BÀI LÀM

Tình đồng chí, đồng đội là thứ tình cảm thiêng liêng, cao đẹp, giúp nuôi dưỡng tâm hồn những người chiến sĩ trẻ. Đã có bao nhà văn, nhà thơ trẻ, những người đã từng tham gia kháng chiến viết về tình cảm người lính. Và Chính Hữu cũng là một trong số các nhà thơ viết về tình đồng chí để ca ngợi tình cảm gắn bó keo sơn của những người lính cùng tham gia chiến đấu.

“Đồng chí” là bài thơ hay nhất của Chính Hữu viết về người nông dân mặc áo lính trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Bài thơ được viết vào đầu xuân 1948, sau chiến thắng Việt Bắc thu đông 1947. Nó đã đi qua một hành trình nửa thế kỉ, làm sang trọng một hồn thơ chiến sĩ của Chính Hữu. Qua bài thơ, tác giả đã khắc họa thành công chân dung người lính thời kì đầu kháng chiến chống Pháp. Lẽ đương nhiên, hình ảnh những người lính, những anh bộ đội sẽ trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến, trở thành niềm tin yêu và hi vọng của cả dân tộc.

Cơ sở của tình đồng chí xuất phát từ những con người cùng chí hướng, cùng đích là cầm súng đứng lên bảo vệ độc lập của đất nước. Không chỉ có vậy, tình đồng chí của những người lính còn xuất phát từ những người cùng cảnh ngộ, những người cùng tầng lớp nhân dân:

Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.     

Điểm chung nhất là quê hương anh và làng tôi đều nghèo khổ, vốn là những người nông dân lam lũ. Tuy mỗi người ở một nơi khác nhau, người đến từ miền ven biển, đất chiêm trũng, người lại đến từ vùng trung du đất cằn nhưng họ đều sát cánh bên nhau, cùng đứng trong hàng ngũ chiến sĩ cách mạng. Tình đồng chí của họ còn có cơ sở từ tình bạn gắn bó, cùng nhau chia sẻ. Chỉ đơn giản là đêm rét đắp chung chăn thôi cũng trở thành tri kỉ. Tình đồng chí của những chiến sĩ cách mạng là tình cảm gắn bó bền chặt bởi cơ sở của nó là tình bạn của những người cùng chí hướng, cùng hoàn cảnh xuất thân, cùng giai cấp, cùng hàng ngũ. Đôi bạn gắn bó với nhau bằng bao kỉ niệm đẹp:

Súng bên súng, đầu sát bên đầu,     
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.
Đồng chí!                                           

 “Súng bên súng” là cách nói hàm súc, hình tượng đó là cùng chung lí tưởng chiến đấu; “anh với tôi” cùng ra trận đánh giặc để bảo vệ đất nước, quê hương, vì độc lập, tự do và vì sự sống còn của dân tộc. “Đầu sát bên đầu” là hình ảnh diễn tả sự tâm đầu ý hợp của đôi bạn tâm giao. Câu thơ “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ” là câu thơ hay và cảm động, đầy ắp kỉ niệm về khoảng thời gian gian khổ, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi. Nhưng người lính cùng nhau chiến đấu rồi trở thành người bạn tri kỉ, sau là “đồng chí”. Hai từ “đồng chí” vang lên diễn tả niềm tự hào xúc động, ngân nga mãi trong lòng. Xúc động khi nghĩ về một tình bạn đẹp. Các từ ngữ “bên, sát, chung, thành” đã thể hiện sự gắn bó thiết tha của tình tri kỉ, tình đồng chí.

Điểm chung nhau về tình đồng chí giữa họ còn là khi đất nước có chiến tranh, họ sẵn sàng cầm súng lên đường, để lại sau lưng quê hương, công việc và tình cảm nhớ thương của những người thân yêu:

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày   
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay  
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính. 

Giếng nước, gốc đa là hình ảnh đặc trưng của vùng quê Việt Nam. Chính Hữu đã vận dụng những hình ảnh quá đỗi quen thuộc vào trong thơ rất đậm đà, nói ít, hiểu nhiều. Đối với người nông dân, ruộng nương, nhà cửa là những thứ vật chất quan trọng nhất của họ. Nhưng họ đã vượt qua chân trời của cái tôi nhỏ bé để đến với chân trời của tất cả. Đi theo con đường ấy là đi theo khát vọng, đi theo tiếng gọi yêu thương của trái tim yêu nước. Bỏ lại sau lưng tất cả những bóng hình của quê hương vẫn trở thành nỗi nhớ khôn nguôi của mỗi người lính. Dẫu rằng mặc kệ nhưng trong lòng họ vị trí của quê hương vẫn bao trùm như muốn ôm ấp tất cả mọi kỉ niệm. “Gian nhà, giếng nước, gốc đa” được nhân hóa đang đêm ngày theo dõi bóng hình anh trai cày ra trận. Họ mong mỏi từng ngày để được đón tin vui ngày các anh thắng trận trở về. Tình yêu quê hương đã góp phần hình thành tình đồng chí, làm nên sức mạnh tinh thần để người lính vượt qua mọi thử thách gian lao, ác liệt.

Bỏ lại nỗi nhớ, niềm thương, rời xa quê hương, người lính chiến đấu trong gian khổ: 

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh     
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi. 
Áo anh rách vai                                  
Quần tôi có vài mảnh vá                     
Miệng cười buốt giá                            
Chân không giày                                  
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.       

Câu thơ vang lên những nhịp đứt quãng, phải chăng sự khó khăn, vất vả, thiếu thốn của những người lính đã làm cho nhịp thơ Chính Hữu sâu lắng hơn. Đất nước ta còn nghèo, những người lính còn thiếu thốn quân trang, quân dụng, phải đối mặt với sốt rét rừng, cái lạnh giá của màn đêm… Chỉ đôi mảnh quần vá, cái áo rách vai, người lính vẫn vững lòng theo kháng chiến, mặc dù nụ cười ấy là nụ cười giá buốt, lặng câm. Tình đồng đội quả thật càng trong gian khổ lại càng tỏa sáng, nó gần gũi mà chân thực, không giả dối, cao xa… Tình cảm ấy lan tỏa trong lòng của tất cả những người lính. Tình đồng chí:

Là hớp nước uống chung, nắm cơm bẻ nửa,  
Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa, 
Chia khắp anh em một mẩu tin nhà,                
Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp,      
Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết.           
                                            (Nhớ – Hồng Nguyên) 

Tương phản với những khó khăn thường ngày của cuộc sống chiến đấu, bốn tiếng “miệng cười buốt giá” thể hiện sâu sắc tinh thần lạc quan của hai chiến sĩ, hai đồng chí. Chính Hữu cô lại chỉ với nụ cười – biểu tượng của người lính khi chiến đấu, trong hòa bình cũng như xây dựng Tổ quốc, một nụ cười lạc quan chiến thắng. Đoạn thơ được viết dưới hình thức liệt kê, cảm xúc từ dồn nén bỗng ào lên “Thương nhau nắm lấy bàn tay”. Tình thương đồng đội được biểu hiện bằng cử chỉ thân thiết, yêu thương. Nắm lấy tay nhau để truyền cho nhau hơi ấm, truyền cho nhau động lực, truyền cho nhau tình thương, cũng là truyền lửa cho nhau để vượt qua mọi thử thách, đưa kháng chiến tới thắng lợi.

Phần cuối bài thơ ghi lại cảnh hai người chiến sĩ – đồng chí trong chiến đấu:

Đêm nay rừng hoang sương muối 
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới. 

Nhịp thơ đều đều 2/2/2 – 2/2/3 cô đọng tất cả nét đẹp của những người lính. Đó cũng chính là vẻ đẹp ngời sáng trong gian khổ của người lính. Vượt lên trên tất cả, tình đồng đội, đồng chí như được sưởi ấm bằng những trái tim người lính đầy nhiệt huyết, vẫn đứng canh giữ cho bầu trời Việt Nam dù đêm về khuya, sương đã xuống, bỗng trở nên đẹp hơn, thơ mộng hơn. Họ đứng cạnh bên nhau sẵn sàng chiến đấu. Xen giữa cái chân thực của cả bài thơ, hình ảnh cuối như một “nốt trầm” đầy chất thơ:

Đầu súng trăng treo.

Cảnh vừa thực vừa mộng. “Vầng trăng” là biểu tượng cho vẻ đẹp đất nước thanh bình, “súng” mang ý nghĩa cuộc chiến đấu gian khổ hi sinh. Một sự quyện hòa giữa không gian, thời gian, ánh trăng và người lính. Cái thực đan xen vào cái mộng, cái dũng khí chiến đấu đan xen vào tình yêu làm cho biểu tượng người lính không những chân thực mà còn rực rỡ đến lạ kì. Chất lính hòa vào chất thơ, chất trữ tình hòa vào chất cách mạng, chất thép hòa vào chất thi ca. Độ rung động và xao xuyến của cả bài thơ có lẽ chỉ nhờ vào hình ảnh ánh trăng này. Tình đồng chí cũng thế, lan tỏa trong không gian, xoa dịu nỗi nhớ, làm vơi đi cái giá lạnh của màn đêm. Nụ cười chiến sĩ như cất cao tiếng hát ngợi ca tình đồng chí. Thiêng liêng biết nhường nào, hình ảnh những người lính, những anh bộ đội cụ Hồ sát cạnh vai nhau kề vai sát cánh cùng chiến hào đấu tranh giành độc lập.

Bài thơ “Đồng chí” nói lên tình cảm gắn bó keo sơn của những người chiến sĩ khi cùng nhau tham gia mặt trận. Những tình cảm chân thành đó đã trở thành động lực to lớn giúp họ đứng lên đánh thắng quân xâm lược. Đó còn là lời kêu gọi, thôi thúc mỗi con người đứng lên hành động, giành lại độc lập, tự do.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 28: Vẻ đẹp của tình đồng chí, đồng đội được thể hiện như thế nào trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu
Đánh giá bài viết