* Hướng dẫn kể chuyện

Đề bài: Hãy kể lại một câu chuyện em đã nghe hoặc đã đọc nói về truyền thống hiếu học hoặc truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

       Kể một câu chuyện nói về truyền thống hiếu học

   Hiếu học vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Từ xưa đến nay có rất nhiều tấm gương hiếu học được lan truyền trong nước, một trong những người biết khắc phục mọi khó khăn để học thành tài đó là Mạc Đĩnh Chi

   Mạc Đĩnh Chi con nhà nghèo, người đen đủi, xấu xí. Tuy còn nhỏ, nhưng ngày nào cậu bé cũng vào rừng kiếm củi giúp đỡ cha mẹ.

   Gần nhà Mạc Đĩnh Chi có một trường học, các bạn trong làng đến học đông vui. Không có tiền ăn học nhưng cậu bé rất thèm được học. Mỗi lần gánh củi qua trường, cậu lại ngấp nghé học lỏm.

   Nhiều ngày như vậy, thấy cậu bé nhà nghèo mà hiếu học, thầy đồ cho phép cậu bé vào trường. Nhờ có trí thông minh, Mạc Đĩnh Chi nhanh chóng trở thành học trò giỏi nhất trường. Buổi tối, Mạc Đĩnh Chi mới có thì giờ đọc sách, vì ban ngày cậu còn phải làm việc khác. Nhưng lại không có dầu thắp, cậu bé đã nghĩ ra cách bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng lấy ánh sáng làm đèn.

   Miệt mài học tập với ngọn đèn đom đóm ấy, chẳng bao lâu, Mạc Đĩnh Chi trở thành người học rộng, tài cao, thi đỗ trạng nguyên khoa thi năm 1304). Nhưng vì nhà vua thấy ông nhà nghèo lại xấu xí, có ý không muốn cho ông đỗ đầu, buộc ông phải làm một bài văn để thử tài.

   Mạc Đĩnh Chi làm ngay bài phú lấy tên là “Bông sen trong giếng ngọc” để tỏ rõ chí hướng và tài năng của mình. Bài phú rất hay, hay đến nỗi vua Trần phải phong cho ông một chức quan trong triều. Với lòng yêu nước thương dân, ông đã làm nhiều việc lớn cho đất nước.

   Câu chuyện tôi vừa kể nhằm ca ngợi gương hiếu học của Mạc Đĩnh Chi, danh nhân nổi tiếng nước ta đời Trần, quê ở Nam Sách, Hải Dương, người biết khắc phục mọi khó khăn để học và học thành tài.

        Kể một câu chuyện về tinh thần đoàn kết

   Từ xa xưa, nhân dân ta đã coi trọng tinh thần đoàn kết. Đoàn kết để sống, để tồn tại và vượt qua mọi thử thách to lớn trong cuộc đời. Đoàn kết đã trở thành niềm tin và đạo lí của nhân dân ta từ bao đời nay. Chính vì thế, ông bà cha mẹ luôn nhắc nhở con cháu ghi nhớ câu tục ngữ:

              “Một cây làm chẳng nên non

          Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.”

   Câu chuyện tôi kể các bạn nghe nói về tinh thần đoàn kết của sáu người tài và đó cũng là tên câu chuyện tôi kể ngày hôm nay. Câu chuyện được bắt đầu như sau:

   Xưa có một anh chàng nghề gì cũng giỏi. Khi ra trận thì chiến đấu anh dũng. Hết thời chinh chiến, anh bị thải về, được phát có ba đồng tiền làm lộ phí. Anh nghĩ bụng: “Ta không chịu để yên thế đâu! Ta mà gặp được người tri kỉ thì nhà vua sẽ phải cho ta tất cả của cải trong nước.”

   Anh đi về phía rừng, lòng đầy căm phẫn. Bỗng anh thấy một người lấy tay nhổ sáu cây to như nhổ sáu ngọn cỏ vậy.

   Anh bèn hỏi:

– Cậu có muốn làm đồ đệ của ta không?

   Người kia đáp:

– Có, nhưng tôi phải đem bó củi nhỏ này về cho mẹ tôi đã.

   Thế rồi người kiếm củi bỏ các cây kia thành bó, xốc lên vai, mang về. Lát sau người đó trở lại theo anh lính. 

   Anh lính bảo:

– Hai ta góp sức lại thì làm gì cũng thành công. 

   Đi một lát, họ trông thấy một người đi săn đang quỳ, cầm súng ngắm bắn.

   Anh lính hỏi:

– Bác đi săn ơi, bác ngắm gì thế? Người đi săn đáp:

– Cách đây hai dặm, tôi trông thấy một con ruồi đậu trên cành sồi, tôi muốn bắn cho nó thủng mắt bên trái.

Anh lính nói:

– Ô bác đi với chúng tôi, ba ta hợp sức lại thì làm gì cũng thành công.

   Bác đi săn đồng ý đi theo. Ba người đến trước nhà xay bột chạy bằng sức gió. Cánh quạt quay tít mà quanh đó không có tí gió nào, cũng không hề thấy chiếc lá nào rung rinh.

   Anh lính nói:

– Không có tí gió nào mà cánh cối xay quay được là nghĩa làm sao?

   Ba người đi một đoạn thì thấy một người ngồi trên cây bịt một lỗ mũi, thở bằng lỗ kia.

   Anh lính hỏi:

– Này, cậu làm gì trên đó?

   Người kia đáp:

– Cách đây hai dặm, có cối xay gió. Nhìn đây, tôi thở cho nó quay đây.

– Cậu đi với tôi đi. Bốn chúng ta góp sức lại thì việc gì cũng thành công.

   Người thổi gió đi theo ba người kia. Được một lúc, bốn người gặp một anh đứng bằng một chân vì đã tháo bớt một chân để bên mình.

   Anh lính hỏi:

– Cậu tháo bớt một chân để nghỉ cho thoải mái ư?

   Người kia đáp:

– Tôi là chân chạy, khi tôi để hai chân thì đi nhanh hơn chim bay, nên tôi đã tháo bớt một chân để khỏi đi nhanh quá.

– Cậu đi với bọn mình đi. Cả năm chúng ta góp sức lại thì việc gì cũng thành công.

   Họ lên đường, lát sau họ gặp một người chụp một chiếc mũ kín cả một bên tai.

   Anh lính nói:

– Đội mũ thì đội cho tử tế chứ, đừng đội lệch sang một bên trông hề lắm.

   Người kia đáp:

– Tôi không dám làm thế đâu. Nếu tôi đội mũ thẳng thắn thì trời sẽ rét như cắt, chim đang bay trên trời cũng sẽ chết cóng.

   Anh lính nói:

– Cậu đi với bọn mình. Cả sáu người góp sức thì làm việc gì cũng thành công.

   Sáu người đến thành phố. Ở đó nhà vua đã ra chiếu chỉ ai chạy thi với công chúa mà thắng thì được là phò mã. Nhưng nếu thua sẽ mất đầu.

   Anh lính bèn xin chạy thi và nói:

– Muôn tâu thánh thượng, kẻ ngu đần này xin cho một môn hạ ra chạy thay. .

   Nhà vua đồng ý. Anh lính bảo anh chạy nhanh lắp chân kia vào và dặn:

– Cậu cố chạy cho nhanh để chúng ta thắng nhé.

   Điều lệ chạy thi quy định ai lấy được nước ở một cái giếng rất xa về trước là thắng cuộc. Anh chạy nhanh và công chúa mỗi người cầm một cái bình và cùng khởi hành. Trong nháy mắt, anh đã chạy xa tít mù tắp, lấy một cái bình nước đầy và trở về. Giữa đường thấy người mệt, anh đặt bình xuống và lăn ra ngủ. Anh gối đầu lên một cái sọ dừa để không thể ngủ được lâu.

   Khi công chúa lấy nước về ngang qua thấy anh chàng đang ngủ bèn đổ bình nước của anh đi và tiếp tục chạy về đích.

   Người đi săn tinh mắt đứng ở trên đỉnh lâu đài trông rõ bèn nạp đạn vào súng bắn vỡ cái sọ dừa làm cho anh chạy nhanh thức giấc. Thấy bình nước của mình hết nước và công chúa đã chạy gần về đích, anh không nản lòng, xách bình chạy lộn lại giếng lấy nước rồi phóng như bay về đích trước công chúa.

   Vua và công chúa thấy người lính giải ngũ tầm thường lại thắng cuộc thi thì tức lắm, liền tìm cách hãm hại anh cùng đồ đệ. Vua bảo anh lính và đồ đệ: 

– Các anh phải ăn uống cho thỏa chí đã.

   Vua dẫn họ vào một cái phòng, sàn bằng sắt, cửa bằng sắt, ở đó có rất nhiều món ăn ngon. Khi họ đã vào phòng, vua sai khóa cửa lại rồi ra lệnh đốt lửa dưới sàn..

Sáu người ăn thấy nóng tưởng là vì ăn nên nóng người. Khi thấy sức nóng ngày một tăng thì họ hiểu nhà vua có ác tâm muốn thiêu họ.

   Anh đội mũ lệch nói:

– Nhà vua không làm gì nổi đâu vì tôi sẽ làm cho rét đến cực độ để lửa phải thoát lui cho mau. 

   Vài giờ sau, vua tưởng họ đã chết, sai mở cửa nhưng thấy họ đều tươi tỉnh, khỏe mạnh. Vua liền tìm kế khác để hãm hại. Vua đòi anh lính giải ngũ đến và phán:

– Bây giờ nhà ngươi đừng lấy con gái ta mà chịu lấy vàng thì bao nhiêu ta cũng cho. 

   Anh lính đáp:

– Xin bệ hạ ban đủ số vàng cho một tùy tùng của thần mang đi thì thần xin thôi không lấy công chúa nữa.

   Vua mừng lắm, bằng lòng. Anh chàng lực lưỡng vác trên vai một cái bao to và đi vào kho vàng của nhà vua. Anh ta ném tất cả vàng bạc của nhà vua vào bao nhưng chỉ được lưng bao. Nhà vua phải lấy vàng khắp trong nước, anh ta bỏ vào bao nhưng vẫn còn vơi. Anh ta vác bao lên lưng và khởi hành cùng các bạn. Nhà vua nổi cơn thịnh nộ, cho kị binh đuổi theo lấy lại số vàng. Người thổi gió thấy thế bịt một lỗ mũi, còn lỗ kia thổi vào bọn kị binh. Cả bọn lập tức bị thổi bay tán loạn lên trời xanh.

   Nhà vua tức lắm nhưng không làm gì nổi, đành để cho họ đi. Thế là sáu người mang được của cải đi, chia nhau cùng hưởng và được sung sướng suốt đời.

Nguồn website giaibai5s.com

Giải bài tập Tiếng Việt 5 Tập 2-Tuấn 26. Nhớ nguồn-Kể chuyện. Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia
Đánh giá bài viết