I. ĐỀ BÀI

1. Trong truyện Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi có nêu lên quan niệm: “Chuyện gia đình cũng dài như sông, mỗi thế hệ phải ghi vào một khúc. Rồi trăm con sống của gia đình lại cùng đổ về một biển, mà biển thì rộng lắm […], rộng bằng cả nước ta và ra ngoài cả nước ta”.

   Anh (chị) có cho rằng trong thiên truyện của Nguyễn Thi quả đã có một dòng sông truyền thống liên tục chảy từ những lớp người đi trước: tổ tiên, ông cha, cho đến lớp người đi sau: chị em Chiến và Việt?

2. Phân tích hình ảnh thơ mộng, trữ tình của những dòng sông Việt Nam qua hai bài tuỳ bút Người lái đò Sông Đà (Nguyễn Tuân) và Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường).

3. Về một truyện ngắn trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam mà anh (chị) yêu thích.

II. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI .

Đề 1.

Bài viết cần có những ý cơ bản sau:

1. Chuyện gia đình cũng dài như sông, mỗi thế hệ phải ghi vào một khúc.

Có thể hiểu: 

– Chỉ được coi là con của gia đình những ai đã ghi được, làm được “khúc” của mình trong dòng sông truyền thống. Con không chỉ là sự tiếp nối huyết thống mà phải là sự tiếp nối truyền thống.

– Không thể hiểu khúc sau của một dòng sông nếu không hiểu ngọn nguồn đã sinh ra nó. Cũng như vậy, ta chỉ có thể hiểu những đứa con (Chiến, Việt) khi hiểu truyền thống gia đình đã sinh ra những đứa con ấy.

Chứng minh:

– Truyền thống ấy chảy từ các thế hệ ông bà, cha mẹ, cô chú đến những đứa con, mà kết tinh ở hình tượng chú Năm:

+ Chú Năm không chỉ ham sông biển mà còn ham đạo nghĩa. Trong con người chú Năm phảng phất cái tinh thần Nguyễn Đình Chiểu xa xưa.

+ Chú Năm là một thứ gia phả sống luôn hướng về truyền thống, sống với truyền thống, đại diện cho truyền thống và lưu giữ truyền thống (trong những câu hò, trong cuốn sổ gia đình). .

– Hình tượng người mẹ cũng là hiện thân của truyền thống:

+ Một con người sinh ra để chống chọi với gian nguy, khó nhọc “cái gáy đo đỏ, đôi vai lực lưỡng, tấm áo bà ba đẫm mồ hôi”, “người sức mùi lúa gạo” thứ mùi của đồng áng, của cần cù mưa nắng.

+ Ấn tượng sâu đậm nhất là khả năng ghìm nén đau thương để sống, để che chở cho đàn con và tranh đấu.

+ Người mẹ không biết sợ, không chùn bước, kiên cường và cao cả.

– Những đứa con, sự tiếp nối truyền thống:

+Chiến mang dáng vóc của mẹ, cách nói y hệt mẹ.

+ So với thế hệ mẹ thì Chiến là khúc sống sau. Khúc sống sau bao giờ cũng chảy xa hơn khúc sông trước. Người mẹ mang nỗi đau mất chồng nhưng chưa có dịp cầm súng, còn Chiến mạnh mẽ quyết liệt, ghi tên đi bộ đội cầm súng trả thù cho ba má.

+ Việt, chàng trai mới lớn, lộc ngộc, vô tư. 

+ Chất anh hùng ở Việt: không bao giờ biết khuất phục; bị thương chỉ có một mình vẫn quyết tâm Sống mái với kẻ thù. 

+Việt đi xa hơn dòng sông truyền thống: không chỉ lập chiến công mà ngay cả khi bị thương vẫn là người đi tìm giặc. Việt chính là hiện thân của sức trẻ tiến công.

2. Rồi trăm con sông của gia đình lại cùng đổ về một biển, “mà biển thì rộng lắm […], rộng bằng cả nước ta và ra ngoài cả nước ta”.

– Điều đó có nghĩa là: từ một dòng sông gia đình nhà văn muốn ta nghĩ đến biển cả, đến đại dương của nhân dân và nhân loại.

– Chuyện gia đình cũng là chuyện của cả dân tộc đang hào hùng chiến đấu bằng sức mạnh sinh ra từ những đau thương.

Đề 2

1. Xác định lại yêu cầu bài viết:

– Xác định yêu cầu đề:

– Kiểu bài: Nghị luận văn học.

– Luận đề: Hình ảnh thơ mộng trữ tình của những dòng sông Việt Nam.

– Phạm vi tư liệu: Hai bài tuỳ bút Người lái đò sông Đà và Ai đã đặt tên cho dòng sông?.

– Yêu cầu chung của bài viết: Vận dụng được các tri thức và kĩ năng đã học viết được bài văn nghị luận văn học.

2. Xây dựng lại dàn ý:

Trên cơ sở những yêu cầu đã xác định, tập thể lớp cùng xây dựng lại dàn ý.

Mở bài:

Giới thiệu về vẻ đẹp thơ mộng trữ tình của những dòng sông Việt Nam nói chung và vẻ đẹp của sông Đà và sông Hương qua hai bài tuỳ bút.

Thân bài:

– Thế nào là vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình…

– Phân tích vẻ đẹp thơ mộng trữ tình của sông Đà qua tuỳ bút Người lái đò sông Đà: vẻ đẹp mơ màng khi nhìn từ trên máy bay nhìn xuống, từ góc nhìn của người đi rừng ở bờ sông ra, từ cái nhìn của người đi đò với vẻ đẹp hai bên bờ sông…

– Phân tích vẻ đẹp thơ mộng trữ tình của sông Hương qua tuỳ bút Ai đã đặt tên cho dòng sông?: vẻ đẹp của sóng lúc ở rừng già, khi ra khỏi rừng, lúc qua hai dãy đồi sừng sững như thành quách, khi qua vùng ngoại ô Kim Long, khi đến thành phố, khi ra khỏi thành phố còn quay lại….

– Nét riêng và nét chung của hai bài tuỳ bút:

+ Giống nhau: Hình ảnh hai dòng sông đều thơ mộng và trữ tình, tác phẩm đều được viết bằng thể tuỳ bút mang đậm dấu ấn chủ quan của nhà văn, hai tác phẩm đều thành công.

+ Khác nhau: Hình ảnh mỗi dòng sông đều có vẻ đẹp riêng. Sông Đà gắn với thiên nhiên và con người Tây Bắc… Sông Hương gắn với kinh thành Huế và con người xứ Huế…

– Hai nhà văn sở dĩ viết thành công về đề tài này bởi họ có tình yêu đối với dòng sông, yêu quê hương xứ sở, và rộng hơn là tình yêu Tổ quốc. 

Kết bài: 

– Nêu đánh giá chung về vẻ đẹp thơ mộng trữ tình của hai con sông qua bài tuỳ bút , nói riêng và những dòng sông Việt Nam nói chung.

– Tình yêu, lòng tự hào tha thiết của các tác giả dành cho dòng sông, cho đất nước gợi lòng yêu Tổ quốc ở mỗi con người.

Đề 3. 

1. Mở bài: Giới thiệu tác phẩm (hoặc đoạn trích) và nêu ý kiến đánh giá sơ bộ của mình.

2. Thân bài:

– Nêu các luận điểm chính về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm (hoặc đoạn trích).

– Có phân tích, chứng minh bằng các luận cứ tiêu biểu, xác thực.

3. Kết bài: Nêu nhận định, đánh giá chung của mình về tác phẩm (hoặc đoạn trích).

* Yêu cầu:

– Các luận điểm, luận cứ cần thể hiện sự cảm thụ và ý kiến riêng của người viết về tác phẩm.

Giữa các phần, các đoạn của bài văn cần có sự liên kết hợp lí và tự nhiên.

Nguồn website giaibai5s.com

 

Tuần 23: Viết bài làm văn số 6: Nghị luận văn học (bài làm ở nhà)
Đánh giá bài viết