BÀI LÀM

Hình ảnh những người bà, người mẹ tần tảo sớm hôm vì cháu, vì con từ lâu đã trở thành những hình ảnh quen thuộc, thân thương trong văn học Việt Nam. Bằng Việt là một nhà thơ trẻ Việt Nam thời chống Mĩ, ông cũng đã viết nên những vần thơ về bà thật sâu lắng và cảm động. Đó chính là bài “Bếp lửa” – ông viết khi mới mười chín đôi mươi mà sao vần thơ thật da diết.

“Bếp lửa” được đánh giá là bài thơ hay viết về tình bà cháu. Tình cảm ấy thể hiện qua dòng hồi tưởng của người cháu về những năm tháng tuổi thơ với biết bao kỉ niệm, lại được đặt trong những mốc thời gian và những sự kiện cụ thể. Những năm tháng sống bên bà, ngày ngày cùng bà nhóm lửa tất cả đều in đậm trong tâm trí ông. Qua đó, thể hiện lòng kính yêu, trân trọng, biết ơn của người cháu đối với bà, với gia đình và quê hương đất nước.

Hình ảnh “Bếp lửa” đã khắc sâu trong tâm trí nhân vật, vì thế, khi ở nơi đất khách quê người, nhìn thấy hình ảnh bếp lửa, tác giả bỗng nhớ về người bà thân yêu:

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm     
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm           
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa. 

Hình ảnh người bà được khắc họa thành công qua dòng hồi tưởng của người cháu. Ba tiếng “một bếp lửa” trở thành điệp khúc mở đầu bài thơ với giọng điệu sâu lắng, hình ảnh quen thuộc trong mọi gia đình. Hình ảnh bếp lửa thật ấm áp giữa cái lạnh của “chờn vờn sương sớm”, thật thân thương với bao tình cảm “ấp iu nồng đượm”. Từ “ấp iu” vừa diễn tả công việc nhóm bếp, vừa gợi ra bàn tay kiên nhẫn, khéo léo và tấm lòng của người nhóm bếp. Bếp lửa ấm áp “nồng đượm” còn mang cả tình yêu thương, che chở của người bà. Bếp lửa của bà là bếp lửa đã trải qua biết bao nắng mưa, nghèo khổ, vất vả. Cháu đã nhớ về bà với biết bao kỉ niệm:

Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói 
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi        
Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy        
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu        
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!     

“Mùi khói” dường như đã trở thành thứ mùi đặc trưng của làng quê Việt. Mới lên bốn, người cháu đã phải chịu đựng những khó khăn, vất vả, đó là thời chiến tranh loạn lạc, đói khổ. Năm 1945, nạn đói diễn ra trên khắp đất nước ta, người chết như ngả rạ, khắp các ngõ ngách đều ám lên mùi xác chết. Chính mùi khói đã xua đi mùi ảm đạm, mùi khói ấy đã quyện lại và bám vào tâm hồn đứa trẻ. Dù năm tháng có trôi qua, kí ức ấy vẫn còn nguyên vẹn trong lòng đứa cháu nhỏ, để đến bây giờ khi nghĩ lại thấy sống mũi cay. Cảm xúc của quá khứ và hiện tại đan cài, hòa quyện vào nhau. Từ mùi khói bếp, nhân vật trữ tình lại nhớ về tiếng chim tu hú trong suốt tám năm ròng của tuổi thơ – những kỉ niệm đầy ắp âm thanh, ánh sáng và những tình cảm sâu sắc xung quanh cái bếp lửa quê hương được nhắc tới trong đoạn thơ thứ ba

Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa 
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa       
Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà       
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế…    

Đoạn thơ nhắc lại một vài kỉ niệm về bà trong tám năm ròng nhóm lửa. Thật là hồn nhiên và trong sáng khi nhà thơ tâm tình với chim tu hú. Tiếng chim tu hú là âm thanh đồng quê nghe thật da diết. Tiếng chim râm ran trong vườn lá, trên cánh đồng cứ khắc khoải kêu mãi, kêu hoài, trong hiện thực đã tha thiết, tiếng chim trong nỗi nhớ như giục giã, khắc khoải một điều gì da diết lắm, khiến lòng người trỗi dậy những hoài niệm nhớ mong: “Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!”. Tiếng chim tu hú khắc khoải làm cho kỉ niệm của đứa cháu trải dài hơn, rộng hơn trong cái không gian xa thẳm của nỗi nhớ thương. Trong tám năm ấy, đất nước có nhiều chiến tranh, bố mẹ thì đi kháng chiến, hai bà cháu phải đưa nhau đi tản cư nhưng dường như đối với đứa cháu đó lại là niềm hạnh phúc. Cháu được bà dạy cho nhiều điều, bà đã thay mẹ nuôi dưỡng cháu lớn khôn, bà trở thành cả nguồn sống của cháu. Nhà thơ đang kể chuyện mà như tách hẳn ra để tâm sự cùng bà: “Bà còn nhớ không bà”. Thi sĩ bỗng tự hỏi:

Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà             
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?

Câu thơ mới thấm thía làm sao, xót xa làm sao! Bà luôn bên cháu, dạy dỗ, chăm sóc cho cháu lớn lên, nuôi dưỡng cả tâm hồn lẫn thể chất cho cháu, vậy mà bây giờ cháu cũng đi xa, để bà một mình khó nhọc. Tiếng chim tu hú giờ đây trở thành một mảnh tâm hồn tuổi thơ để gợi nhớ gợi thương. Cháu thương bà vất vả, lo toan, biết ngỏ cùng ai, chỉ có thể tâm tình với chim tu hú mà thôi. Như vậy, bếp lửa đánh thức kỉ niệm tuổi thơ, ở đó lung linh hình ảnh người bà và có cả hình ảnh quê hương. Đặc biệt, hình ảnh người bà càng trở nên cao thượng khi tác giả kể về những ngày tháng khó khăn: “Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi” hai bà cháu trở thành nạn nhân của chiến tranh, nhờ sự đỡ đần của hàng xóm hai mà cháu mới dựng lại được túp lều tranh. Thế nhưng bà vẫn vững lòng trước mọi tai họa.

Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh: 
“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,            
Mày có viết thư chớ kể này, kể nọ          
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”            

Lời dặn của bà nôm na, giản dị nhưng chất chứa biết bao tình yêu thương. Gian khổ, thiếu thốn, bao nỗi nhớ thương con bà giấu kín ở trong lòng để yên tâm người nơi tiền tuyến. Bà là hiện thân cụ thể nhất, sinh động nhất của hậu phương nơi tiền tuyến. Hình ảnh người bà là biểu tượng rõ nét cho những người phụ nữ Việt Nam giàu đức hi sinh, thương con, thương cháu. Bằng Việt từ hình ảnh “bếp lửa” đã nâng lên một tầm cao mới là hình ảnh “ngọn lửa”:

Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn       
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng. 

Điệp ngữ “một ngọn lửa” và kết cấu song hành đã làm cho giọng thơ vang lên mạnh mẽ, đầy xúc động, tự hào. Bếp lửa bà nhen sớm chiều không chỉ bằng nhiên liệu bên ngoài mà đã sáng bừng lên thành ngọn lửa bất diệt, ngọn lửa yêu thương luôn ủ sẵn trong lòng. Tình thương, đức hi sinh, tính kiên trì nhẫn nại của bà là nguồn nhiên liệu vô tận làm bừng sáng lên ngọn lửa vĩnh cửu truyền cảm ấy. Như thế, hình ảnh bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là người truyền lửa – ngọn lửa của sự sống, niềm tin cho các thế hệ nối tiếp.

Tám câu thơ tiếp theo là những suy ngẫm sâu sắc của nhà thơ, của đứa cháu về người bà kính yêu, về bếp lửa trong mỗi gia đình Việt Nam. Cuộc đời bà lận đận, vất vả trải qua nhiều mưa nắng dãi dầm. Bà cần mẫn, lo toan, chịu thương chịu khó:

Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ 
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm          

Bà thức khuya, dậy sớm vì bát cơm, manh áo của con cháu trong gia đình. Vần thơ chứa đựng bao nghĩa nặng tình sâu. Cháu vô cùng cảm phục và biết ơn bà. Việc nhóm lửa của bà còn gửi gắm những bài học sâu sắc:

Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm                  
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi 
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui              
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ           

Bà đã nhóm bếp lửa trong suốt cuộc đời, đã trải qua nắng mưa “mấy chục năm rồi”. Bà không chỉ nhóm bếp lửa bằng đôi bàn tay già nua, gầy guộc, mà là bằng tất cả tấm lòng đôn hậu “ấp iu nồng đượm” của bà đối với con cháu. Điệp từ “nhóm” được nhắc đi nhắc lại 4 lần trong 4 câu thơ đan kết với những chi tiết rất thực… có điểm chung là cùng gắn với hành động nhóm bếp, nhóm lửa của bà nhưng lại khác nhau ở những ý nghĩa cụ thể: khi thì nhóm bếp lửa ấp iu, nồng đượm để sưởi ấm cho bà cháu qua cái lạnh buốt của sương sớm; đến câu tiếp theo thì đã vừa nhóm bếp luộc khoai, luộc sắn cho cháu ăn đỡ đói lòng mà như còn đem đến cho đứa cháu nhỏ cái ngọt bùi của sắn khoai, của tình yêu thương vô hạn của bà. Đến câu tiếp theo thì lòng bà còn mở rộng hơn cùng với nồi xôi gạo mới của mùa gặt là tình cảm xóm làng đoàn kết, gắn bó, chia ngọt, sẻ bùi và đến câu thứ tư thì hoàn toàn mang nghĩa trừu tượng: nhóm dậy cả tâm tình tuổi nhỏ. Tình cảm của bà bao la giản dị như khoai sắn và cũng đậm đà như khoai sắn. Các từ ngữ “ấp iu nồng đượm” “yêu thương” “ngọt bùi” “chung vui” thể hiện sự tinh luyện của một ngòi bút nghệ thuật, đã diễn tả thật hay tình thương, niềm vui, sự no ấm, hạnh phúc mà bà đã mang lại cho con cháu. Bà đã “nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”, nuôi dưỡng và làm bừng sáng những ước mơ, những khát vọng của đàn cháu nhỏ. Bếp lửa bà nhen đã nhóm lên ngọn lửa của tình thương ấm áp. Chính vì thế mà nhà thơ đã cảm nhận được trong hình ảnh bếp lửa bình dị mà thân thuộc sự kì diệu, thiêng liêng: “Ôi! Kì lạ và thiêng liêng – Bếp lửa”. Như vậy, từ ngọn lửa của bà, cháu nhận ra cả một “niềm tin dai dẳng” về ngày mai, cháu hiểu được linh hồn của một dân tộc vất vả, gian lao mà tình nghĩa. Hình ảnh người bà này cũng thật giống với người bà của Xuân Quỳnh trong “Tiếng gà trưa”

Tiếng gà trưa                        
Mang bao nhiêu hạnh phúc :
Đêm cháu về nằm mơ            
Giấc ngủ hồng sắc trứng.       

Bốn câu thơ phần kết thể hiện một cách đằm thắm tình thương nhớ, lòng kính yêu và biết ơn của đứa cháu bé bỏng nay đã đi xa nhưng cháu vẫn không nguôi nỗi nhớ bà, nhớ bếp lửa gia đình thương yêu. Giọng thơ trở nên đằm thắm, ngọt ngào:

Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả         
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
– Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?      

Suốt dọc bài thơ, mười lần hình ảnh bếp lửa xuất hiện là mười lần đứa cháu nhắc tới bà. Người bà đã, đang và sẽ mãi là người quan trọng nhất với cháu, bà đã trở thành một người không thể thiếu trong trái tim cháu. Cảm xúc thơ như những lớp sóng cuộn lên trong lòng người, đó là âm vang của tình bà – cháu. Trong tiềm thức người cháu luôn chất chứa nỗi niềm: “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”

“Bếp lửa” là bài thơ hay nói về tình cảm gia đình mà cụ thể đó là tình bà cháu. Cháu đã gắn bó với bà từ khi còn nhỏ đến lúc đã lớn khôn. Bà là người đã nuôi dưỡng, dạy dỗ cháu nên người. Chính vì thế mà dù đi đâu chăng nữa, trong tiềm thức của cháu người bà vẫn luôn là người vĩ đại. Bên cạnh đó, người bà còn là hình ảnh của những người hậu phương đáng ngợi ca.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 39: Tình cảm gắn bó thân thiết của người bà và cháu được thể hiện như thế nào qua bài “Bếp lửa” của Bằng Việt?
Đánh giá bài viết