phương. Ngày hôm đó đối với người anh đúng là một ngày định mệnh. Trong lúc mọi người sung sướng vì có được một niềm vui to lớn và rất bất ngờ thì tâm trạng của nhân vật “tôi” hoàn toàn ngược lại. Cái vô tư ở người anh biến mất. Nó đã bị lòng đố kị thay vào đó. Tài năng của Kiều Phương đối với nhân vật “tôi” lại là một cản trở. Những dằn vặt không đáng có đã diễn ra: “Kể từ hôm đó, mặc dù mọi chuyện vẫn như cũ trong căn nhà của chúng tôi, nhưng tôi luôn luôn cảm thấy mình bất tài nên bị đẩy ra ngoài. Những lúc ngồi bên bàn học, tôi chỉ muốn gục xuống khóc”. Câu văn miêu tả tâm lí rất hay. Nó nói đúng được cái không khí giả tạo vô hình mà người anh tưởng tượng ra. Và cũng người anh do mặc cảm mà cho rằng trong cuộc chạy đua giữa hai anh em, mình là người thua cuộc. Cái thứ tổn thương không dấu vết này tuy với nhân vật “tôi” – người trong cuộc là sâu sắc, nhưng thực ra nó cũng rất ngây thơ. Ngây thơ trong ý nghĩ: “tôi chẳng tìm thấy ở tôi một năng khiếu gì”. Ô hay, năng khiếu là chuyện trời cho, đâu phải người nào cũng được ban phát. Nó thuộc về số ít, vì vậy chẳng nên vì thế mà ghen tị, buồn phiền. Ngây thơ trong cả hành vi ứng xử. Tài năng của Kiều Phương là vô tội, chẳng có cớ gì mà người anh phải xa cách lạnh lùng. Một lần nữa, người anh đã tạo ra một ám ảnhchỉ có trong tưởng tượng mà chính anh ta không hiểu “Không hiểu vì sao tôi không thể thân với Mèo như trước đây được nữa. Chỉ cần một lỗi nhỏ ở nó là tội gắt um lên”. 

Trong bối cảnh tâm trạng u ám của nhân vật “tôi” như thế, việc xem trộm tranh là một chi tiết rất đắt. Một mặt, nó phản ánh tâm lí tò mò của người anh muốn biết hư thực ra sao, vì sao mà mọi người ngưỡng mộ, một mặt, đứng về mạch truyện, nó có tính chất bắc cầu để cái ghen tức, đố kị không còn là một lí do để người anh day dứt nữa. Về những điều này, lúc xem tranh, nhân vật “tôi” đã có thể “gỡ” ra cho mình không ít. Tài năng của Kiều Phương chính là điều mình không có: “Mặc dù nó vẽ bằng những nét to tướng, nhưng ngay cả cái bát múc cám lợn sứt một miếng cũng trở nên ngộ nghĩnh. Con mèo vằn vào tranh to hơn cả con hổ nhưng nét mặt lại vô cùng dễ mến”. Tài năng của Kiều Phương đã thổi hồn vào sự sống, làm cho nghệ thuật thăng hoa. Nhân vật người anh đã hoàn toàn bị thuyết phục. Song tâm lí tự ti, mặc cảm vẫn còn. Chỉ có điều anh ta “lén trút ra một tiếng thở dài” nho nhỏ để không ai nghe thấy mà thôi.

3- Đứng trước bức tranh được trao giải nhất của Kiều Phương, lẽ ra người anh phải buồn, nhưng tâm trạng ấy ở đây đã hoàn toàn không như thế. Sự biến đổi về tâm lí này đã xuất hiện từ trước lúc xem tranh (ở chi tiết có tính chất bắc cầu như trên đã nói). Đến đây nó đi theo một hướng mà chính nhân vật “tôi” cũng không ngờ. Lòng ghen tức hoàn toàn được rũ bỏ. Thay thế nó là sự cảm phục đến ngạc nhiên. Cảm phục tài năng của đứa em yêu quý đã đành, cảm phục cả tấm lòng trong sáng vô tư của nó nữa. Hai sự ngưỡng mộ ấy gặp nhau đã làm cho nhân vật “tôi” mới như choáng ngợp: “Tôi giật sững người. Chẳng hiểu sao tôi phải bám chặt lấy tay mẹ. Thoạt tiên là sự ngỡ ngàng, rồi đến hãnh diện, sau cùng là xấu hổ. Dưới mắt em tôi, tôi hoàn hảo đến thế kia ư? Tôi nhìn như thôi miên vào dòng chữ đề trên bức tranh: “Anh trai tôi”. Vậy mà dưới mắt tôi thì,..”. Tâm trạng của nhân vật “tôi” thật bối rối với rất nhiều cảm xúc đan xen khó lòng tách bạch nổi. “Sững người” diễn tả thái độ ngạc nhiên trước một sự lạ đến không ngờ. Sự chao đảo cần đến bàn tay người mẹ làm chỗ dựa. Tâm trạng giật mình là một thứ thừa số, làm nền để lần lượt những điều nói được, cả những điều không thể nào nói được ùa về trong tâm tưởng. Điều có thể gọi thành tên là cái ngỡ ngàng, sự hãnh diện, cả sự xấu hổ nữa. Còn điều không thể gọi thành tên thì người đọc có thể thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông mà đọc lên cái kí hiệu không lời (dấu ba chấm). Đây là sự ân hận. Thái độ ân hận có hơi muộn màng một chút nhưng thật cần thiết lúc này. Nó có tác dụng giải tỏa cho bao nhiêu ngộ nhận ở người anh và nâng cấp tinh thần cho những phẩm chất quý báu mà Kiều Phương vốn có. Bởi thế sự cảm động mới đến mức rưng rưng (tôi muốn khóc quá). Nước mắt cũng giống như trận mưa. Nó sẽ gột rửa những vết nho trong tâm hồn (như sự nhỏ nhen, đố kị) và bầu trời trong sáng sau đó sẽ hiện ra. Câu trả lời trong ý nghĩ của người anh với mẹ hay là với chính bản thân mình: “Không phải con đâu. Đấy là tâm hồn và lòng nhân hậu của em con đấy!”. 

4- Nhân vật Kiều Phương tuy không ở vào vị trí trung tâm đóng vai kể chuyện, nhưng có ảnh hưởng rất lớn đối với nhân vật người anh. Đành rằng cô bé tài năng ấy trong bản chất đã có những phẩm chất tuyệt vời. Chẳng hạn như sự trong sáng vô tư. Nhưng nếu đặt sự trong sáng, vô tư ấy vào mạch truyện thì ý nghĩa của những phẩm chất sáng ngời này càng nổi bật hẳn lên. Trước thái độ không công bằng của người anh lúc đầu, Kiều Phương chẳng những không cãi lại mà còn hóm hỉnh giải thích về hành vi lục lọi của mình “Mèo mà lại”. Đến khi vô cớ bị người anh “gắt um lên”, gương mặt lúc nào cũng lem nhem của nó cũng chỉ biết “xịu xuống” chứ không cãi lại một lời. Đừng tưởng rằng Kiều Phương vô tâm, dửng dưng hay không hề hay biết gì ngoài những bức tranh mà nó vẽ. Chứng cớ là những cái gì xấu xí, thô kệch ở ngoài đời khi bước vào tranh, nó lược bỏ hẳn đi. Cả sự không hoàn thiện ở người anh cũng thế. Chính là với bản lĩnh vững vàng này mà khi xem trộm tranh của Kiều Phương, nhân vật người anh có gì như ngờ ngợ,bán tín bán nghi: “Có cảm tưởng nó biết mọi việc chúng tôi làm và lờ đi vì không chấp trẻ em”. Nhất là sau này, khi đã hiểu ra, nhân vật “tôi” mới hiểu vì sao sắp đi thi quốc tế rồi “nó có vẻ cứ hay xét nét tôi” đến thế. Thì ra ý đồ nghệ thuật của Kiều Phương đã rõ. Với đề tài tự chọn, nó đã nhập tâm lời dạy của chú Tiến Lê “Cháu hãy vẽ cái gì thân thuộc nhất với cháu”. Vậy cái người “thân thuộc nhất” đối với Kiều Phương là ai nếu không phải là người anh trai mà em vô cùng yêu quý? Chỉ có điều khi hình ảnh người anh đi vào nghệ thuật, Kiều Phương đã gạn chắt đi để chỉ còn những cái gì thân thuộc nhất với cháu”. Nghệ thuật trong trường hợp này không phải là giả dối. Cái đẹp bao giờ cũng có ý nghĩa nhân văn. Và quan trọng hơn, để làm được điều này, người nghệ sĩ phải có một tâm hồn trong sáng. Chỉ với điều kiện ấy, bức tranh của Kiều Phương mới chân thực, mới sinh động: “trong tranh, một chú bé đang ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi bầu trời trong xanh. Mặt chú bé như tỏa ra một thứ ánh sáng rất lạ. Toát lên từ cặp mắt, tư thế ngồi của chú không chỉ suy tư mà còn rất mơ mộng nữa”. Sự trong sáng trong tâm hồn Kiều Phương mới là điều đáng nói. Bởi thế, cảm giác của nhân vật “tôi” khi không nhận ra mình trong bức tranh được giải của em cũng có lí do của nó. Vì giữa người thật và tranh có một khoảng cách đáng kể. Những người ngoài không ai nhìn ra, kể cả người mẹ của hai đứa trẻ. Chỉ có nhân vật “tôi” chưa bao giờ như bây giờ cảm nhận thấm thía về sự thiếu hụt (nhân cách) của mình mới nhận ra khoảng trống ấy. Nhưng có điều: với lòng quý trọng thương mến người anh, Kiều Phương đã lấp đầy, lấp đầy không phải bằng nghệ thuật mà bằng “tâm hồn và lòng nhân hậu” của cô họa sĩ tí hon tốt bụng.

Đề 28: Phân tích văn bản Bức tranh của em gái tôi (Tạ Duy Anh)
5 (99.51%) 41 votes