I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA PHƯƠNG PHÁP THUYẾT MINH 

   Hiểu biết rõ ràng, chính xác, đầy đủ về sự vật, hiện tượng cần được thuyết minh chưa phải là đã có được bài văn thuyết minh tốt. Đó mới chỉ là phần nội dung của bài văn thuyết minh. Muốn cho bài thuyết minh hay, hấp dẫn được người đọc (người nghe) cần phải có phương pháp thuyết minh khoa học, phù hợp với từng đối tượng thuyết minh cụ thể. Phương pháp thuyết minh giữ một vai trò quan trọng trong việc làm bài văn thuyết minh, và trong nhiều trường hợp, chính nó đã tạo nên giá trị và hiệu quả của bài văn thuyết minh.

II. MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP THUYẾT MINH

1. Ôn tập các phương pháp thuyết minh đã học

Ở THCS, em đã được học và biết cách sử dụng các phương pháp thuyết minh như: phương pháp nêu định nghĩa, phương pháp liệt kê, phương pháp nêu ví dụ, phương pháp dùng số liệu, phương pháp so sánh, phương pháp phân loại, phân tích. Hãy đọc các đoạn trích trong SGK và xác định ở mỗi đoạn trích, tác giả đã dùng phương pháp nào.

Gợi ý : 

– đoạn (1): phương pháp liệt kê :

– đoạn (2): phương pháp nêu định nghĩa, giải thích

– đoạn (3): phương pháp dùng số liệu kết hợp với so sánh

– đoạn (4): phương pháp phân loại, phân tích

Sau đó phân tích tác dụng của từng phương pháp đã tạo nên hiệu quả của đoạn văn thuyết minh.

2. Tìm hiểu thêm một số phương pháp thuyết minh

a) Thuyết minh bằng cách chú thích

  Thí dụ : “Ba-sô là bút danh”. 

(Xem phần giải thích trong SGK để thấy rõ câu văn trên không phải thuyết minh bằng cách định nghĩa mà là thuyết minh bằng cách chú thích).

Tìm thêm thí dụ khác :

– Nguyễn Du sinh năm 1765 tại Thăng Long, tên chữ là Tố Như, tên hiệu là Thanh Hiên (bài Nguyễn Du).

– Nguyễn Trãi (1380 – 1442) hiệu là Ức Trai,… (bài Nguyễn Trãi)

b) Thuyết minh bằng cách giảng giải nguyên nhân – kết quả

Đọc đoạn văn tiếp tục giới thiệu về thi sĩ Ba-sô trong SGK, ta thấy: 

– Đoạn văn được viết để nói về : (1) niềm say mê cây chuối của Ba-sô; (2) tại sao có bút danh Ba-sô. Trong hai mục đích ấy, mục đích chủ yếu là để giải thích cái bút danh Ba-sô (cho dù phần này số câu chữ ít hơn phần trên).

– Các ý của đoạn văn có quan hệ nhân quả với nhau : phần (1) là nguyên nhân (niềm say mê cây chuối của Ba-sô) dẫn đến phần (2) là kết quả (tên cây chuối thành bút danh Ba-sô). Vậy là từ niềm say mê cây chuối mà nhà thơ đã đặt bút danh cho mình là Ba-số. Cách thuyết minh này (giảng giải nguyên nhân – kết quả) vừa rõ ràng, dễ hiểu lại sinh động, hấp dẫn.

III. YÊU CẦU ĐỐI VỚI VIỆC VẬN DỤNG PHƯƠNG PHÁP THUYẾT MINH

1. Cách chọn phương pháp thuyết minh cho bài văn thuyết minh của mình.

– Chọn phương pháp thuyết minh phù hợp nhất với đối tượng cần thuyết minh. (Ví dụ: khi thuyết minh các vấn đề về khoa học – kĩ thuật thì nên chọn phương pháp dùng số liệu kết hợp với so sánh để vấn đề được cụ thể và nổi bật,…)

– Nói chung, không nên chỉ dùng một phương pháp thuyết minh duy nhất mà nên kết hợp nhiều phương pháp thuyết minh trong bài làm để đạt kết quả cao.

2. Vận dụng phương pháp thuyết minh không chỉ nhằm đạt tới mục đích chủ yếu là thuyết minh rõ và đúng về sự vật hay hiện tượng mà còn } tới một mục đích cao hơn cần phải có : làm cho bài thuyết minh hay hơn và hấp dẫn hơn, lôi cuốn và thuyết phục được người đọc (người nghe)

3. Việc lựa chọn, vận dụng và phối hợp các phương pháp thuyết minh cần tuân theo các nguyên tắc : không xa rời mục đích thuyết minh, làm nổi bật bản chất và nét đặc trưng của sự vật, hiện tượng, làm cho người đọc (người nghe) tiếp nhận dễ dàng và hứng thú..

LUYỆN TẬP

1. Đọc đoạn văn thuyết minh về Hoa lan Việt Nam và rút ra nhận xét:

– Tác giả đã sử dụng những phương pháp thuyết minh nào? Sự chọn lựa các phương pháp thuyết minh đó có phù hợp với đối tượng cần thuyết minh không ?

– Sự vận dụng và phối hợp các phương pháp thuyết minh trong đoạn trích được thực hiện như thế nào? Em học tập được gì về phương pháp thuyết minh của tác giả ?

2. Bài tập này em tự làm theo yêu cầu đã ghi rõ trong SGK. Có thể tham khảo cách thuyết minh của tác giả Phan Kế Bính trong bài Nghề nuôi tằm. Đối với các nghề khác như trồng lúa, làm đồ gốm, dệt lụa, làm nón, làm . . tranh sơn mài,… em có thể tìm hiểu qua các nghệ nhân, sưu tầm tài liệu,… để viết thành bài thuyết minh.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 23: Phương pháp thuyết minh
Đánh giá bài viết