Diện tích : 4,5 triệu km2

Dân số : 556,2 triệu người (năm 2005)

I. MỨC ĐỘ CẦN ĐẠT ĐƯỢC

– Biết được vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ khu vực Đông Nam Á.

– Trình bày được đặc điểm tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và phân tích được những thuận lợi, khó khăn của chúng đối với phát kinh tế.

– Phân tích được các đặc điểm dân cư và ảnh hưởng của chúng tới kinh tế.

– Trình bày và giải thích được một số đặc điểm kinh tế.

– Hiểu được mục tiêu của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN); cơ chế hoạt động, một số hợp tác cụ thể trong kinh tế, văn hóa, thành tựu và thách thức của các nước thành viên.

– Hiểu được sự hợp tác đa dạng của Việt Nam với các nước trong Hiệp hội.

– Ghi nhớ một số địa danh (tên 11 quốc gia ở Đông Nam Á).

– Sử dụng bản đồ để nhận biết và trình bày được vị trí của các nước thành viên, đặc điểm chung về địa hình, khoáng sản, phân bổ một số ngành kinh tế của các nước ASEAN.

– Nhận xét các số liệu, tư liệu về kết quả phát triển kinh tế của các nước ASEAN.

II. KIẾN THỨC CƠ BẢN

TIẾT 1. TỰ NHIÊN, DÂN CƯ VÀ XÃ HỘI

1. Tự nhiên

1.1. Vị trí địa lí và lãnh thổ

– Nằm ở phía đông nam châu Á, nơi tiếp giáp giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, có vị trí cầu nối giữa lục địa Á – Âu với lục địa Ô-xtrây-li-a.

– Gồm một hệ thống các bán đảo, đảo và quần đảo đan xen giữa các biển và vịnh biển rất phức tạp.

– Nằm ở nơi giao thoa giữa các nền văn hoá lớn và cũng là nơi các cường quốc thường cạnh tranh ảnh hưởng.

1.2. Đặc điểm tự nhiên

Gồm hai bộ phận:

– Đông Nam Á lục địa

+ Địa hình bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi chạy dài theo hướng tây bắc – đông nam hoặc bắc – nam, nhiều nơi núi lan ra sát biển. Giữa các dãy núi là các thung lũng rộng và ven biển có các đồng bằng phù sa màu mỡ do các sông lớn bồi đắp nên, thuận lợi cho canh tác nông nghiệp, đặc biệt là gieo trồng lúa nước.

+ Khí hậu nhiệt đới gió mùa.

– Đông Nam Á hải đảo

+ Là một trong những khu vực tập trung đảo lớn nhất thế giới, bao gồm nhiều quần đảo và hàng vạn đảo lớn nhỏ.

+ Ít đồng bằng, nhiều đồi núi và núi lửa. Đồng bằng lớn tập trung ở các đảo Ca-li-man-tan, Xu-ma-tra, Niu Ghi-nê…. có đất đai màu mỡ.

+ Khí hậu: nhiệt đới gió mùa và khí hậu xích đạo.

1.3. Đánh giá điều kiện tự nhiên của Đông Nam Á

– Khí hậu nóng ẩm, hệ đất trồng phong phú (feralit đồi núi, đất đỏ badan, đất phù sa màu mỡ), mạng lưới sông ngòi dày đặc, thuận lợi cho việc phát triển một nền nông nghiệp nhiệt đới.

– Có lợi thế về biển (trừ Lào), thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế biển, thương mại, hàng hải.

– Nằm trong vành đai sinh khoáng, vì thế có nhiều loại khoáng sản. Vùng thềm lục địa nhiều dầu khí.

– Có diện tích rừng xích đạo và nhiệt đới ẩm lớn.

– Chịu ảnh hưởng nặng nề của các thiên tai (động đất, sóng thần, bão, lũ lụt,..).

2. Dân cư và xã hội

2.1. Dân cư

– Số dân đông, mật độ cao.

– Tỉ suất gia tăng tự nhiên có chiều hướng giảm.

– Dân số trẻ, số người trong độ tuổi lao động chiếm trên 50%.

– Nguồn lao động dồi dào, nhưng còn thiếu lao động có tay nghề và trình độ chuyên môn cao.

– Phân bố dân cư không đều, chủ yếu tập trung ở các đồng bằng châu thổ, ven biển và một số vùng đất đỏ badan.

2.2. Xã hội

– Các quốc gia Đông Nam Á đều có nhiều dân tộc. Một số dân tộc phân bố rộng, không theo biên giới quốc gia.

– Là nơi giao thoa của nhiều nền văn hoá lớn trên thế giới (Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản, Âu, Mĩ), các nước Đông Nam Á tiếp nhận nhiều giá trị.

– Người dân có phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hoá rất gần nhau.

TIẾT 2. KINH TẾ

1. Cơ cấu kinh tế

   Đang có sự chuyển dịch, từ một nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp sang nền kinh tế phát triển công nghiệp và dịch vụ.

2. Công nghiệp

– Phát triển theo hướng: tăng cường liên doanh, liên kết với nước ngoài, hiện đại hoá thiết bị, chuyển giao công nghệ và đào tạo kĩ thuật, chú trọng phát triển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu.

– Công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy, sản xuất thiết bị điện tử trong những năm gần đây tăng nhanh và ngày càng trở thành thế mạnh của các nước trong khu vực, phân bố chủ yếu ở Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Việt Nam,…. .

– Ngành khai thác dầu khí phát triển khá nhanh trong những năm gần đây ở Bru-nây, In-đô-nê-xi-a, Việt Nam,…; khai thác than và các khoáng sản kim loại, dệt may, giày da, các ngành tiểu thủ công nghiệp, chế biến thực phẩm, … nhằm phục vụ xuất khẩu cũng được phát triển.

– Công nghiệp điện

+ Sản lượng điện của toàn khu vực đạt tăng, nhưng lượng điện bình quân theo đầu người còn thấp.

3. Dịch vụ

– Cơ sở hạ tầng của các nước đang từng bước hiện đại hoá: hệ thống giao thông được phát triển, thông tin liên lạc được cải thiện và nâng cấp.

– Hệ thống ngân hàng, tín dụng,… được phát triển và hiện đại.

4. Nông nghiệp

– Nền nông nghiệp nhiệt đới.

– Các ngành chính: trồng lúa nước, trồng cây công nghiệp và cây ăn quả, chăn nuôi, đánh bắt và nuôi trồng thuỷ, hải sản.

4.1. Trồng lúa nước

+ Lúa nước là cây lương thực truyền thống và quan trọng của khu vực, được trồng nhiều ở các đồng bằng.

+ Sản lượng không ngừng tăng (đạt 161 triệu tấn, năm 2004), đứng đầu là In-đô-nê-xi-a (53,1 triệu tấn). Thái Lan, Việt Nam đã trở thành những nước đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo.

+ Các nước đã cơ bản giải quyết được nhu cầu lương thực.

4.2. Trồng cây công nghiệp

+ Chủ yếu để xuất khẩu thu ngoại tệ.

+ Cao su được trồng nhiều ở Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Việt Nam.

+ Cà phê, hồ tiêu được trồng nhiều nhất ở Việt Nam, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Thái Lan.

+ Ngoài ra, còn có các sản phẩm từ cây lấy dầu, lấy sợi.

+ Cây ăn quả nhiệt đới được trồng ở hầu hết các nước.

4.3. Chăn nuôi, đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản

+ Chăn nuôi gia súc vẫn chưa trở thành ngành chính, mặc dù số lượng gia súc khá lớn.

+ Trâu, bò được nuôi nhiều ở Mi-an-ma, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan và Việt Nam.

+ Lợn được nuôi nhiều ở Việt Nam, Phi-lip-pin, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a.

+ Gia cầm được nuôi nhiều.

+ Đánh bắt, nuôi trồng thuỷ, hải sản là ngành kinh tế truyền thống và đang tiếp tục phát triển.

TIẾT 3. HIỆP HỘI CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á (ASEAN)

1. Mục tiêu và cơ chế hợp tác của ASEAN

– ASEAN được thành lập năm 1967, ban đầu gồm 5 nước. Đến nay đã 10 nước. Việt Nam gia nhập năm 1997.

1.1. Các mục tiêu chính của ASEAN

+ Thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục và tiến bộ xã hội của các nước thành viên.

+ Xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực hoà bình, ổn định, có nền kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển.

+ Giải quyết những khác biệt trong nội bộ liên quan đến mối quan hệ giữa ASEAN với các nước, khối nước hoặc các tổ chức quốc tế khác.

Mục tiêu chung: Đoàn kết và hợp tác vì một ASEAN hoà bình, ổn định, cùng phát triển.

1.2. Cơ chế hợp tác của ASEAN

   Cơ chế hợp tác rất phong phú, đa dạng: thông qua các diễn đàn; thông qua kí kết các hiệp ước; tổ chức các hội nghị; thông qua các dự án, chương trình phát triển; xây dựng “Khu vực thương mại tự do ASEAN”; thông qua các hoạt động văn hoá, thể thao của khu vực.

2. Thành tựu của ASEAN

– Đã có 10/11 quốc gia trong khu vực trở thành thành viên của ASEAN.

– Năm 2004: GDP 799,9 tỉ USD, cán cân xuất – nhập khẩu của toàn khối đạt giá trị dương.

– Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực khá cao.

– Đời sống nhân dân được cải thiện.

– Hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển theo hướng hiện đại hoá.

– Tạo dựng được một môi trường hoà bình, ổn định trong khu vực.

3. Thách thức đối với ASEAN

3.1. Trình độ phát triển còn chênh lệch (GDP theo giá thực tế năm 2004 của Xin-ga-po rất cao, nhiều nước khác lại rất thấp).

3.2. Vẫn còn tình trạng đói nghèo

3.3. Các vấn đề xã hội khác.

+ Đô thị hoá diễn ra nhanh, nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp của xã hội.

+ Các vấn đề: tôn giáo, sự hoà hợp dân tộc trong mỗi quốc gia, dịch bệnh, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường chưa hợp lí, thất nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài,… đều là những vấn đề thách thức.

4. Việt Nam trong quá trình hội nhập ASEAN

– Việt Nam tích cực tham gia vào các hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, từ hợp tác về kinh tế tới hợp tác về văn hoá, giáo dục, khoa học – công nghệ, trật tự – an toàn xã hội.

– Việt Nam đã đóng góp nhiều sáng kiến để củng cố, nâng cao vị thế của ASEAN trên trường quốc tế.

– Về kinh tế, Việt Nam xuất khẩu gạo sang In-đô-nê-xi-a, Phi-lip-pin, Ma-lai-xi-a, tham gia nhiều dự án phát triển kinh tế khu vực. Nhập từ khu vực các loại xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu, một số mặt hàng điện tử, hàng tiêu dùng,….

– Tham gia vào ASEAN, nước ta có nhiều cơ hội để phát triển, nhưng cũng có nhiều thách thức phải vượt qua như: sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế, công nghệ, sự khác biệt về thể chế chính trị….

III. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI GIỮA BÀI

TIẾT 1. TỰ NHIÊN, DÂN CƯ VÀ XÃ HỘI

1. Dựa vào hình 11.1, hãy cho biết khu vực Đông Nam Á tiếp giáp với các biển và đại dương nào? Nêu ý nghĩa của biển và đại dương đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực.

– Tiếp giáp các biển: Andaman, Araphura; các đại dương: Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương.

– Ý nghĩa: Có điều kiện thuận lợi để phát triển tổng hợp kinh tế biển, giao lưu giữa các nước trong khu vực và giữa khu vực với thế giới bằng đườngg biển.

2. Dựa vào lược đồ “Các nước trên thế giới” trang 4, 5 trong sách giáo khoa, đọc tên các quốc gia thuộc Đông Nam Á lục địa, Đông Nam Á hải đảo.

– Các quốc gia thuộc Đông Nam Á lục địa: Mi-an-ma, Lào, Thái Lan, Căm-pu-chia, Việt Nam, Ma-lai-xi-a.

– Các quốc gia thuộc Đông Nam Á hải đảo: Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Bru-nây, Đông Ti-mo, Phi-lip-pin.

3. Việc phát triển giao thông của Đông Nam Á lục địa theo hướng đông – tây có những ảnh hưởng gì đối với sự phát triển kinh tế – xã hội?

   Do hướng của địa hình khu vực Đông Nam Á chủ yếu hướng tây bắc – đông nam hoặc bắc – nam (cá biệt có phần lãnh thổ In-đô-nê-xi-a trên đảo Tân Ghi-nê có hướng đông – tây) nên việc phát triển giao thông theo hướng đông – tây gặp nhiều trở ngại, tuy nhiên là hết sức cần thiết, đặc biệt đối với các nước Mi-an-ma, Thái Lan, Lào, Căm-pu-chia và Việt Nam. Các nước này có chiều dài lãnh thổ gần như theo hướng bắc – nam, nên cần thiết phải phát triển các dự án phát triển giao thông theo hướng đồng – tây để tạo thuận lợi trong thông thương, hợp tác cùng phát triển.

TIẾT 2. KINH TẾ

1. Dựa vào hình 11.5, nhận xét về xu hướng thay đổi cơ cấu GDP của một số quốc gia Đông Nam Á.

– Nhìn chung, có sự chuyển dịch đáng kể từ khu vực sản xuất nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và khu vực dịch vụ.

– Mỗi nước trong khu vực có tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế khác nhau.

– Việt Nam là quốc gia khá tiêu biểu về sự chuyển dịch cơ cấu GDP vì thể hiện rõ rệt nhất tốc độ chuyển dịch trong cả khu vực kinh tế.

2. Hãy xác định trên hình 11.6 các vùng trồng lúa nước chủ yếu của Đông Nam Á.

– Vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, châu thổ sông Cửu Long (Việt Nam), châu thổ sông Mê Nam (Thái Lan), châu thổ sông Ran-gun (Mi-an-ma), đồng bằng Căm-pu-chia, đồng bằng duyên hải phía bắc đảo Gia-cac-ta (In-đô-nê-xi-a). 

3. Tại sao các cây công nghiệp như cao su, cà phê, hồ tiêu, … được trồng nhiều ở Đông Nam Á?

– Vi Đông Nam Á có khí hậu nóng ẩm; đất feralit, đặc biệt là đất đỏ badan rất thích hợp cho các loại cây trồng này.

4. Hãy kể tên một số cây ăn quả được trồng nhiều ở khu vực Đông Nam Á.

– Chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, xoài, dừa, nhãn, cam, ổi, bưởi,…

5. Hãy kể tên những loài thủy sản, hải sản nhiệt đới có giá trị ở Đông Nam Á.

– Cá tra, cá ba sa, tôm, cua, mực, cá chình, cá nục, cá thu, cá chim, cá nụ, cá dé,….

TIẾT 3. HIỆP HỘI CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á (ASEAN)

1. Hãy cho biết, trong khu vực Đông Nam Á còn nước nào chưa gia nhập ASEAN: Đông Ti-mo.

2. Tại sao mục tiêu của ASEAN lại nhấn mạnh đến sự ổn định?

Bởi vì:

– Mỗi nước trong khu vực, ở mức độ khác nhau và tùy từng thời kì, giai đoạn lịch sử khác nhau đều đã chịu ảnh hưởng của sự mất ổn định mà nguyên nhân là do vấn đề sắc tộc, tôn giáo hoặc do các thế lực thù địch nước ngoài gây ra nên đã nhận thức đầy đủ, thống nhất cao về sự cần thiết ổn định để phát triển.

– Trong các vấn đề về biên giới, về đảo, về vùng biển đặc quyền kinh tế, do nhiều nguyên nhân và hoàn cảnh lịch sử để lại nên giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á còn nhiều tranh chấp phức tạp đòi hỏi cần phải ổn định để đối thoại, đàm phán, giải quyết một cách hòa bình.

– Tại thời điểm hiện nay, sự ổn định của khu vực sẽ không tạo cớ để các thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của khu vực.

3. Bằng hiểu biết của mình, hãy lấy ví dụ cụ thể minh họa cho một trong các cơ chế hợp tác để đạt được mục tiêu chung của ASEAN?

– Ủy ban hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công (hợp tác thông qua dự án, chương trình phát triển).

4. Hãy kể thêm các thành tựu của ASEAN. Nguyên nhân nào dẫn đến các thành tựu đó?

– Một số thành tựu

+ Về thương mại, hàng hóa, ASEAN đang tiến tới hoàn thành AFTA.

+ Hiệp định khung về dịch vụ đã được ký kết.

+ Hiệp định khung về đầu tư đã được kí kết.

+ Một số nước có tốc độ tăng trưởng cao.

+ Nhiều nước đã đạt được thành tựu to lớn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

+ Đô thị hóa phát triển nhanh, cơ sở hạ tầng được xây dựng và phát triển nhanh…

– Nguyên nhân: Vì các nước ASEAN đều kiên trì mục tiêu đoàn kết và hợp tác vì một ASEAN hòa bình, ổn định, cùng phát triển.

5. Trình độ phát triển giữa một số quốc gia còn quá chênh lệch đã ảnh hưởng gì tới mục tiêu phấn đấu của ASEAN?

– Việc thực hiện mục tiêu gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi quốc gia và toàn khối.

6. Tình trạng đói nghèo ở một bộ phận dân cư sẽ gây những trở ngại gì trong việc phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia?

– Cần phải dành những khoản chi cần thiết để xóa đói, giảm nghèo, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng chung.

7. Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách gì để xóa đói giảm nghèo?

– Trợ cấp lương thực, tiền cho các hộ nghèo, đói.

– Hỗ trợ cho vay vốn xóa đói giảm nghèo.

– Hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động.

– Giảm và miễn một số loại thuế….

IV. GỢI Ý THỰC HIỆN CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CUỐI BÀI

TIẾT 1. TỰ NHIÊN, DÂN CƯ VÀ XÃ HỘI

1. Nêu những thuận lợi và khó khăn về điều kiện tự nhiên trong sự phát triển kinh tế của khu vực.

– Thuận lợi:

+ Khí hậu nóng, ẩm; hệ đất trồng phong phú, mạng lưới sông ngòi dày đặc, thuận lợi cho phát triển một nền nông nghiệp nhiệt đới.

+ Lợi thế về biển: Các nước trong khu vực (trừ Lào) đều giáp biển, thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế biển cũng như thương mại, hàng hải.

+ Có điều khoáng sản, đặc biệt có nhiều dầu khí (ở vùng thềm lục địa) là nguồn nguyên, nhiên liệu cho phát triển kinh tế.

+ Diện tích rừng xích đạo và nhiệt đới ẩm lớn, tài nguyên rừng giàu có.

– Khó khăn: chịu ảnh hưởng nặng nề của các thiên tai như động đất, sóng thần, bão, lũ lụt, hạn hán.

2. Hãy làm rõ những trở ngại từ các đặc điểm dân cư và xã hội đối với sự phát triển kinh tế trong khu vực.

– Số dân đông, mật độ dân số cao, tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên khá cao (hiện nay có xu hướng giảm). Dân đông, trong điều kiện trình độ phát triển kinh tế chưa cao đã ảnh hưởng tới vấn đề việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống.

– Lao động có tay nghề và trình độ chuyên môn cao còn hạn chế.

– Phân bố dân cư không đều, tập trung đông ở đồng bằng châu thổ của các sông lớn, vùng ven biển và một số vùng đất đỏ badan, gây sức ép đến tài nguyên đất đai và khó khăn trong giải quyết việc làm, trong khi các vùng giàu tài nguyên ở miền núi thiếu lao động.

– Các quốc gia có nhiều dân tộc. Một số dân tộc phân bố rộng, không theo biên giới quốc gia, gây không ít khó khăn trong quản lí, ổn định chính trị, xã hội ở mỗi nước.

TIẾT 2. KINH TẾ

1. Trình bày sự phát triển nông nghiệp của khu vực Đông Nam Á.

. Nền nông nghiệp nhiệt đới. Các ngành chính: trồng lúa nước, trồng cây công nghiệp và cây ăn quả, chăn nuôi, đánh bắt và nuôi trồng thuy, hải sản.

– Trồng lúa nước: Lúa nước là cây lương thực truyền thống và quan trọng của khu vực, được trồng nhiều ở các đồng bằng. Sản lượng không ngừng tăng (đạt 161 triệu tấn, năm 2004), đứng đầu là In-đô-nê-xi-a (53,1 triệu tấn). Thái Lan, Việt Nam đã trở thành những nước đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Các nước đã cơ bản giải quyết được nhu cầu lương thực.

– Trồng cây công nghiệp: chủ yếu để xuất khẩu thu ngoại tệ. Cao su được trồng nhiều ở Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Việt Nam. Cà phê, hồ tiêu được trồng nhiều nhất ở Việt Nam, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Thái Lan. Ngoài ra, còn có các sản phẩm từ cây lấy dầu, lấy sợi. Cây ăn quả nhiệt đới được trồng ở hầu hết các nước.

– Chăn nuôi, đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản: chăn nuôi gia súc vẫn chưa trở thành ngành chính, mặc dù số lượng gia súc khá lớn. Trâu, bò được nuôi nhiều ở Mi-an-ma, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan và Việt nam. Lợn được nuôi nhiều ở Việt Nam, Phi-lip-pin, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a. Gia cầm được nuôi nhiều. Đánh bắt, nuôi trồng thuỷ, hải sản là ngành kinh tế truyền thống và đang tiếp tục phát triển.

2. Kể tên một số hãng nổi tiếng ở nước ngoài liên doanh với Việt Nam trong các ngành công nghiệp: Hon-đa (Nhật Bản), Mec-xê-đet (Đức), Pe-trô (Nga), Cô-ca – Cô-la (Mĩ),…

3. Dựa vào hình 11.5, cho biết những quốc gia nào ở Đông Nam Á có tỉ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP (năm 2004 cao, quốc gia nào thấp?

– Quốc gia có tỉ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP cao: Phi-lip-pin.

– Quốc gia có tỉ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP thấp: Căm-pu-chia.

TIẾT 3. HIỆP HỘI CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á (ASEAN)

1. Nêu các mục tiêu của ASEAN.

– Các mục tiêu chính của ASEAN

+ Thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục và tiến bộ xã hội của các nước thành viên.

+ Xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực hoà bình, ổn định, có nền kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển.

+ Giải quyết những khác biệt trong nội bộ liên quan đến mối quan hệ giữa ASEAN với các nước, khối nước hoặc các tổ chức quốc tế khác.

– Mục tiêu chung: Đoàn kết và hợp tác vì một ASEAN hoà bình, ổn định, cùng phát triển.

2. Lấy thí dụ để thấy rằng việc khai thác và sử dụng tài nguyên chưa hợp lí là một trong những thách thức của ASEAN. Cần khắc phục điều đó bằng những biện pháp nào?

– Khai phá rừng bừa bãi, dẫn tới xói mòn đất, lũ quét, giảm đa dạng sinh vật….

– Khai thác kiệt quệ tài nguyên thủy, hải sản đã làm giảm trữ lượng tôm, cá,…

– Cần tăng cường bảo vệ môi trường, khai thác đi đôi với bảo vệ và sử dụng hợp lí. 

V. CÂU HỎI TỰ HỌC

TIẾT 1. TỰ NHIÊN, DÂN CƯ VÀ XÃ HỘI

1. Điểm khác cơ bản của địa hình Đông Nam Á lục địa với Đông Nam Á hải đảo là:

A. Đồng bằng phù sa nằm đan xen giữa các dãy núi.

B. Ít đồng bằng, nhiều đồi núi.

C. Núi thường thấp dưới 3000m.

D. Có nhiều núi lửa đang hoạt động.

2. Đông Nam Á biển đảo không phải là khu vực:

A. Quần đảo thuộc loại lớn nhất thế giới.

B. Bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi hướng tây bắc – đông nam.

C. Có nhiều đồng bằng lớn đất phù sa được phủ tro, bụi núi lửa.

D. Nằm trong vùng có động đất, núi lửa hoạt động mạnh.

3. Việc xây dựng đường giao thông trong khu vực theo hướng đông – tây hết sức cần thiết đối với các nước có:

A. Lãnh thổ kéo dài hướng bắc – nam.

B. Hướng núi tây bắc – đông nam.

C. Hướng núi bắc – nam.

D. Lãnh thổ kéo dài hướng đông – tây.

4. Điểm nào sau đây không đúng với tài nguyên khu vực Đông Nam Á?

A. Thảm thực vật vùng phong phú.

B. Khí hậu nóng ẩm, ôn hòa.

C. Sinh vật biển đa dạng.

D. Tài nguyên khoáng sản giàu có.

5. Trở ngại chính của thiên nhiên Đông Nam Á đối với phát triển kinh tế là:

A. Động đất, sóng thần.

B. Lũ lụt, bão.

C. Tài nguyên nằm ở nơi khó khai thác.

D. Câu A + B đúng.

6. Điểm nào sau đây không đúng với Đông Nam Á?

A. Các nước đều là các quốc gia đa dân tộc.

B. Kết cấu xã hội của các nước khác biệt nhau rất lớn.

C. Một số dân tộc phân bố không theo biên giới quốc gia.

D. Có hầu hết các tôn giáo lớn của thế giới.

TIẾT 2. KINH TẾ

1. Cơ cấu nền kinh tế các nước Đông Nam Á đang chuyển dịch theo hướng hiện đại hóa, biểu hiện ở:

A. Đóng góp lớn cho GDP chủ yếu là dịch vụ.

B. Kinh tế nông nghiệp ngày càng có vai trò nhỏ dần.

C. Từ kinh tế nông nghiệp chuyển sang kinh tế công nghiệp.

D. Từ kinh tế nông nghiệp chuyển sang kinh tế công nghiệp, dịch vụ.

2. Lúa gạo được trồng nhiều ở:

A. Các đồng bằng phù sa châu thổ của Đông Nam Á lục địa.

B. Nơi có đất đai màu mỡ, đủ nước tưới của Đông Nam Á hải đảo.

C. Trên các vùng thung lũng núi của cả Đông Nam Á lục địa và hải đảo.

D. Câu A + B đúng.

3. Cây cà phê được trồng nhiều nhất ở nước:

A. Ma-lai-xi-a.

B. Thái Lan.

C. Việt Nam.

D. In-đô-nê-xi-a.

4. Hồ tiêu không được trồng nhiều ở nước:

A. In-đô-nê-xi-a.

B. Ma-lai-xi-a.

C. Phi-líp-pin.

D. Thái Lan.

5. Mục đích chủ yếu của việc trồng cây lấy dầu, lấy sợi ở Đông Nam Á là nhằm:

A. Phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới.

B. Cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp.

C. Xuất khẩu thu ngoại tệ.

D. Phá thể độc canh trong nông nghiệp.

6. Nước có sản lượng đánh bắt cá hàng năm lớn nhất là:

A. Thái Lan.

B. Phi-lip-pin.

C. Việt Nam.

D. In-đô-nê-xi-a.

7. Ngành nào sau đây trong những năm gần đây tăng nhanh và ngày càng trở thành thế mạnh của các nước trong khu vực?

A. Công nghiệp chế biến và lắp ráp ô tô, xe máy, thiết bị điện tử.

B. Công nghiệp dệt may, giày da.

C. Công nghiệp khai thác than và khoáng sản kim loại.

D. Các ngành tiểu thủ công nghiệp sản xuất sản phẩm phục vụ xuất khẩu.

8. Điểm nào sau đây không đúng với ngành dịch vụ của các nước Đông Nam Á?

A. Hệ thống giao thông được mở rộng và tăng thêm.

B. Thông tin liên lạc được cải thiện và nâng cấp.

C. Hệ thống ngân hàng, tín dụng được phát triển và hiện đại.

D. Dịch vụ phát triển khá đều giữa các nước trong khu vực.

9. Nước có điện năng bình quân theo đầu người cao nhất là :

A. Xin-ga-po.                              B. Căm-pu-chia.

C. Việt Nam.                              D. Thái Lan.

TIẾT 3. HIỆP HỘI CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á (ASEAN)

1. Nước gia nhập ASEAN vào năm 1995 là:

A. Bru-nây.                             B. Việt Nam.

C. Mi-an-ma.                          D. Lào.

2. Mục tiêu tổng quát của ASEAN là:

A. Đoàn kết và hợp tác vì một ASEAN hòa bình, ổn định và cùng phát triển.

B. Thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và tiến bộ xã hội của các nước thành viên.

C. Xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực hòa bình, ổn định, có nền kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển.

D. Giải quyết những khác biệt trong nội bộ liên quan đến quan hệ giữa ASEAN với các nước, khối nước, tổ chức quốc tế khác.

3. Thành tựu của ASEAN có ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt chính trị là:

A. Nhiều đô thị của một số nước đã tiến kịp trình độ của các nước tiên tiến.

B. Tạo dựng được môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực.

C. Hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển theo hướng hiện đại hóa.

D. Đời sống nhân dân được cải thiện.

4. Biểu hiện nào sau đây chứng tỏ trình độ phát triển của ASEAN còn chưa đồng đều?

A. Đô thị hoá khác nhau giữa các quốc gia.

B. Việc sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường ở nhiều quốc gia  chưa hợp lí.

C. GDP của một số nước rất cao, trong khi nhiều nước còn thấp.

D. Số hộ đói nghèo giữa các quốc gia khác nhau.

5. Nhân tố nào sau đây đã ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư của các nước Đông Nam Á?

A. Đói nghèo.

B. Thất nghiệp, thiếu việc làm.

C. Ô nhiễm môi trường.

D. Mất ổn định do vấn đề dân tộc, tôn giáo.

TIẾT 4. THỰC HÀNH
TÌM HIỂU VỀ HOẠT ĐỘNG KINH TẾ ĐỐI NGOẠI
CỦA ĐÔNG NAM Á

I. MỨC ĐỘ CẦN ĐẠT ĐƯỢC

– Kiến thức: Phân tích được một số chỉ tiêu kinh tế (về du lịch và xuất khẩu) của một số quốc gia, của khu vực Đông Nam Á so với một số khu vực của châu Á.

– Kĩ năng: Vẽ biểu đồ, tính toán, nhận xét biểu đồ.

II. GỢI Ý NỘI DUNG THỰC HÀNH

1. Hoạt động du lịch

– Vẽ biểu đồ cột thể hiện số khách du lịch quốc tế đến và chi tiêu của khách du lịch ở một số khu vực châu Á, năm 2003. Trục tung bên trái thể hiện số khách du lịch đến (nghìn lượt người), trục tung bên phải thể hiện chi tiêu của khách du lịch (triệu USD).

– Tính mức chi tiêu bình quân của mỗi lượt khách du lịch

CHI TIÊU BÌNH QUÂN MỖI LƯỢT KHÁCH DU LỊCH
(USD/LƯỢT KHÁCH).

Khu vực Đông Á Đông Nam Á Tây Nam Á
Mức chi tiêu 1050 477,2 445

 – So sánh về số khách và chi tiêu của khách

+ Khu vực Đông Nam Á có số khách du lịch đến thấp nhất với 38,468 triệu lượt người, khách đến Tây Narn Á đạt 41,394 triệu lượt, khách đến Đông Á 67,230 triệu lượt, Nếu xem số khách đến Đông Nam Á là 100%, thì số khách đến Tây Nam Á đạt 107,6% và số khách đến Đông Á đạt 174,6%.

+ Khu vực Đông Nam Á có mức chi tiêu bình quân 477,2 USD/khách; mức chi tiêu của khách ở Tây Nam Á kém hơn với 445 USD/khách; mức chi tiêu của khách đến Đông Á khá hơn, 1050 USD/khách. Nếu xem mức chi tiêu của một lượt khách đến Đông Nam Á là 100%, thì ở Tây Nam Á đạt 93,3% và ở Đông Á đạt 220%.

2. Tình hình xuất, nhập khẩu của Đông Nam Á

Biểu đồ hình 11.9 cho thấy, cán cân thương mại trong giai đoạn 1990 – 2004 của một số nước Đông Nam Á có sự chênh lệch lớn:

– Xin-ga-po: năm 1990, cán cân thương mại âm (nhập siêu). Năm 2000 và 2004, cán cân thương mại đạt giá trị dương (xuất siêu). Năm 2004, cán cân thương mại lớn hơn năm 2000.

– Thái Lan: năm 1990 cán cân thương mại âm (nhập siêu). Năm 2000 và 2004, cán cân thương mại dương (xuất siêu), nhưng giá trị xuất siêu không lớn.

– Việt Nam: năm 1990, giá trị xuất nhập, nhập khẩu không đáng kể. Năm 2000 và 2004, giá trị xuất, nhập khẩu có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong nhóm, nhưng cán cân thương mại luôn ở tình trạng xuất siêu, mặc dù năm 2000, xuất và nhập khẩu có xu hướng cân bằng.

– Mi-an-ma: năm 1990 và 2004, cán cân thương mại tuy dương, nhưng tốc độ tăng trưởng chậm, giá trị xuất nhập khẩu quá nhỏ bé.

ĐÁP ÁN CÂU TRẮC NGHIỆM

Tiết 1. Tự nhiên, dân cư và xã hội. 

Câu 1A, Câu 2B, Câu 3A, Câu 4B, Câu 5D, Câu 6B.

Tiết 2. Kinh tế.

Câu 1D, Câu 2D, Câu 3C, Câu 4B, Câu 5C, Câu 6D,

Câu 7A, Câu 8D, Câu 9A.

Tiết 3. Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).

Câu 1B, Câu 2A, Câu 3B, Câu 4C, Câu 5D.

Nguồn website giaibai5s.com

B. Địa lí khu vực và quốc gia-Bài 11. Khu vực Đông Nam Á
Đánh giá bài viết