I. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

   Về thể phú, chương trình lớp 10 chỉ học có một bài Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu, nhưng đây là đỉnh cao nghệ thuật của thể phủ trong văn học Việt Nam, lại là tác phẩm chứa đựng nhiều giá trị nội dung tư tưởng lớn lao và sâu sắc. Các em cần chú ý tiếp cận, tìm hiểu để nắm được tác phẩm có giá trị này, cụ thể là:

– Đọc kĩ Tiểu dẫn để nắm được tác giả và những đặc trưng cơ bản của thể phú.

– Đọc to, đọc diễn cảm bài phá nhiều lần để có cảm nhận chung về tác phẩm.

– Xem các chú thích để hiểu rõ hơn nội dung bài phú (đặc biệt các điển tích, điển cố).

Dưới đây là những gợi ý để các em trả lời các câu hỏi trong phần Hướng dẫn học bài.

1. Hình tượng nhân vật “khách” trong bài phú (ứng với câu hỏi 2, 3 trong SGK)

   Phú cổ thể thường dùng lối “chủ – khách đối đáp”, có nhân vật “khách” kể chuyện cho hấp dẫn. Nhân vật “khách” ở đây là sự phân thân của chính tác giả:

– Mục đích dạo chơi phong cảnh thiên nhiên: không chỉ để thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên mà còn tìm hiểu cảnh trí đất nước, bồi bổ tri thức.

– Đó là một con người có tráng chí, có tâm hồn khoáng đạt. Mà lòng tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết. Cái “tráng chí bốn phương” đó được gợi lên qua hai loại địa danh mà khách đã đi qua và dừng lại:

+ Loại địa danh thứ nhất lấy từ trong điển cố Trung Quốc mà tác giả (khách) đã “đi qua” chủ yếu bằng sách vở, bằng trí tưởng tượng: những hình ảnh không gian to rộng như Cửu Giang, Ngũ Hồ, những vùng đất nổi tiếng như Tam Ngô, Bách Việt, Vân Mộng,..

+ Loại địa danh thứ hai là những địa danh của đất Việt: cửa Đại Than, bến Đông Triều, sông Bạch Đằng. Đây là những hình ảnh thật, đang hiện ra trước mắt và được tác giả trực tiếp mô tả. Nó thật hùng vĩ, hoành tráng (Bát ngát sóng hình muôn dặm – Thướt tha đuôi trĩ một màu), song cũng ảm đạm, hiu hắt (Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu – Sông chìm giảo gãy, gò đầy xương khô).

   Qua đó, ta thấy được cảm xúc của tác giả (khách) trước khung cảnh thiên nhiên của sông Bạch Đằng: vừa vui, phấn khởi, tự hào, vừa buồn thương, nuối tiếc. Vui trước cảnh sông nước hùng vĩ, thơ mộng (Nước trời: một sắc, phong cảnh: ba thu), tự hào có dòng sông từng ghi bao chiến tích vẻ vang. Nhưng lại buồn thương, nuối tiếc vì chiến trường xưa một thời oanh liệt nay trơ trọi, hoang vu, dòng thời gian đang làm mờ bao dấu vết:

                  Buồn vì cảnh thảm, đứng lặng giờ lâu 

                  Thương nỗi anh hùng đâu lắng tả

                  Tiếc thay dấu vết luống còn lưu!

2. Hình tượng các bô lão trong bài phú (ứng với câu 4 SGK)

– Vai trò của hình tượng các bô lão trong bài phú: Là người kể lại và người bình luận chiến tích trên sông Bạch Đằng. Các bô lão ở đây có thể là thật (tác giả gặp trên đường vãn cảnh sông Bạch Đằng), cũng có thể là nhân vật hư cấu từ tâm tư tình cảm của nhà thơ. Họ “giúp” cho nhân vật “khách” (tác giả) có điều kiện bộc lộ tư tưởng tình cảm trước con sông lịch sử – nói cách khác, tác giả đã “mượn” họ để viết tiếp phần sau và hoàn chỉnh bài phú một cách trọn vẹn.

– Các bô lão đã kể lại chiến tích trên sông Bạch Đằng với thái độ nhiệt tình, hiếu khách, bằng giọng điệu phấn khởi, tự hào. Có thể nói họ đã tái hiện lại một cách chân xác, sinh động chiến công Bạch Đằng giang 50 năm trước của quân dân nhà Trần trong một đoạn thơ tràn đầy hào khí với những câu dài ngắn xen kẽ, những hình ảnh mạnh mẽ, những ý thơ sâu sắc:

                   Đến nay nước sông tuy chảy hoài

                   Mà nhục quân thù khôn rửa nổi!v.v…

– Không chỉ kể mà họ còn bình luận để đánh giá thắng lợi, tôn cao chiến công. Phải nói đây là những lời bình luận xác đáng, những ý kiến đánh giá sâu sắc mang tầm tư tưởng cao. Trong các yếu tố địa thế sông núi hiểm trở, vai trò con người, các bô lão đã khẳng định chiến thắng có được là do yếu tố con người:

                     Kìa trận Bạch Đằng mà đại thắng,

                     Bởi đại cương coi thế giặc nhàn.

   Ta hiểu Trần Hưng Đạo “coi thế giặc nhàn” chính vì ông đã thấy rõ sức mạnh ở vai trò con người, ở khí thế đoàn kết quyết chiến quyết thắng của quân dân nhà Trần. Khẳng định sức mạnh, vai trò của con người– đó là cảm hứng mang giá trị nhân văn và ý nghĩa triết lý sâu sắc.

3. Lời ca của các vị bô lão và lời ca nối tiếp của khách ở cuối bài phú (ứng với câu 5 SGK)

   Hai lời ca ở cuối bài một lần nữa khẳng định chiến thắng, chính nghĩa và vai trò của con người. Lời ca của các bộ lão đã lấy hình ảnh sông Đằng vĩnh hằng, bất biến “sóng hồng cuồn cuộn tuôn về biển Đông” để khẳng định sự vĩnh hằng của chân lí con người:

                   Những người bất nghĩa tiêu dong,

                   Nghìn xưa chỉ có anh hùng lưu danh. 

   Bất nghĩa (như Lưu Cùng) thì tiêu vong, anh hùng (như Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo) thì lưu danh thiên cổ. Lời ca nối tiếp của khách lại khẳng . định chân lí đó, nhưng nhấn mạnh và đề cao vai trò của con người:

                    Giặc tan muôn thuở thăng bình

               Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao.

   Trong mối quan hệ giữa “địa linh” (đất thiêng) và “nhân kiệt” (người giỏi) thì “nhân kiệt” là yếu tố quyết định. Lời ca kết thúc bài phú vừa mang niềm tự hào dân tộc vừa thể hiện tư tưởng nhân văn cao đẹp, nâng tác phẩm lên một tầm tư tưởng cao.

4. Giá trị nội dung và nghệ thuật của bài phú (câu 6 SGK)

   Các em tổng hợp lại các phần phân tích trên đây để phát biểu về giá trị của bài phú.

   Cuối cùng, đọc kĩ và học thuộc phần Ghi nhớ trong SGK để nắm vững bài học.

II. LUYỆN TẬP

1. Học sinh tự học

2. Gợi ý:

   Cả hai bài đều thể hiện niềm tự hào trước chiến thắng Bạch Đằng giang, đều khẳng định, đề cao vai trò của con người (Chú ý câu cuối trong bài thơ Bạch Đằng giang của Nguyễn Sưởng: “Nửa do sông núi, nửa do người.”) Các em phân tích, so sánh làm rõ thêm điều đó.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 19: Phú sông Bạch Đằng
Đánh giá bài viết