HƯỚNG DẪN 

I. TÁC GIẢ PHAN BỘI CHÂU

1. Sinh năm 1867, Phan Bội Châu thuộc lớp người sinh ra và lớn lên khi nhà tan nước mất, dân tộc sống trong cảnh “vong quốc nô”, cuộc chiến đấu dưới ngọn cờ Cần Vương dần thất bại, các cuộc khởi nghĩa kháng Pháp lần lượt bị dẹp tan. Phan Bội Châu đã từng hưởng ứng chiếu Cần Vương. Nhưng rồi ông, cũng như nhiều người cùng thế hệ, hiểu rằng muốn cứu nước, không thể tiếp tục đi theo đường lối cũ. 

2. Phan Bội Châu vốn là một nhà Nho nổi danh, được giáo dục theo nề nếp của “cửa Khổng sân Trình”. Nhưng lòng yêu nước cháy bỏng và chí cứu nước sục sôi đã khiến ông vượt qua vòng ảnh hưởng và sự trói buộc của hệ tư tưởng phong kiến, tiếp nhận ý thức cách mạng dân chủ tư sản, và đến tận cuối đời luôn hô hào đổi mới.

Tên tuổi Phan Bội Châu gắn liền với Hội Duy Tân và Phong trào Đông Du (vượt biển sang phía Đông, đến với Nhật Bản để học tập kinh nghiệm và tìm sự chi viện của nước Nhật đối với công cuộc đánh đuổi bọn thực dân Pháp, giải phóng Việt Nam). Sau đó, Phan Bội Châu còn tiếp tục thành lập thêm nhiều tổ chức yêu nước và cách mạng khác.

3. Phan Bội Châu không phải là người thành công trong sự nghiệp. Ông đã không đạt được mục đích phục quốc, để cứu nhân dân khỏi cảnh lầm than. Nhưng lòng yêu nước, chí cứu nước, sự tận tụy, bôn ba vì đất nước, không nề gian khổ hi sinh của ông là một tấm gương chói sáng. Vì thế, trong mấy chục năm đầu thế kỉ XX, Phan Bội Châu thuộc vào số ít người có tầm ảnh hưởng lớn nhất và được kính trọng nhất trên đất nước ta.

4. Phan Bội Châu từng coi việc lập thân bằng văn chương là thấp kém. Song thực tế hoạt động yêu nước và cách mạng đã giúp ông nhận ra sức mạnh của nghệ thuật. Vì thế, Phan Bội Châu đã sáng tác rất nhiều tác phẩm, thuộc nhiều thể loại, thơ và văn, tiểu thuyết lịch sử và hồi kí…, bằng cả chữ Nôm và chữ Hán, để trở thành một nhà văn vào hàng lớn nhất trong thời đại của mình.

Tác phẩm của Phan Bội Châu là những công trình sáng tạo của một người mà tài năng đã nức tiếng từ thuở còn rất trẻ. Song, góp phần lớn nhất trong việc làm nên giá trị vẫn chương của Phan Bội Châu vẫn là tâm hồn ông, một tâm hồn yêu nước vĩ đại, thống thiết, chứa đựng một bầu máu nóng có thể làm khô cạn cả bể Đông. Văn chương Phan Bội Châu chính là những dòng huyết lệ (máu và nước mắt) ứa ra từ con tim đang quặn lên nỗi đau mất nước. Vì vậy mà những áng văn thơ của ông, dù được viết để kêu gọi, tuyên truyền, hay chỉ để trút niềm tâm sự, đều có sức lay động mãnh liệt hiếm có đối với lòng người thời ấy và cả bây giờ. 

II. BÀI THƠ LƯU BIỆT KHI XUẤT DƯƠNG

1. Bài thơ gắn liền với một sự kiện diễn ra vào năm 1905: Phong trào Đông Du, cuộc ra đi tìm một con đường cứu nước mới, để thay cho (sự nghiệp Cần Vương đang chìm vào thất bại. Nếu có thể coi cuộc Đông Du là sự mở ra một bước ngoặt mới cho phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam thì cũng có thể coi Lưu biệt khi xuất dương là sự mở ra một trang thơ mới mẻ cho nền văn học Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX.

Nhan đề của bài thơ cho thấy Lưu biệt khi xuất dương là lời tâm huyết mà người xuất dương gửi lại trước khi vượt biển ra đi đến một chân trời mới. Nhưng khác với các tác phẩm thi ca cũng mang đề tài chia li như Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng hay Chinh phụ ngâm trước đó, Lưu biệt khi xuất dương không phải là lời người ở lại, cũng không có hình ảnh người ở lại. Tràn ngập trong bài thơ chỉ là cảm xúc, là tâm huyết của kẻ ra đi.

3. Nửa đầu của Lưu biệt khi xuất dương dành để nói lên quan niệm của người vượt biển về lí tưởng làm trai. Theo đó:

a) Đã sinh ra là một người trai thì phải sống sao cho kì lạ, cho hiếm thấy ở trên đời. Nhưng đó không phải là sự khác đời của một tay ngất ngưởng hay một khách văn nhân, tài nghệ được ghi vào sử xanh hoặc chịu mối “kì oan” của kẻ phong tình tao nhã. Với Phan Bội Châu, đấng nam nhi phải là một bậc anh hùng, tầm vóc của tinh thần có thể sánh ngang cùng trời đất; và vì thế, mới có thể tác động vào lịch sử, can thiệp vào sự xoay chuyển của càn khôn. Con người trong hai câu đầu hiện lên lồng lộng, như bao trùm cả không gian.

b) Người đáng mặt làm trai còn phải làm cho danh tiếng của mình còn mãi với thời gian. Anh ta không có quyền sống vô ích, tầm thường, để rồi bị chìm trong quên lãng, mục nát với cỏ cây. Trái lại, anh ta phải khẳng định được sự không thể thiếu vắng mình trong cuộc sống, để được đời biết tới, cần tới, trong khoảng thời gian trăm năm của một cõi người. Nhưng đó chưa phải là điểm tận cùng của niềm khao khát. Câu thứ tư như muốn gửi lại đến muôn đời sau một nỗi băn khoăn, không phải của một con người bé nhỏ bất hạnh, mà của một bậc hào kiệt, trượng phu, mang trong mình một lí tưởng anh hùng vĩ đại, muốn mình hữu ích cho cả nghìn năm, để nghìn năm sau, người đời còn phải nhớ đến và nhắc đến..

4. Tuy nhiên, giá trị và vẻ đẹp của Lưu biệt khi xuất dương vẫn tập trung nhiều hơn ở nửa sau, khi nhà thơ từ lí tưởng chung, trở về thời đại của mình.

a) Câu thơ thứ năm mở đầu bằng một lời nói thẳng thắn đến nghiệt ngã về một sự thật quá đớn đau: đất nước đã chết rồi. Người anh hùng được đặt trong hoàn cảnh đầy bi kịch. Hai chữ chết và sống, tử và sinh được đặt cạnh nhau, như một sự đối lập không nhân nhượng, không thể dung hoà. Tổ quốc đã chết, con người yêu nước biết làm sao cho khỏi sống thừa, khi cuộc sống chỉ là tủi hờn, nhục nhã?

Câu thơ thứ sáu nói đến một cái chết khác, tàn nhẫn, xót đau không kém: cái chết của một đạo học, cái chết của một niềm tin, khi con người đã nhận ra, trong đời này, hiền thánh đang vắng bóng. Đạo thánh hiền đã trở nên vô dụng trong thực tại, và do đó, việc tụng niệm sách thánh hiền chỉ là một sự ngu si. Hình như Phan Bội Châu là người đầu tiên dám nói ra một cách công khai những lời dứt bỏ đối với một nền tảng tư tưởng, mà cha ông trong suốt hàng nghìn năm trước, vẫn coi là thiên kinh địa nghĩa, là chân lí không thể đổi thay.

b) Nhưng cảm giác chua xót không thể làm gục ngã bậc nam nhi. Bài thơ có nói đến hai cái chết, nhưng lại kết thúc trong cảm hứng vô tận về sự sống. Vẻ đẹp lãng mạn của biển khơi trong buổi xuất dương, cuối cùng, vẫn vượt lên như dự báo viễn cảnh chiến thắng hiện thực tăm tối hôm nay. Hai câu kết của bài thơ là sự hoà quyện tuyệt vời giữa hai nét đẹp hùng tráng, kì vĩ, lạc quan của thiên nhiên và của con người: chí khí của kẻ làm trai như đang đuổi theo cánh trường phong (gió dài) để vượt qua đại dương rộng lớn và tung bay cùng sóng bạc muôn trùng… Hình ảnh con người, một lần nữa, lại nổi bật lên, trong tư thế sánh ngang cùng vũ trụ. 

Lưu biệt khi xuất dương là bản hùng ca lãng mạn, được nhà cách mạng Phan Bội Châu làm nên bằng nhiệt tình yêu nước chứa chan; ý chí cứu nước son sắt; niềm tin không thể chuyển lay vào bản thân mình, lí tưởng làm người của mình, và con đường cứu nước mới mẻ mà mình đã chọn.

ĐỀ 184: Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương (Xuất dương lưu biệt – Phan Bội Châu).
Đánh giá bài viết