HƯỚNG DẪN

Diễn biến tâm trạng và tính cách của Vũ Như Tô:

– Trước đây, Vũ Như Tô toàn tâm toàn ý dành cho công cuộc xây dựng Cửu Trùng Đài “muôn thủa” với một tâm thế mãnh liệt không sức nào ngăn nổi (tạo nên một kì công kiến trúc trác tuyệt cho dân tộc Việt). Nhưng giờ đây, nghiệp lớn ấy lại đang bị chấm dứt một cách bi thảm: Cửu Trùng Đài bị đốt, Đan Thiềm bị hại, bản thân Vũ Như Tô bị loạn quân truy đuổi và mang ra hành quyết. Thoạt tiên, Vũ Như Tô tiếp nhận kết cục này với một thái độ bàng hoàng, ngơ ngác “Vô lí! […] Ta tội gì. Không, ta chỉ có nuột hoài bão là tô điểm đất nước, đem hết tài ra cây cho nòi giống một tòa đài hoa lệ, thách cả những công trình sau trước, tranh tinh xảo với hóa công. Vậy thì ta có tội gì?”. Chàng bàng hoàng ngơ ngác bởi không thể nào hiểu nổi cái chí lớn của người nghệ sĩ một lòng cống hiến và sáng tạo và nghiệp chung của dân tộc lại bị dân chúng và thợ thuyền “hiểu nhầm” và chống lại, thậm chí đạp đổ và thiêu hủy. Nhưng mọi việc diễn ra quá nhanh, đến những giây phút cuối cùng, Cửu Trùng Đài bị đốt, Vũ Như Tô rơi vào trạng thái tuyệt vọng và đau đớn cực độ: “Đốt thực rồi? Đốt thực rồi! Ôi đảng ác! Ôi muôn phần căm giận? Trời ơi! Phú cho ta cái tài làm gì? Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm Ôi Cửu Trùng Đài!”. Tiếng kêu tuyệt vọng của Vũ Như Tô là bi kịch của riêng nhân vật, và cũng là bi kịch chung của những nghệ sĩ sinh “không gặp thời”, của cái Đẹp bị lịch sử giết chết.

– Có thể nói thêm, trước đây Vũ Như Tô cự tuyệt nhà vua là do hoàn cảnh bắt buộc phải cự tuyệt, nhưng thực chất một đời ông trau dồi tài nghệ chỉ mong được xây dựng đài Cửu Trùng, cho nên khi được lời khai mở của Đan Thiềm (“Vua Hồng Thuận và lũ cung nữ kia rồi mất đi nhưng sự nghiệp của ông còn lại với muôn đời”) thì đời ông đã hòa làm một với công trình ao ước ấy, thậm chí tòa đài còn quý hơn cả cuộc đời. Chính vì thế Vũ Như Tô không chạy trốn loạn quân, vì đang trong cơn cực điểm sáng tạo, sáng tạo quên mình, quên chết; và Cửu Trùng Đài bốc lửa thì ông biết đời mình thế là hết và cũng không thiết đời mình nữa, ông nói “Dẫn ta ra pháp trường”, với một thái độ “chua chát”, xót xa.

– Như vậy, tâm trạng của Vũ Như Tô ở Hồi V này trải qua nhiều cung bậc khác nhau: từ bàng hoàng ngơ ngác (khi nghe Đan Thiềm giục trốn loạn quân) và vẫn nuôi niềm hi vọng mãnh liệt được tiếp tục hoàn thành Cửu Trùng Đài (“Đời ta chưa tận, mệnh ta chưa cùng. Ta sẽ xây một đài vĩ đại để tạ lòng tri kỷ”; “Vài năm nữa, đài Cửu Trùng hoàn thành, cao cả, huy hoàng…”), đến đau đớn cực độ (khi chứng kiến đài Cửu Trùng bốc cháy) và cuối cùng là chua chát ngậm ngùi (chấp nhận cái chết sau khi “công trình của cuộc đời”, sụp đổ). Tuy vậy, trước sau như một, Vũ Như T6 vẫn nguyên vẹn một hình tượng cao đẹp, lồng lộng, nghệ sĩ và kẻ sĩ, với khát vọng mênh mông về cái đẹp (“Tôi sống với Cửu Trùng Đài, chết cũng tới Cửu Trùng Đài… Hồn tôi ở đây thì tôi chạy đi đâu?”). Chàng chết cái chết của “người quân tử”, của “kẻ đại trượng phu”. Chàng chết trong cô đơn, như bao nhân vật bi kịch trong lịch sử sân khấu thế giới.

ĐỀ 111: Tính cách và diễn biến tâm trạng của Vũ Như Tô trong hồi V.
Đánh giá bài viết