KIẾN THỨC CẦN NHỚ

   Thuở ban đầu, loài người trao đổi ý nghĩ, tình cảm với nhau bằng ngôn ngữ nói. Sau này, khi phát minh ra chữ viết, người ta dùng chữ viết bên cạnh tiếng nói để thông tin với nhau: đó là ngôn ngữ viết. Chữ viết ra đời đánh dấu một bước phát triển mới trong lịch sử văn minh nhân loại, và từ đó hình thành hai dạng: ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết.

1. Đặc điểm của ngôn ngữ nói

– Là ngôn ngữ âm thanh, dùng trong giao tiếp tự nhiên hằng ngày, người nói và người nghe tiếp xúc trực tiếp với nhau, có thể thay phiên nhau trong vai nói và vai nghe. Người nói ít có điều kiện lựa chọn, gọt giũa các phương tiện ngôn ngữ, người nghe ít có điều kiện suy ngẫm, phân tích.

– Đa dạng về đường nét ngữ điệu. Ngữ điệu là yếu tố quan trọng để bộc lộ và bổ sung thông tin. Ngôn ngữ nói còn có sự phối hợp giữa âm thanh, giọng điệu với các phương tiện bổ trợ như nét mặt, ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ,… của người nói.

– Từ ngữ được sử dụng khá đa dạng: những lớp từ mang tính khẩu ngữ, những từ ngữ địa phương, tiếng lóng, biệt ngữ, các trợ từ, thán từ, các từ ngữ đưa đẩy, (SGK,…) Thường dùng các hình thức tỉnh lược (nhất là trong đối thoại), nhưng nhiều khi câu nói lại rườm rà, nhiều yếu tố dư thừa, trùng lặp. (Cần phân biệt nóiđọc (thành tiếng) một văn bản).

2. Đặc điểm của ngôn ngữ viết 

– Được thể hiện bằng chữ viết trong văn bản và được tiếp nhận bằng thị giác. Người viết có điều kiện suy ngẫm, lựa chọn, gọt giũa; người đọc có điều kiện đọc lại, phân tích, nghiền ngẫm để lĩnh hội thấu đáo. Được ghi chép bằng chữ trong văn bản, ngôn ngữ viết đến được với đông đảo người đọc trong phạm vi không gian rộng lớn và thời gian lâu dài.

– Ngôn ngữ viết được sự hỗ trợ của hệ thống dấu câu, của các kí hiệu văn tự, của các hình ảnh minh họa, các bảng biểu, sơ đồ,…

– Trong ngôn ngữ viết, từ ngữ được lựa chọn, thay thế nên có điều kiện đạt được tính chính xác, phù hợp với từng phong cách. Ngôn ngữ viết tránh dùng các từ mang tính khẩu ngữ, các từ ngữ địa phương, các tiếng lóng, tiếng tục,… Về câu, ngôn ngữ viết thường sử dụng những câu dài, nhiều thành phần nhưng được tổ chức mạch lạc, chặt chẽ.

Chú ý: 

– Ngôn ngữ nói được ghi lại bằng chữ viết trong văn bản. Ví dụ: văn bản truyện có lời nói của các nhân vật, bài báo ghi lại cuộc phỏng vấn hoặc cuộc tọa đàm,…

– Ngôn ngữ viết trong văn bản được trình bày lại bằng lời nói miệng. Ví dụ: thuyết trình trước hội nghị bằng một báo cáo viết sẵn, nói trước công chúng theo một văn bản,…

   Ngoài hai trường hợp trên, cần tránh sự lẫn lộn giữa ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói: tránh dùng những yếu tố đặc thù của ngôn ngữ nói trong ngôn ngữ viết và ngược lại. .

   Cuối cùng, các em đọc kĩ và học thuộc phần Ghi nhớ trong SGK để nắm Uững bài học.

II. THỰC HÀNH – LUYỆN TẬP

1. Phân tích đặc điểm của ngôn ngữ viết thể hiện trong đoạn trích của Phạm Văn Đồng.

Gợi ý:

– Hệ thống thuật ngữ dùng chính xác, có sự lựa chọn và thay thế từ ngữ (vốn chữ thay cho từ vựng, phép tắc thay cho ngữ pháp),…

– Câu viết rõ ràng, trong sáng: tách dòng khi trình bày từng ý, dùng các từ chỉ thứ tự (một là, hai là, ba là).

– Các dấu câu được dùng chính xác, đúng chỗ, giúp câu văn rõ nghĩa và trong sáng, dễ hiểu.

2. Phân tích đặc điểm của ngôn ngữ nói trong đoạn văn của Kim Lân. 

Gợi ý:

– Đây là ngôn ngữ nói đã được nhà văn đưa vào văn bản truyện. Ngôn ngữ ở đây là ngôn ngữ của người nông dân ở vùng đồng bằng Bắc Bộ: sinh động, mang tính khẩu ngữ rất rõ.

– Chú ý các từ xưng hô: anh ấy, nhà tôi, đằng ấy,…; các từ miêu tả cử chỉ, điệu bộ: đẩy vai, cười như nắc nẻ, cong cớn, ton ton chạy lại, liếc mắc cười tít,…

– Cách nói tỉnh lược: hai câu đối thoại cuối của Tràng và người đàn bà.

3. Phân tích lỗi và sửa lại các câu (cho sẵn) cho phù hợp với ngôn ngữ viết.

Gợi ý: 

   Ba câu cho sẵn trong SGK có những yếu tố của ngôn ngữ nói (chưa trau chuốt, dùng khẩu ngữ, diễn đạt không trong sáng, có câu còn lôi thôi, rườm rà, khó hiểu như câu c,…).

   Các em tự chữa các câu này cho phù hợp với ngôn ngữ viết bằng cách lựa chọn và thay thế từ mang tính khẩu ngữ; viết lại câu văn cho gọn và trau chuốt hơn; tránh dùng những từ lặp không cần thiết như từ “thì” ở câu c từ “thì” ở hai câu acâu b nên bỏ; những chữ “hết ý”, “còn như”, “khai sống”, “vô tội vạ”, “ai sát” cần lựa chọn và thay thế bằng những chữ khác trong sáng và phù hợp hơn với ngôn ngữ viết.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 9: Đặc điểm của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết
Đánh giá bài viết