HƯỚNG DẪN

Đọc Tràng giang, Hoài Thanh cho rằng bài thơ là sự giãi bày nỗi “lạc loài giữa cái mênh mông của đất trời, cái xa vắng của thời gian”. Quả thật, xuyên suốt Tràng giang là nỗi sầu cô đơn, nỗi bơ vơ của con người trước trời rộng, sông dài. Chính từ nỗi sầu đó mà toát lên niềm khao khát muốn được gắn bó với cuộc đời, với quê hương đất nước của mình. Nỗi cô đơn, bơ vơ khó tả trước đất trời vô tận ấy được ẩn chứa trong câu thơ đề từ Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài.

Nếu như cảm giác thời gian là cảm giác ám ảnh Xuân Diệu thì cảm giác không gian là cảm giác đeo đuổi Huy Cận ngày trai trẻ. Cảm giác này có mặt ngay từ câu thơ đề từ qua hai hình ảnh gợi sự vô cùng là trời rộngsông dài. Đó là hai không gian đầy sự vấn vương, thương nhớ (bâng khuâng, nhớ) hay chính là nỗi thương nhớ, bâng khuâng của tâm hồn Huy Cận muốn toả ra ôm lấy cả đất trời quạnh vắng.

Làm nhiệm vụ đề từ, câu thơ Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài thâu chứa cảm xúc và tư tưởng của Tràng giang. Nó gợi lên bức tranh tổng thể trời rộng, sông dài của bài thơ và báo hiệu niềm bâng khuâng khôn tả cũng như nỗi cô đơn rợn ngợp của con người sắp được giãi bày khi đối mặt với sông dài, trời rộng ấy.

ĐỀ 253: Câu thơ đề từ của bài thơ Tràng giang và mối liên hệ giữa câu thơ đó với bức tranh thiên nhiên cũng như tâm trạng của tác giả trong bài thơ Tràng giang?
Đánh giá bài viết