BÀI LÀM

Trong mỗi chúng ta, ai lớn lên mà chẳng mang theo dù ít, dù nhiều những lời ru ngọt ngào của mẹ, những câu dân ca thiết tha, đằm thắm của bà. Lời ru ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ, trở thành một hoài niệm không thể nào quên. Tìm về lời ru, ta sẽ thấy hình ảnh của quê hương, đất nước, của những con người Việt Nam nhân hậu, nghĩa tình; của cánh cò trắng chập chờn bay sau luỹ tre xanh. Cảm nhận từ tình mẹ thiêng liêng, từ vẻ đẹp sâu sắc của hình ảnh con cò, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết nên bài thơ “Con cò”. Qua việc khai thác hình tượng con cò qua những câu hát ru, bài thơ đã ca ngợi tình mẹ và ý nghĩa lời ru đối với cuộc sống của mỗi con người.

Khổ đầu bài thơ được viết một cách nhẹ nhàng, êm ái:

Con còn bế trên tay      
Con chưa biết con cò    
Nhưng trong lời mẹ hát
Có cánh cò đang bay.   

Con vẫn còn bé bỏng lắm, mẹ vẫn phải bế trên tay để hát ru con. Nào con đã biết cánh cò trắng, biết cuộc sống này là gì đâu. Con chỉ cảm nhận một cách vô thức âm điệu ngọt ngào của lời ru, của hình ảnh đôi cánh cò trắng chập chờn bay đến bên mình. Trong lời mẹ hát ru, cánh cò bắt đầu chao lượn:

Con cò bay la       
Con cò bay lả        
Con cò cổng phủ    
Con cò Đồng Đăng

Lời thơ làm ta gợi nhớ đến những câu ca dao xưa: “Con cò bay lả bay la/ Bay từ cửa phủ bay về Đồng Đăng”. Thi sĩ đã vận

dụng ca dao một cách sáng tạo không trích hết lời mà chỉ lấy lại vài chữ thôi nhưng đã gợi tả được bầu không khí quen thuộc của cuộc sống thời xưa từ làng quê đến phố xá. Nơi ấy thanh bình và yên ả. Nơi ấy có cánh cò thung dung, nhịp nhàng bay lượn một cách tự do trên khắp mọi nẻo quê hương, trở thành biểu tượng gắn bó với làng quê Việt Nam. Và cũng ở nơi ấy, ta bắt gặp những “cánh cò” trong đêm, bơ vơ, lạc lõng giữa những nhọc nhằn, vất vả của cuộc mưu sinh:

Con cò ăn đêm     
Con cò xa tổ         
Cò gặp cành mềm 
Cò sợ xáo măng.   

Vẫn là con cò đó thôi nhưng qua việc vận dụng những câu ca dao quen thuộc (trong bài Con cò mà đi ăn đêm) một cách sáng tạo, hình ảnh con cò ở đây tượng trưng cho những người phụ nữ nhọc nhằn, vất vả. Trong cuộc mưu sinh để nuôi con, họ đã gặp nhiều khó khăn, cạm bẫy bên ngoài xã hội đang rình rập. Ở các câu thơ bốn và câu tám chữ, điệp ngữ “con cò” được nhắc lại như một điệp khúc ngân nga, nhịp nhàng. Người đọc cảm nhận được trong thơ Có nhạc. Giọng điệu thơ nhẹ nhàng, qua đó mẹ muốn kể cho con nghe hình ảnh con cò trong dân gian bằng chất giọng mượt mà, êm ái.

Cạm bẫy cuộc đời thì nhiều lắm đấy. Dẫu biết con mình còn quá bé bỏng nhưng mẹ vẫn muốn hát cho con nghe, để con cảm nhận được tình yêu bao la mà mẹ dành cho con và cũng để cho con yên tâm trước cuộc đời vì đã có mẹ chở che:

Ngủ yên! Ngủ yên! Cò ơi chớ sợ           
Cành có mềm mẹ đã sẵn tay nâng         
Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân        
Con chưa biết con cò, con vạc               
Con chưa biết những cành mềm mẹ hát 
Sữa mẹ nhiều con ngủ chẳng phân vân. 

Lời ru cũng chính là lời vỗ về. Nó như giọt mật đầu tiên mẹ rót cho con. Ngủ ngon nhé, cò con. Đừng lo sợ gì cả bởi đã có mẹ ở bên cạnh để che chở cho con rồi. Chẳng có hiểm nguy, trắc trở nào trong cuộc đời đến được với con đâu. Lời ru của mẹ không chỉ mang đến cho con những cánh cò mà nó còn mang đến cho con hơi xuân ấm áp. Em bé có hiểu được tình mẹ không nhỉ? Bằng vô thức, em đã đón nhận lời ru và cũng bằng vô thức, em cảm nhận được tình yêu dạt dào của mẹ. Em ngủ yên trong dòng sữa ấm nóng, ngọt ngào, trong sự che chở, chăm sóc, nâng niu dịu dàng của tình mẫu tử. Tình yêu mà mẹ dành cho con bao la, vô tận biết nhường nào. Lời ru của mẹ vỗ về cho em ngon giấc và cùng với lời mẹ hát, cánh cò từ một miền xa xăm nào đó lại đến:

Ngủ yên! Ngủ yên! Ngủ yên         
Cho cò trắng đến làm quen          
Cò đứng ở quanh nội                     
Rồi cò vào trong tổ                         
Con ngủ yên thì cò cũng ngủ           
Cánh của cò hai đứa đắp chung đôi.

Hình ảnh con cò ở đây không còn là hình ảnh của con có trong đời thực nữa mà đã ẩn dụ cho hình tượng người mẹ. Trong suốt cả quãng đời thơ ấu, mẹ và con luôn gắn bó, quấn quýt bên nhau: “Cò đứng ở quanh nôi/ Rồi cò vào trong tổ”. Con có ngủ yên thì còn mới ngủ. Đó là cái lý muôn đời của tình mẹ. Lời văn, ý thơ không có sự trau chuốt, chỉ nhẹ nhàng, đơn giản thôi nhưng cái chiêm nghiệm giản dị ấy -“Con ngủ ngon thì cò cũng ngủ” – đã làm lay động sâu thẳm đến tận tâm hồn con người. Cò và em bé như đôi bạn thân thiết: “Cánh của cò hai đứa đắp chung đôi”. Một sự liên tưởng thật độc đáo. Mẹ và con đắp chung đôi cánh ấm áp của cò, hay đó chính là vòng tay dịu dàng ấm áp mà mẹ đã luôn dang rộng để che chở cho con.

Cho đến khi con đến trường: 

Mai khôn lớn con theo con đi học    
Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân.

Con là con và cũng là bạn của cò. Buổi ban đầu cắp sách đến trường, tiếp xúc với cuộc đời rộng lớn, đứa trẻ cần lắm đôi tay dìu dắt của mẹ. Người mẹ luôn đồng hành với con trong suốt cuộc đời niên thiếu, dõi theo mỗi bước chân con. Mẹ tập cho con tự bước đi trên đôi chân của chính mình. Con sẽ không vấp ngã, sẽ bước đi trong niềm tin vững mạnh vì đã có mẹ ở bên cạnh chở che.

Nhìn đứa con bé bỏng của mình đang dần khôn lớn, người mẹ tự hỏi:

Lớn lên! Lớn lên! Lớn lên                     
Con làm gì?                                            
Con làm thi sĩ!                                         
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ   
Trước hiên nhà và trong hơi mát câu văn.

Mẹ gửi trọn ước mơ tha thiết, cháy bỏng của mình vào đôi chân con mai này sẽ bước trên đường đời. Mẹ muốn con làm thi sĩ, mang cái đẹp đến cho cuộc đời qua những vần thơ. Và bên con, cánh cò vẫn còn đó, vẫn bền bỉ chở ý thơ theo đôi cánh bay bổng, vẫn lướt trong hơi mát câu văn. Người mẹ vẫn luôn là nguồn cảm xúc dạt dào, là chất xúc tác giúp con thành công trên bước đường công danh, sự nghiệp để con có thể viết được những vần thơ hay lưu lại cho đời.

Lúc nào mẹ cũng ở mãi bên con:

Dù ở gần con        
Dù ở xa con           
Lên rừng xuống bể
Cò sẽ tìm con          
Cò mãi yêu con.       

“Dù ở gần” – “dù ở xa” – “cò sẽ” – “cò mãi”, câu chữ được nhắc lại, cấu trúc ngữ pháp được lặp lại đã khẳng định được tình mẫu tử bền chặt, son sắt. Rồi con sẽ lớn lên, đi theo con đường của riêng mình. Con sẽ không ở bên mẹ nữa. Nhưng có một chân lí cuộc đời không bao giờ thay đổi: cho dù bất cứ nơi đâu, bất cứ hoàn cảnh nào, mẹ vẫn yêu thương con, vẫn dang rộng vòng tay, vẫn là điểm tựa, là bến bờ bình yên cho con neo đậu. Ôi! Tình mẹ thật bao la biết mấy. Nó tha thiết, mãnh liệt hơn hết mọi thứ tình cảm ở trong đời, nó thiêng liêng hơn mọi điều thiêng liêng nhất. Nó vượt lên tất cả khó khăn, ngăn cách nối liền những nẻo xa xăm, lay động, ám ảnh tâm can của mỗi Con người. Con có thể ngủ yên, có thể cắp sách đến trường, có thể tự tin, vững bước trên đường đời đầy sóng gió cũng bởi chính vì đã có tình mẹ chở che, nâng bước con đi. Lòng mẹ vẫn như cánh cò kia, vẫn ở bên con, vẫn luôn lặn lội vì con, cho con niềm tin, sức mạnh để con bước vào cuộc sống.

Từ sự thấu hiểu tấm lòng người mẹ, nhà thơ đã khái quát một quy luật tình cảm có ý nghĩa bền vững, rộng lớn và sâu sắc:

Con dù lớn vẫn là con của mẹ  
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con.

Lời thơ đậm chất triết lý. Con lớn lên, đi xa, trưởng thành trong đời nhưng con vẫn là con của mẹ. Đó là một sự thực không bao giờ thay đổi. Mẹ vẫn luôn yêu con như khi con còn bé bỏng, vẫn theo bên con suốt cả cuộc đời. Nhà thơ Tố Hữu cũng đã từng viết:

Con đi trăm núi ngàn khe 
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm.
(Bầm ơi) 

Tấm lòng của người mẹ là vậy đó, vẫn luôn lo lắng, dõi theo từng bước chân con đi trên mỗi chặng đường đời. Chắc gì con đã hiểu được điều này? Nhà thơ Chế Lan Viên đã cho ta một triết lý của cuộc sống, nhẹ nhàng mà thấm thía.

Bài thơ kết lại bằng lời ru à ơi:

À ơi                   
Một con cò thôi 
Con cò mẹ hát    
Cũng là cuộc đời
Vỗ cánh qua nôi. 

Hai tiếng “à ơi” được cất lên thật mượt mà. Chỉ là một con cò trong lời mẹ hát thôi nhưng mẹ gửi gắm trong lời hát ấy cả cuộc mẹ, có cả đắng cay lẫn ngọt bùi mẹ mang theo vào giấc ngủ của con. Khi con cò “vỗ cánh qua nôi”, em bé đâu có biết, cò đã trở theo cuộc đời về bên câu hát? Cuộc đời ấy, dù đắng cay, dù khổ đau nhưng vẫn muôn đời chung thuỷ, chỉ biết sống và hi sinh hết thảy trong lặng lẽ, âm thầm. Lại một lần nữa, các cụm từ: “ngủ đi, cánh cò, cánh vạc, nôi” được nhắc lại nhằm gợi về kỉ niệm tuổi thơ, nhắc nhở về giấc ngủ đầu nôi, cũng là dấu ấn thiêng liêng trong tâm thức mỗi người. Lời ru sao thấm đượm quá đỗi tình mẫu tử thiêng liêng.

Bằng giọng thơ nhẹ nhàng, tha thiết, mang âm hưởng của lời hát ru, đan xen với chất giọng suy tưởng triết lý, vận dụng sáng tạo ca dao, xây dựng hình ảnh con cò – một hình ảnh ẩn dụ có ý nghĩa biểu tượng cho hình ảnh và tấm lòng người mẹ, nhà thơ Chế Lan Viên đã ca ngợi tình mẫu tử bao la, giúp ta có được những chiêm nghiệm sâu sắc về tình mẹ con, hiểu thêm về ý nghĩa của tình mẹ trong cuộc đời của mỗi con người.

  Nguồn website giaibai5s.com     

Đề 27: Phân tích bài thơ Con cò của Chế Lan Viên
Đánh giá bài viết