Quê hương đất nước – nơi sinh ra và nuôi lớn ta, nơi có cha mẹ, tổ tiên, nơi đón ta chào đời cũng là nơi nâng đỡ từng bước chân ta. Ai mà không yêu quê hương mình. Thể hiện tình yêu quê hương mỗi người có một cách nói khác nhau. Ta bắt gặp tình yêu quê tha thiết qua nỗi nhớ một con sông trong thơ Tế Hanh, nhớ một chiều thu trong thơ Hữu Thỉnh, nhớ đêm hè hoa cau ngát hương trong thơ Đỗ Trung Quân… Đọc “Bức thư của thủ lĩnh da đỏ” một lần nữa ta bắt gặp tình yêu quê hương tha thiết, dữ dội. Dù là một con người ở một vùng đất rất xa Việt Nam nhưng đọc bức thư ta không nhận ra khoảng cách về địa lí ấy trong tình yêu quê hương.

Đối với người da đỏ hàng ngàn năm nay, tổ tiên họ sinh cơ lập nghiệp bên những dòng sông hiền hoà, trong những cánh rừng giàu có và tươi đẹp, hay trên những đồng cỏ ngát hương hoa, Họ sống hoà đồng với thiên nhiên, vui vầy cùng thiên nhiên. Thế rồi người da trắng xuất hiện. Bọn thực dân da trắng đã săn đuổi những người da đỏ, chiếm đất đai của họ, xua đuổi họ vào tận rừng sâu. Đất Mẹ thiêng liêng trở thành nơi cho bọn da trắng vắt kiệt màu mỡ để kiếm lời, bầu không khí trong lành bị vấy bẩn bởi khói của các nhà máy, những dòng sông trong xanh hiền hoà bị vẩn đục bởi chất độc thải đổ ra từ các nhà máy, những cánh rừng thơ mộng bị chặt phá, muông thú hiền lành dễ thương bị tàn sát không tiếc tay. Họ đau xót vô cùng nhưng không làm gì được bởi họ đã bị tước đoạt cái quyền quyết định về số phận của mảnh đất thân yêu. Nay, chỉ còn một phần nhỏ trong bao la đất đai của tổ tiên cũng đang có nguy cơ bị mất nốt bởi ý định ngông cuồng của bọn thực dân da trắng: mua đất của người da đỏ.

Người da đỏ phải lên tiếng. Bức thư trả lời ý muốn mua đất của Tổng thống Mĩ Phreng-klin pi-ơ-xơ của thủ lĩnh da đỏ Xi-át-tơn là tiếng nói hùng hồn và đanh thép về tình yêu quê hương đất nước thiết tha sâu nặng của người da đỏ. Mỗi dòng thư đều thấm đẫm những tình cảm thân thương trìu mến dành cho quê hương đất nước.

Quê hương đất nước đối với người da đỏ thật thiêng liêng. Mỗi tấc đất của tổ tiên và vạn vật trên mảnh đất ấy đều hằn sâu trong kí ức họ:

… Đối với đồng bào tôi, mỗi tấc đất là thiêng liêng, mỗi lá thông óng ánh, mỗi bờ cát, mỗi hạt sương long lanh trong những cánh rừng rậm rạp, mỗi bãi đất hoang và tiếng thì thầm của côn trùng là những điều thiêng liêng trong kí ức và kinh nghiệm của đồng bào tôi. Những dòng nhựa chảy trong cây cối cũng mang kí ức của người da đỏ.

Người da đỏ hiểu rất rõ vì sao đất đai của tổ tiên lại thiêng liêng đến thế, bởi nó chính là cuộc sống của họ, là một phần trong máu thịt của họ:

Bởi lẽ mảnh đất này là bà mẹ của người da đỏ. Chúng tôi là một phần của mẹ và mẹ cũng là một phần của chúng tôi. Những bông hoa ngát hương là người chị, người em của chúng tôi. Những mỏm đá, những vũng nước trên đồng cỏ, hơi ấm của chú ngựa con và của con người, tất cả đều cùng chung một gia đình.

. Hơn nữa, mảnh đất này còn là xương máu của tổ tiên, làm sao họ có quyền lãng quên?

Dòng nước óng ánh, êm ả trôi dưới những dòng sông, con suối đâu chỉ là những giọt nước, mà còn là máu của tổ tiên chúng tôi. . Có lẽ bao nhiêu tình cảm yêu thương trìu mến nhất người da đỏ đều dành cho mảnh đất thiêng liêng của cha ông họ. Nếu không thì sao thủ lĩnh Xi-át-tơn lại khẳng định: Mảnh đất này là bà mẹ của người da đỏ. Sự khẳng định ấy thể hiện sự gắn bó máu thịt với quê hương đất nước.

Yêu quê hương đất nước, người da đỏ gắn bó và yêu mến cả những vật bình dị, tầm thường nhất: từ những giọt sương, những bông hoa ngát hương, một con suối, dòng sông, đến tiếng lá cây lay động, tiếng vỗ cánh của côn trùng, những âm thanh êm ái của cơn gió thoảng qua, rồi cả bầu không khí trong lành xung quanh họ. Tình yêu đất nước gắn liền với tình yêu thiên nhiên. . Càng yêu mến quê hương đất nước bao nhiêu, người da đỏ càng xót : xa bấy nhiêu khi thấy quê hương đất nước bị dày xéo, tàn phá. Nhìn cảnh mỗi tấc đất của tổ tiên bị giành giật, huỷ hoại, lòng họ đau như cắt. Nỗi đau ấy biến thành lòng căm hận quân cướp nước. Dường như bao nhiêu căm hận đều trào ra ngòi bút kết án bọn thực dân da trắng của thủ lĩnh Xi-át-tơn:

Mảnh đất này đâu phải là những người anh em của họ (họ = những người da trắng), mảnh đất này là kẻ thù của họ và khi đã chinh phục được, thì họ sẽ lấn tới… Họ cư xử với mẹ đất và anh em bầu trời như những vật mua được, tước đoạt được, rồi bán dần đi như những con cừu và những hạt kim cương sáng ngời. Lòng thèm khát của họ sẽ ngấu nghiến đất đai, rồi để lại đằng sau những bãi hoang mạc.

Và đây nữa, cách đối xử tàn bạo của người da trắng đối với muông thú – những người bạn thân thiết mà người da đỏ yêu mến:

Tôi đã chứng kiến cả ngàn con trâu rừng bị chết dần chết mòn trên những cánh đồng trơ trọi vì bị người da trắng bắn mỗi khi có đoàn tàu chạy qua.

Thủ lĩnh Xi-át-tơn thực sự phẫn nộ trước tội ác của bọn thực dân da trắng. Ông chất vấn chúng:

Tôi là kẻ hoang dã, tôi không hiểu nổi tại sao một con ngựa sắt nhả khói lại quan trọng hơn nhiều con trâu rừng,…

Và ông cảnh cáo chúng: | Con người là gì nếu cuộc sống thiếu những con thú? Và nếu chúng ra đi, thì con người cũng chết dần chết mòn vì nỗi buồn cô đơn về tinh thần, bởi lẽ điều gì đã xảy ra với con thú thì cũng chính xảy ra với con người. Mọi vật trên đời đều có sự ràng buộc,

Kết thúc bức thư gửi Tổng thống Mĩ, thủ lĩnh Xi-át-tơn viết: “Ngài phải dạy con cháu rằng đất dưới chân chúng là những năm tro tàn của cha ông chúng tôi… Ngài phải bảo chúng rằng đất đai giàu có được là do nhiều mạng sống của chủng tộc chúng tôi bồi đắp nên…. Đất là Mẹ.

Những câu văn đó chính là chân lí vĩnh hằng của tình yêu quê hương đất nước, nó không có ranh giới, không có biên giới. Chúng ta tìm thấy sự đồng cảm với thủ lĩnh Xi-át-tơn trong tình yêu ấy.

Giaibai5s.com

Bài số 142. Cảm nhận của em về tình yêu quê hương đất nước qua Bức thư trả lời tổng thống Mĩ của thủ lĩnh da đỏ Xi-át-tơn
Đánh giá bài viết