I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Tác giả

– Sô-lô-khốp (1905 – 1984) là nhà văn Nga lỗi lạc, vinh dự nhận giải thưởng Nô-ben về văn học năm 1965.

– Sô-lô-khốp sinh ra và lớn lên ở vùng sông Đông của nước Nga. Cuộc sống của ông gắn bó máu thịt với cảnh vật và con người quê hương trong những bước chuyển mình đau đớn và phức tạp của lịch sử. Chính vì thế, tác phẩm của ông thấm đẫm hơi thở và linh hồn của cuộc sống vùng sông Đông. Tiêu biểu như bộ tiểu thuyết Sông Đông êm đềm.

– Nội chiến bùng nổ, Sô-lô-khốp tích cực tham gia nhiều công tác ở địa phương. – Năm 1922, ông lên Mát-xcơ-va vừa đi học vừa đi làm để thực hiện ước mơ viết văn.

– Năm 1925, ông trở về quê và bắt tay viết tác phẩm tâm huyết nhất đời mình: Sông Đông êm đềm (đến 1940 hoàn thành và được giải Nô-ben năm 1965).

– Ông trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc nên có điều kiện hiểu biết về cuộc sống của nhân dân mình trong và sau chiến tranh cùng với những phẩm chất kiên cường. nhân hậu của họ. Tác phẩm Số phận con người là cảm hứng về chiến tranh. Tác phẩm đã tạo một bước ngoặt mới trong sáng tác của ông.

– Các tác phẩm chính: Sông Đông êm đềm, Đất vỡ hoang, Số phận con người... Tác phẩm của Sô-lô-khốp phản ánh rất chân thực về chiến tranh và cuộc sống con người.

2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác

   Truyện ngắn Số phận con người của Sô-lô-khốp được công bố lần đầu trên báo Sự thật, số ra ngày 31 – 12 – 1956 và 1 – 1 – 1957. Truyện có ý nghĩa khá quan trọng đối với toàn bộ sự phát triển của nền văn xuôi Xô viết suốt giai đoạn sau này. Bởi người ta có thể tìm thấy ở tác phẩm này những tìm tòi chủ yếu của văn học Xô viết hiện đại. Đây là tác phẩm đầu tiên trong văn học Xô viết, nhà văn tập trung thể hiện hình tượng con người bất hạnh sau chiến tranh, nhìn cuộc sống và chiến tranh một cách toàn diện, chân thực. Về sau, truyện được in trong tập Truyện Sông Đông.

b. Chủ đề

   Số phận con người tập trung khám phá nỗi bất hạnh của con người sau chiến tranh. Song tuy viết về những đau thương, mất mát mà chiến tranh gây ra, tác giả vẫn giữ vững niềm tin ở tính cách Nga kiên cường cũng như lòng tin ở cuộc sống bao dung.

c. Tóm tắt nội dung

Câu chuyện kể về cuộc đời và số phận của anh lính lái xe An-đrây Xô-cô-lốp.

– Trong những năm nội chiến, Xô-cô-lốp tham gia Hồng quân. Nạn đói xảy ra, gia đình anh bị chết. Anh phải làm nhiều nghề để kiếm sống và đã xây dựng được một gia đình hạnh phúc.

– Chiến tranh chống phát xít bùng nổ, anh ra trận, bị bắt làm tù binh, bị tra tấn. Khi trốn thoát về được với Hồng quân thì anh mới biết vợ và hai con gái đã bị bom sát hại trước đó hai năm. Anh tiếp tục chiến đấu và đúng vào ngày chiến thắng, con trai của anh đã hi sinh.

– Sau chiến tranh, anh xuất ngũ và làm lái xe cho một đội vận tải. Gặp bé Va-ni-a (mồ côi cha mẹ), anh nhận nó làm con. Cuộc sống của anh từ đó thêm khó khăn song đã ấm áp hơn, Anh phải nén chịu, giấu đi những mất mát đau đớn của thể xác và tinh thần để bé Va-ni-a được hạnh phúc. 

– Một lần gặp rủi ro, anh bị thu bằng lái xe. Sau sự việc đó, anh lại cùng con đến Ka-sa-re để kiếm sống.

II. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Hoàn cảnh và tâm trạng An-đrây Xô-cô-lốp sau chiến tranh và trước khi gặp bé Vania

– Năm 1944, sau khi thoát khỏi cảnh nô lệ của tù binh, Xô-cô-lốp được biết một tin đau đớn: tháng 6 năm 1942, vợ và hai con gái anh đã bị bọn phát xít giết hại. Niềm hi vọng cuối cùng giúp anh bám víu vào cuộc đời này là A-na-tô-li, chú học sinh giỏi toán, đại uý pháo binh, đứa con trai yêu quí đang cùng anh tiến đánh Béc-lin. Nhưng đúng sáng ngày mồng 9 tháng 5 năm 1945, ngày chiến thắng, một thằng thiện xạ Đức đã giết chết mất A-na-tô-li.

– Anh đã “chôn niềm vui sướng và niềm hi vọng cuối cùng trên đất người, đất Đức”, “Trong người có cái gì đó vỡ tung ra” trở thành “người mất hồn. Sau khi lần lượt mất tất cả người thân, Xô-cô-lốp rơi vào nỗi đau cùng cực.

– Lời tâm sự của anh khi tìm đến chén rượu để dịu bớt nỗi đau: “phải nói rằng tôi đã thật sự say mê cái món nguy hại ấy”. Xô-cô-lốp biết rõ sự nguy hại của rượu nhưng anh vẫn cứ uống – Lời tâm sự ấy hé mở sự bế tắc của anh.

– Xô-cô-lốp không cầm được nước mắt trước hình ảnh cậu bé Va-ni-a. Nỗi đau không thể diễn tả thành lời, chỉ có thể diễn tả bằng những giọt nước mắt.

   Biểu dương, ngợi ca khí phách anh hùng của nhân dân, Sô-lô-khốp cũng không ngần ngại nói lên cái giá rất đắt của chiến thắng, những đau khổ tột cùng của con người do chiến tranh gây nên – sức tố cáo chiến tranh phát xít mạnh mẽ của tác phẩm.

2. An-đrây gặp bé Va-ni-a

   Giữa lúc đang lâm vào tâm trạng buồn đau, bế tắc, An-đrây đã gặp bé Va-ni-a, cũng là một nạn nhân đáng thương của chiến tranh. Tác giả tả việc Xô-cô-lốp nhận Va-ni-a làm con nuôi rất sâu sắc và cảm động.

– Khi nhìn thấy Va-ni-a từ xa: “Thằng bé rách bươm xơ mướp… cặp mắt thì cứ như nhiều ngôi sao sáng sau trận mưa đêm” rồi “thích đến nỗi bắt đầu thấy nhớ nó”. Và khi hiểu rõ tình trạng của Va-ni-a hiện tại, tình phụ tử thiêng liêng và tinh thần trách nhiệm đã thức tỉnh trong Xô-cô-lốp. Lòng thương xót dâng lên thành những giọt nước mắt nóng hổi. Anh quyết định nhận Va-ni-a làm con.

– Xô-cô-lốp tuyên bố anh là bố thì lập tức Va-ni-a chồm lên ôm hôn anh, ríu rít líu lo vang cả buồng lái… Còn Xô-cô-lốp mắt mờ đi”, “hai bàn tay lấy bấy”- sức mạnh của tình yêu thương sưởi ấm trái tim cô đơn, đem lại niềm vui sống.

– Với lòng nhân hậu, Xô-cô-lốp tìm mọi cách bù đắp tình cảm cho Va-ni-a, chăm sóc nó. Ở toàn bộ đoạn này, điểm nhìn của tác giả hoàn toàn phù hợp với điểm nhìn của nhân vật và vì vậy gây được niêm xúc động trực tiếp.

⇒ Chính lòng nhân hậu và bản lĩnh kiên cường đã giúp Xô-cô-lốp vượt qua nỗi đau và sự cô đơn.

3. Tinh thần trách nhiệm cao cả và nghị lực phi thường của Xô-cô-Iốp

– Khó khăn của Xô-cô-lốp khi nhận bé Va-ni-a làm con trong cuộc sống thường nhật: việc nuôi dưỡng, chăm sóc…, những rủi ro bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra, đặc biệt là việc không thể làm “tổn thương trái tim bé bỏng của Va-ni-a”. Bên cạnh đó là nỗi khổ tâm, dằn vặt của anh về những kí ức… vết thương tâm hồn vẫn đau đớn.

– Xô-cô-lốp không ngừng vươn lên trong ý thức những nỗi đau, vết thương lòng không thể nào hàn gắn. Đó chính là bi kịch sâu sắc trong số phận của Xô-cô-lốp. Đó cũng là tính chân thật của số phận con người sau chiến tranh.

=> Qua nhân vật Xô-cô-lốp, nhà văn đề cao chủ nghĩa nhân đạo cao cả, nghị lực phi thường của người lính và nhân dân Xô viết thời hậu chiến: Chính ý chí, nghị lực, lòng nhân ái và niềm tin vào tương lai sẽ giúp con người vượt qua những mất mát do chiến tranh gây nên và bi kịch của số phận.

4. Thái độ của người kể chuyện

* Truyện được kết cấu theo lối truyện lồng trong truyện, người kể kể lại câu chuyện. được nghe từ người khác.

– Người kể chuyện thứ hai là Xô-cô-lốp xưng “tôi”, tự kể lại câu chuyện của đời. mình theo giọng điệu, suy nghĩ, tâm hồn của bản thân. Người đọc cảm nhận anh là người bộc trực, cởi mở, có tâm hồn đa cảm, vừa kiên cường, vừa nhân hậu.

– Người kể chuyện thứ nhất là nhà văn) cũng xưng “tôi”. Sô-lô-khốp tỏ ra rất khách quan để ghi lại câu chuyện cuộc đời của người lính. Nhưng qua giọng điệu, một vài cử chỉ của tác giả, ta hiểu được tấm lòng và tình cảm, sự khâm phục của ông đối với nhân vật. Điều đó được thể hiện sâu sắc qua những đoạn trữ tình ngoại để cuối tác phẩm.

* Lời trữ tình ngoại đề ở cuối tác phẩm chính là lời giãi bày đầy cảm xúc của người kể chuyện thứ nhất, cũng chính là lời giãi bày của nhà văn Sô-lô-khốp về số phận con người:

– Sự đau đớn, xót xa, đồng cảm của nhà văn về số phận của con người trước bão tố phũ phàng của chiến tranh.

– Dự báo những khó khăn chướng ngại mà con người phải vượt qua trên con đường hướng tới tương lai.

– Bày tỏ lòng khâm phục, tin tưởng vào phẩm chất của con người Nga kiên cường và nhân hậu sẽ giúp họ đứng vững được, đương đầu với mọi thử thách, luôn sẵn sàng khi Tổ quốc kêu gọi.

– Nhà văn còn đặt ra vấn đề: Xã hội và người lớn cần có trách nhiệm quan tâm đối với số phận cá nhân, đặc biệt là đối với trẻ em là những nạn nhân của chiến tranh.

⇒ Số phận là cái mà con người không thể tránh khỏi, không thể lường trước, nhưng tâm hồn và bản lĩnh của con người là điều số phận không thể tước đoạt.

5. Qua đoạn trích, Sô-lô-khốp cho thấy số phận con người gặp rất nhiều bất hạnh, nỗi đau và sự mất mát. Theo ông, con người cần phải biết dựa vào nhau để có hạnh phúc. Hai cha con Xô-cô-lốp đã tìm đến với nhau, những người bạn đã giúp đỡ Xô-cô-lốp đã nói lên quan điểm đó. Đó cũng là niềm tin và hy vọng ở hạnh phúc con người của Sô-lô-khốp, một quan điểm có tính nhân văn sâu sắc.

III. LUYỆN TẬP

1. Tìm cái mới của truyện ngắn Số phận con người trong việc miêu tả cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô.

– Truyện ngắn Số phận con người là cột mốc quan trọng mở ra chân trời mới cho văn học Nga. Tác phẩm thể hiện cái nhìn về cuộc sống và chiến tranh một cách toàn diện.

– Nhà văn đã dũng cảm nói lên sự thật gai góc: bên cạnh những chiến thắng vinh quang là sự thật về những mất mát vô cùng của con người trong chiến tranh, sự thật về cuộc sống của con người thời hậu chiến, sự thật rằng con người sẽ còn phải đương đầu với số phận đầy thử thách phía trước. Từ đó nhà văn ca ngợi tính cách Nga kiên cường và nhân ái.

2. Hãy tưởng tượng về cuộc sống tương lai của hai bố con An-đrây Xô-cô-lốp.

Học sinh tự làm.

Nguồn website giaibai5s.com

Tuần 27: Số phận con người (trích) – Sô-lô-khốp 
Đánh giá bài viết