I. Yêu cầu

– Kiểu bài lập luận chứng minh.

– Biết cách nêu dẫn chứng, sắp xếp ý để chứng minh được vấn đề :Văn học đã mở rộng sự hiểu biết và nâng cao tình cảm đối với quê hương, đất nước cho chúng ta.

II. Gợi ý

– Nên hiểu rằng các dẫn chứng cho vấn đề cần phải chứng minh rất rộng. Vì thế chỉ chọn những dẫn chứng gần gũi, các tác phẩm được học trong chương trình.

– Để giải quyết được vấn đề, cần vận dụng lí lẽ và đưa dẫn chứng để làm rõ tác phẩm văn học đã mở rộng sự hiểu biết như thế nào ; đã nâng cao tình cảm đối với quê hương, đất nước cho mỗi người ra sao. Từ đó, xác định một thái độ đúng đắn đối với việc học văn.

III. Lập dàn ý

A. MỞ BÀI:

– Giới thiệu vai trò của văn học nói chung và chức năng cung cấp kiến thức, bồi dưỡng tình cảm cho con người nói riêng.

B. THÂN BÀI

1. Chứng minh văn học đã mở rộng sự hiểu biết của con người

– Tác phẩm văn học cho chúng ta biết về lịch sử, địa lí các vùng miền của đất nước (qua các truyền thuyết, các bài ca dao).

– Tác phẩm văn học cho chúng ta biết về đời sống tình cảm của ông cha (qua một số bài ca dao).

– Tác phẩm văn học cho ta hiểu biết về cuộc sống của con người ở những nước khác, châu lục khác (qua các truyện cổ tích, các bài thơ, bài văn xuôi).

2. Chứng minh văn học đã bồi dưỡng, nâng cao tình cảm đối với quê hương, đất nước

– Tác phẩm văn học bồi dưỡng tình yêu quê hương (dẫn chứng).

– Tác phẩm văn học bồi đắp tình yêu đất nước (dẫn chứng).

C. KẾT BÀI

– Khẳng định vai trò của văn học trong việc mở rộng hiểu biết và bồi dưỡng tình cảm với quê hương, đất nước cho con người.

IV. Bài minh họa

Hành tinh này thật là bao la còn hiểu biết của con người về nó thì không phải là tất cả. Chúng ta, dù có đủ điều kiện vật chất và sự nhiệt tình đi chăng nữa thì cũng khó để đến với tất cả các cảnh quan trên thế giới… Nhưng ta sẽ có thể tới bất cứ đâu ta muốn bằng trí tưởng tượng. Văn học chính là đôi cánh giúp con người đến với những miền xa xôi nhất, từ sâu thẳm Đại Tây Dương tới tận đỉnh Ê-va-rét hùng vĩ, hay vượt qua bầu khí quyển để tìm hiểu một thế giới hoàn toàn xa lạ. Và hơn thế nữa, văn học còn làm trào dâng trong ta một thứ cảm xúc kì lạ, đó là lòng tự hào dân tộc. Nó đến thật ngẫu nhiên, lúc nào, như thế nào ? Ta không thể biết. Nhưng tôi tin rằng, văn học chính là sợi dây nối tôi với quê hương, đất nước Việt Nam tươi đẹp.

Chúng ta chắc hẳn vẫn nhớ như in bài thơ “Côn Sơn ca” của Nguyễn Trãi. Những câu :

“Côn Sơn suối chảy rì rầm,
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.”

thật giàu hình ảnh, giàu chất nhạc. Chỉ cần nhắm mắt lại, khung cảnh Côn Sơn sẽ hiện ra rõ nét mặc dù tôi chưa hề đặt chân tới đó : dòng suối róc rách luôn qua khe núi, tiếng suối rì rầm như tâm sự với đá, lúc trầm lúc bông, khi réo rắt tựa âm thanh của đàn cầm cao thấp, thánh thót, du dương. Những từ ngữ gợi tả, gợi cảm trong bài thơ làm tâm hồn người đọc bay bổng, tưởng như đang hoà mình vào thiên nhiên Côn Sơn thơ mộng. Thế mới thấy được sức cuốn hút mãnh liệt của văn chương.

Dù ở nơi xa xôi, ta vẫn có thể trở về Hà Nội, thủ đô với bề dày nghìn năm lịch sử, cũng là nơi nổi tiếng với những đặc sản khó quên nếu bạn đọc “Một thứ quà của lúa non : Cốm” do Thạch Lam viết. Tôi đã nhiều lần thưởng thức cốm Vòng, nhưng chỉ khi đọc tuỳ bút “Một thứ quà của lúa non : Cốm”, tôi mới cảm nhận được hết giá trị cao quý của thứ quà bình dị này. Người ta coi com là tặng phẩm của Thần Lúa dành riêng cho xứ An Nam cần cù, chịu khó. Vẻ độc đáo của cốm không thể tách rời sự thanh lịch của người bán cốm : Cô gái làng Vòng “xinh xinh, áo quân gọn ghẽ, với cái dấu hiệu đặc biệt là cái đòn gánh hai đầu cong vút lên như chiếc thuyền rồng…”. Vẻ trong sạch, gần gũi của cốm là một biểu tượng không thể thiếu trong các lễ nghi của người Việt Nam : “Hông cốm tốt đối… Một thứ thanh đạm, một thư ngọt sắc, hai vị nâng đỡ nhau để hạnh phúc được lâu bền”. Nếu không có văn học, chắc hẳn chỉ có số ít người biết giá trị tinh thần của những hiện tượng vật chất giàu truyền thống ấy.

 Rõ ràng, văn học như một người thấy hiểu biết luôn dẫn ta đến với những điều mới mẻ, lạ kì, mở mang kiến thức cho ta.

Văn học cũng là một cách biểu lộ cảm xúc của con người. Trên những trang văn, ta bắt gặp suy nghĩ, tình cảm của mình. Quê hương, đất nước là một trong những đề tài mà nhiều thi sĩ tâm đắc. Chính vì thế nên các bài thơ về chủ đề này luôn giàu cảm xúc. Và khi đọc, con người ta lại càng yêu quê hương đất nước hơn nữa.

Tác giả Minh Hương đã viết về Sài Gòn với tâm trạng của người đang yêu, yêu da diết, say đắm cái đô thị trẻ trung, ngọc ngà này. Tình yêu của người ấy thật mãnh liệt : “… yêu trong nắng sớm, một thứ nắng ngọt ngào, vào buổi chiều lộng gió nhớ thương…”. Tình yêu ấy thật đáng trân trọng biết bao ! Con người Sài Gòn cũng là một ấn tượng, một cái gì đó đáng để nhớ trong lòng. Đó là tính cách hề hà, bộc trực hay vẻ thơ ngây, duyên dáng của những cô gái Bến Nghé… Tất cả tình cảm ấy của tác giả nằm gọn trong bốn từ của nhan đề bài tuỳ bút “Sài Gòn tôi yêu”. Khi đọc bài viết này, tôi chợt cảm thấy yêu Sài Gòn, yêu cái thời tiết bất thường, yêu những con người dễ mến. Dường như, tác giả đã chia sẻ cho tôi những suy nghĩ mà tôi hay tất cả mọi người đều cảm nhận được. Đúng rồi, văn học, chính văn học là sợi dây giúp con người xích lại gần nhau hơn về tư tưởng, tình cảm dù ở Bắc hay Nam, dù xa xôi cách trở nhường nào.

Văn học – đó là sự điều khiển tính cách con người, giúp con người ta nâng cao nhận biết và bồi dưỡng tình cảm. Tóm lại, chính văn học đã mở rộng sự hiểu biết và nâng cao tình yêu đối với quê hương, đất nước cho mỗi chúng ta.

Đề: Qua các bài đã học, hãy chứng minh rằng: Văn học đã mở rộng sự hiểu biết và nâng cao tình cảm đối với quê hương, đất nước cho chúng ta
4 (80%) 2 votes