HƯỚNG DẪN 

I. TÁC GIẢ

Phan Bội Châu (1867 – 1940) tên thuở nhỏ là Phan Văn San, hiệu là Hải Thụ sau này khi đi thi ông mới đổi lên là Phan Bội Châu, lúc ra nước ngoài ông thường dùng tên hiệu là Sào Nam Tử, Thị Hán. Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo tại thôn Đan Nhiệm (Sào Nam), xã Đông Liệt, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cụ thân sinh làm thầy đồ dạy chữ Hán. Bà mẹ, người phụ nữ rất mực hiền hậu đã dạy cho con học thuộc nhiều bài thơ trong Kinh Thi. Lúc nhỏ Phan Bội Châu nổi tiếng là thần đồng, 6 tuổi theo cha đi học, và chỉ trong ba ngày đã học thuộc hết Tam tự kinh, 8 tuổi đã làm thông thạo các thể văn cử tử, 13 tuổi đỗ đầu huyện, 16 tuổi đỗ đầu xứ.

– Phan Bội Châu là một thanh niên học giỏi, có hiếu, sống gần gũi với cuộc sống của người dân lao động. Điểm đặc sắc nhất ở ông là sớm có tinh thần yêu nước. Từ 9 tuổi, Phan Bội Châu đã được tắm mình trong phong trào Bình Tây sôi nổi nổ ra ở xứ Nghệ. 17 tuổi, được tin ở Bắc Kì nghĩa binh nổi dậy như ong Phan Bội Châu đã nửa đêm khêu đèn thảo bài hịch Bình Tây thu Bắc dán ở gốc đa đầu làng để kêu gọi mọi người hưởng ứng phong trào Cần Vương. Phan Bội Châu là người vận động thành lập Duy Tân hội (1904). khởi xướng phong trào Đông du (1905 – 1908), sáng lập viên của Việt Nam Quang phục hội (1912)… Ông chính là người đã thắp sáng những ước mơ, khát vọng, người khổng lồ muốn vươn mình Nắm địa cầu vừa một tí con con – Đạp toang hai cánh càn khôn – Đem xuân sẽ lại trong non nước nhà.

– Năm 1925, thực dân Pháp bắt được ông ở Thượng Hải (Trung Quốc) và định đem về nước thủ tiêu ông một cách bí mật. Việc bại lộ, chúng phải đưa ông ra xét xử công khai. Trước sự đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng nhân dân, kẻ thù đành phải xóa án khổ sai chung thân cho Phan Bội Châu và bắt ông về giam lỏng ở Huế. Ông mất tại đây năm 1940. Sự nghiệp cứu nước của Phan Bội Châu tuy không thành nhưng tấm lòng yêu nước thiết tha nồng cháy của ông còn mãi với muôn đời.

II. TÁC PHẨM

1. Hoàn cảnh sáng tác bài thơ

Năm 1905, sau khi được thành lập, Hội Duy Tân chủ trương phong trào Đông Du, đưa những thanh niên ưu tú sang Nhật Bản học tập, nhằm chuẩn bị lực lượng cho cách mạng sau này, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của các thế lực bên ngoài. Phan Bội Châu sang Nhật để lãnh đạo phong trào ấy. Bài thơ Xuất dương lưu biệt được sáng tác trong buổi chia tay giữa Phan Bội Châu và các đồng chí để lên đường sang Nhật. Đây là sáng tác khởi đầu của một giai đoạn hoạt động cách mạng khá thành công và đầy hào hứng của tác giả.

2. Giá trị nội dung và

a) Quan niệm về chí làm trai

– 2 câu thơ đầu: Sinh vi nam tử yếu hi kì – Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di khẳng định một lẽ sống đẹp, một cảm hứng, một ý tưởng thật lớn lao, mãnh liệt. Hai từ hi kì (hiếm, lạ, khác thường) dùng để nói về tính chất lớn lao, trọng đại, Kì vĩ của công việc mà kẻ làm trai phải gánh vác. Với Phan Bội Châu, đã làm trai là phải làm nên chuyện lạ, phải biết sống phi thường, hiển hách, phải dám mưu đồ những việc kinh thiên động địa, xoay chuyển càn khôn chứ không thể sống tầm thường, tẻ nhạt, buông xuôi theo số phận, chịu để con tạo xoay vần. Thực ra, vấn đề chí làm trai không phải đến Phan Bội Châu mới được đề cập mà trước đó đã là cảm hứng của nhiều bài thơ đầy hùng tâm như: Thuật hoài (Phạm Ngũ Lão), Chí làm trai (Nguyễn Công Trứ)… Quan niệm về chí làm trai của Phan Bội Châu cơ bản vẫn nằm trong ý thức hệ Nho gia. Nó là sự tiếp nối khát vọng sống mãnh liệt: Giang sơn còn tô vẽ mặt nam nhi – Sinh thời thế phải xoay nên thời thế (Chơi xuân – Phan Bội Châu) và gần gũi với lí tưởng nhân sinh của các nhà Nho thuở trước: Công danh nam tử còn vương nợ (Phạm Ngũ Lão), Chí làm trai nam, bắc, tay, động – Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn biển (Nguyễn Công Trứ) nhưng táo bạo và quyết liệt hơn. Bởi vậy Nguyễn Công Trứ mới vẫy vùng cho phỉ sức trong bốn biển còn Phan Bội Châu thì dám đối mặt với cả đất trời (càn, khôn) để tự khẳng định mình.

– Câu thơ 3 và 4 tiếp tục phát triển tứ thơ đã nêu ở hai câu đề khi Phan Bội Châu giải quyết mối quan hệ giữa Chí làm trai với ý thức về cái tôi.

Cái tôi ở đây không phải là cái lôi hưởng thụ mà là cái tôi đầy trách nhiệm, cái tôi cống hiến, đóng góp để khẳng định vị trí của mình trong xã hội, trước lịch sử Phan Bội Châu khẳng định: cuộc thế trăm năm này cần phải có ta, không phải để hưởng lạc mà là để cống hiến cho đời, đễ đáng mặt nam nhi, lưu danh thiên cố. – Giữa bối cảnh đất nước tối tăm đầu thế kỉ XX, có được một ý thức về cái Tôi như thế quả là cứng cỏi và đẹp đẽ vô cùng, cũng như có được một ý thức lưu danh thiên cổ bằng việc cứu nước thật là cần thiết và cao cả. Trong 2 câu thơ thì câu thứ nhất là sự khẳng định. Câu thứ hai diễn đạt theo kiểu nghi vấn nhưng thực chất cũng là để khẳng định. Sự khẳng định này càng làm tăng thêm ý thức trách nhiệm, sự cứng cỏi đầy khí phách của nhà thơ. Câu thơ tự hỏi mình, nhưng chính là giục giã, chính là sự thức tỉnh mọi người.

b) Tinh thần quyết liệt và tình cảm đau đớn của Phan Bội Châu trước thực trạng đất nước

Nỗi nhục mất nước: non sông đã chết chính là nỗi xót đau đốt cháy tâm can nhà thơ và ông quyết không cam chịu sống cuộc đời nô lệ sống thêm nhục. Vốn là người gắn bó với cửa Khổng sân Trình nhưng Phan Bội Châu đã dám đối mặt với cả nền học vấn cũ để nhận thức một chân lí mới: sách vở thánh hiền chẳng giúp ích được gì trong buổi nước mất nhà tan này. Câu thơ với những từ đầy cảm hứng phủ định thật quyết liệt và gây ấn tượng mạnh, thể hiện được cá tính của một con người ưa hành động, tràn đầy nhiệt huyết. Lời thơ ngắn gọn mà ý tứ sâu sắc, dứt khoát, táo bạo, có ý nghĩa tiên phong đối với thời đại. Thái độ của Phan Bội Châu đối với nền học vấn cũ là thái độ chối bỏ đầy tinh thần cách mạng. Phan Bội Châu nhìn thấy sự vô ích của kiểu học cũ trước những đòi hỏi mới của đất nước và kêu gọi sự thức thời, tinh thần hành động vì sự nghiệp cách mạng. Có được ý tưởng này chính bởi nhờ có tinh thần dân tộc cao độ, nhờ có nhiệt huyết cứu nước, nhờ có luồng ánh sáng mới về ý thức hệ mà Phan Bội Châu đã đón nhận được từ phong trào Tân thư vào những năm đầu thế kỉ.

c) Tư thế ra đi tìm con đường đi mới cho lịch sử đất nước

Câu thơ: Muốn vượt bể Đông theo cánh gió đã thể hiện tất cả sự hăm hở, tự tin và đầy quyết tâm được thoả chí bình sinh của nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu. Các hình ảnh ở hai câu thơ 7, 8 hết sức lớn lao, kì vĩ: bể Đông, cánh gió, muôn trùng, sóng bạc tất cả như hoà nhập với con người trong tư thế bay lên. Ý thơ hào hùng, không khép lại mà mở rộng với tứ thơ thật lãng mạn: thiên trùng bạch lãng nhất tề phi tô đậm cảm hứng khoáng đạt, tư thế hào hùng, đặc biệt là niềm lạc quan – nét tâm lí vĩ đại (Đặng Thai Mai) của người ra đi.

ĐỀ 185: Giá trị nội dung của bài thơ Lưu biệt khi xuất dương (Xuất dương lưu biệt – Phan Bội Châu).
Đánh giá bài viết