BÀI LÀM 

Tôi đã từng nghe câu chuyện Chàng Đan Kô cùng đoàn người lạc trong rừng. Đêm tối bao phủ, chàng và mọi người không tìm được lối ra, Đan Kô đã móc trái tim trong lồng ngực mình làm ngọn đuốc soi đường. Phải chăng trái tim Đan Kô là hiện thân của lòng dũng cảm?

Dũng cảm là gan dạ, là không sợ khó khăn nguy hiểm, sẵn sàng đối mặt với thử thách. Người có lòng dũng cảm là người có nghị lực, có sức mạnh và lòng quả cảm để vượt qua gian nguy, chế ngự thiên nhiên, chiến thắng kẻ thù, đói nghèo lạc hậu.

Lần giở trang sử của dân tộc, ta có thể thấy hàng ngành hàng vạn tấm gương dũng cảm trong chiến đấu chống quân thù. Chỉ tính riêng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. những người con đất Việt như anh Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, anh Nguyễn Viết Xuân với khẩu hiệu “nhằm thẳng quân thù mà bắn”, anh Nguyễn Văn Trỗi với câu nói nổi tiếng “còn giặc Mỹ thì không ai có hạnh phúc nổi cả”… ta có thể thấy tuổi trẻ Việt Nam sẵn sàng xả thân vì đất nước, vì độc lập tự do của dân tộc. Với họ “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Không có lòng dũng cảnh, không có tinh thần kiên cường bất khuất làm sao học có thể hi sinh tuổi trẻ của hình cho đất nước, cho dân tộc được?

Lòng dũng cảm sẽ tạo nên sức mạnh tinh thần để con người chiến thắng, chinh phục và chế ngự được thiên nhiên. Trước đây, thiên nhiên hoành hành, lũ lụt hạn hán nặng nề, nhưng ngày nay, ta đã ngăn sông thành đập, biến dòng nước lũ thành những công trình thuỷ điện tầm cỡ như: Thuỷ điện Hoà Bình, thủy điện Yaly, Sơn la…. Gần đây, đại dịch cúm gia cần H5N1 đã khiến người bị thiệt mạng. Có những quốc gia số người chết vì cúm gia cầm lên tới hơn năm nghìn người. Nhưng ta đã ngăn chặn được dịch cúm gia cầm. Mùa đông vừa qua, người dân miền Bắc, đặc biệt là người dân Sapa phải chịu một cái lạnh chưa từng thấy trong lịch sử. Sương muối phủ trắng rừng, mưa lạnh buốt, cây cối bị quật ngã vì băng giá. Vậy mà có bạn học sinh đã dậy từ rất sớm cùng gia đình che chắn, bảo vệ cho cây trồng, gia súc trong nhà. Đó chẳng phải là biểu hiện của lòng dũng can hay sao?

Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin nhiều tấm gương dũng cảm trong cuộc chiến đấu chống tham nhũng. Có thể kể đến tấm gương tiêu biểu như ông Nguyễn Văn Vượng và Hoàng Văn Cường nguyên là sĩ quan quân đội Nghỉ hưu. Từ năm 2001 đến nay hai ông đã tố cáo ngăn vụ việc liên quan đến đến tham nhũng tại phường Bưởi. Qua đó, cơ quan chức năng đã xem xét thu hồi hơn hai nghìn mét vuông đất cho nhà nước. Hay bà Lê Hiền Đức, giáo viên nghỉ hưu ở là Nội đã tố cáo tham nhũng ở một số trường tiểu học. Bên cạnh đó là những tấm gương quên mình để cứu bạn. Đó là Bạn Lê Anh Đô ở Lục Ngạn, Bắc Giang đã dùng cảm cứu bạn khỏi dòng nước lũ và vĩnh viễn không thể tới trường cùng bạn. Bạn Nguyễn Văn Tiến ở Doanh Hùng, Phú Thọ đã cứu bạn khỏi đường dây cao thế còn bản thân mình thì trở thành tật nguyền suốt đời.

Người có lòng dũng cảm, cao hơn còn biết chiến thắng bản thân mình. Chiến thắng sự tự ti, chiến thắng lòng ích kì kể cả sự tham lam, bần tiện. Tôi còn nhớ, nhân vật Đào trong truyện ngắn Mùa lạc của Nguyễn Khải đã có lúc mặc cảm mình già, xấu xí, ế ẩm thua thiệt nên không dám nghĩ đến niềm hạnh phúc mới. Nhưng rồi được sống trong một môi trường lao động mới, ở đó có những con người mới như Luân, Lâm, chị đã vượt qua ranh giới của sự mặc cảm tự ti tình được hạnh phúc cho riêng mình. Hay cô Mi trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài cùng đã vượt qua ranh giới của định mệnh, cởi trói cho A Phủ, cùng A Phủ bước sang cuộc đời mới. Còn nhớ nhân vật Hộ trong truyện ngắn Đời thừa của Nam Cao đã có lúc nghĩ đến chuyện từ bỏ vợ con để thực hiện giấc mộng văn chương, nhưng rồi lại nghĩ “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên đôi vai của người khác để thoả mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh là kẻ nâng đỡ người khác trên đôi vai của mình” nên Hộ đã hi sinh nghệ thuật vì tình thương.

Chiến thắng bản thân mình là chiến thắng lớn nhất của con người. Chắc hẳn bạn không quên những câu chuyện cảm động về những tấm gương dũng cảm vượt lên số phận như anh Trần Hữu Ai hai mươi mốt tuổi, bị nhiễm chất độc da cam từ nhỏ, tay chân bị liệt vẫn nuôi giấc mộng đến trường. Do vậy khi được đến trường, anh luôn cố gắng học tập. Kết quả của ba năm học ở tiểu học Thanh Hoà, Bù Đốp tỉnh Bình Phước anh đều đạt học sinh giỏi. Hay anh Nguyễn Ngọc Sơn, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, bị suy thận độ bốn, vẫn lạc quan, yêu đời, vẫn sáng tác văn chương. Cuốn sách do anh viết Xin đừng khóc nữa mẹ ơi! đã gây một tác động lớn đến bạn đọc. Đặc biệt là các bạn thanh niên.

Dũng cảm là một phẩm chất quý báu của con người. Mỗi con người cần phải có sự trau dồi, rèn luyện để có được lòng dũng cảm. Vì sao vậy? Cuộc sống luôn tiềm ẩn những trở ngại, những khó khăn và thử thách bất ngờ, hơn nữa con đường đi đến với ước mơ của mỗi người không hề bằng phẳng. Bao khó khăn trở ngại và cả điều bất hạnh có thể xảy ra vào những lúc không mong chờ nhất để thử thách lòng dũng cảm của con người. Cho nên con người phải có lòng dũng cảm để vượt qua thử thách, thất vọng, nỗi buồn. Dũng cảm vượt qua để luôn luôn mình là chính mình.

Na-pô-lê-ông đã từng nói: “Nếu mất tiền tức là không mất gì. Mất lòng tin là mất một nửa. Nếu mất lòng dũng cảm là mất tất cả” cũng chính là lời khuyên mỗi người hãy là một người dũng cảm trước khó khăn thử thách. Trong cuộc sống có những người có chút tài năng nhưng lại thiếu lòng dũng cảm, sự tự tin vào bản thân mình thì cũng không làm được điều gì. Ví như bạn thông minh nhưng thiếu chút nghị lực để ngồi học bài trong cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông hay cái nóng gay gắt dữ dội của mùa hè, bạn cũng khó trở thành tài. Bạn nhớ thốt ra một lời hỗn láo với mẹ, nhưng không đủ can đảm để xin lỗi ấy là bạn đã đánh mất lòng dũng cảm. Bạn đang khó khăn, bạn nhặt được chiếc ví dày cộm tiền, bạn vui vẻ đút vào túi mà không mảy may tới nỗi đau của người mất của, đấy là bạn đã đánh mất lòng dũng cảm… Mất lòng dũng cảm, bạn sẽ chà đạp lên tình thương, chà đạp lên đạo lí thậm chí chà đạp lên truyền thống đạo lí của dân tộc.

Nhìn lại những tấm gương dũng cảm trong cuộc sống, ta càng trân trọng hơn những con người dám vượt lên chính mình chiến thắng bản thân, chiến thắng thiên nhiên, chiến thắng kẻ thù. Dũng cảm là phẩm chất cần có, là thước đo phẩm giá của mỗi con người. Do vậy, trong cuộc sống mỗi chúng ta hãy biết tôi luyện để trở thành người dũng cảm.

Cuộc sống có nhiều trở ngại, nhiều thử thách song chúng ta hãy vững niềm tin và “Đừng lùi bước trước bóng đen. Hãy chống lại nó bằng lòng dũng cảm” (Ve-gi).

ĐỀ 20: Suy nghĩ của anh (chị) về lòng dũng cảm.
Đánh giá bài viết