I. Tác giả và tác phẩm

1. Tác giả

   Hoài Thanh (1909 – 1982) tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyên, quê ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo. Ngay từ nhỏ ông đã tham gia nhiều phong trào yêu nước. Tháng 8 năm 1945, Hoài Thanh tham gia cách mạng và làm Chủ tịch Hội Văn hóa cứu quốc ở Huế. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong ngành Văn hóa – Nghệ thuật.

   Hoài Thanh là một trong những nhà phê bình văn học xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông có biệt tài trong việc thẩm thơ. Cách phê bình của ông thiên về thưởng thức và ghi nhận ấn tượng. Ông gọi lối phê bình của mình là lấy hồn tôi để hiểu hồn người, tuy nhiên không phải không có một chỗ dựa lí luận vững chắc. Văn phê bình của Hoài Thanh thường nhẹ nhàng, tinh tế, tài hoa và luôn thấp thoáng nụ cười hóm hỉnh.

   Hoài Thanh là tác giả của nhiều công trình phê bình văn học có giá trị như: Văn chương và hành động (1936), Có một nền văn hóa Việt Nam (1946), Quyền sống của con người trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du (1949), Nói chuyện thơ kháng chiến (1950), Phê bình và tiểu luận (3 tập – 1960, 1965, 1971)… Đáng kể nhất trong các công trình nghiên cứu này là cuốn Thi nhân Việt Nam (1942). Đây là tuyển tập đầu tiên về Thơ mới và là đỉnh cao nhất trong sự nghiệp phê bình của Hoài Thanh. 

2. Tác phẩm

   Một thời đại trong thi ca là bài tiểu luận mở đầu cho cuốn Thi nhân Việt Nam, là công trình có giá trị tổng kết về phong trào Thơ mới.

   Đoạn trích trong sách giáo khoa nằm ở phần cuối của bài tiểu luận Một thời đại trong thi ca.

II. Tìm hiểu đoạn trích

1. Ba nội dung chính trong đoạn trích

   Luận điểm bao trùm cả đoạn trích là vấn đề “tinh thần thơ mới”. Luận điểm này được triển khai thành ba nội dung:

– Giới thiệu nguyên tắc để xác định tinh thần của hai thời đại thơ (không căn cứ vào cục bộcái dở của thơ mỗi thời đại mà phải căn cứ vào đại thểcái hay của nó). 

– Xác định tinh thần thơ mới là chữ tôi, tinh thần thơ xưa là chữ ta. Giới thiệu chung về điểm giống nhau và khác nhau giữa chữ ta và chữ tôi; xác định bản chất cái ta là ý thức đoàn thể, cái tôi là ý thức cá nhân; điểm qua về sự xuất hiện của chữ tôi và phản ứng của xã hội trong quá trình tiếp nhận nó.

– Nhìn nhận sự vận động của thơ mới chung quanh cái tôi và bi kịch của nó. Chỉ ra tính chất tội nghiệp của cái tôi trong thời đại mình; các hướng lớn của thơ mới đào sâu vào cái tôi; điểm thiếu hụt trong ý thức cái tôi; bị kịch thời đại cái tôi và giải pháp cho bi kịch bằng lòng yêu tiếng Việt.

2. Lập luận của tác giả về tinh thần thơ mới

   Định nghĩa về một nền thư khi nền thơ đó đang tiếp diễn thật khó. Đối với Hoài Thanh, công việc này được ông thực hiện bằng những bước lập luận hết sức chặt chẽ, thể hiện cái riêng của ông.

   Bước thứ nhất là ông nêu ra những nguyên tắc chung cho việc định nghĩa của mình. Theo đó có hai bước là:

– Chỉ căn cứ vào cái hay, không căn cứ vào cái dở.

– Chỉ căn cứ vào đại thể, không căn cứ vào bộ phận.

   Theo quan niệm của Hoài Thanh (cũng là nguyên tắc phổ biến khi xem xét một hiện tượng văn học), chỉ có cái hay, cái đại thể mới đủ tư cách đại diện cho một thời đại thi ca; cái dở, cái bộ phận không đủ tư cách đại diện cho nghệ thuật và cho một thời đại lớn của nghệ thuật.

   Bước thứ hai, Hoài Thanh nêu định nghĩa về tinh thần thơ mới bằng phương pháp so sánh:

– Tinh thần thơ cũ gồm lại trong chữ ta.

– Tinh thần thơ mới gồm lại trong chữ tôi,

   Tác giả vừa nêu ra điểm giống nhau và khác nhau trong hai chữ này, nhưng chủ yếu vẫn làm rõ sự khác nhau giữa chữ ta và chữ tôi trong hai tinh thần thơ của hai thời đại.

   Bước thứ ba, Hoài Thanh luận giải về nội dung và biểu hiện của hai chữ ta và tôi.

– Chữ ta và biểu hiện của chữ ta cùng số phận của nó trong thời đại thơ cũ.

– Chữ tôi và biểu hiện của chữ tôi cùng số phận của nó trong thời đại thơ mới.

   Qua ba bước trên, chúng ta nhận thấy tác giả đã tuân theo trật tự từ xa đến gần, từ ngoài vào trong, từ khái quát đến cụ thể, từ diện mạo đến diễn biến lịch sử. Các bước lập luận với trật tự như vậy rất lôgíc, đảm bảo trật tự của tư duy. Khả năng thuyết phục của phương pháp lập luận này vì thế rất cao.

3. Quan niệm về chữ tôi và chữ ta của tác giả

   Nội dung chữ tôi đồng nghĩa với ý thức cá nhân trong đời sống tinh thần của con người.

   Nội dung chữ ta đồng nghĩa với phần ý thức cộng đồng (Hoài Thanh | dùng hai chữ đoàn thể) trong đời sống tinh thần của con người.

   Hai ý thức này là hai tiếng nói tồn tại trong mỗi con người. Ở thời trước, cái ta lấn át hoàn toàn, cái tôi không có đất để sinh sống. Trong thời đại của tác giả, cái tôi bắt đầu sinh sôi và phát triển, nó trỗi dậy giành quyền sống của mình. Phong trào thơ mới nảy sinh từ sự trỗi dậy của cái tôi đó.

4. Cách dẫn dắt và diễn đạt của tác giả

   Tác giả dẫn dắt chuyện rất tự nhiên, linh hoạt và độc đáo. Ông không dùng lí mà dùng tình để dẫn dắt ý. Mạch văn không phải được dẫn dắt bằng ngôn ngữ khái niệm với những phương tiện liên kết của lôgíc hình thức, nặng tính tư biện như nhiều tác phẩm phê bình văn học nghiêng về khoa học thuần túy khác, mà được dẫn dắt chủ yếu bằng ngôn ngữ đời sống, nương theo mạch liên kết của cảm xúc thẩm mĩ…

   Lối văn được tác giả sử dụng để diễn đạt cũng có những nét riêng. Đó là diễn đạt bằng hình ảnh. Lối văn ít sử dụng khái niệm thuần túy mà chủ yếu bằng ấn tượng với cảm xúc, cảm giác tinh tế, uyển chuyển.

5. Đặc sắc về nội dung và nghệ thuật trong đoạn văn Đời chúng ta … cùng Huy Cận 

   Đặc sắc của đoạn văn là những khái quát rất chính xác, súc tích, lại được viết bằng lối văn giàu hình ảnh, giàu nhịp điệu khiến cho văn phê bình mang âm hưởng của thơ trữ tình.

   Về nội dung: chủ đề bao trùm là nỗ lực đào sâu, cũng là ý thức trốn chạy vào ý thức cá nhân của thơ mới. Chủ đề được triển khai thành hai phần: khái quát về hướng tìm tòi, hệ quả chung và điểm qua những gương mặt điển hình cùng lãnh địa cá nhân điển hình của thơ mới để thấy được sự phân hóa đa dạng cùng sự quẩn quanh bế tắc của ý thức cá nhân. .

   Về hình thức nghệ thuật: tác giả sử dụng ngôn ngữ phi khái niệm, dung dị, dễ hiểu mà vẫn súc tích, diễn đạt được bản chất đối tượng. Độc đáo hơn nữa là tác giả tạo ra hình ảnh một độc giả yêu thơ cứ theo bước chân của nhà thơ tiêu biểu bước vào cõi thơ riêng của họ. Ngoài ra, đoạn thơ còn có giá trị đặc sắc về nhịp điệu và tính biểu cảm.

6. Lòng yêu nước của những nhà thơ mới và tác giả

   Lòng yêu nước được thể hiện vô cùng phú với nhiều góc cạnh khác nhau. Có khi biểu hiện ở sự tranh đấu, có khi gắn với lao động sản xuất, có khi là sự thiết tha với các giá trị văn hóa hoặc nỗ lực sáng tạo các giá trị văn hóa cho dân tộc.

   Trên tinh thần bất mãn với thời cuộc, các nhà thơ mới dồn tình yêu nước vào tình yêu các giá trị văn hóa, tập trung nhất là tình yêu tiếng Việt và nền thơ ca dân tộc. Hoài Thanh cũng thể hiện thái độ trân trọng đối với tiếng Việt nói riêng và nền văn hóa dân tộc nói chung. Tất cả các nhà thơ đều có ý thức trân trọng và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Bài tham khảo

VỀ TÁC PHẨM CÂY TRE VIỆT NAM CỦA TÁC GIẢ THÉP MỚI 

   Đi hết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Thép Mới còn ở độ sung sức và tươi trẻ của tuổi thanh niên. Lúc này ngòi bút của Thép Mới đã thuần thục và chín sức sáng tạo. Các bài viết Cây tre Việt Nam, Hiên ngang Cu Ba, Điện Biên Phủ, một danh từ Việt Nam là những bài viết tiêu biểu và có giá trị bền vững. Người thanh niên trí thức Hà Nội sau những năm đi vào cuộc kháng chiến gần gũi với làng quê đã có thể viết nên những trang đẹp về cây tre Việt Nam. Tác giả nhận xét chung về cây tre trong cuộc đi cũ: “Một thế kỉ văn minh, khai hóa của thực dân cũng không làm ra được một tấc sắt. Tre vẫn còn phải vất vả mãi với người. Cối xay tre quay, từ nghìn đời nay, xay nắm thóc”. Và sau cách mạng đi vào cuộc kháng chiến “tre phá đồn giặc, tre xung kích. Đã trông thấy chưa, cây tre du kích? Những liếp nứa, đã bắc qua cầu mở đường cho bộ đội tiến lên… Nước Việt  Nam tiến lên”. Và tre hòa vào niềm vui với người, “tre vui với anh bộ đội, tre hòa tiếng hát khải hoàn… Nhạc của trúc, nhạc của tre là khúc nhạc đồng – quê. Nhớ buổi nào, nồm nam cơn gió thổi, khóm tre làng rung lên man mác khúc nhạc đồng quê. Diều bay, diều lá bay lưng trời… Sáo tre, sáo trúc vang lưng trời… Gió đưa tiếng sáo, gió nâng cánh diều”.

   Cảm hứng của Thép Mới với cây tre Việt Nam chứa chan thi vị. Thấu hiểu cuộc sống của làng quê và tầm quan trọng của cây tre trong sinh hoạt của người dân quê, trong vui chơi giải trí, Thép Mới đã cảm nghĩ theo nguồn mạch dân tộc với tinh thần trân trọng yêu quý.

   […] Thép Mới là nhà báo giàu cảm hứng văn chương. Văn chương đã có tác dụng tích cực trong hoạt động báo chí của Thép Mới. Một số nhà nghiên cứu như Hoàng Tùng, Hà Xuân Trường đều xem văn chương là một bộ phận hợp thành rất có ý nghĩa trong phong cách báo chí của Thép Mới. Chất văn học trong báo chí của Thép Mới bộc lộ nhiều hơn ở khu vực tùy bút chính luận. Nó góp phần tạo nên chất tươi tắn, gợi cảm qua trang viết.

(Theo báo Nhân dân cuối tuần, số 9, ngày 03/3/2002)

Nguồn website giaibai5s.com

Học tốt Ngữ Văn 11-Bài 31. Một thời đại trong thi ca
Đánh giá bài viết