BÀI LÀM 

Người phụ nữ là một đề tài chiếm số lượng lớn trong kho tàng văn học Việt Nam. Đó có thể là hình ảnh người mẹ, người vợ, người bà,… tất cả bọn họ đều là những người giàu lòng yêu thương, bao dung và vị tha. Đặc biệt là hình ảnh người mẹ Tà-ôi của Nguyễn Khoa Điềm trong “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” không chỉ là người mẹ với lòng yêu thương con, mà đó còn là đại diện của người mẹ Việt Nam anh hùng.

Người mẹ Tà-ôi hiện lên trong tác phẩm là người chịu thương, chịu khó, giàu tình yêu thương và đức hi sinh. Hằng ngày, người mẹ làm những công việc bình thường, giản dị là giã gạo, tỉa bắp, mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng,… giản dị nhưng không hề tầm thường. Mẹ làm công tác hậu phương lớn, mẹ làm việc từ ngày đến đêm, mẹ âm thầm chịu đựng những khó khăn, vất vả của cuộc sống hằng ngày với ước mơ lớn nhất là chỉ mong rằng có thể góp một phần sức mình cho đất nước, góp sức cho cách mạng và cũng là góp sức cho cuộc kháng chiến chống Mĩ giành thắng lợi. Có thể nói, không có mẹ thì không có ngày hôm nay. Mẹ còn là hình ảnh đại diện cho nhiều người mẹ khác nữa trên đất nước Việt Nam. 

Bài thơ cũng đồng thời là bài hát ru. Lời ru của tác giả và lời ru của mẹ đan cài, nối tiếp nhau làm cho mỗi khúc hát ru trở nên đằm thắm, dịu dàng lại trầm tư, sâu lắng. Những khúc hát ru có cấu trúc giống nhau, xuất hiện ở đầu mỗi khổ thơ cho ta thấy sự ngọt ngào của lòng mẹ. Đằng sau mỗi khúc hát là công việc khác nhau mà mẹ làm, là một ước mơ của mẹ. Mỗi công việc mẹ làm đều có con ở bên, con là nguồn sống của mẹ, mẹ gửi gắm ước mơ của đời mình ở con.

Ở đoạn thơ thứ nhất, người mẹ hát ru con khi đang địu con trên lưng và giã gạo để nuôi bộ đội. Giấc ngủ của con đung đưa theo những nhịp chày mẹ giã. Giã gạo là công việc vô cùng vất vả, ấy thế mà người mẹ còn phải địu thêm đứa con sau lưng, những giọt mồ hôi mẹ rơi đã lăn dài trên má con, lưng mẹ gầy làm gối cho giấc ngủ con say nồng. Mẹ không ngại vất vả, không quản khó nhọc, mẹ đã cất lên khúc hát yêu thương từ sâu trong trái tim mình:

Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi 
Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội           
Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần            
Mai sau con lớn vung chày lún sân.            

Mẹ không chỉ giã gạo để nuôi con, mà mẹ còn giã gạo để nuôi nhiều “đứa con” nữa, đó là những anh bộ đội đã bỏ lại người mẹ già ở quê nhà để lên đường đi chiến đấu, lên đường đánh giặc vì tiếng gọi của Tổ quốc. Mẹ thương con cũng là mẹ thương cho bộ đội. Mẹ chỉ mong trong giấc mơ của con mẹ sẽ giã được nhiều gạo để cung cấp cho chiến trường miền Nam, mẹ cũng mong rằng mai sau con lớn sẽ giã gạo cùng mẹ, sẽ cùng mẹ cống hiến cho đất nước. Tình mẹ thật bao la, rộng lớn, mẹ đã ôm trọn đàn con vào lòng, mẹ thương cho những đứa con đang vất vả nơi chiến trường. Ước mơ của mẹ nối liền với giấc mơ của người con.

Trong đoạn thơ thứ hai, mẹ hát ru con khi mẹ đi tỉa bắp trên đồi, sự đối lập giữa hình ảnh lưng núi và lưng mẹ, một bên thì vững chắc, lớn lao, một bên thì nhỏ bé. Ẩn chứa trong cái lưng nhỏ bé ấy là trái tim yêu thương con vô bờ, tình yêu quê hương, đất nước. Mẹ có sức để chiến đấu bởi lẽ trên lưng mẹ có một “mặt trời” bé thơ. Đó chính là đứa con, con là nguồn động lực, là ánh sáng của đời mẹ, con là niềm tin và là cả tương lai của mẹ. Con đã tạo nên cho mẹ một sức lực kiên cường để hoàn thành xuất sắc công việc của người mẹ. Rồi mẹ cũng không quên gửi gắm niềm mong ước của mình trong giấc ngủ của con:

Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi 
Mẹ thương a-kay, mẹ thương làng đói        
Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều                  
Mai sau con lớn phát mười Ka-lưi…            

Bên trên là tình thương con gắn liền với tình thương bộ đội. Đến đây, tình thương con còn gắn liền với tình thương làng xóm, tình thương quê hương. Mẹ thương dân làng vì dân làng đói thì sao có thể đi đánh giặc được. Mẹ mong con sẽ mơ cho mẹ được hạt bắp lên đều để có đủ lương thực nuôi dân làng, để người dân yên tâm đánh giặc. Mẹ cũng mong rằng sau này con lớn lên sẽ tiếp bước công việc của mẹ, sẽ hơn nhiều lần mẹ để tiếp tục thay mẹ cống hiến cho đất nước.

Khúc hát ru cuối cùng là mẹ ru con khi đang đi chuyển lán, đạp rừng, dựng chỗ ở cho các chiến sĩ. Mẹ còn trực tiếp tham gia chiến trận cùng anh chị để giành trận cuối:

Thằng Mĩ đuổi ta phải rời con suối     
Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông 
Mẹ địu em đi để giành trận cuối           
Từ trên lưng mẹ em đến chiến trường   
Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn.   

Mẹ thật anh dũng, giờ đây mẹ xông vào trận chiến như một chiến sĩ đích thực. Con đã cùng mẹ đi vào chiến trường, đã tiếp thêm cho mẹ sức mạnh chiến đấu. Tình yêu thương con giờ đã lớn thành tình yêu Tổ quốc, mẹ nhất định phải đi, đi để giành lại tự do cho dân tộc. Mẹ không thể đứng ngoài cuộc chiến bởi mẹ là một người con đất Việt, bởi mẹ có trái tim vô cùng lớn lao. Mẹ vào chiến trận với mong ước:

Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ 
Mai sau con lớn làm người Tự do… 

Mẹ được thấy Bác Hồ là khi đất nước đã được tự do, đất nước đã giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh gian khổ, khốc liệt. Bọn Mĩ càng gian ác thì ta càng phải vững ý chí và kiên cường, chiến đấu hết mình. Mẹ mong đất nước giành thắng lợi cũng là mong sau này con sẽ được “Tự do”, mẹ chiến đấu vì cuộc sống của con sau này. Đây cũng là ước mơ lớn nhất của cả đời mẹ. 

Qua những khúc hát ru, ta thấy mẹ hiện lên với tấm lòng thậtbao la, rộng lớn. Tình yêu thương con của mẹ gắn liền với tình thương bộ đội, tình thương dân làng và đặc biệt đó là tình yêu Tổ quốc. Mẹ đã trở thành người mẹ vĩ đại của cả dân tộc. Sau này khi con lớn lên, chắc hẳn con sẽ rất tự hào và biết ơn về những gì mà mẹ đã làm ngày hôm nay. Lòng mẹ thật đáng kính biết bao.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 41: Cảm nhận của em về hình ảnh người mẹ Tà-ôi trong “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm
Đánh giá bài viết