HƯỚNG DẪN 

– Vẻ đẹp cổ điển của một bài thơ: Là cách diễn đạt dùng để chỉ những bài thơ được đánh giá là mang tính chất mẫu mực, thể hiện những tinh hoa của thi pháp thơ cổ. Cụ thể: viết theo hình thức các thể thơ cổ điển, vận dụng tài tình những thi liệu và các đề tài được yêu thích của thơ cổ; sử dụng bút pháp chấm phá; khắc họa nhân vật mang phong thái ung dung nhàn tản, hoà hợp với thiên nhiên vũ trụ…

* Vẻ đẹp hiện đại của một bài thơ: Là cách diễn đạt dùng để chỉ những bài thơ được đánh giá là mang những nét mới mẻ về cách viết cũng như ý tưởng.

* Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của Tràng giang:

 – Về đề tài cảm hứng:

+ Tràng giang mang nỗi sầu tưởng chừng như từ vạn cổ của con người khi ý thức về sự nhỏ bé, hữu hạn của mình trước sự vô cùng: vô hạn của thời gian, không gian (con người đối diện với vũ trụ để chiêm nghiệm chính mình).

+ Tràng giang còn thể hiện “nỗi buồn thế hệ” của một cái tôi thơ mới luôn lạc lõng, bất hoà với xã hội thực dân nhưng chưa tìm được con đường đi cho mình. Con người tìm đến với trời rộng, sông dài, không phải để đạt đến tâm thế an nhiên tự tại như người xưa mà để thấy rõ hơn sự bơ vơ của mình và cả một thế hệ như mình.

– Chất liệu thi ca:

+ Không gian trời rộng, sông dài đậm màu cổ điển của Tràng giang được miêu tả và gợi tả bằng những hình ảnh ước lệ quen thuộc trong thơ cổ điển như khói hoàng hôn; vời con nước, nắng xuống trời lên, sông dài, trời rộng; thuyền về, nước lại, tràng giang, bờ bãi đìu hiu, cánh chim chiều, mây trắng….

+ Với cách cảm nhận và tái hiện bằng giác quan cụ thể, bức tranh thiên nhiên của Tràng giang rất Huy Cận, mới mẻ và hiện đại vì đã khắc hoạ được những hình ảnh rất đời thường toát lên dáng vẻ cụ thể, gần gũi, thân thuộc với bao tâm hồn nặng tình sông núi Việt. Bức tranh đó được gọi lên từ cảnh tượng con sông Hồng thân thuộc ở đoạn Chèm – Hà Nội và của nhiều con sông khác khắp đất nước. Cái hồn của bức tranh ấy là cảnh sóng gợn điệp điệp trong chiều, cảnh cành củi khô trôi lạc loài giữa dòng, cảnh nắng xuống quen thân, cảnh chiều xuống trên bến nước đầy, cảnh những cánh bèo trôi lặng lẽ, cảnh bãi bờ tiếp nối, cảnh mây trắng buổi chiều lớp lớp, cánh chim về khi chiều đổ. 

– Thể loại và bút pháp:

+ Tràng giang mang đậm sắc thái cổ điển với bút pháp tả cảnh ngụ tình và thể thơ thất ngôn được tổ chức gieo vần, đối, ngắt nhịp đầy chuẩn mực.

+ Tràng giang vẫn rất hiện đại, rất mới qua xu hướng giãi bày trực tiếp cái tôi trữ tình (buồn điệp điệp, sâu trăm ngả, không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà…) qua những từ ngữ mang dấu ấn cá nhân (sâu chót vót, niềm thân mật, dợn dợn…)

ĐỀ 255: Vì sao nói bức tranh thiên nhiên trong bài thơ đậm màu sắc cổ điển mà vẫn gần gũi, thân thuộc? Phân tích vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại của bài thơ Tràng giang để lí giải cho câu hỏi trên.
Đánh giá bài viết