I. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Viết phần mở bài

a. Tìm hiểu cách mở bài

– Đề tài được trình bày: Giá trị nghệ thuật của tình huống truyện trong Vợ nhặt của Kim Lân.

– Cách mở bài: mở bài gián tiếp, dẫn dắt tự nhiên, tạo ra sự hấp dẫn…

– Mở bài (1) chưa đạt yêu cầu: không nêu rõ được vấn đề của bài viết, bắt đầu từ phạm vi quá rộng, không liên quan trực tiếp đến vấn đề nghị luận.

– Mở bài (2) và (3) phù hợp với yêu cầu của đề bài: nêu bật được nội dung yêu cầu của đề bài – tình huống truyện.

b. Phân tích cách mở bài 

– Đoán định đề tài:

+ Mở bài 1: Quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam.

+Mở bài 2: Nét đặc sắc của tư tưởng, nghệ thuật bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm.

+ Mở bài 3: Những khám phá độc đáo, sâu sắc của Nam Cao về đề tài người nông dân trong tác phẩm Chí Phèo.

⇒ Cả 3 cách mở bài đều gián tiếp, dẫn dắt tự nhiên, tạo được ấn tượng, sự lôi cuốn, hấp dẫn người đọc hướng tới đề tài.

c. Yêu cầu phần mở bài

– Thông báo chính xác, ngắn gọn về đề tài.

– Hướng người đọc (người nghe) vào đề tài một cách tự nhiên, gợi sự hứng thú với vấn đề được trình bày trong văn bản.

2. Viết phần kết bài: 

a. Tìm hiểu các kết bài

– Đề tài: Suy nghĩ của anh (chị) về nhân vật ông lái đò trong tuỳ bút Người lái đò Sông Đà (Nguyễn Tuân).

– Kết bài 1: không đạt yêu cầu. Phạm vi nội dung của phần kết quá rộng so với yêu cầu của đề bài, không chốt lại được vấn đề, không có những phương tiện liên kết cho | thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa kết bài và các phần trình bày trước đó của văn bản.

– Kết bài 2 phù hợp: nội dung phần kết liên quan trực tiếp đến vấn đề đã trình bày trong toàn bộ văn bản, có những nhận định đánh giá được vấn đề, có những phương tiện liên kết cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa kết bài và các phần trình bày trước đó của văn bản. .

b. Phân tích các kết bài

– Trong kết bài 1: người viết đã nêu nhận định tổng quát và khẳng định ý nghĩa của vấn đề đã trình bày: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập” đồng thời liên hệ mở rộng để làm rõ hơn khía cạnh quan trọng nhất của vấn đề “Toàn thể… độc lập ấy”.

– Trong kết bài 2: người viết đã nêu nhận định tổng quát bằng đoạn văn trước phần kết. Vì thế trong phần kết chỉ cần nhấn mạnh, khẳng định lại bằng một câu ngắn gọn “Hai đứa trẻ đã làm được điều này đồng thời liên hệ mở rộng và nêu nhận định khái quát: “Hơn thế… diệu kì”.

– Trong cả hai kết bài người viết đều dùng phương tiện liên kết biểu thị quan hệ chặt chẽ giữa kết bài và các phần trước đó của văn bản, dùng những dấu hiệu đánh dấu việc kết thúc quá trình trình bày vấn đề: Vì những lẽ trên… Hơn thế nữa…, Bây giờ và mãi mãi về sau… .

3. Phân tích kết bài

a. Yêu cầu phần kết bài

– Thông báo về sự kết thúc của việc trình bày đề tài, nêu đánh giá khái quát của người viết về những khía cạnh nổi bật nhất của vấn đề.

– Tóm lược những nội dung ở phần mở bài và được trình bày ở thân bài, đồng thời mở ra những vấn để tiếp nối để khơi gợi những suy nghĩ tình cảm của người đọc.

b. Một số lưu ý khi kết bài

– Kết bài không nên quá ngắn hay quá dài. 

– Kết bài đừng nêu một vấn đề hoàn toàn mới, khi phát triển chỉ nên bổ sung đại ý phần thân bài bằng một tư tưởng liên hệ với nó.

– Kết bài là kết quả tự nhiên của phần thân bài, có thể sử dụng câu thơ hay câu châm ngôn để kết lại vấn đề.

III. LUYỆN TẬP

1. So sánh sự giống và khác nhau của hai phần mở bài sau đây trong bài văn nghị luận về tác phẩm Ông già và biển cả với đề bài: “Cảm nhận của anh (chị) về số phận con người qua hình tượng ông lão đánh cá Xan-ti-a-gô trong tác phẩm Ông già và biến cả của nhà văn Ơ. Hê-minh-uê”.

* Mở bài 1:

– Giới thiệu trực tiếp vấn đề, ngắn gọn, khái quát về tác phẩm và nội dung cần nghị luận.

– Ưu điểm: nhấn mạnh ngay phạm vi vấn đề, nêu bật luận điểm quan trọng giúp người đọc tiếp nhận văn bản, nắm bắt cụ thể vấn đề.

* Mở bài 2:

– Giới thiệu nội dung bằng cách gợi mở vấn đề liên quan đến nội dung chính qua luận cứ, luận chứng.

– Ưu điểm: Giới thiệu vấn đề tự nhiên, sinh động tạo hứng thú cho người tiếp nhận.

2.

– Mở bài không đáp ứng yêu cầu vì chỉ tập trung giới thiệu về tác giả và những tác phẩm chính, không có sự đề cập đến vấn đề cần nghị luận của bài viết.

– Kết bài không đạt yêu cầu bởi không đánh giá vấn đề trung tâm của bài viết, có sự lan man sang những chủ đề khác, trùng lặp với mở bài.

3. Học sinh cần nắm vững yêu cầu của mở bài, kết bài.

Lưu ý học sinh các lỗi cần tránh sau đây:

– Mở bài: Nêu nhiều thông tin về tiểu sử tác giả, sự nghiệp sáng tác quá rườm rà, không làm nổi bật đề tài.

– Kết bài: Chỉ tóm tắt ý ở thân bài mà không nêu được sự đánh giá quan trọng, chưa gợi được sự liên tưởng.

– Cần sử dụng các phương tiện ngôn ngữ để liên kết ý giữa các phần để văn bản được mạch lạc.

Đề 1.

Mở bài:

   Sóng được in trong tập Hoa dọc chiến hào, xuất bản năm 1968 của nữ nhà thơ tình nổi tiếng Xuân Quỳnh. Bài thơ nói về tâm trạng, tình yêu mãnh liệt của người con gái khi yêu. Hãy đến với bài thơ bằng nhạc điệu, bài thơ là âm điệu của một cõi lòng bị sóng khuấy động, đang rung lên đồng điệu đồng nhịp với sóng biển. Rạo rực đến xôn xao, khát khao đến khắc khoải, có một hình tượng sóng được vẽ lên bằng âm điệu, một âm điệu dập dồn, chìm nổi, miên man như hơi thở chạy suốt cả bài.

   Kết bài:

   Đọc xong bài thơ Sóng ta càng ngưỡng mộ hơn phụ nữ Việt Nam, những con người luôn thủy chung, luôn sống hết mình vì một tình yêu. Xuân Quỳnh xứng đáng là một nhà thơ nữ của tình yêu lứa đôi, bà đã làm phong phú hơn cho nên thơ nước nhà.

Đề 2.

   Mở bài:

   Trong những năm tháng đen tối của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, khi đất nước Pháp bị quân phát xít giày xéo, quân đội Đồng Minh đã liên tục dùng máy bay rải những vần thơ Tự do cháy bỏng của Pôn Ê-luy-a để động viên nhân dân chống quân thù. Tại sao bài thơ ấy lại kỳ diệu đến vậy? Bởi Tự do đã thể hiện sâu sắc tình yêu và khát vọng đối với tự do của hàng triệu con người đang trong vòng bi phẫn.

   Kết bài:

   Viết về bài thơ Tự do, Ê-luy-a đã cất lên tiếng hát khao khát tự do mãnh liệt, thiêng liêng của một con người, của một công dân trên đất nước bị kẻ thù giày xéo. Tình cảm tha thiết của thi sĩ với tự do phải được hiểu là tâm sự yêu nước, lòng khát khao tự do cho bản thân và lớn hơn nữa là tự do cho đồng bào, dân tộc. Khi ấy, cái tôi trữ tình trở nên vĩ đại và cao thượng vô cùng.

Đề 3. 

Mở bài:

   Vợ chồng A Phủ là truyện thành công nhất trong tập Truyện Tây Bắc của Tô Hoài. – Trong truyện này, nhân vật Mị có hồn hơn cả. Mị có hai mặt tưởng như đối lập nhưng thực ra lại rất thống nhất. Mặt thứ nhất là Mị bị chà đạp nặng nề đã sinh ra buồn rầu và dần dần sinh ra cam chịu, mất cả sức sống. Mặt thứ hai là ngay trong tình trạng đó, Mị vẫn “cựa quậy”, vẫn tiềm tàng, tiềm ẩn một sức sống để từ đó bước vươn dậy và cuối cùng phá cũi tháo xiềng và tìm lại được lẽ sống cho mình. Hành động cắt dây trói cho A Phủ và cùng A Phủ trốn khỏi nhà thông lí Pá Tra là hành động bùng nổ của Mị.

   Kết bài:

   Tô Hoài đã miêu tả diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị rất tự nhiên, hợp lý và chân thực. Không thấy diễn biến tâm trạng của nhân vật sẽ không hiểu được hành động của nhân vật đó. Hành động cuối cùng của Mị – cởi trói cho A Phủ – có vẻ bất ngờ nhưng lại hợp với quy luật tâm lý con người, quy luật của cuộc sống. Nhà văn không chỉ đem đến cho bạn đọc những nhân vật biết hành động mà quan trọng hơn là vì sao có hành động ấy. Tô Hoài đã rất thành công khi xây dựng một nhân vật có sức sống bên trong mãnh liệt đăng sau khuôn mặt vô hồn, vô cảm của Mị. Bởi vậy, có người đã xem đây là “một nhân vật thành công bậc nhất trong văn xuôi cách mạng đương đại Việt Nam ” ( Trần Đình Sửu).

Nguồn website giaibai5s.com

Tuần 26: Rèn luyện kỹ năng mở bài, kết bài trong bài văn nghị luận
Đánh giá bài viết