1, Khi nói về những nhân vật tài năng xuất chúng, các truyện cổ dân gian thường giải thích nguồn gốc ra đời của họ bằng những chi tiết kì lạ hoang đường. Họ khác thường ngay từ khi mới chào đời. Nhưng giữa chuyện người mẹ Sọ Dừa uống nước mưa và người mẹ của Gióng giẫm vào vết chân lạ có những điểm khác nhau: khi giẫm vào vết chân lạ hay mơ thấy rồng ấp, Tiên, Bụt đầu thai đứa con thường đẹp đẽ, trong khi đó, Sọ Dừa lại mang lột vật (không chân không tay, tròn lông lốc như một quả dừa).  Những chi tiết kì lạ nói về sự ra đời của Sọ Dừa có những ý nghĩa sau:

– Đây là loại hình nhân vật xấu xí (mà tài ba) khá phổ biến trong truyện cổ tích dân gian Việt Nam và các nước.

– Nhân vật chính thuộc mô-típ nhân vật mồ côi bất hạnh. Những nhân vật này thường gợi lên những số phận kém may mắn, cần đến sự cảm thông, chia sẻ của mọi người.

– Mở ra tình huống truyện và tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của câu chuyện.

2, Trước khi lấy vợ, tài năng của Sọ Dừa được bộc lộ qua hai tình huống cơ bản sau:

– Tình huống xin chăn bò: Phú ông ngần ngại vì một thằng bé không ra người không ra ngợm ấy, chăn dắt làm sao? Nhưng cậu bé không những chặn được bò mà còn chăn rất giỏi. Sọ Dừa hoàn toàn tin vào khả năng của mình. Phía sau lốt vật là một con người có khả năng lao động và lao động một cách hiệu quả.

– Tình huống đòi lễ vật của phú ông: Phú ông đòi lễ vật bằng thái độ mỉa mai. Thực chất đây là một hình thức từ chối vì phú ông nghĩ mẹ con Sọ Dừa làm sao có thể đáp ứng được yêu cầu một chĩnh càng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười mò rượu tăm. Ngay cả mẹ Sọ Dừa cũng nghĩ Sọ Dừa sẽ thôi hẳn việc đòi lấy vợ vì hai mẹ con quá nghèo, Nhưng thử thách này không có nghĩa lí gì so với tài năng kì lạ của Sọ Dừa. Thậm chí, sính lễ của chàng còn phong phú đến mức làm phú ông hoa cả mắt. Sọ Dừa đã hóa giải thành công điều tưởng như không thể làm được.

3, Không chỉ có tài lạ, Sọ Dừa còn thông minh xuất chúng. Điều đó được bộc lộ qua việc chàng thi một lần là đỗ trạng nguyên. Tài năng và sự thông minh của chàng còn thể hiện ở khả năng tiên tri khi dặn vợ đề phòng tai họa. Những thứ mà Sọ Dừa đưa cho vợ không phải là những thứ “vu vơ” mà nó hết sức thiết yếu cho cuộc sống khi bị hãm hại (hòn đá gây lửa để chống lại sự lạnh lẽo và nấu thức ăn, con dao để đề phòng thú dữ và để thoát hiểm, hai quả trứng để gây dựng cuộc sống, chờ đợi ngày đoàn tụ, là dấu hiệu để các nhân vật – gặp lại, thường thấy trong truyện cổ tích, chẳng hạn như miếng trầu têm cánh phượng trong truyện Tấm Cám,…).

4, Là nhân vật phụ nhưng cô út là nhân vật đẹp đẽ, để lại những ấn tượng sâu sắc:

– Trước hết, đó là cô gái giàu lòng nhân hậu (trong khi hai cô chị khinh ghét Sọ Dừa thì cô út lại cảm thông, đối đãi tử tế).

– “Khen cho con mắt tinh đời”: Bằng tấm lòng nhân hậu, cô út nhìn thấy vẻ đẹp và tài năng của Sọ Dừa trong khi chưa một ai nhận ra.

– Giàu bản lĩnh, nghị lực và vững tin vào tình yêu bằng lòng thủy chung son sắt (cảnh cô út một mình trên đảo). | 5. Ý nghĩa truyện Sọ Dừa:

– Đề cao lòng nhân ái đối với những số phận bất hạnh.

– Ca ngợi vẻ đẹp bên trong của con người theo quan niệm: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, Cái nết đánh chết cái đẹp.

– Thể hiện tinh thần lạc quan và mơ ước về lẽ công bằng.

– Thể hiện niềm tin, trong cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, phần thắng cuối cùng sẽ thuộc về cái thiện.

Phân tích truyện Sọ Dừa
Đánh giá bài viết