∗ Hướng dẫn làm bài tập

Chọn một trong các đề sau:

1. Tả quyển sách Tiếng Việt 5, tập hai của em. 

2. Tả cái đồng hồ báo thức.

3. Tả một đồ vật trong nhà mà em yêu thích.

4. Tả một đồ vật hoặc một món quà có ý nghĩa sâu sắc với em.

5. Tả một đồ vật trong viện bảo tàng hoặc trong nhà truyền thống mà em đã có dịp quan sát.

Đề 1: Tả quyển sách Tiếng Việt 5, tập hai của em.

                          Bài tham khảo

   Để chuẩn bị vào năm học mới, bà mua cho em một bộ sách giáo khoa lớp Năm, trong đó có quyển sách Tiếng Việt 5, tập hai. 

   Quyển sách Tiếng Việt mới xinh xắn làm sao, hình chữ nhật. Bìa sách được trang trí bằng một bức tranh với nhiều màu sắc khác nhau. Mặt bìa láng bóng. Sách mới nên có mùi thơm của giấy và màu mực in.

   Quyển sách khá dày, gồm 176 trang. Ngoài bìa phía trên in hai chữ Tiếng Việt 5, tập hai bằng mực xanh và đỏ. Phía dưới là bức tranh có các bạn nhỏ thuộc nhiều dân tộc khác nhau đang nói chuyện vui vẻ. Trước mặt các bạn, những cô chú xã viên đang miệt mài trồng lúa, cày bừa trên các thửa ruộng. Xa xa là một ngôi làng nhỏ mái ngói đỏ tươi nấp dưới những rặng tre đang rì rào ca hát. Xa nữa là biển cả mênh mông, từng đoàn tàu căng buồm ra khơi đánh cá. Trên bầu trời trong xanh, đàn hải âu đang nghiêng mình chao liệng.

   Lật sách ra, trang thứ nhất ghi tên các tác giả của quyển sách và một lần nữa chữ TIẾNG VIỆT 5, tập hai được lặp lại, có lẽ là để nhắc nhở chúng em hãy học tập tốt bộ môn Tiếng Việt, Trang 3 là chủ điểm NGƯỜI CÔNG DÂN và một bức tranh vẽ cảnh các bạn thiếu niên khăn quàng đỏ thắm trên vai đang vui vẻ bỏ phiếu thể hiện vai trò và trách nhiệm của người công dân.

   Trang 4 có các chữ “Tuần 19” và bài tập đọc Người công dân số Một, nói về tâm trạng của người thanh niên Nguyễn Tất Thành trong việc đi tìm con đường cứu nước, cứu dân.

   Trong sách in nhiều bài văn, bài thơ, xen kẽ các bài là những bức tranh minh họa. Trong các bài học, em thích nhất bài tập đọc Tiếng rao đêm của chú Nguyễn Lê Tín Nhân. Bài văn ca ngợi hành động dũng cảm của một chú thương binh đã lao vào đám lửa đang bốc cháy ngùn ngụt để cứu một em nhỏ.

   Em rất thích học môn Tiếng Việt nên em đã khoác lên quyển sách một chiếc áo hoa rất đẹp. Hàng ngày sau khi học bài xong, em đều cần thận để quyển sách vào cặp cho khỏi quăn góc. 

Đề 2: Tả cái đồng hồ báo thức.

                      Bài tham khảo

   Để giúp mọi người đi làm và em đi học đúng giờ, ba đi công tác về mua cho gia đình một chiếc đồng hồ báo thức.

   Đây là chiếc đồng hồ của Nhật Bản, còn mới tinh. Nó được để trong một chiếc hộp vuông xinh xắn. Loại đồng hồ chạy bằng pin, hiệu Sony.

   Cả đồng hồ là một khối tròn, đường kính khoảng mười lăm xăng-ti-mét. Vỏ đồng hồ được mạ một lớp kền sáng loáng. Phía trên có quai xách cong cong rất tiện cho việc di chuyển. Sau tấm mi ka trắng là mặt đồng hồ. Mặt đồng hồ được chia đều thành mười hai vạch cho các con số từ một đến mười hai. Riêng con số mười hai được ghi bằng màu đỏ. Các số khác màu đen. Giáp tâm đồng hồ có một ô nhỏ hình chữ nhật ghi ngày, tháng. Trên mặt đồng hồ có ba kim dài ngắn, to nhỏ, di chuyển nhanh chậm khác nhau. Kim nhỏ nhất, mảnh mai, màu đỏ là cô em út có tên gọi là kim giây, chạy nhiều và nhanh nhất. Nhìn vào, em thấy cô bé này quay liên tục không biết mệt mỏi. To và ngắn hơn là anh kim phút, lâu lâu anh ta mới nhích một chút. Chị kim giờ thấy người hơn anh kim phút dường như đứng tại chỗ, nhưng thực ra chị ta quay rất chậm, từ tốn như bước đi của một bà già ngoài bảy mươi tuổi.

   Mặt sau đồng hồ có hai cái núm tròn cũng được mạ kền sáng bóng. Một núm để điều chỉnh giờ, núm kia là hẹn báo thức để gọi em dậy đi học.

   Hằng ngày, tiếng “tích tắc! tích tắc!” của đồng hồ đều đặn vang lên. Trong nhà, ai cần biết giờ chỉ cần nhìn nó là biết ngay. Sáng sớm, lúc năm giờ, đồng hồ vang lên một hồi chuông dài và tiếp sau là tiếng “cạp, cạp” của chú vịt Đô-nan khiến mọi người bừng tỉnh giấc.

   Em rất thích chiếc đồng hồ này, nó không những giúp em đi học đúng giờ mà còn nhắc nhở em chuyên cần hơn nữa trong học tập. Em sẽ cố gắng làm bài và sinh hoạt đúng giờ, biết giữ gìn và quý trọng thời gian. 

Đề 3: Tả một đồ vật trong nhà mà em yêu thích.

                                  Bài tham khảo

   Đồ vật nào trong nhà cũng để lại cho em nhiều kỉ niệm sâu sắc của tuổi ấu thơ. Từ cái nôi đưa em vào giấc ngủ ngon khi còn bé tí tẹo đến cái đồng hồ báo thức, tấm lịch treo tường nhắc nhở em ngày tháng trôi qua và giờ giấc học tập. Tất cả các đồ vật đã trở thành thân quen, thành những người bạn tốt của em. Nhưng nơi giúp em chuyên cần học tập, nơi em ngồi học bài chính là cái bàn. Đây là đồ vật trong nhà mà em t nhất, nó như người bạn đã gắn liền với em trong suốt thời gian đi học.

Bàn được kê ở một nơi yên tĩnh bên cửa sổ nhìn ra vườn cây. Ngay từ khi vào lớp Một, ba đã mua cho em chiếc bàn này.

   Bàn khá xinh xắn, tuy chỉ bằng gỗ bình thường nhưng đã được đánh bóng và phủ lên một lớp véc-ni màu nâu rất đẹp. Đặt trên mặt bàn là tấm kính cũng màu nâu dày khoảng năm li. Em lồng thời khóa biểu và mấy tấm ảnh chụp gia đình dưới tấm kính. Mọi thứ để trên bàn đều gọn gàng, ngăn nắp. Phía bên phải, em để cái cặp xách, ở giữa là một lọ hoa hồng bằng vải màu đỏ tươi. Bạn có bốn chân vững chắc, không cao lắm, vừa tầm em ngồi nên rất thoải mái. Một ngăn kéo nhỏ bám theo phần dưới mặt bàn, có núm tròn bằng sắt mạ bạc. Trong ngăn bàn, em để sách vở, đồ dùng học tập. Chân bàn và ngăn kéo đều được đánh véc-ni nhẵn bóng.

   Bên cạnh bàn, một chiếc ghế tựa có bốn chân, kích thước hài hòa với chiếc bàn, trông rất gọn gàng, đẹp mắt. Nơi đây em ngồi học, em nghe tiếng chim hót ngoài vườn, tiếng gió luồn qua các lá cây xào xạc. Mỗi buổi ban mai, những tia nắng vàng xuyên qua cửa sổ nhảy nhót trên bàn như đang nô đùa với em.

Em rất yêu chiếc bàn học của mình, nó đã trở thành người bạn thân thiết cùng em sớm tối học hành, nó cũng là đồ vật để lại trong em nhiều kỉ niệm vui buồn của tuổi học trò.

Đề 4: Tả một đồ vật hoặc một món quà có ý nghĩa sâu sắc với em.

                       Bài tham khảo

   Em thường ao ước có một cây bút máy, nhưng bố em bảo “Bao giờ học lên cấp II hãy dùng con ạ!”. Rồi một hôm, bố muà tặng em một cây bút mực giống như bút máy và nó đã trở nên một món quà có ý nghĩa sâu sắc với em. 

   Cây bút dài gần một gang tay. Thân bút tròn, nhỏ nhắn, bằng ngón tay trỏ. Chất nhựa mới đúc vẫn còn thơm, nom nhẵn bóng. Phần thân bút màu xanh lá cây, thon như búp măng. Nắp bút màu hồng, có cái cài cũng bằng nhựa. Mở nắp ra, em thấy ngòi bút sáng loáng, hình lá tre, có mấy chữ rất nhỏ không nhìn rõ vì một phần ngòi bút cắm chặt vào khoảng rỗng có cái chèn như nụ hoa. Chiếc ngòi bút được cắm vào như dao cắm vào cán.

Mỗi khi lấy mực, một nửa ngòi bút đẫm màu mực tím. Em viết lên trang giấy, nét bút tròn vạch những dòng chữ đều đặn, mềm mại. Khi viết xong, em lấy khăn lau nhẹ ngòi bút để bảo quản nó. Rồi em đậy nắp lại cẩn thận trước khi cất bút vào cặp.

Đã mấy tháng rồi mà cây bút của em vẫn còn như mới. Bút đã cùng em làm việc chăm chỉ ngày ngày như chiếc cày của bác nông dân giúp đồng ruộng cho khoai lúa tốt tươi.

Đề 5: Tả một đồ vật trong viện bảo tàng hoặc trong nhà truyền thống mà em có dịp quan sát.

                          Bài tham khảo

   Vào kì nghỉ hè năm ngoái, ba mẹ cho em đi nghỉ mát ở Cửa Lò. Thời gian này, cả gia đình em đến thăm viện bảo tàng ở Thanh Hóa. Trong những hiện vật được trưng bày, em thích nhất là bộ sưu tập trống đồng Đông Sơn.

   Trống đồng Đông Sơn đa dạng không chỉ về hình dáng, kích thước mà cả về phong cách trang trí, sắp xếp hoa văn. Giữa mặt trống có hình ngôi sao nhiều cánh tỏa ra xung quanh. Tiếp đến là những hình tròn đồng tâm hình vũ công nhảy múa, hình chim bay, hươu nai có gạc…

   Nổi bật trên mặt trống đồng là hình ảnh con người lao động, họ săn bắn, đánh cá bằng những dụng cụ thô sơ. Họ vui sướng, nhảy múa khi họ được làm chủ hoàn toàn những thành quả lao động của mình. Bên cạnh những hình ảnh về cuộc sống lao động, con người còn thể hiện bản sắc văn hóa của mình qua những hành động đánh trống, thổi kèn  và những điệu múa. Con người hòa nhịp với thiên nhiên, thiên nhiên được thể hiện ở mặt trống cũng rất đa dạng và phong phú: những cách cò bay lả bay la, những chim Lạc, chim Hồng tung bay giữa bầu trời cao rộng, những đàn cá tung tăng bơi lội. Tất cả hoà hợp với nhau tạo nên cuộc sống sinh động nhiều màu sắc. Những hình ảnh trên mặt trống đồng thể hiện sự khát khao cuộc sống ấm no, yên vui của người dân Việt Nam.

   Trống đồng Đông Sơn phản ánh nền văn hóa của một thời kì lịch sử cổ xưa của ông cha ta. Nó là niềm tự hào của dân tộc ta trong nền văn hóa nhân loại.

Nguồn website giaibai5s.com

Giải bài tập Tiếng Việt 5 Tập 2-Tuần 25. Nhớ nguồn-Tập làm văn. Tả đồ vật (Kiểm tra viết)
Đánh giá bài viết