BÀI LÀM

Hữu Thỉnh là một nhà thơ viết nhiều, viết hay về những con người, cuộc sống ở nông thôn và về mùa thu. Nhiều vần thơ thu của ông mang cảm xúc bâng khuâng, vấn vương trước đất trời trong trẻo đang chuyển biến nhẹ nhàng. “Sang thu” được sáng tác cuối năm 1977. Thông qua những hình ảnh giàu sức biểu cảm, bằng cảm nhận tinh tế của mình, nhà thơ đã cho ta thấy sự chuyển biến nhẹ nhàng mà rõ rệt của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu.

Mùa thu trong thơ Xuân Diệu bắt đầu với “sắc mơ phai” dệt giữa muôn ngàn cây: “Đây mùa thu tới, mùa thu tới/ Với áo mơ phai dệt lá vàng”.

Với Lưu Trọng Lư thì nàng thu được cảm nhận bằng ánh sáng nhàn nhạt của “ánh trăng mờ thổn thức”, riêng Hữu Thỉnh lại hoàn toàn mới mẻ. Mùa thu trong thơ ông được cảm nhận trước hết qua mùi thơm của hương ổi chín:

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se.   

Từ “bỗng” gợi ra một sự ngạc nhiên đến tột độ. Mùa thu đến với nhà thơ quá đột ngột, tình cờ. Thật bất ngờ và ngỡ ngàng biết bao khi thi nhân phát hiện ra vị thơm đượm của hương ổi nhờ ngọn gió heo may se lạnh nhẹ nhàng đưa tới. Cái hương thơm nồng nàn của loại trái cây đang chín rộ đủ khiến lòng người ngây ngất. Tại sao nhà thơ không dùng là “lan”, “toả” mà lại dùng là “phả”? Qua cách dùng từ này, ta hình dung hương thơm của mùi ổi chín đến một cách nhanh chóng, trở nên sánh lại, đậm đặc hơn. 

Hoà vào âm hưởng của sự chuyển tiết ấy là những làn sương thu:

Sương chùng chình qua ngõ 
Hình như thu đã về.               

Với biện pháp nhân hoá, Hữu Thỉnh đã giúp cho sương có đôi chân, bước đi nhẹ nhàng, chậm rãi, khoan thai như chờ đợi hè qua nhưng chưa vội đón thu về. “Chùng chình” là một từ láy gợi hình, gợi ra thấp thoáng đâu đây bóng dáng của một cô thiếu nữ yểu điệu, tha thướt bước qua biên giới mong manh của thời tiết. Làn sương ấy giăng mắc nơi đầu thôn, ngõ xóm, giăng trong lòng người một nỗi niềm:

Hình như thu đã về.

“Hình như”- một cảm giác mơ hồ, hoài nghi, bâng khuâng xao xuyến chợt đến. Thu đã về thật rồi sao? Mùa thu về lúc nào mà thi nhân không hay? Phải chăng bấy lâu nay ta đã thờ ơ với nó để đến giờ lại cảm thấy lạ lẫm đến ngỡ ngàng? Lòng thi nhân lắng đọng một cảm giác nhẹ nhàng mà sâu lắng.

Từ cái ngỡ ngàng, si mê ngây ngất, tác giả phóng tầm mắt ra xa, lặng ngắm nhìn phong cảnh.

Sông được lúc dềnh dàng 
Chim bắt đầu vội vã.         

Khác với sự trôi chảy ào ạt của dòng sông mùa hạ, giờ đây, khi đất trời lập thu, con nước trôi êm ả. “Dềnh dàng” cũng là một từ láy gợi hình. Dòng sông vào thu đang trải dài mênh mang và uốn lượn trên mặt đất. Con sông trở nên yên ả, thong thả với trạng thái nghỉ ngơi gợi lên vẻ đẹp êm dịu của bức tranh thiên nhiên. Công thì dềnh dàng nhưng những cánh chim thì “vội vã”. Khi những ngọn gió heo may se sắt tràn về cũng chính là lúc mùa rét đã tới. Những đàn chim phải bay về phương Nam để tránh rét, đợi đến khi xuân ấm áp sẽ trở về. Sự đối lập giữa hai hình ảnh tạo cho bức tranh một nét chân thực, sinh động. Cảm nhận của Hữu Thỉnh thật là tinh tế. Ông không nói đàn chim đang bay mà là “bắt đầu” bay, nghĩa là chỉ mới ở khởi điểm nên nó chưa thấm mệt mà hãy còn nhẹ nhàng, duyên dáng lắm.

Khi con mắt của thi sĩ ngước nhìn lên bầu trời, ông không chỉ bắt gặp hình ảnh vội vã của đàn chim mà còn thấy hình ảnh của đám mây:

Có đám mây mùa hạ    
Vắt nửa mình sang thu. 

Kỳ thực, trên bầu trời không có một đám mây nào như thế. Đó chỉ là do sự liên tưởng, tưởng tượng độc đáo của tác giả mà thôi. Ta tưởng chừng như trên khoảng không gian cao rộng kia đang có một sự ngăn cách vô hình, chia đám mây làm đôi, một nửa rực nắng mùa hạ, nửa kia dịu mát sắc thu, nửa như muốn níu hạ ở lại, nửa như hồ hởi chào đón thu về. Cái ranh giới giữa mùa hạ và mùa thu chỉ mong manh trong gang tấc. Động từ “vắt” làm cho hình ảnh đám mây trở nên duyên dáng, điệu đà. Không gian, thời gian chuyển mùa thật là đẹp:

Vẫn còn bao nhiêu nắng 
Đã vơi dần cơn mưa        
Sấm cũng bớt bất ngờ      
Trên hàng cây đứng tuổi.  

Sang thu, nắng vẫn còn nhưng không quá gay gắt như mùa hạ. Những cơn mưa cũng đã vơi dần. Sấm cũng không còn gào thét trên bầu trời với ánh chớp dữ dội, rạch ngang nền trời mà chỉ ầm ì trên các ngọn cây. Hàng cây không còn bị bất ngờ bởi tiếng sấm. Nghĩa là vẫn còn dấu ấn của mùa hạ nắng nhưng tất cả đã giảm về số lượng. Đó là nghĩa tả thực của đoạn thơ. Nhưng dưới ngòi bút tài hoa của Hữu Thỉnh, những câu thơ này không chỉ đơn thuần để tả cảnh mà là để bộc lộ những chiêm nghiệm của nhà thơ. Hai câu kết là những ẩn dụ độc đáo. “Sấm” là tác động của ngoại cảnh, chỉ những vang động biến cố trong cuộc đời. “Hàng cây đứng tuổi” giúp người đọc liên tưởng đến những con người từng trải. Vậy, điều tác giả muốn hơn trước những tác động của ngoại cảnh. Họ sẽ đón nhận thử thách ấy một cách bình tĩnh, vững vàng. Khúc sang thu vì thế, vừa thơ mộng lại vừa gợi vẻ triết lý sâu sắc.

“Sang thu” đã thể hiện một cách viết rất mới của nhà thơ Hữu Thỉnh về đề tài mùa thu. Không còn những hình ảnh của Đường thi, những ước lệ trong thơ cổ – mùa thu bao giờ cũng được miêu tả với lá vàng rơi, với sương mờ, trăng mờ… làm u hoài lòng người, nàng thu trong thơ Hữu Thỉnh đến thật nhẹ nhàng, duyên dáng, không gọi buồn mà nó mang đến cho người đọc cảm giác say sưa, ngây ngất về bức tranh giao mùa tuyệt tác, quyến rũ lòng người. Dẫu không miêu tả cụ thể mua thu ở nơi nào nhưng ông cũng đã ngầm đem đến cho ta cái ngọt ngào của mùa thu miền Bắc.

Xin cám ơn Hữu Thỉnh đã phát hiện ra và “phá” vào thơ khoảnh khắc sang thu kỳ diệu đó, để cho ta thêm yêu mùa thu và thấy yêu hơn đất nước. Với “Sang thu”, Hữu Thỉnh đã góp vào thi đàn thơ thu của dân tộc một phong cách thể hoàn toàn mới lạ, chinh phục được triệu triệu trái tim người đọc bao thế hệ.

  Nguồn website giaibai5s.com     

Đề 29: Cảm nhận của em về bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh
Đánh giá bài viết