BÀI LÀM 

Nhân đạo từ lâu đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Bên cạnh những gian ác trong xã hội thì cái thiện vẫn luôn ngời sáng, chiến thắng cái ác. Điều này ta cũng có thể thấy trong đoạn trích “Lục Vân Tiên gặp nạn”, khi bị Trịnh Hâm hãm hại thì Lục Vân Tiên đã được ngư ông cứu sống. Ngư ông là hiện thân của cái thiện, hiện thân của những đạo đức tốt đẹp.

Ngư ông là nhân vật đại diện cho người lao động bình thường, sống bằng nghề chài ở ven sông. Nguyễn Đình Chiểu đã dành cho ông Ngư một tình cảm nồng hậu biết bao! Ngư ông đối ngược hoàn toàn với con người xảo trá, độc ác, đố kị của Trịnh Hâm. Tình huống Lục Vân Tiên gặp nạn đã góp phần toát lên nhân cách cao đẹp của ông Ngư. Bắt gặp Lục Vân Tiên dạt vào bờ, ông vớt ngay lên rồi: 

Hối con vầy lửa một giờ,
Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt mày. 

Có thể thấy những câu thơ hết sức mộc mạc, giản dị đủ để diễn tả tấm chân tình mà cả gia đình ông dành cho người gặp nạn. Cả gia đình chia nhau mỗi người một việc, miễn sao cứu giúp được cho người bị nạn. Việc làm diễn ra khẩn trương, gấp gáp, hết mình để cứu người. Qua đó toát lên thái độ ân cần, chu đáo và lòng tốt đã trở thành bản chất của cả gia đình lao động nghèo ấy. Chưa cần biết nạn nhân là ai, nguyên cớ thế nào nhưng thấy việc là làm, thấy người là cứu. Vì vậy, khi Vân Tiên tỉnh lại, xúc động kể mọi sự tình, tỏ lòng biết ơn, lão đáp luôn:

Ngư rằng: “Lòng lão chẳng mơ, 
Dốc lòng nhơn nghĩa há chờ trả ơn”?

Câu nói của Ngư ông là một tấm lòng vàng, chan chứa tình nhân đạo. Lời của ông dứt khoát, bộc trực, đúng cách nói của người lao động, đúng giọng điệu của vùng quê Nam Bộ. Không chỉ dừng lại ở việc cứu người, tấm lòng bao dung, nhân ái, hào hiệp của ông tiếp tục thể hiện qua hành động sẵn sàng cưu mang Lục Vân Tiên, dù rằng ông biết hoàn cảnh của chàng mù lòa, tứ cố vô thân, dù rằng cuộc sống của gia đình ông vẫn đang đói nghèo. Thêm một người như Vân Tiên sẽ trở thành gánh nặng nhưng ông vẫn mời mọc chân tình.

Ngư ông đã rũ bỏ mọi danh lợi, tìm về với cuộc sống sông nước để “rửa ruột sạch trơn”, ngày hứng gió mát, đêm về bè bạn với trăng thanh, Ngư ông đã chọn được một phong cách sống rất phóng khoáng, tự do như Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng viết:

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người tới chốn lao xao. 

Ông ý thức sâu sắc về lẽ sống đúng đắn của mình trong trời đất giữa thế gian này để sống lạc quan hơn, yêu đời hơn, đắm say, mơ mộng.

Những câu thơ cuối là những câu thơ hay nhất, đậm đà nhất trong truyện. Giọng thơ nhẹ nhàng, êm ái. Cảm hứng thiên nhiên trữ tình dạt dào tạo nên sắc điệu thẩm mĩ sáng giá, biểu hiện một cách tuyệt đẹp tâm hồn trong sáng, thanh cao và phong thái ung dung của Ngư ông.

Nhân vật Ngư ông vừa là người lao động chất phác, nhân hậu, vừa là hình ảnh một nho sĩ bình dân coi thường danh lợi, giàu lòng nhân nghĩa, yêu tự do và sống thanh cao. Sống giữa thời loạn lạc, nhân vật Ngư ông cũng là nhân vật lí tưởng phát ngôn lẽ sống và tư tưởng nhân nghĩa của nhà thơ.

Đoạn thơ nói lên niềm tin của tác giả vào cái thiện của nhân dân lao động, thể hiện khát vọng của Nguyễn Đình Chiểu về một cuộc sống tươi đẹp, trong sạch, tự do, một cuộc sống hoàn toàn đối lập với thực tế xã hội đầy rẫy những tính toán nhỏ nhen, ích kỉ của những tên mưu danh trục lợi, sẵn sàng chà đạp lên đạo lí, nhân nghĩa.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 27: Phân tích nhân vật ngư ông trong đoạn trích “Lục Vân Tiên gặp nạn”
Đánh giá bài viết