DÀN Ý

1. Đặt vấn đề:

– Kể một câu chuyện về một nhân vật vượt lên số phận, vượt lên hoàn cảnh và đạt được thành công trong cuộc sống.

– Giới thiệu câu nói của Nguyễn Bá Học: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.

2. Giải quyết vấn đề:

– Giải thích câu nói: gồm hai vế đặt trong tương quan đối lập nhau:

+ Vế thứ nhất: “đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi”. nêu: hình ảnh cụ thể: “đường đi”, “núi”, “sông” được dùng theo nghĩa ẩn dụ, dùng để chỉ những khó khăn, trở ngại (cả về vật chất và tinh thần) trong cuộc đời của mỗi người.

+ Vế thứ hai: “khó vì lòng người ngại núi e sông” ⇒ ý nói: nếu con người có tinh thần yếu đuối, dễ nản chí thì sẽ thấy con đường mà mình đi càng trở nên khó khăn, gập ghềnh.

Tóm lại ý nghĩa của câu nói: khẳng định sức mạnh của ý chí, tinh thần, nghị lực của con người.

– Khẳng định vấn đề mà câu nói đưa ra là đúng và giải thích tại sao:

+ “Đường đi khó” vì trên bước đường trưởng thành của mỗi con người không phải lúc nào cũng bằng phẳng mà ở lúc này, lúc khác của cuộc đời, chúng ta sẽ phải đối mặt với những chông gai, thử thách, những khó khăn về vật chất hoặc tinh thần, thậm chí là những thất bại dễ khiến ta khuỵ ngã, nản chí.

+ “Không khó vì ngăn sông cách núi” vì dù ở bất cứ không gian, thời gian nào, con người vẫn có thể sáng tạo ra những phương tiện giao thông, thông tin liên lạc và thiết bị kĩ thuật hiện đại (như xây cầu, đường, sáng tạo ra máy bay, tên lửa, điện thoại, internet… để khắc phục khoảng cách của không gian và thời gian, vượt qua những trở ngại vật chất cụ thể, hữu hình.

+ “Khó vì lòng người ngại núi e sông”: vì nếu con người đứng trước trở ngại, thử thách mà thấy e ngại, chùn chân thì họ sẽ không thể đạt đến đích; nếu mang tư tưởng thất bại trong đầu thì họ chắc chắn sẽ thất bại.

– Chứng minh qua dẫn chứng thực tế:

+ Những thiết bị văn minh, hiện đại ngày nay là sản phẩm của niềm đam mê sáng tạo, của khát vọng cháy bỏng và ý chí quyết tâm, lòng kiên trì nhẫn nại của con người.

+ Tấm gương vượt lên số phận trớ trêu và hoàn cảnh khó khăn, vươn đến thành công của các nhân vật: Nguyễn Ngọc Kí, Hoa Xuân Tứ, Đỗ Trọng Thước, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử chiến thắng ngoại xâm hào hùng của dân tộc Việt Nam; các tấm gương vượt khó trên thế giới… .

– Bàn bạc, mở rộng:

+ Không nên tuyệt đối hóa vai trò của ý chí, tinh thần mà không chú ý đến hoàn cảnh khách quan, như vậy sẽ rơi vào chủ quan, duy ý chí.

+ Những câu tục ngữ có cùng ý nghĩa: “có chí thì nên”; “có công mài sắt có ngày nên kim”; “nước chảy đá mòn”…

3. Kết thúc vấn đề:

– Tóm lại về ý nghĩa câu nói của Nguyễn Bá Học.

– Rút ra bài học về tinh thần, ý chí vượt qua trở ngại đối với mỗi học sinh.

BÀI LÀM

Ngay từ thuở nhỏ, khi mới làm quen với bàn ghế, sách vở trong nhà trường, tôi đã được nghe câu chuyện về anh Nguyễn Ngọc Kí. Hình ảnh người con trai dù bị hỏng cả hai tay mà vẫn kiên trì ngồi viết từng nét chữ bằng đôi chân của mình luôn ám ảnh tâm trí tôi, hằn sâu vào trí nhớ như một tấm gương sáng ngời của tinh thần bền bỉ, kiên trì và ý chí quyết tâm vượt lên số phận. Tôi lại càng thấm thía hơn câu nói của nhà bác học Nguyễn Bá Học: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.

Bằng lối diễn đạt hình tượng mang tính ẩn dụ, câu nói trên đã đưa ra một nhận định rất đúng đắn: lòng quyết tâm và ý chí cao có thể giúp con người vượt qua những thử thách, chông gai của cuộc đời.

Trước hết, về hình thức, câu nói trên được chia làm hai vế có mối quan hệ đối lập nhau: vế thứ nhất là “đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi” và vế thứ hai là “khó vì lòng người ngại núi e sông”. Trong câu nói này xuất hiện hình ảnh con “đường đi”, “sông”, “núi”. Có thể nói, “sống”, “núi” là những trở ngại cụ thể, mang tính vật chất trên một con đường cụ thể, hữu hình. Tuy nhiên, cũng có thể hiểu những hình ảnh này theo nghĩa bóng, nghĩa ẩn dụ: “sống”, “núi” là những khó khăn, gian khổ, trở ngại cả về vật chất lẫn tinh thần trên “đường đời” của mỗi con người. Và như vậy, hiểu một cách khái quát, câu nói này đã dùng những hình ảnh cụ thể để gửi gắm hàm ý sâu xa: nếu con người e ngại trước một khó khăn, thử thách nào đó, họ sẽ cảm thấy con đường đi của họ càng gập ghềnh, khó khăn hơn. Và ngược lại, với những ai mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm cao độ, những khó khăn thử thách kia sẽ trở nên nhẹ nhàng, có thể vượt qua. Ý chí và tinh thần của con người quả là có sức mạnh kì diệu!

Câu nói mang tính chất như một câu châm ngôn của Nguyễn Bá Học rất giàu sức nặng bởi nó là sự đúc kết từ những kinh nghiệm thực • tế trong cuộc sống của con người và đã được thực tế kiểm chứng. Ta hãy thử lý giải tại sao “đường đi… không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”?

Trước hết, không thể không thừa nhận rằng trên bước đường trưởng thành của mỗi con người không phải lúc nào cũng bằng phẳng, được trải thảm hoa hồng. Ở lúc này, lúc khác của cuộc đời, chúng ta sẽ phải đối mặt với những chông gai, thử thách; những khó khăn về vật chất hoặc tinh thần, thậm chí là những thất bại dễ khiến ta quỵ ngã, nản chí. Vậy nên câu châm ngôn mới nhận định một cách phổ quát: “đường đi khó”.

Nhưng vì sao lại khẳng định “không khó vì ngăn sông cách núi”?

Ai đã từng đến với những bản làng xa xôi ở vùng núi cao Tây Bắc Việt Nam, chắc sẽ hiểu thế nào là hình ảnh những con đường gập ghềnh, quanh co theo hình trôn ốc, trập trùng núi liền núi, rừng trải dài bát ngát và vươn lên những triền núi cao. Lại đã từng đến với vùng đồng bằng sông Cửu Long ở miền Tây Nam Bộ sẽ thấy hình ảnh những dòng sông ngút ngát, mỗi bận lũ tràn về thì đồng đất trắng xoá nước, hoặc bắt gặp những rừng tràm, rừng đước, rừng sú vẹt với những đầm lầy rậm rạp, nơi cư ngụ của những loài chim, thú quý hiếm, độc dữ. Hay nghe nói đến Trường Sa, Hoàng Sa, ta lại hình dung đến những hòn đảo xa xôi, cách biệt hàng ngày trời với đất liền. Nhưng cùng với sự phát triển của xã hội, hệ thống giao thông liên lạc đã toả ra trên khắp bản đồ Việt Nam. Người ta xây cầu, đường, bến phà, cảng biển để nối liền những vùng miền đất nước, đưa con người đến với những làng bản heo hút, xa xôi nhất cũng như những đảo ngoài xa đất liền nhất. Để khắc phục những trở ngại về không gian, không chỉ các phương tiện giao thông hiện đại như xe ô tô, tàu thuỷ, máy bay mà cả những thiết bị viễn thông tiên tiến như điện thoại, internet ra đời, giúp con người ở những vùng miền cách xa nhau có thể gặp nhau, nói chuyện với nhau. Thậm chí, con người còn phát minh ra tàu vũ trụ phóng vào không gian xa xôi, thăm thẳm của Trái đất để khám phá ra những điều kì lạ, bí ẩn của tự nhiên, của thế giới. ..

Còn để khắc phục những trở ngại về thời gian, con người đã làm ra sách, in băng đĩa, chế tạo máy tính với những bộ nhớ khổng lồ ghi lại những thành tựu lịch sử của nhân loại. Con người còn có thể rút ngắn hoặc kéo dài thời gian nhờ những phương tiện kĩ thuật hiện đại, tối tân nhất…

Nhưng, tất cả những thành tựu kĩ thuật hiện đại đó sẽ không thể có nếu con người e ngại, chùn bước trước gian khổ, thử thách, hay nói như câu châm ngôn, “đường đi khó” vì “lòng người ngại núi e sông”.

Đúng vậy! Có câu nói: “Kẻ nào mang tư tưởng thất bại trong đầu, kẻ đó chắc chắn sẽ thất bại”. Tinh thần, ý chí của con người dù vô hình, trừu tượng, nhưng lại có sức mạnh ghê gớm, có thể tạo ra năng lượng vật chất làm nên sức mạnh của con người. Có những khó khăn trở ngại ngỡ như quá sức đối với ta, vậy mà ý chí quyết tâm và nghị lực đã biến thành nguồn năng lượng giúp ta vượt qua và đạt được thành công. Hãy thử tưởng tượng đứng trước những gian khó, thử thách của cuộc sống, nếu ta lo sợ đến mức nản chí, buông tay thì thất bại đến với ta là điều rõ ràng. Đứng trước một nỗi đau đớn, mất mát về mặt tinh thần hoặc một thất bại cay đắng nào đó, nếu ta cứ chìm trong đau khổ, ám ảnh, tuyệt vọng thì nỗi đau ấy sẽ càng dày thêm, và ta sẽ không dám can đảm bước tiếp. .

Thực tế đã chứng minh ý chí quyết tâm của con người có thể làm nên những điều kì diệu.

Cùng với ước mơ, khát vọng khám phá và chinh phục không gian, bằng ý chí và nghị lực phi thường, con người đã phát minh và sáng chế ra những phương tiện hiện đại như tàu vũ trụ, máy bay siêu tốc, máy bay tàng hình, tàu cánh ngầm… Con người cũng đã phát minh ra những phương tiện sản xuất, thông tin liên lạc, dịch vụ ngày càng tân tiến, tiện ích, phục vụ cho nhu cầu ngày càng phong phú của con người.

Trong đời sống, ta cũng bắt gặp biết bao tấm gương khắc phục khó khăn, chiến thắng số phận, vươn tới thành công.  Đó là tấm gương của anh Nguyễn Ngọc Kí bị hỏng tay, dùng chân viết chữ, sau trở thành một thầy giáo ưu tú, mẫu mực; là anh Hoa Xuân Tứ bị cụt tay, dùng vai viết chữ; là anh Đỗ Trọng Khơi bị bại liệt đã tự học, trở thành nhà thơ; là anh Trần Văn Thước bị tai nạn lao động, liệt toàn thân đã tự học, trở thành nhà văn… Đó còn là chân dung của biết bao người khuyết tật khác đã tham gia vào hội thi thể thao dành cho người khuyết tật và đạt được những tấm huy chương đầy vinh quang. Đó còn là tấm gương của những người bị mắc bệnh hiểm nghèo mà vẫn lạc quan, giàu ý chí và nghị lực vượt qua số phận, có nhiều đóng góp cho cộng đồng xã hội, ví như “người hùng” của những đường đua xe đạp thế giới Lam Am-xtơ-roong hay nữ diễn viên huyền thoại Êlidabét Taylo… Trong lĩnh vực kinh doanh, ta cũng khâm phục những con người đã đi lên từ hai bàn tay trắng, đạt tới đỉnh cao thành công như ông chủ tập đoàn đồ điện tử Dawoo, ông chủ hãng máy tính khổng lồ Microsoft Bill Gate, hay những doanh nghiệp trẻ làm nên những thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam như Li-oa, Trung Nguyên, Hoà Phát….

Lịch sử Việt Nam cũng đã ghi những trang hào hùng của lòng yêu nước, ý chí quyết chiến quyết thắng và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Nếu không có tinh thần mạnh mẽ, ý chí bất khuất vượt khó khăn, thách thức thì làm thế nào, dân tộc Việt Nam nhỏ bé lại có thể đánh thắng bao kẻ thù xâm lược, từ những triều đại phong kiến Trung Quốc cho đến thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, bảo vệ nền độc lập tự do và toàn vẹn lãnh thổ? Ý chí đó, tinh thần đó đã được khắc trong những lời nói đanh thép, bất hủ: “Ta thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc” (Trần Bình Trọng); “Bao giờ giặc Tây nhổ hết cả nước Nam mới hết người Nam đánh Tây” (Nguyễn Trung Trực) hay “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập tự do” (Hồ Chí Minh).

Có thể khẳng định, ý chí quyết tâm và nỗ lực của bản thân con người là sức mạnh làm nên thành công. Tuy nhiên, cần có cái nhìn uyển chuyển, đa chiều hơn khi nhìn nhận vấn đề này. Nếu chúng ta chỉ tuyệt đối hoá vai trò của ý chí, của tinh thần, coi đó là nhân tố quyết định thành công của con người thì ta sẽ rơi vào căn bệnh chủ quan, duy ý chí, dẫn đến coi nhẹ yếu tố khách quan có tác động lớn đến con người. Ở thái cực khác, nếu ta coi hoàn cảnh khách quan có ý nghĩa quyết định thì sẽ lại rơi vào cái nhìn phiến diện, cực đoan. Một cái nhìn khoa học, hợp lý sẽ nhận thấy rằng để làm nên thành công của con người, cần biết nhận thức được chính xác hoàn cảnh khách quan, những nhân tố ngoại lực, đồng thời đánh giá được năng lực của bản thân, nuôi dưỡng ý chí và ước mơ để vận dụng tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm, biến thành hành động cụ thể.

Với mỗi học sinh chúng ta, đứng trước một khó khăn, thử thách, có thể là một bài toán hóc búa, một bài văn phức tạp, cũng có thể là một kì thi căng thẳng, cam go, hay một lần thất bại, câu châm ngôn của Nguyễn Bá Học quả là một lời khuyên hữu ích. Chúng ta hiểu rằng với ý chí quyết tâm và tinh thần kiên nhẫn, bền bỉ, với niềm tin tưởng vào bản thân, ta có thể bình tĩnh nhận định về khó khăn trước mắt, đồng thời tìm ra phương thức giải quyết vấn đề một cách hợp lý, đúng đắn.

Cùng với những câu tục ngữ có ý nghĩa tương đồng như “Có chí thì nên”, “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, câu châm ngôn mà chúng ta vừa tìm hiểu đã làm giàu có cho nguồn tri thức, tâm hồn mỗi chúng ta. Câu châm ngôn đó không chỉ có ý nghĩa động viên, khích lệ với mỗi người mà còn có ý nghĩa với đất nước ta, dân tộc ta, nhất là ở thời điểm hiện nay, Việt Nam đang đứng trước những thách thức của quá trình hội nhập vào nền kinh tế, văn hoá toàn cầu. Chúng ta hi vọng rằng với sức mạnh của ý chí, tinh thần lớn lao của khối đại đoàn kết dân tộc, với nội lực vững vàng phát huy truyền thống bốn nghìn năm, đất nước ta sẽ biến thách thức thành cơ hội và hoà nhập thành công vào quỹ đạo chung của thế giới, toả sáng trên bản đồ văn minh nhân loại.

Giaibai5s.com

Đề số 11: Nêu ý kiến của em về câu nói của nhà bác học Nguyễn Bá Học: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.
Đánh giá bài viết