I. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

   Ở THCS, các em đã được học Chuyện người con gái Nam Xương trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ. Lên lớp 10, các em được học thêm Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên của ông, cũng rút trong tập truyện Truyền kì mạn lục này.

   Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ là tác phẩm viết bằng chữ Hán, gồm 20 truyện, ra đời vào thế kỉ XVI. Tác phẩm không chỉ có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo cao, mà về mặt nghệ thuật, còn là một tuyệt tác của thể loại truyền kì, từng được Vũ Khâm Lân (thế kỉ XVII) khen tặng là “thiên cổ kì bút”. Tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài và được đánh giá cao trong số các tác phẩm truyền kì ở các nước đồng văn.

   Trước khi đi vào tìm hiểu tác phẩm, các em cần đọc chậm một lần (kết hợp xem các chú thích) để hiểu rõ nội dung diễn biến truyện và nắm được nhân vật chính là Ngô Tử Văn cùng với nhân vật ông già (Thổ công) đồng thời thấy được một đặc điểm nổi bật tạo nên sự hấp dẫn của thể loại truyền kì là sự tương giao giữa thế giới con người và thế giới cõi âm với những thánh thần, ma quỷ,….

   Tìm hiểu chuyện này, chủ yếu chúng ta xem xét việc làm của Ngô Tử Văn (đột ngôi đền trừ hại cho dân) và việc Diêm Vương xử kiện ở âm phủ (giữa Ngô Tử Văn với người đội mũ trụ).

1. Việc làm của nhân vật Ngô Tử Văn thể hiện điều gì?

   SGK đưa ra bốn phương án trả lời. Theo dõi việc làm của Ngô Tử Văn được tác giả kể lại trong phần đầu truyện, ta thấy không thể là phương án a (muốn đả phá sự mê tín thần linh) và phương án c (thể hiện tính hiếu thắng của người trẻ tuổi). Cũng có thể là phương án d, thể hiện “tinh thần dân tộc mạnh mẽ” của Ngô Tử Văn qua việc diệt trừ hồn tên giặc xâm lược hung bạo.

   Nhưng rõ nhất và đúng nhất là phương án b: thể hiện sự khảng khái, chính trực và dũng cảm muốn vì dân trừ hại. Đây mới là động cơ thôi thúc Tử Văn đốt đền. Bởi ngôi đền linh ứng trước đây, giờ đã thành ngôi đền có hồn của tên giặc xâm lược tử trận gần đó làm yêu làm quái trong dân gian. Trước sự việc ngôi đền đã uế tạp vì yêu quái có thể làm hại dân, “Tử Văn rất tức giận, một hôm tắm gội sạch sẽ, khấn trời, rồi châm lửa đốt đền”. Việc làm này hoàn toàn phù hợp với tính cách của Tử Văn như tác giả đã giới thiệu ở đầu truyện: “Chàng vốn khảng khái, nóng nảy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được, vùng Bắc người ta vẫn khen là một người cương trực.” Chỉ có điều sự khảng khái, nóng nảy ở đây lại đi đến một hành động dũng cảm vì dân trừ hại. Sự tức giận của Tử Văn không phải chỉ là sự tức giận cho riêng chàng mà là sự tức giận cho mọi người dân đang bị yêu quái quấy nhiễu. Chính vì vậy, việc làm của Tử Văn là đúng, đáng ca ngợi.

2. Chi tiết Diêm Vương xử kiện ở âm phủ thể hiện điều gì?

   SGK cũng đưa ra bốn phương án trả lời. Cả bốn phương án này đều có thể chấp nhận : phương án a là niềm tin và quan niệm của người dân thời trung đại về thế giới cõi âm; phương án c nghiêng về mặt nghệ thuật truyện (đẩy xung đột kịch đến cao trào). Nhưng xác đáng hơn cả là phương án b và d. Chi tiết Diêm Vương xử kiện ở âm phủ, trước hết, thể hiện khát vọng công lí chưa thực hiện được trong cuộc sống trần thế của người xưa (vì vậy, Diêm Vương mới phải xử kiện ở cõi âm, và ta hiểu rằng những hiện tượng tiêu cực cõi âm chính là hình chiếu những bất công trong xã hội đương thời của cuộc sống ở trần gian); và sau nữa, đây mới là điều chủ yếu nhất, cảnh Diêm Vương xử kiện với thắng lợi thuộc về Ngô Tử Văn và tên hung thần bị trừng trị, có ý nghĩa khuyên răn, giáo dục con người nên sống và hành động thế nào cho đúng đắn, hợp lẽ phải, tránh làm điều ác.

3. Chi tiết Ngô Tử Văn được nhậm chức Phán sự ở đền Tản Viên có ý nghĩa gì?

   Ngô Tử Văn được nhậm chức Phán sự ở đền Tản Viên là một chi tiết có nhiều ý nghĩa. Trước hết nó nói lên thắng lợi của chàng trong cuộc đấu tranh với tên hung thần xảo quyệt. Sự thắng lợi này đã khẳng định chàng là một con người tốt, chính nghĩa, dám đấu tranh để thực hiện công lí. Con người của công lí đó phải được nắm cán cân công lí để đảm đương nhiệm vụ giữ gìn công lí (cho dù là ở cõi âm). Chính vì vậy, đức Thánh Tản đã bằng lòng chấp nhận chàng về giữ chức Phán sự ở đền Tản Viên. Con người của chính nghĩa đã được đứng ra để thực hiện công lí là một thắng lợi có ý nghĩa sâu sắc, khẳng định niềm tin chính nghĩa nhất định thắng gian tà.

4. Nghệ thuật kể chuyện đặc sắc và hấp dẫn của Nguyễn Dữ 

   Là một nhà nho thời trung đại, viết truyện bằng chữ Hán, nhưng Nguyễn Dữ đã tỏ ra là một cây bút viết truyện ngắn có tài, với nghệ thuật kể chuyện đặc sắc và hấp dẫn. Nghệ thuật đó được thể hiện trong việc kể chuyện cuốn hút với nhiều kịch tính :

– Chi tiết mở đầu truyện đã gây chú ý và dự báo những diễn tiến tiếp theo sẽ rất khác thường, thu hút người đọc đi sâu vào truyện.

– Sau đó câu chuyện thắt nút ngay, kịch tính xuất hiện với những xung đột ngày càng căng thẳng, dẫn đến cao trào :

+ Tử Văn thấy người không bình thường, có dấu hiệu phát bệnh.

+ Tên hung thần xuất hiện, trách mắng, đe dọa rồi bỏ đi.

+ Thổ thần đến báo cho Tử Văn biết việc xảy ra và cách đối phó.

+ Bệnh Tử Văn nặng thêm, chàng bị quỷ sứ bắt xuống âm phủ, đi qua những chỗ rợn người, gió tanh sóng xám, hơi lạnh thấu xương,…

+ Tử Văn bị giải đến trước Diêm Vương, bị Diêm Vương quát mắng, nhưng chàng vẫn bình tĩnh, cứng cỏi trình bày lại đầu đuôi sự việc.

– Câu chuyện được mở nút : lời Tử Văn được minh chứng, sự thật phơi bày. Công lí được thực hiện : kẻ ác (tên hung thần) phải đền tội, người lương thiện (Tử Văn và Thổ Công) được phục hồi và đền đáp.

5. Nếu chủ đề của truyện

   Truyện có nhiều ý nghĩa nhưng chủ yếu là nhằm đề cao nhân vật Ngôn Tử Văn, đại biểu cho người trí thức nước Việt giàu tinh thần dân tộc, chuộng chính nghĩa, dũng cảm, cương trực, dám đấu tranh chống cái ác trừ hại cho dân, thể hiện niềm tin công lí, chính nghĩa nhất định sẽ chiến thắng gian tà. (Có thể đọc phần bình luận in chữ nghiêng của tác giả ở cuối truyện để hiểu thêm chủ đề.)

LUYỆN TẬP

1. Tự làm bài tập này theo suy nghĩ riêng của bản thân nhưng cần giải thích rõ vì sao lại chọn cách kết thúc như vậy.

2. Tóm tắt truyện (không quá 20 dòng) theo cách tóm tắt văn bản tự sự đã học.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 24: Chuyện chức phán sự đền Tản Viên
Đánh giá bài viết