I. Kiến thức cơ bản

1. Mục đích viết văn bản chính luận

– Hiện nay, trước những vấn đề của đời sống chính trị, con người cần bày tỏ lập trường, quan điểm, thái độ của mình, từ đó mà hình thành nên loại văn bản chính luận.

– Mục đích của văn bản chính luận là để thuyết phục người đọc, người nghe bằng lí lẽ và lập luận dựa trên một quan điểm chính trị nhất định.

– Trong một văn bản chính luận, người trình bày có thể bày tỏ thái độ của mình tùy theo nội dung của vấn đề được đề cập đến. Nhìn chung, bao giờ người trình bày cũng thể hiện thái độ của mình một cách dứt khoát, nhất quán, theo một quan điểm chính trị nhất định.

– Những quan điểm trình bày trong văn bản chính luận là những quan điểm được đưa ra bằng những lí lẽ xác thực được sự đồng tình chấp nhận của nhiều người, khó bác bỏ được.

– Văn bản chính luận hiện đại gồm:

• Các cương lĩnh, tuyên bố, tuyên ngôn, lời kêu gọi, hiệu triệu…

• Các bài bình luận, xã luận…

• Các báo cáo, tham luận phát biểu trong hội thảo, hội nghị chính trị

2. Phạm vi sử dụng và đặc điểm của ngôn ngữ chính luận

   Ngoài những thể loại văn bản trên đây, ngôn ngữ chính luận còn được dùng trong các tài liệu chính trị khác, trong những tác phẩm lí luận có quy mô lớn như: Trường kì kháng chiến nhất định thắng lợi (Trường Chinh), Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành thắng lợi mới (Lê Duẩn)…

   Đặc điểm của ngôn ngữ chính luận là chỉ xoay quanh việc trình bày ý kiến hoặc bình luận, đánh giá một quan điểm chính trị nào đó, nghĩa là tập trung trong lĩnh vực bày tỏ quan điểm chính trị với những sự kiện, vấn đề, chủ trương, chính sách… của xã hội.

3. Sự khác nhau giữa ngôn ngữ chính luận và ngôn ngữ dùng trong các văn bản khác 

   Ngôn ngữ dùng trong các văn bản khác là để bình luận về một vấn đề nào đó được quan tâm trong đời sống xã hội, trong văn chương, trong các hội thảo khoa học. Ngôn ngữ dùng trong các loại văn bản này có thể được trình bày khác nhau nhưng đều dựa trên hình thức nghị luận. Nếu như bình luận một vấn đề trong lĩnh vực văn chương thì được gọi là văn nghị luận hay nghị luận văn chương; còn nếu như bình luận một vấn đề thuộc lĩnh vực xã hội thì gọi là nghị luận xã hội. Ngôn ngữ chính luận thì dùng trong những vấn đề liên quan đến việc trình bày một quan điểm chính trị, một nhận định nào đó thuộc về lĩnh vực chính trị.

4. Những chức năng cơ bản của ngôn ngữ chính luận

– Chức năng bày tỏ chính kiến, tư tưởng, lập trường xã hội, chính trị.

– Chức năng thuyết phục bằng lí trí. 

– Chức năng truyền cảm đến công chúng.

   Như vậy, ngôn ngữ chính luận được hiểu là những ngôn ngữ dùng trong văn bản chính luận, hoặc dùng để diễn đạt bằng lời nói trong các buổi hội nghị, các cuộc mít tinh, bình luận thời sự.. nhằm trình bày, đánh giá những vấn đề, sự kiện chính trị – xã hội – văn hóa – tư tưởng… theo một quan điểm chính trị nhất định.

II. Luyện tập. Trả lời câu hỏi trong sách giáo khoa.

Bài tập 1. Phân biệt khái niệm nghị luận và chính luận.

– Nghị luận là chỉ chung các loại văn bản có sử dụng phương pháp nghị luận.

– Chính luận được dùng giới hạn ở các văn bản nghị luận trình bày quan điểm chính trị. Như vậy, nghị luận mang tính tổng quát, chính luận là một trong nhiều dạng của nghị luận.

Bài tập 2. Đoạn văn của Hồ Chí Minh được trích trong tác phẩm Tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Tác phẩm này được trích trong báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ hai năm 1951. Tác phẩm này thuộc phong cách chính luận vì tác giả đã trình bày quan điểm chính trị về vấn đề tinh thần yêu nước của nhân dân ta. .

Bài tập 3. Học sinh dựa vào những gợi ý cụ thể trong sách giáo khoa để tự làm bài tập này. Các em cần tìm đọc lại văn bản Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác, tìm những câu văn dẫn chứng để chứng minh:

– Lời văn của Bác dùng rất giản dị, dễ hiểu, sử dụng nhiều từ ngữ thuần Việt

– Phong cách diễn đạt rõ ràng, cụ thể, trong sáng. 

– Lập luận chặt chẽ, vững vàng.

– Hàm chứa một lượng thông tin lớn và có tác dụng khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

Nguồn website giaibai5s.com

Học tốt Ngữ Văn 11-Bài 30. Phong cách ngôn ngữ chính luận
Đánh giá bài viết