I. CUỘC ĐỜI

   Nguyễn Trãi (1380 – 1442) hiệu là Ức Trai, quê gốc ở làng Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương), sau dời về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây). Thân sinh là Nguyễn Ứng Long (sau đổi là Nguyễn Phi Khanh), một nho sinh nghèo, học giỏi, đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) đời Trần. Mẹ là Trần Thị Thái, con quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Nguyễn Trãi thừa hưởng được truyền thống yêu nước và văn hóa, văn học của cả hai bên gia đình nội, ngoại.

   Cuộc đời Nguyễn Trãi có thể chia làm ba giai đoạn:

– Thuở thiếu thời đã phải gánh chịu những mất mát, đau thương: mẹ chết, ông ngoại chết, sau đó cha bị giặc Minh bắt sang Trung Quốc “Nợ nước, thù nhà” đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong ông và Nguyễn Trãi đã tìm cách thoát khỏi sự giam lỏng của giặc ở thành Đông Quan (Hà Nội ngày nay) để tìm vào Lam Sơn theo Lê Lợi tham gia khởi nghĩa.

– Mười năm kháng chiến chống quân Minh, Nguyễn Trãi đã trở thành cánh tay đắc lực của Lê Lợi, góp phần to lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi viết Đại cáo bình Ngô (đầu năm 1428) và hăm hở tham gia vào công cuộc xây dựng lại đất nước.

– Nhưng rồi sau đó, ông bị nghi oan, bị bắt giam, được tha nhưng không còn được tin dùng như trước. Ông xin về ở ẩn tại Côn Sơn, năm 1440 lại được Lê Thái Tông mời ra giúp việc nước. Và hai năm sau, cuộc đời bậc đệ nhất công thần ấy đã kết thúc một cách thê thảm bằng vụ án Lệ Chi viên khi ông bị khép vào tội “tru di tam tộc” (giết cả ba họ). Năm 1464, Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi, cho sưu tầm lại thơ văn của ông và tìm con cháu còn sống sót để bổ làm quan.

Nguyễn Trãi là một nhân vật lịch sử vĩ đại. Ông là bậc anh hùng dân tộc, một nhân vật toàn tài hiếm có : nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà văn, nhà thơ kiệt xuất. Năm 1980, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Nguyễn Trãi là danh nhân văn hóa thế giới.

II. SỰ NGHIỆP THƠ VĂN

1. Những tác phẩm chính (xem trong SGK)

2. Nguyễn Trãi – nhà văn chính luận kiệt xuất

Trong văn học trung đại Việt Nam, Nguyễn Trãi là nhà văn chính luận lỗi lạc nhất. Ông đã để lại một khối lượng khá lớn văn chính luận: Quân trung từ mệnh tập, Đại cáo bình Ngô, chiếu biểu viết dưới triều Lê,… Sức mạnh văn chính luận của Nguyễn Trãi có được là do sự kết hợp tuyệt diệu giữa tư tưởng nhân nghĩa, tư tưởng yêu nước với nghệ thuật viết văn luận chiến bậc thầy. Phan Huy Chú từng xem Quân trung từ mệnh tập là tập văn chiến đấu “có sức mạnh của mười vạn quân” chính là vì thế. Còn Đại cáo bình Ngô là áng “thiên cổ hùng văn” của thế kỉ XV, bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc, trong đó sức mạnh của tư tưởng nhân nghĩa và tư tưởng yêu nước đã hòa làm một :

                          Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

                         Quân điếu phạt trước lo trừ bạo

Văn chính luận của Nguyễn Trãi đã đạt tới trình độ nghệ thuật mẫu mực, từ kết cấu chặt chẽ, lập luận sắc bén, cho đến giọng điệu phù hợp… đã tạo ra sức cuốn hút lớn và tác dụng thuyết phục cao.

3. Nguyễn Trãi – nhà thơ trữ tình sâu sắc

   Hai tập thơ Ức Trai thi tậpQuốc âm thi tập cho ta thấy Nguyễn Trãi là nhà thơ trữ tình sâu sắc. Ở ông, có sự kết hợp hài hòa giữa người anh hùng vĩ đại và con người đời thường.

   Lí tưởng yêu nước, thương dân của ông lúc nào cũng thiết tha, mãnh liệt:

                           Bui một tấc lòng ưu ái cũ,

                          Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông 

                                                                     (Thuật hứng – bài 2)

   Phẩm chất, ý chí của ông luôn ngời sáng như tùng, trúc, mai, nhưng điều đáng quý là tất cả những phẩm chất ấy không phải để làm đẹp cho riêng bản thân mà là để giúp dân, giúp nước : “Dành, còn để trợ dân này” (Tùng).

   Người anh hùng ấy cũng là một con người của đời thường. Ông đau nỗi đau của con người trước nghịch cảnh éo le của xã hội cũ “Hoa thường hay héo cỏ thường tươi” trước thói đời đen bạc “Bui một lòng người cực hiểm thay”; từ đó ông khao khát sự hoàn thiện của con người và mơ ước xã hội thái bình, thịnh trị : “Dân Nghiêu Thuấn, vua Nghiêu Thuấn”.

   Con người đời thường của Nguyễn Trãi thể hiện rõ nhất trong tình yêu thiên nhiên và tình yêu con người của ông. Nguyễn Trãi có những câu thơ về thiên nhiên thật đẹp. Lúc thì phảng phất phong vị thơ Đường “Nước biếc non xanh thuyền gối bãi – Đêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu” nhiều khi lại bình dị, dân dã : từ quả núc nác, ngọn mồng tơi, bè rau muống, đến “ngõ cày đất ải”, con đòng đong,… đều đi vào thơ một cách tự nhiên, tạo nên những rung động thẩm mĩ. Ông cũng có những câu thơ về nghĩa vua tôi, về tình cha con cảm động :

                   Quân thân chưa bảo, lòng canh cánh

                   Tình phụ cơm trời áo cha.

                                                   (Ngôn chíbài 7)

Nguyễn Trãi cũng có những câu thơ về tình bạn trong sáng : “Lòng bạn trong vằng vặc cao”.

   Những vần thơ về thiên nhiên đất nước và con người của Nguyễn Trãi gần gũi, thân thương với chúng ta biết bao ! Khía cạnh “con người” trong người anh hùng Nguyễn Trãi chính là vẻ đẹp nhân bản đã góp phần nâng người anh hùng dân tộc lên tầm nhân loại.

III. KẾT LUẬN

Nguyễn Trãi là bậc đại anh hùng dân tộc đồng thời là nhà thơ, nhà văn kiệt xuất của thời trung đại, có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của văn hóa, văn học dân tộc, xứng đáng được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới.

LUYỆN TẬP

Gợi ý: Sự kết hợp hài hòa giữa người anh hùng vĩ đại và con người đời thường ở Nguyễn Trãi được thể hiện qua thơ văn ông như sau :

a) Người anh hùng vĩ đại : luôn ôm ấp, theo đuổi một lí tưởng cao cả – đó là sự quyện hòa giữa nhân nghĩa với yêu nước, thương dân:

                    – Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,

                    Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

                                            (Đại cáo bình Ngô) 

                     – Bui một tấc lòng ưu ái cũ,

                     Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông.

(Thuật hứng, bài 2)

Ông luôn rèn luyện ý chí, phẩm chất con người anh hùng như tùng, trúc, mai, không phải để làm đẹp cho riêng bản thân mà là để giúp dân, giúp nước.

                    Dành, còn để trợ dân này.

                                                       (Tùng)

b) Con người đời thường: Nguyễn Trãi đau nỗi đau của con người, yêu tình yêu của con người. Ông yêu thiên nhiên say đắm, giao hòa với thiên nhiên tuyệt đẹp. Nghĩa vua tôi, tình cha con, tình bạn trong ông sâu sắc, cảm động, vv… (tìm dẫn chứng trong thơ Nguyễn Trãi )

c) Hai con người đó kết hợp một cách tự nhiên, hài hòa trong Nguyễn Trãi : giữa người anh hùng vĩ đại và con người đời thường dường như không có khoảng cách, không có sự cách bức. Chính con người đã làm nên tiếng gươm khua sang sảng trên đầu thì trong Đại cáo bình Ngô lại là con người “Bữa ăn dầu có dưa muối, Áo mặc nài chi gấm là, Hài cỏ đẹp chân đi đúng đỉnh, Áo bô quen cật vận xềnh xoàng”.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 19: Nguyễn Trãi
Đánh giá bài viết